eMag azine
08/04/2024 08:08
Bài 1: Biến những điều không thể thành có thể

08/04/2024 08:08

TTTĐ - Hôi thối, mất trật tự, dân cư ca thán vì ô nhiễm nhiều năm vẫn không thay đổi… rồi đến một ngày, cái nhếch nhác lộ thiên đó đột nhiên biến mất, thay vào là hình ảnh trật tự, văn minh, những mảng xanh và nhiều tiện ích.

đô thị

do-thi

Biến những điều không thể thành có thể, những lát cắt về hình bóng màu áo xanh thanh niên tình nguyện cho chúng ta thấy “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Tuổi trẻ thành phố mang tên Bác không sợ khó khăn, luôn hăng hái xung phong, vì tương lai đất nước, vì một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

do-thi

Hôi thối, mất trật tự, dân cư ta thán vì ô nhiễm nhiều năm vẫn không thay đổi… nhưng đến một ngày, cái nhếch nhác lộ thiên đó đột nhiên biến mất, thay vào là những hình ảnh trật tự, văn minh, những mảng xanh và nhiều tiện ích…

do-thi
Chuyến tàu công nghệ - sân chơi Khoa học vui nhộn tại Đường sách TP Thủ Đức (Nguồn: Thành đoàn TP Thủ Đức)

Cuối năm 2023, UBND TP Thủ Đức tổ chức khánh thành đường sách trên đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú. Từ ngày có con đường sách, người dân lại có thêm điểm sinh hoạt, tương tác với nhau. Trẻ em có thêm điểm chọn sách, vui chơi, vận động lành mạnh. “Chiều đi học về là bé lại đòi ra khu trò chơi ở đường sách. Ở đây bé có thêm nhiều bạn bè. Có nhiều lúc bé đòi quá cũng bực, nhưng nghĩ con mình có chỗ để chơi, mát mẻ, đỡ cắm đầu vào game cũng tốt nên chiều vậy…”, chị Hồng - một phụ huynh đưa con đến đường sách kể.

Có con đường sách, nhằm tránh tình trạng buôn bán lấn chiếm, nhếch nhác, lãnh đạo TP giao Thành đoàn TP Thủ Đức tổ chức xung quanh đường sách thành điểm phục vụ kinh doanh có nề nếp. Vậy là “Chuyến tàu tri thức” ra đời.

“Chuyến tàu tri thức” - tại đường sách TP Thủ Đức

Toa đầu kéo là điểm hoạt động những trò chơi sáng tạo cho trẻ em như đồ chơi lắp ráp, đồ chơi điều khiển… Những sạp hàng khác được thiết kế như những toa tàu, mỗi toa kinh doanh một loại mặt hàng khác nhau. Tất cả đồng bộ sạch sẽ, ngăn nắp, hoạt động theo quy định chung.

Cứ mỗi buổi chiều, ánh sáng từ đường sách và các sạp hàng chiếu rọi khiến tuyến đường trở nên lộng lẫy và sôi động. An ninh trật tự nơi đây luôn được đề cao, lực lượng dân quân thường xuyên túc trực, tạo tâm lý an toàn cho khách.

“Đa phần khách đến đây là sinh viên, học sinh, người dân các khu vực lân cận. Do khung cảnh thoáng đãng, mát mẻ nên ngày càng đông người tìm đến đây sinh hoạt, vui chơi. Nhiều người cách xa hơn 10km cũng đưa gia đình đến chơi cuối tuần tại đây”, một chủ cửa hàng kinh doanh tô tượng nói.

do-thi
Khách đến tham gia các hoạt động tại đường sách TP Thủ Đức

“Trước đây, tuyến đường này cũng có người kinh doanh nước uống ban đêm, nhưng do tự phát nên các hoạt động chèo kéo, giành nhau chỗ kinh doanh diễn ra nhiều. Đã có không ít vụ xô xát diễn ra trên tuyến đường này. Từ khi thành phố giao cho tổ chức Đoàn thí điểm quản lý, mọi thứ đi vào nề nếp, sáng sủa, đẹp hơn. Người dân đưa gia đình đến chơi tạo thành cảnh sinh hoạt văn minh, lịch sự. Có thể nói hoạt động này đang định hình lại cách kinh doanh, văn hóa ứng xử của mọi người tham gia, tạo thành nét văn hóa đường phố mới. Mình khá tự tin khi giới thiệu với bạn bè và rủ họ về tuyến đường này sinh hoạt”, bạn Khang - một sinh viên đang theo học Trường Cao đẳng Công thương, bộc bạch.

