Cái thủa ban đầu thương nhớ ấy

05:12 | 08/04/2016
Gặp ông Nguyễn Trọng Tân - Phó Tổng biên tập đầu tiên của báo Tuổi trẻ Thủ đô không khó. Cái khó là dịp đầu năm mới này ông luôn tất bật với thơ, văn và các lễ hội. Tôi đã có cuộc trò chuyện với ông tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào hôm khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2015, được nghe ông kể lại kỉ niệm về những ngày tháng gắn bó cùng báo Tuổi trẻ Thủ đô từ những số báo đầu tiên...

Cái thủa ban đầu thương nhớ ấy

Gặp ông Nguyễn Trọng Tân - Phó Tổng biên tập đầu tiên của báo Tuổi trẻ Thủ đô không khó. Cái khó là dịp đầu năm mới này ông luôn tất bật với thơ, văn và các lễ hội. Tôi đã có cuộc trò chuyện với ông tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào hôm khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2015, được nghe ông kể lại kỉ niệm về những ngày tháng gắn bó cùng báo Tuổi trẻ Thủ đô từ những số báo đầu tiên...

Cuối năm 1975 từ chiến trường về, tôi bắt đầu gắn bó với nghề dạy học, làm báo và viết văn. Hơn bốn năm làm cán bộ giảng dạy tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội và trường đại học Tổng hợp Phnômpênh (Campuchia), tháng 2 năm 1984 tôi được Thành đoàn Hà Nội mời về để chuẩn bị xuất bản tờ báo Tuổi trẻ Thủ đô. Đến hôm nay dù đã qua 42 năm làm báo (từ năm 1973), trải qua nhiều công việc, cương vị trong nghề nhưng ấn tượng sâu đậm nhất của tôi vẫn là những năm tháng chuẩn bị ra mắt báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Cái thủa ban đầu thương nhớ ấy

Đoàn công tác của báo TTTĐ và các CTV về mỏ than của Tổng đội thanh niên xung phong Hà Nội, tại Cửa Ông, Quảng Ninh, tháng 8 năm 1984 (Từ trái sang, các nhà báo: Thu Hồng - Đài PTTH Hà Nội; Đỗ Quảng - Báo Nhân dân; Minh Triết – báo Hà Nội mới, Nguyễn Trọng Tân và lái xe)

Những người mở nghiệp

Lúc đó Hà Nội mới chỉ có tờ Hà Nội mới, Đài phát thanh – truyền hình Hà Nội và tờ An ninh Thủ đô. Vậy đó mà đã 30 năm rồi.

Lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội là những người rất sớm có ý thức chuẩn bị cho việc ra đời cơ quan ngôn luận của mình. Từ ngày 26/3/1982, Thành đoàn đã có công văn xin phép các cơ quan cấp trên cho ra mắt tờ tin “Tuổi trẻ Thủ đô”. Tờ tin ra được 16 số, khổ nhỏ, phát hành nội bộ. Đây chính là tiền đề cho tờ TTTĐ sau này. Phải nói người có công lớn nhất cho việc ra đời báo TTTĐ không ai khác chính là Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lưu Minh Trị. Suốt ba năm, từ năm 1982 đến hết năm 1984, anh Trị đã kí hàng chục công văn gửi các cơ quan Đảng, Trung ương Đoàn và Thành ủy Hà Nội xin xuất bản báo TTTĐ. Anh còn viết thư tay tới nhiều tờ báo Trung ương và Hà Nội, các cơ sở in ấn, phát hành… nhờ giúp về nội dung, in, quảng bá cho tờ tin và tờ báo sau khi nó được chính thức ra đời. Đến nay, tôi vẫn còn trân trọng lưu giữ những bức thư, những ý kiến viết tay đầy chân tình của anh cho từng số báo và gợi ý cho số tiếp theo.

Năm 1984, Tòa soạn báo TTTĐ được thành lập. Lãnh đạo báo gồm ba người do anh Nguyễn Quốc Triệu, Phó Bí thư Thành đoàn làm Tổng biên tập. Hai Phó Tổng biên tập là anh Lê Đình Cường, Trưởng ban Tuyên huấn và tôi, Phó ban Tuyên huấn, kiêm phụ trách Tòa soạn. Tòa soạn ban đầu chỉ có 6 cán bộ, nhân viên thuộc cơ quan Thành đoàn được điều động về làm phóng viên ảnh, họa sĩ trình bày, nhân viên hành chính, đánh máy, phát hành… Hầu hết đều chưa từng làm báo. Thời điểm chính thức ra mắt TTTĐ mới có 11 cán bộ, phóng viên, nhân viên. Do quy định rất chặt chẽ khi đó nên Ban biên tập 3 người thì có tới 2 người kiêm nhiệm. Trên thực tế tôi là người được giao quán xuyến toàn bộ công việc của báo; Lo từ xây dựng đề cương, đặt vẽ măng sét, tổ chức bài vở, xây dựng đội ngũ CTV, biên tập, in ấn và phát hành… Công việc giống như một Tổng biên tập các báo ngày nay.

