"Cậy khỏe" coi thường sốt xuất huyết

15:20 | 22/08/2017
TTTĐ.VN - Hiện Hà Nội vẫn là địa phương đứng thứ hai cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết. Trong số những ca tử vong có khá nhiều người trẻ - những người được coi là có sức đề kháng tốt nhất. Một trong những nguyên nhân chính gây nên hậu quả này chính là vì họ "cậy khỏe"chủ quan, coi thường dịch bệnh...


Thói quen sinh hoạt bừa bộn của nhiều sinh viên là mầm mống gây bệnh sốt xuất huyết

Nguyễn Văn Tuấn và Trần Văn Nam là sinh viên trường Đại học Thủy lợi ở trọ tại phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) – một trong những quận được coi là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết. Khu nhà trọ của Tuấn và Nam khá ẩm thấp, chặt chội. Tuy nhiên, trước sự hoành hành của dịch bệnh, thay vì sự sốt sắng, chăm chút cho sức khỏe, đề phòng với dịch thì hai chàng trai này vẫn có thái độ rất chủ quan. "Chúng mình học bài, đánh điện tử đến tận khuya rồi lăn ra ngủ mà không mắc màn. Sinh viên ngủ hầu hết không màn nhưng có làm sao đâu. Chúng mình khỏe lắm, sức đề kháng tốt, làm sao mà bị bệnh được" – Tuấn hồn nhiên chia sẻ.

Việc ngủ mà không mắc màn của Tuấn và Nam vẫn cứ tiếp tục diễn ra nếu như hai chàng sinh viên này không biết đến sự ra đi đường đột của cựu sinh viên trong trường chỉ vì sốt xuất huyết. Cậu bạn này bị sốt nhưng chủ quan không đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. "Nó cũng nghĩ như chúng mình. Thanh niên sức khỏe rất tốt nên chỉ uống thuốc qua loa ở nhà. Đến khi nó sốt cao, lên cơn co giật đi bệnh viện thì không cứu được nữa" – Nam chia sẻ.

Sau sự việc đó cả Nam và Tuấn đều sợ nên phải phân công nhau rõ ràng trong việc dọn vệ sinh nơi ở, giặt quần áo, chăn màn thật sạch, đặc biệt, phải mắc màn trước khi đi ngủ.

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi cứu con từ chỗ chết trở về, anh Nguyễn Văn Tâm (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, con anh hiện đang là sinh viên trường cao đẳng ở Hà Đông bị sốt xuất huyết nhưng cả gia đình vẫn chủ quan. "Ban đầu gia đình nghĩ cháu chỉ bị cảm cúm qua loa thôi. Khi sức khỏe của cháu ngày tệ hơn gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện. Chỉ vì sự chủ quan mà suýt nữa tôi mất con" – anh Tâm cho biết.

Đáng kể, sự chủ quan, coi thường tính mạng, sức khỏe trước sự hoành hành của dịch bệnh không còn là hiện tượng hiếm thấy trong giới trẻ. Theo chia sẻ của Nguyễn Thị Diệu Thúy (sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải), tình trạng sinh viên đi ngủ mà không mắc màn diễn ra ở khá phổ biến. "Nguyên nhân là bởi thời tiết nóng nực, chúng mình chỉ có quạt để nằm, việc mắc màn khiến không khí trở nên ngột ngạt, oi bức. Con gái chúng mình thấy dịch sốt xuất huyết thì khiếp sợ, cố chịu nóng mắc màn còn đối với các bạn nam vốn đã rất lười thì việc mắc màn như cực hình vậy. Không chỉ thế, nhiều bạn còn có thói quen cẩu thả, luộm thuộm trong sinh hoạt, bát đũa ăn xong có khi chất đống đến cả ngày mới rửa một lần khiến ruồi muỗi có điều kiện thuận lợi để sinh trưởng, gây bệnh...", Thúy nói.

Trước tình hình đó, việc chăm chỉ cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để chủ động ứng phó, đặc biệt phải nâng cao ý thức trong sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh cá nhân là điều mà mọi sinh viên cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ bản thân. "Hơn ai hết, chính mỗi bản trẻ phải tạo cho mình thói quen sinh hoạt có nề nếp, chỉn chu, ngăn nắp, rửa sạch sẽ bát đũa, không chứa nước trong các dụng cụ sinh hoạt, thường xuyên lau dọn nhà vệ sinh, không tích trữ quần áo bẩn để triệt tiêu môi trường sống của lăng quăng, bọ gậy, ngăn ngừa sốt xuất huyết" – sinh viên Hoàng Thị Lan, năm thứ ba, Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

Cũng trong những ngày dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, không chỉ tự nâng cao ý thức của bản thân, với kiến thức về y mình đã được học, Lan còn tích cực tuyên truyền đến các bạn sinh viên khác sống cùng khu trọ.

Lan hy vọng, với sự vào cuộc một cách tích cực, chủ động, mỗi sinh viên không chỉ nâng cao ý thức để bảo vệ tính mạng của bản thân mà còn trở thành một tuyên truyền viên tích cực để góp tiếng nói đẩy lùi dịch bệnh, cùng bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng.

Ngọc Linh - Nguyễn Dũng

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/