Mái nhà chung Tuổi trẻ Thủ đô

05:08 | 08/04/2016
Tôi đã có hơn 12 năm gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô, tính từ sau khi tốt nghiệp đại học. Trong số hàng loạt bài viết của tôi với các thể loại báo chí: Ghi chép, phỏng vấn, tường thuật, phản ánh, phóng sự... tôi nhớ nhất là bài phóng sự "Gian nan cái chữ vùng cao" (năm 2003). Đó là lần tôi được Ban Biên tập báo cử đi công tác cùng đoàn sinh viên tình nguyện 14 ngày đêm tại xã Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai do Thành đoàn Hà Nội tổ chức trong chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện - 2003. Tôi đã gặp gỡ và ghi nhận được những chia sẻ của các cô giáo dưới xuôi, trụ trên vùng núi... Sau khi đăng bài, tôi đã gửi báo qua đường bưu điện, tặng các cô giáo.

Mái nhà chung Tuổi trẻ Thủ đô

Tôi đã có hơn 12 năm gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô, tính từ sau khi tốt nghiệp đại học. Trong số hàng loạt bài viết của tôi với các thể loại báo chí: Ghi chép, phỏng vấn, tường thuật, phản ánh, phóng sự... tôi nhớ nhất là bài phóng sự "Gian nan cái chữ vùng cao" (năm 2003). Đó là lần tôi được Ban Biên tập báo cử đi công tác cùng đoàn sinh viên tình nguyện 14 ngày đêm tại xã Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai do Thành đoàn Hà Nội tổ chức trong chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện - 2003. Tôi đã gặp gỡ và ghi nhận được những chia sẻ của các cô giáo dưới xuôi, trụ trên vùng núi... Sau khi đăng bài, tôi đã gửi báo qua đường bưu điện, tặng các cô giáo.

Mái nhà chung Tuổi trẻ Thủ đô

Nhà báo Quang Anh

Bẵng đi chừng 3 tháng, một cô giáo đã viết thư tay gửi về tòa soạn cho tôi, khoe là nhờ bài báo đó mà có anh chiến sĩ biên phòng ở Lào Cai đọc được, đã liên hệ với cô, làm quen, yêu nhau và hai người chuẩn bị làm đám cưới. Tôi đã rất vui, cảm động và mừng cho cô giáo khi đọc những dòng thư đó.

Suốt quãng thời gian 12 năm làm ở báo Tuổi trẻ Thủ đô, tôi đã được thử sức ở nhiều phòng, ban: Ban Thanh niên, Ban Kinh tế, Ban Văn hóa - Xã hội, nhưng gắn bó lâu nhất vẫn là Ban Thư kí tòa soạn với nhiệm vụ biên tập viên.

Trong giới làm báo vẫn truyền nhau câu nói về những người làm công việc tòa soạn, rằng đó là những người "công ít, tội nhiều". Có câu nói đó là bởi những người biên tập viên sẽ phải ngồi một chỗ, làm tốt chẳng ai biết, sót lỗi thì bị đồng nghiệp trách móc, cấp trên phê bình.

Tổng biên tập tiền nhiệm Nguyễn Quang Hòa - người từng có ngót hai chục năm làm cán bộ tòa soạn báo Hà Nội mới - cho rằng: Môi trường tòa soạn là nơi rèn giũa và bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên một cách nhanh nhất. Nhận định đó rất đúng bởi qua những năm tháng làm việc tại Ban Thư kí tòa soạn, chúng tôi đã lĩnh hội được thêm rất nhiều về kĩ năng chuyên môn. Ngoài những kiến thức nền đã nắm được từ trước, qua công việc tòa soạn, biên tập viên sẽ có thể đúc rút kinh nghiệm nghề cho mình thông qua sự tổng hợp tin, bài của phóng viên và cộng tác viên; bắt buộc phải thuộc làu chức danh của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; bài nào phải lên trên, bài nào phải xuống dưới, bài nào sang trái, bài nào sang phải...

Có thể nói, biên tập là một công việc hết sức thầm lặng mà ngay đến cả tác giả bài viết cũng ít khi chú ý, hình dung được bài mình đã được chỉnh sửa rồi mới lên trang báo như thế nào.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô ra cách nhật, vào những ngày thứ hai, tư, sáu. Tiếng là các nhân viên Ban Thư kí được nghỉ bù vào các ngày còn lại nhưng đôi khi, việc đó chỉ là trên danh nghĩa. Việc phối hợp giữa tòa soạn báo với nhà in đã được thu gọn, tiện ích bởi ứng dụng đường truyền FTP. Sau khi hoàn thành các khâu thiết kế, tổng duyệt... họa sĩ chỉ việc xuất file sang PDF rồi gửi toàn bộ thông tin của số báo sang nhà in qua đường truyền FTP. Đấy là sự tiến bộ của công nghệ trong khoảng 5 - 6 năm gần đây chứ trước kia, chúng tôi thường phải copy toàn bộ nội dung, ảnh... vào đĩa CD, mang sang nhà in rồi chầu chực ở đó đợi tới khi in xong. Vào hôm làm báo, anh em chúng tôi thường về tới nhà vào lúc nhiều người dân bắt đầu đi tập thể dục buổi sáng. Chợp mắt được một lúc, anh em Ban Thư kí lại phải đến tòa soạn vì thiếu nhân sự, không có người thay ca như nhiều tờ báo bạn. Chúng tôi không tránh khỏi việc bị vợ con cằn nhằn.

Giờ đây, tôi được Ban Biên tập phân công phụ trách Ban Văn hóa Xã hội. Bao năm cho chân vào gầm bàn với máy lạnh, quay trở lại nghề viết cũng khiến tôi bị lóng ngóng mất ít bữa. Tôi thấy mình có phần may mắn hơn các phóng viên khác là đã thấu hiểu được nỗi vất vả của biên tập viên, sự cáu giận ngoài ý muốn của biên tập viên khi phát hiện sự sai lỗi, thiếu logic trong chi tiết bài viết của phóng viên. Qua đó, tôi và anh chị em trong ban chuyên môn luôn tự nhủ, nhắc nhở nhau phải cẩn thận và có trách nhiệm với tin bài của mình trước khi nộp về tòa soạn.

Hiện giờ, báo Tuổi trẻ Thủ đô đang vững bước trên hành trình làm báo với sự quan tâm trực tiếp của thành phố, Thành đoàn Hà Nội và các sở, ban, ngành. Trang thiết bị, máy móc được nâng cấp, việc làm báo của phóng viên, nhân viên cũng theo đó mà tốt hơn, hiệu quả hơn.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô bước sang mùa xuân thứ 30. Lớp phóng viên trẻ chúng tôi được gặp gỡ, lắng nghe những sẻ chia cùng niềm tự hào của các cán bộ, phóng viên qua các thế hệ đi trước. Sự nhiệt tình, chân thành của các bác, các cô, các chú đã truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi, để từ đây, chúng tôi tiếp tục vững bước trên con đường nghề.

Quang Anh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/