Xây trụ sở ngàn tỷ ở Hải Dương: Vung tay quá trán

05:19 | 08/04/2016
Quốc lộ 5 đường xuôi thành Đông (Hải Dương), câu chuyện về những đề xuất chi cả ngàn tỷ để xây dựng trụ sở vẫn còn nóng ran, cho dù những ngày này tiết trời khá lạnh. Nên hay không, cần hay không cần, đấy là câu chuyện còn ở phía trước nhưng lòng chúng tôi trĩu nặng hơn khi nghe những câu chuyện hết sức tấc lòng của người dân.

Xây trụ sở ngàn tỷ ở Hải Dương: Vung tay quá trán

Quốc lộ 5 đường xuôi thành Đông (Hải Dương), câu chuyện về những đề xuất chi cả ngàn tỷ để xây dựng trụ sở vẫn còn nóng ran, cho dù những ngày này tiết trời khá lạnh. Nên hay không, cần hay không cần, đấy là câu chuyện còn ở phía trước nhưng lòng chúng tôi trĩu nặng hơn khi nghe những câu chuyện hết sức tấc lòng của người dân.

Xây trụ sở ngàn tỷ ở Hải Dương: Vung tay quá trán

Dân than

Nút chợ ngã 6 Thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vốn sầm uất, nhưng ban đêm do trời rét nên người đi lại lác đác. Nhưng bên một con ngõ nhỏ, sát trung tâm vẫn còn quán chè chén le lói ánh đèn. Chủ nhân của quán đã quá cái tuổi cổ lai hy rồi, vẫn co ro ngồi "hóng” khách.

Gọi chén nước trà, làm quen, được biết, chủ nhân của quán vỉa hè ấy có tên Nguyễn Thị Thân. Bà Thân quê gốc Gia Lộc, lên "đánh đu” với TP Hải Dương trước còn là thị xã bằng nghề giáo viên. Nhu mì, không ác khẩu vốn là tố chất của những giáo viên thế hệ đó.

Ấy mà khi được hỏi về vấn đề tỉnh sắp xây trụ sở mới, bà hết cơn ngái ngủ, hết cả co ro, thoáng hoạt hẳn lên. Bà khôi hài, các chú hỏi tôi sao bán trà khuya thế hử? Bán để có thuế mà nộp, để tỉnh còn có tiền mà xây trụ sở để cho lãnh đạo có cơ sở vật chất lo việc cho dân cho nước chứ?!

Rồi bà lại chẹp miệng, chả biết các bác ấy nghĩ thế nào. Kinh tế suy giảm, cả xã hội đang "thắt lưng buộc bụng”, lo ăn, chả dám đầu tư xây cất cái gì thì chẳng hiểu sao các bác ấy lại nghĩ dồn tiền để xây trụ sở. Mà cái trụ sở đang làm việc, tôi chưa đặt chân đến bao giờ, thấy bảo vẫn tốt lắm, hoành tráng lắm, sao lại phải xây nhỉ?

Ngày 19-11, phóng viên Đại Đoàn Kết đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, cụ thể là các ông Nguyễn Mạnh Hiển- Chủ tịch UBND tỉnh và ông Hoàng Mai Khương- Chánh văn phòng UBND tỉnh về nội dung trên. Tuy nhiên, chúng tôi không trao đổi được thông tin và cuối cùng là đang … bận họp.

Một lãnh đạo tỉnh Hải Dương (xin giấu tên) cho biết, trong thời điểm kinh tế suy thoái, ngân sách đang "giật gấu vá vai” thế này, thì việc xây trụ sở hơn 2.000 tỷ là chưa đúng thời điểm, người dân chắc chắn không đồng tình. Vì nếu tính tất tần tật các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và dân sinh, mỗi năm tỉnh Hải Dương cũng mới tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, thì việc xây trụ sở mới (đó là chưa nói các trụ sở cũ vẫn có thể dùng tốt đến cả vài ba chục năm nữa) với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng (nếu ngân sách Trung ương "gánh” cho một nửa) cũng đã là quá lớn, quá sức với một tỉnh như Hải Dương…

Chập sáng, tìm vào nhà Luật sư Nguyễn Văn Năm, ông tỉnh như sáo ra đón cửa. Hỏi, sao dậy sớm thế, không chút suy tính, ông bảo, không ngủ được cả tuần nay rồi. Phấp phỏm lo xem các bác ấy có "quyết” xây trụ sở hay không. Xây thì lấy đâu ra tiền, chắc lại tiền ngân sách thôi, mà dân đang khó khăn quá rồi.

Luật sư Năm vốn là lính biên phòng Lai Châu, ngày còn gọi là công an vũ trang từ những năm bảy mấy của thế kỉ 20. Chôn đất ngang người, nằm sương, nằm gió, tiễu phỉ, về hưu, ông muốn tĩnh dưỡng lắm. Nhưng về quê, lắm chuyện bức xúc, trái luật, do các cấp công quyền gây ra, ông đành phải đi học Luật, về mở văn phòng giúp dân.

Ông Năm bảo, đồng thuận của dân ở đất Hải Dương lâu nay đã lắm vấn đề lắm rồi. Vụ mở rộng đường ở phường Thanh Bình chưa xong, vụ khu đô thị phía Nam còn mấy ông quan tỉnh dính án chưa về… lại đến việc lấy đất nghĩa trang của dân để kinh doanh nhà, nay lại chuyện xây mới trụ sở. Dân cứ như ngồi trên lửa!