Giá trị một công trình không chỉ nằm ở vẻ đẹp lộng lẫy, hào nhoáng mà nằm ở những giá trị, tính nhân văn được cộng đồng công nhận. Đường sách nhằm tôn vinh tri thức, cộng với sự lan tỏa nét đẹp văn hóa đường phố, công trình đang đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình chỉnh trang đô thị của TP Thủ Đức.

do-thi
do-thi

Một góc công viên khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A khang trang, sạch sẽ, là điểm hẹn của bao người dân hiện nay (ảnh trái). Ông Thương - Trưởng khu phố 4 (ngồi bìa trái) và đại diện nhóm đoàn viên, thanh niên bên những mầm xanh vừa được ươm (ảnh phải)

Cách đây vài năm, công viên Hồng Ngọc, thuộc khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức được nhiều người dân trong khu vực biết đến là nơi “đổ rác không thu phí”. Khung cảnh công viên lúc đó ô nhiễm đến mức không ai dám lại gần. Có khoảng 1.500m2 đất công viên lúc đó là chuồng gà, chuồng heo, là bãi rác lộ thiên. Không ai quản lý rác và chuồng chăn nuôi mọc lên ngày càng nhiều, mức độ ô nhiễm khiến hàng loạt người dân sống ven công viên liên tục cầu cứu đến các cấp có thẩm quyền.

Nói về công viên này, người dân cho biết, trước đây đơn vị quản lý là Khu Công nghệ cao thực hiện. Lúc đó công viên là khu đất được đơn vị thi công và trồng cây xanh loại lớn tạo bóng mát. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, đơn vị thi công rút đi, công viên đơn giản chỉ là một mảng xanh công cộng, không người trông coi. Ban đầu hình thành những đống rác nhỏ, dần dần đống rác to lên theo thời gian và trở thành bãi rác lộ thiên lúc nào không ai hay.

“Để có thể phục hồi lại mảng xanh của công viên này, tôi nhớ là phải dùng đến 4 - 5 chuyến xe tải loại 5 tấn để chở rác. Lúc cào ra để vận chuyển thật là khủng khiếp vì mùi xú uế bốc lên không ai chịu nổi…”, ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng khu phố 4 nhớ lại.

Theo lời ông Thương, khu phố 4 có đến gần 10.000 dân, trong đó 2/3 là người dân từ các nơi đến cư trú trong các căn phòng trọ, có diện tích nhỏ. Mùa nắng những căn phòng trở nên ngột ngạt, nóng bức. Muốn cải tạo công viên cho người dân có chỗ sinh hoạt, nhưng biết sức mình không thể làm được nên ông tìm đến sức trẻ, vận động thanh niên, đoàn viên khu phố chung tay.

do-thi
Tuổi trẻ luôn tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ, tôn tạo mảng xanh; tham gia các chương trình an sinh xã hội...

“Để có được công viên tươm tất như hôm nay, chúng tôi mất 7 năm trời. Từ dọn rác, vận động người dân không xả rác, đến vận động mọi người đóng góp vật chất để làm lại hạ tầng công viên, lắp đặt thiết bị khu vui chơi cho trẻ em… Giờ khu phố đã có công viên đúng nghĩa”, ông Thương hồ hởi.

