Nhức nhối chợ dân sinh

06:04 | 08/04/2016
(TTTĐ) Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc quy hoạch, quản lý và phát triển những khu chợ dân sinh đang trở thành bài toán không dễ đối với địa phương này.

Nhức nhối chợ dân sinh

(TTTĐ) Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, việc quy hoạch, quản lý và phát triển những khu chợ dân sinh đang trở thành bài toán không dễ đối với địa phương này.

7/21 xã có chợ dân sinh

Nằm ven QL21B, chợ Vác (xã Dân Hòa) là một trong những khu chợ đông đúc, sầm uất nhất trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện nay. Từ khi Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (Lifshap) được Sở NN&PTNT triển khai, chợ Vác được đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng 6 cầu chợ bằng bê tông cao ráo, sạch sẽ; nâng cấp hệ thống mái che, hệ thống điện, cung cấp nước. Chị Nguyễn Thị Thuận - một tiểu thương trong chợ cho biết, không chỉ đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, VSMT, nguồn nước được cung cấp miễn phí để làm sạch thực phẩm và dụng cụ, trang thiết bị giúp chất lượng nông sản được vệ sinh, an toàn hơn.

Nhức nhối chợ dân sinh

Ngoài chợ Vác, Thanh Oai hiện còn 4 khu chợ khác thuộc các xã Thanh Mai, Phương Trung, Bình Minh và Tam Hưng cũng nhận được đầu tư của Dự án Lifshap và hiện hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, đó chỉ là những khu chợ có sự đầu tư lớn. Theo báo cáo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, toàn huyện hiện có 17/21 xã, thị trấn có chợ, nhưng chủ yếu vẫn là chợ hạng 3 và chợ tạm. Thậm chí, có 4 xã hiện vẫn chưa có chợ gồm: Mỹ Hưng, Thanh Cao, Thanh Thùy, Xuân Dương. Hạ tầng của các khu chợ này rất tạm bợ. Ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều hộ kinh doanh trong chợ cũng chưa cao, hệ thống tiêu thoát nước đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư khiến ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, đường điện trong nhiều khu chợ chưa đảm bảo quy định, chưa tách được đường điện sinh hoạt với điện sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, một số hộ kinh doanh tại chợ còn tự ý câu móc điện, lắp đặt và sử dụng thêm các thiết bị điện dễ gây quá tải và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ…

Vẫn là bài toán vốn

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, cho biết: "Dự án Lifshap, toàn huyện hiện có 10 xã tổ chức thu phí chợ. Tính riêng năm 2015, nguồn thu này đạt khoảng 1,12 tỷ đồng. Từ khoản thu này, các xã đầu tư trở lại để nâng cấp hạ tầng cho các khu chợ. Tuy nhiên, việc đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo các chợ trên địa bàn mới chỉ tập trung cho một số xã có kế hoạch đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới".

Về phía các địa phuơng, ông Phạm Đình Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết, hàng năm, xã đều bố trí ngân sách đầu tư nâng cấp hệ thống đường đi lại, điện chiếu sáng khu vực chợ Vác. Nhờ nguồn thu phí chợ tương đối lớn và hỗ trợ của Dự án Lifshap nên hạ tầng khu chợ cơ bản đảm bảo nhu cầu giao thương. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân về lâu dài, xã bố trí quỹ đất để mở rộng chợ thêm 2.000m2, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc triển khai xây dựng chưa thể thực hiện.

Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng chợ mới bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, còn phải đề cập tới thói quen buôn bán, mua sắm của các hộ kinh doanh và người dân. Một ví dụ điển hình là sau khi chợ Thanh Thùy (xã Thanh Thùy) được đầu tư xây dựng khang trang, rộng đẹp, nhưng người dân vẫn không vào chợ buôn bán. Đến nay, khu chợ mới xây này được UBND huyện chuyển sang đấu giá quyền sử dụng đất (!). Bà Lan cho biết thêm, theo quy định hiện nay, việc xây dựng chợ cần huy động các nguồn vốn xã hội hóa chứ không được đầu tư xây mới từ ngân sách Nhà nước. Do đó, để có thể nâng cấp được hệ thống chợ, huyện chỉ đạo các xã xây dựng phương án thu phí chợ theo quy định, có kế hoạch chi đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ phù hợp với tình hình địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ kinh doanh và người dân nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế hoạt động khi tham gia buôn bán, mua sắm tại các khu chợ.

Cao Hòa

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/