Người dân thờ ơ với hầm đi bộ và cầu vượt - “Đánh cược” với… tử thần

15:17 | 17/12/2016
TTTĐ - Để bảo đảm cho sự an toàn cho người dân khi qua các trục đường lớn, nơi có nhiều xe cộ qua lại, từ năm 2007 - 2008, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ, xây dựng hơn 18 cây cầu đi bộ… Tuy nhiên, hiện nay, người đi bộ đang “bỏ quên” công trình giao thông dành riêng cho mình.

Người dân thờ ơ với hầm đi bộ và cầu vượt - “Đánh cược” với… tử thần

Người dân thờ ơ với hầm đi bộ và cầu vượt - “Đánh cược” với… tử thần

Người dân chọn giải pháp đi bộ qua đường mà không dùng cầu vượt (Ảnh chụp tại cầu vượt dành cho người đi bộ trên phố Nguyễn Văn Cừ, long Biên, Hà Nội).
Ảnh: Minh Việt.

Chi phí xây dựng mỗi hầm đi bộ khoảng 150.000USD, tương đương khoảng 3 tỷ đồng và chi phí xây dựng mỗi cầu đi bộ khoảng 7 tỷ đồng. Hầm và cầu đi bộ được kỳ vọng sẽ là giải pháp tối ưu nhất cho sự an toàn của người đi bộ. Tuy nhiên trái với mong muốn, người đi bộ lại đang thờ ơ với những công trình này. Theo khảo sát của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, trong chuỗi hệ thống hầm đi bộ của Hà Nội chỉ các hầm xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình thường xuyên được người dân sử dụng. Các hầm còn lại luôn trong tình trạng vắng bóng người qua lại.

Điển hình như hầm đường bộ Ngã Tư Sở hoạt động từ năm 2007 với quy mô lớn nhất Hà Nội, có hệ thống đèn được bật sáng, hai làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp, được quét dọn gọn gàng. Hầm có hệ thống máy bơm thoát nước và camera giám sát an ninh. Tuy nhiên, gần 10 năm đưa vào sử dụng, số người đi bộ và xe đạp có nhu cầu qua đường chọn sang đường bằng đường hầm không nhiều. Vào giờ cao điểm, người qua lại hầm phần lớn là các bậc trung niên và cụ già.

Nguyên nhân được đưa ra là do một bộ phận người dân chưa ý thức được tính an toàn của hầm đi bộ, ngại sử dụng loại hình giao thông này để sang đường mà chọn cách băng qua mặt đường vừa gây nguy hiểm cho bản thân, vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Cũng như hầm đi bộ, rất nhiều cầu vượt đi bộ cũng phải chịu số phận tương tự. Chỉ mất vài bước chân lên cầu nhưng nhiều người đã chọn cách băng đường giữa những làn xe thay vì đảm bảo an toàn tính mạng cho chính bản thân mình. Bạn Nguyễn Thanh Lan, sinh viên trường ĐH Hà Nội cho biết: “Lúc đầu em cũng lên cầu vượt để qua đường nhưng vài lần rồi cũng đi lại dưới đường. Nhiều lúc việc gấp, chạy lên cầu vượt rồi chạy xuống thì mệt quá, vì cầu vượt cao, khoảng cách giữa các bậc thang khá lớn”.

Nhiều người dân phản ánh, dù biết việc sử dụng hầm đi bộ sẽ bảo đảm an toàn khi sang đường nhưng do ít người sử dụng nên vệ sinh ở hầm đi bộ rất kém, nhiều chỗ bị ngấm nước, ẩm thấp. Chưa kể đến, hầm, cầu đi bộ đang trở thành tụ điểm của người nghiện chích ma túy, người vô gia cư nên nhiều người đi bộ ngại di chuyển qua công trình giao thông này. Ông Nguyễn Văn Tương, cán bộ hưu trí ở phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân (Hà Nội) đề xuất: “Hiện nay, nhiều người vẫn băng qua đường nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện lưu thông trên đường. Theo tôi, cần phải dùng giải pháp mạnh như xây dựng rào chắn tại dải phân cách cao lên để người đi bộ không băng qua được; nên thiết kế xây dựng một số khu vực để làm dịch vụ trong lòng hầm giống một số nước tiên tiến”.

Để cải thiện tình trạng cầu không, hầm trống, TP Hà Nội cần có giải pháp tích cực công tác quản lý, rà soát lại để đưa ra những biện pháp xử lý mạnh hơn đối với các cá nhân không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân để phát huy tối đa hiệu quả của hầm, cầu đi bộ.



Lam Dương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/