Việc làm của thanh niên, đoàn viên, Ban Điều hành khu phố 4 đã được người dân ủng hộ hết mình. Để có môi trường xanh, sạch, đẹp, các đoàn viên, thanh niên cũng chuẩn bị vườn hoa theo mùa. Có những hôm nhìn đám trẻ cong lưng chuẩn bị ươm mầm, trồng cây, hoặc những lúc tạo cảnh quan cho công viên, không ít mạnh thường quân khu phố lặng lẽ chuẩn bị bữa ăn, suất nước tiếp thêm động lực cho đám trẻ.

Giờ nhắc đến công viên Hồng Ngọc, người dân ở đây lại nhắc ngay đến công sức đóng góp của những đoàn viên, thanh niên, sinh viên khu phố và cái “tâm” của ông Thương - Trưởng khu phố 4, cùng sự đồng lòng của Nhân dân...

Tất cả đã biến những điều không thể thành có thể.

do-thi

Nằm đong đưa trên chiếc võng dưới bóng cây, chú Hai Thùy không giấu được sự vui mừng khi nghe hỏi về công viên Lê Hữu Kiều. “Mừng lắm! Dân ở đây thấy cái công viên thì mừng lắm! Giờ nó sạch, đẹp vầy mọi người vui lắm!…”, bằng giọng run rẩy, chú Hai Thùy không giấu được sự vui mừng.

do-thi
Công viên Lê Hữu Kiều, phường Bình Trưng Tây, Thủ Đức đã mang lại niềm vui cho người dân sở tại

Theo lời chú Hai Thùy, trước khi thành công viên, khu đất này cũng là bãi rác lộ thiên, cỏ mọc um tùm. Không chỉ hôi thối, ô nhiễm, nơi đây còn là điểm “cung cấp” muỗi lớn cho khu dân cư. Ngày mà “mấy đứa nhỏ áo xanh” đến dọn rác, cắt cỏ, người dân chỉ nghĩ sạch được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, nhưng đến khi bãi rác biến hình thành công viên xanh, sạch, đẹp thì không ai ngờ...

Bây giờ, cứ mỗi chiều, bãi rác mấy tháng trước giờ đã là chỗ cho trẻ em vui chơi, người lớn đến tập thể dục. “Đông lắm, vui lắm… giờ không còn muỗi nữa”, chú Hai Thùy bảo vậy.

Cũng với cái tâm trạng đó, anh Nguyễn Văn Trí - chạy xe ôm khu vực Trung tâm hành chính huyện Bình Chánh, TP HCM hào hứng khi nói đến công viên rộng lớn gần UBND huyện. “Chỗ công viên này trước đây là một bãi cỏ rậm rạp, mọc cao hơn người. Do để hoang nên người dân cứ lén đến vứt rác, vật thải đầy khu đất.

Tụi tôi chạy xe ở đây mà không khi nào dám bước vào quá 2m bên trong, dơ và hôi dữ lắm. Mới rồi thấy mấy người áo xanh (Đoàn Thanh niên - PV) dọn dẹp, cũng tưởng như mấy lần trước, dọn rồi sau thời gian cũng dơ, ai ngờ bây giờ trở thành cái công viên vầy. Tụi tôi cũng được hưởng ké bóng mát…”, anh Trí cười vui.

do-thi
Mảng xanh đã thay bãi rác tại gần khu Trung tâm hành chính huyện Bình Chánh

Đầu tháng 3/2024, ven rạch Bà Lớn, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã khánh thành khu vui chơi trẻ em. Theo chị Nguyễn Ngọc Linh, Bí thư Đoàn xã Bình Hưng, khu vui chơi được khánh thành tuy chưa được khang trang lắm vì cây còn nhỏ nhưng đó là những nỗ lực của đoàn viên, thanh niên trong xã, cộng thêm sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành đoàn thể của xã trong quyết tâm xóa bỏ những bãi rác lộ thiên trên địa bàn.