Trưa, chếch mé Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Văn Vui, một cựu chiến binh vẫn cắm cúi cùng tờ báo trên tay. Hỏi, ông bảo cả tuần nay cứ theo dõi xem báo chí đưa "cái vụ” xây trụ sở của tỉnh thế nào rồi. Trụ sở cũ vẫn đàng hoàng lắm, sao lại phải xây mới, vẫn chật chội à? Các cụ nhà mình xưa, lán lá, chiến khu gió ngàn, củ sắn, củ khoai lót dạ có cần trụ sở hiện đại đàng hoàng đâu?! Ấy thế mà vẫn được cả triệu dân ủng hộ, vẫn lấy và giành được độc lập cho Tổ quốc mà…!

Xây trụ sở ngàn tỷ ở Hải Dương: Vung tay quá trán

Nhiều trụ sở của Hải Dương vẫn còn rất hoành tráng

Những "công dân hạng ba” trên đất "trụ sở vàng”

Để có mặt bằng xây dựng trung tâm được mệnh danh là "trụ sở hành chính ngàn tỷ” này sẽ có gần 24ha đất sẽ bị xung công quỹ, trong đó có cư dân với tên gọi cũ là xóm Gốc Mít, nay là Khu dân cư số 9, phường Trần Phú, TP Hải Dương. Đường vào xóm Gốc Mít, quạnh hiu, vá víu và càng ủ uột hơn trong những ngày gió bấc này.

Câu chuyện vỉa hè của người dân TP Hải Dương cũng như toàn tỉnh này đã buồn, vào xóm Gốc Mít thì chuyện càng buồn và bức xúc hơn. Nhiều người có tý chữ, văn vẻ ở đây luôn tự nhận mình là "công dân hạng ba” vì quyền cư trú và mức độ "hưởng thụ” về chỗ ở của nhà mình chỉ có vậy.

Để có mặt bằng hoành tráng, chưa kể đến số tiền "vật vã” trong thời bão giá này, 70 hộ dân ở đây đã nhiều đời ở đây phải chấp nhận cảnh vá víu, ăn nhờ ở đâu với quy định không được xây dựng nhà kiên cố và nguy cơ bị chính quyền… đuổi đi bất cứ lúc nào.

Ngoài những hạng mục xây dựng "trụ sở nghìn tỉ”, đã có một phần không nhỏ đất được cắt ra chia làm 26 lô biệt thự rồi bán đấu giá. Mỗi lô có diện tích từ hơn 200m2 đến gần 400m2. Khu đất này nằm trên đường Trương Đỗ. Nhiều chuyên gia bất động sản khẳng định, nếu "trụ sở nghìn tỉ” được xây thì giá trị của lô đất này có thể được nâng lên gấp nhiều lần và sẽ là cơ hội của người có tiền trong đó không thể không kể đến các lãnh đạo của tỉnh.

Chia sẻ, bà Nguyễn Thị Bút rớm lệ, sụt sùi: Dân chúng tôi ở đây từ những năm "bảy mấy” đấy. Nhưng có được xây dựng kiến thiết và được chính quyền ngó ngàng đến cái gì đâu. Nhà xây toàn từ 30 năm trước nhưng không được tu sửa. Dột nát hết rồi, có đơn thì lại bảo đang nằm trong quy hoạch. Quy hoạch thì quy hoạch đi, tạo chỗ tái định cư cho dân, để dân ổn định chỗ ở chứ cứ dột nát mãi thế này sao được?!

Tìm hiểu được biết, những năm 1974 - 1975, thấy ao hồ, thùng vũng, chẳng ai ngó ngàng nên dân đã kéo nhau về đây san lấp mặt bằng, tạo dựng chỗ ở. Bỏ bê mãi, cách đây gần 10 năm, xóm Gốc Mít phong thanh nghe chính quyền đưa vào làm nơi quy hoạch. Mọi nhu cầu đành gác lại và… nơm nớp chờ chủ trương.

Xây trụ sở ngàn tỷ ở Hải Dương: Vung tay quá trán

Cư dân xóm Gốc Mít thoi thóp chờ "Trụ sở ngàn tỷ” của tỉnh

Ban đầu, vào ngày 25/9/2002, bằng Quyết định mang số 3986/QĐ-UB của UBND tỉnh, người dân đã biết đích xác sẽ có 245.935m2 đất bị thu hồi để quy hoạch khu văn hóa thể thao. Ngoắt cái, đến ngày 30/12/2005, UBND tỉnh Hải Dương lại ban hành Quyết định 6682/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và dự toán lập quy hoạch Khu văn hóa thể thao TP. Hải Dương (Điều chỉnh lần 3) lại ghi rõ "điều chỉnh Quy mô diện tích Trụ sở HĐND, UBND tỉnh”. Cứ điều chỉnh, cứ chuyển giao nên dân nơm nớp chờ một ngày sáng sủa cho mình.

Trong một mớ những dư luận về xây trụ sở ngàn tỷ, chúng tôi "lội” vào xóm Gốc Mít. Chả bao lâu nữa, nếu ý tưởng xây trụ sở của tỉnh Hải Dương thành hiện thực thì khu đất này sẽ là đất vàng, đất độc nhất vô nhị. Nhưng hiện tại thì chỉ thấy một khung cảnh đến… "nhiều không” - không đường, không điện chính thống, không cống thoát nước… bao trùm lên khu dân cư này.

Ông Nguyễn Sĩ Hùng, Khu trưởng Khu 9, phường Trần Phú (TP Hải Dương) cho biết: Nắng ráo còn đỡ đấy, mưa vào mới biết nhau. Theo ông Hùng, trước năm 2002, xóm Gốc Mít là địa bàn phức tạp, nhà không số, phố không tên. Đường vào xóm thì lầy lội và không đường bê tông. Năm 2007 người dân vẫn dùng nước giếng khoan độc hại, điện thắp sáng bây giờ cũng là người dân… tự kéo.

Nghe chuyện, lòng chúng tôi chợt chùng xuống!

Theo Đại đoàn kết

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/