Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Vượt khó xây dựng nông thôn mới

08:00 | 22/12/2016
Từ một huyện xa xôi rất khó khăn của TP Hà Nội, qua 5 năm nỗ lực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều thành tích nổi bật rất đáng ghi nhận. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ và nhân dân huyện Sóc Sơn những năm qua.

Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Vượt khó xây dựng nông thôn mới


Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng bưởi ngọt tại xã Phú Cường

Gian nan xây dựng NTM

Quan tâm tới một huyện còn nhiều khó khăn của Thành phố Hà Nội, cuối tháng 11 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã dẫn đầu đoàn công tác của thành phố về kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình nông thôn mới tại huyện Sóc Sơn.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, trước khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong 25 xã của huyện có 7 xã đạt 5 - 10 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đặc biệt có 3 xã chưa đạt tiêu chí nào. Qua 5 năm triển khai, đến hết năm 2016, toàn huyện có 15/25 xã đạt chuẩn NTM, 10/25 xã còn lại đạt từ 14-17 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… điều kiện nhà ở, điện nước sinh hoạt của nhân dân được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,8 triệu đồng/năm (tăng 11,8 triệu so với năm 2015). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, trình độ văn hóa và kỹ năng sản xuất của lao động nông thôn có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội khu vực nông thôn được đảm bảo.

Thay mặt Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của huyện trong việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy thời gian qua. Đặc biệt, càng về cuối năm huyện càng quyết tâm rất cao, chỉ đạo rất quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì vậy đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, góp phần giữ vững ổn định an ninh nông thôn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế chung của huyện, đóng góp chung vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện và thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà huyện cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: Chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung trọng điểm, việc ứng dụng công nghệ cao mới chỉ tập trung ở một số mô hình. Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại phát triển chậm, việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, kinh tế xã hội trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, việc huy động vốn từ doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế; kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như văn hóa, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất mới đạt ở mức cơ bản, chưa bền vững, hạ tầng nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch còn thấp (mới chỉ có hơn 30% dân số trên địa bàn được sử dụng nước sạch).

Tiếp tục cố gắng

Tại buổi làm việc với huyện Sóc Sơn cuối tháng 11 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về việc xây dựng nông thôn mới. Sóc Sơn cũng cần đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, chậm nhất vào tháng 6/2017 phải hoàn thành xong để tạo cơ sở cho bà con nông dân có điều kiện phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác để hình thành vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và có hướng nhân rộng các mô hình hiệu quả; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; gắn nông nghiệp sinh thái với du lịch, với sản xuất, liên kết vùng để hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng NTM; nhất là rà soát lại các xã gần đạt chuẩn NTM để có hướng đầu tư trọng điểm, tận dụng các nguồn lực đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu 25/25 xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, huyện Sóc Sơn cần tiếp tục duy trì các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa văn nghệ, đặc biệt là làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn. Sóc Sơn cũng cần nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; Quan tâm tới vấn đề môi trường, nước sạch cho nhân dân; tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về cơ chế, chính sách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo Sóc Sơn cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ người dân của cán bộ, công chức; thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Hoàng Hương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/