“Sắp tới chúng tôi dự định cải tạo đoạn còn lại của bờ rạch thành vườn hoa nhỏ để làm điểm nghỉ ngơi cho người dân”, chị Linh cho biết.

do-thi
Trẻ em vui đùa trong công viên là niềm vui của người lớn

Phường Hiệp Bình Chánh được xem là địa phương đông dân nhất TP Thủ Đức, với số dân khoảng 103 ngàn người. Dân đông đồng nghĩa việc chăm lo phúc lợi cộng đồng là một bài toán không dễ. Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng mảng xanh thì chậm. Không ít những dự án sau khi bàn giao xong nhà ở, các mảng xanh công viên cũng dần biến mất. Những lá phổi đô thị trở thành điểm tập kết rác, hoang hóa, nhếch nhác. Người dân nhiều khu phố phải “phát tín hiệu” cầu cứu đến lãnh đạo phường.

Một buổi chiều trung tuần tháng 3/2024, công viên trên đường 18, thuộc khu phố 3, có khoảng chục trẻ em đang vui đùa bên cầu trượt và đu quay. Chị Hương - một phụ huynh đưa con đến chơi cho biết, nơi này trở thành điểm đến quen thuộc của con mình sau khi công viên được khôi phục hình hài lại. “Có công viên, tụi nhỏ bớt ham chơi game, chịu tương tác với bạn bè cùng trang lứa. Tôi thấy việc tạo ra những mảng xanh, khu sinh hoạt như thế này thật sự rất tốt”, chị Hương nhận xét.

Không chỉ một công viên, chỉ trong 3 năm, tổ chức Đoàn phường Hiệp Bình Chánh phối hợp với các ban ngành đoàn thể của phường đã khôi phục lại gần 10 công viên trên địa bàn, như công viên đường số 1, số 10, số 18, số 27, số 37… Tổng diện tích đất cải tạo từ bãi rác thành công viên khoảng 3.000m2.

do-thi
Những bãi rác được thay áo thành công viên - nơi các gia đình đưa con em mình đến vui chơi, sinh hoạt

Cô Ba Tuyết đang ngồi hóng mát bên công viên Samco kể: “Có được khoảng không gian này phải nói tụi nhỏ áo xanh hay thiệt. Nghe nói đoàn viên các nơi gì đó. Trước đây khu đất này là một bãi rác lớn lắm, ai cũng vứt rác ra đây, dơ, hôi thối, ruồi muỗi khủng khiếp. Lúc trước cũng có người dọn, nhưng làm xong được thời gian ngắn đâu lại vào đấy. Đợt rồi tụi nhỏ về làm, nghĩ chắc cũng như mấy lần trước, ai ngờ làm lớn luôn, lát lại nền sạch sẽ, rồi trồng cây, giờ không ai dám vứt rác nữa”.

Theo chị Nguyễn Ngọc Lanh, Bí thư Đoàn phường Hiệp Bình Chánh, để làm được công viên, các bạn đoàn viên phải thu dọn hàng tấn rác, với những ngày mưa nắng liên tục làm việc vất vả.

do-thi
Chỉ trong 3 năm, tổ chức Đoàn phường Hiệp Bình Chánh phối hợp với các ban ngành đoàn thể của phường đã khôi phục lại gần 10 công viên trên địa bàn

Diện tích cải tạo mảnh xanh dẫu chưa nhiều so với nhu cầu thực tế, nhưng những việc mà đoàn viên phường Hiệp Bình Chánh làm được rất nhiều người dân và mạnh thường quân ủng hộ. Không ít người sẵn sàng tặng cả ngàn cây xanh để hỗ trợ. “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm 2024 sẽ thực hiện được nhiều công trình hơn nữa. Với địa bàn khá đông dân nên những mảng xanh thật sự rất cần thiết cho cộng đồng. Chúng tôi nhất quyết phải làm”, chị Nguyễn Ngọc Lanh nhấn mạnh.

Làm vì cộng đồng, vì tương lai, những việc làm mà đoàn viên thanh niên quyết tâm, hy vọng sẽ có được sự chung tay nhiều hơn từ những người thật sự tâm huyết để hỗ trợ cho mục tiêu chung của sức trẻ và sự trưởng thành, vì một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nội dung: Minh Tường - Nguyên Anh

Trình bày: Nguyễn Anh

Bài viết liên quan:

Bài 2: Họ đã vác tù và thế nào?
do-thi