Đội ngũ thì như thế còn cơ sở vật chất rất sơ sài. Tòa soạn ở một phòng vốn là cái kho của Thành đoàn rộng chưa đến 10m2. Cuối năm 1984, xin được ra ở căn phòng khoảng 20m2. Từ máy ảnh, máy chữ đến bàn ghế, ấm chén đều xin của Thành đoàn và mua sắm bằng tiền lãi của các số báo sau này.

Ngày 26/11/1984, Ban Tuyên huấn Trung ương trong công văn số 1129/TH- TW chấp thuận cho phép Thành đoàn Hà Nội xuất bản tờ báo TTTĐ. Ngày 6/2/1984, Cục Xuất bản và Báo chí có giấy phép số 270/XB-BC cấp giấy phép xuất bản báo chí tạm thời cho báo TTTĐ; Được phép hoạt động từ 1/1/1985. Số thử nghiệm của giấy phép tạm thời là số xuân Ất Sửu (đánh số 30, 31). Đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có thư chúc mừng số báo đầu tiên theo giấy phép chính thức của báo TTTĐ là ngày 26/3/1985. Một tờ báo tươi mới đánh dấu sự ra đời của TTTĐ. Số này phát hành tới 3 vạn bản. Thật mừng là đã bán hết, lãi 30.000 đồng, một khoản tiền lớn vào thời điểm đó.

Cái thủa ban đầu thương nhớ ấy

Nhà vănNguyễn Trọng Tân

Chuyện “bếp núc” thật thương

Ra đời trong thời điểm khó khăn nhất của thời kì bao cấp, báo TTTĐ phải gắng gỏi vừa làm vừa học để trụ vững. Tháng 3/1984, báo TTTĐ bắt đầu ra thử nghiệm. Khổ 29 x 42cm (đánh số 17) tiếp nối truyền thống 16 số của tờ tin. Sau 10 tháng tập dượt, xuất bản được 13 số, lượng in 20.000 tờ/kì, giá bán 2,5 đồng, TTTĐ đã được bạn đọc hồ hởi đón nhận.

Ngay từ lúc thử nghiệm, TTTĐ đã thực hiện hạch toán báo sổ. Tòa soạn được Thành đoàn cho vay 125.000 đồng tiền séc để mua 2,5 tấn giấy in. Tiền thu từ phát hành trả dần khoản vay của Thành đoàn. Nếu lỗ thì Thành đoàn bù lỗ nhưng rất vui là báo chỉ lỗ 2 số đầu. Cuối năm 1984, tôi báo cáo Thường vụ Thành đoàn về hoạt động của TTTĐ. 11 số cuối năm ấy báo đã thu lãi được 87.552,27 đồng.

Đời sống của người làm báo TTTĐ cực kì khó khăn nhưng rất vui. Tôi nhiều lần đề xuất với Thành đoàn phụ cấp tiền xe đạp cho cán bộ, phóng viên, nâng cao tiền nhuận bút cho CTV… Nay giở lại hồ sơ cũ, tôi gặp chuyện xưa thấy vui vui. Trước Quốc khánh năm 1984, Thành ủy Hà Nội tặng quà cho cán bộ, nhân viên tòa soạn. Ai cũng được nhận, riêng họa sĩ Mộng Hải không có tên. Ngày 30/8/1984, tôi làm công văn gửi Thường trực Thành đoàn với nội dung: “Đồng chí Nguyễn Mộng Hải nhận quyết định về báo TTTĐ từ tháng 7/1984 nhưng chưa đăng kí được quỹ lương vì thế không được nhận quà của Thành ủy. Vậy Tòa soạn kính đề nghị Thường trực xem xét giải quyết chế độ cho đồng chí Mộng Hải”.

Vâng. Chuyện làm báo thời ấy là như thế. Nhưng chúng tôi đã say mê, hết mình với công việc, góp phần đặt những viên gạch đầu tiên làm nên tờ TTTĐ. Sự trưởng thành của báo hôm nay khiến chúng tôi rất vui mừng và tự hào có chút công lao nhỏ bé thủa ban đầu.

Tình cảm của đồng chí Bí thư Thành đoàn là thế, của các CTV và bạn đọc là thế dù phải trải qua biết bao thử thách, ngỡ ngàng và cả những quan niệm khô cứng, thiếu chuyên môn ngay trong chính nội tại… những người làm báo TTTĐ giai đoạn đầu vẫn hoàn thành nền móng cho tờ TTTĐ vươn lên như ngày hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân

Nguyễn Trọng Tân, Nhà văn, nhà báo; Sinh năm 1949.

Mười một năm tham gia quân đội, nhiều năm chiến đấu tại chiến trường B, C. Sau năm 1975, về học và nhận công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đầu năm 1984, về nhận công tác tại thành đoàn Hà Nội. Đến nay ông đã trải qua 42 năm làm báo, 32 năm viết văn.

Công việc đã trải qua: Thư kí tòa soạn báo Thông tin, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thư kí tòa soạn báo Người Hà Nội, Phó Tổng biên tập báo Thanh tra, Tổng biên tập báo Dân tộc phát triển, Quyền Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Hà Nội khóa I, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm văn học: Đã xuất bản 14 đầu sách (gồm: 3 tập tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 6 tập bút kí, phóng sự). Ông đã được nhận một số giải thưởng của Hà Nội; Giải thưởng của Liên hiệp Toàn quốc Văn học – Nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng văn học sông Mê Kông ....

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/