eMag azine
17/11/2022 08:00
Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

17/11/2022 08:00

TTTĐ - Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó quy định việc phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực lên các khu xử lý chất thải sinh hoạt tại Hà Nội, bao gồm bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên từ khi ban hành luật đến khâu thực thi và đem lại hiệu quả là một chặng đường dài.

vòng vây

Hồi sinh tài nguyên từ rác
Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Theo thống kê tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm; Được tiếp nhận, xử lý hàng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn nhưng đôi khi vẫn xảy ra việc ùn ứ cục bộ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan và ảnh hưởng đến đời sống của người dân Thủ đô. Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.

Quá tải rác thải

Thực tế trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của TP Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ thì Hà Nội hiện chỉ có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có công suất lớn nhất, với gần 4.000 tấn rác mỗi ngày.

Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Bà Trịnh Thị Lưu là người dân xóm 20, thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn, sống cách bãi rác chỉ hơn 150m. Từ nhà bà Lưu, có thể nhìn thấy những núi rác cao đến 2 - 3 tầng của bãi Nam Sơn. Khối rác cao gần 40 mét, lại đứng ở phía đón gió Nam, mỗi mùa hè tới, nhà bà Lưu sống trong cái nóng như thiêu đốt cùng sự bủa vây của mùi hôi thối.

Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Núi rác càng cao, áp lực nén càng lớn làm phát sinh nước rỉ rác ngấm vào đất và mạch nước ngầm. Môi trường ô nhiễm khiến đất đai không thể tăng gia sản xuất. Gia đình bà Nguyễn Thị Thu có mảnh ruộng nằm gần bãi rác nhưng không trồng được gì nên bà bỏ đi may túi nilon cho công ty sản xuất yên xe máy, mỗi ngày kiếm hơn 100.000 đồng. "Nước thải đen từ bãi rác tràn về ngập ruộng rau cỏ. Không làm được gì nên tôi đành bỏ", bà Thu cho biết.

Điều ấy phần nhiều do phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý trên hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, lạc hậu, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý, như: Công nghệ đốt rác, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng... Chính vì thế mà qua thời gian, diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố. Những lần như vậy, việc thu gom, xử lý rác bị gián đoạn, gây tồn đọng rác ngoài môi trường nhiều ngày. Những tháng cuối năm 2021, đã có hai lần rác thải ở Hà Nội bị ùn ứ do quá tải và sự cố tại các bãi chôn lấp.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 6/2022, bãi rác Nam Sơn quá tải khiến các phương tiện thu gom rác thải gặp khó khăn trong quá trình đổ rác. Điều này dẫn đến tình trạng một số khu vực ở nội thành Hà Nội lại tái diễn cảnh rác thải bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là bởi Nhà máy Đốt rác phát điện Thiên Ý chậm tiến độ đi vào hoạt động bởi nhiều lý do khác nhau, lượng rác phát sinh lại phải chuyển về các bãi chôn lấp. Vị trí đổ rác tương đối xa và khó đi dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng trăm phương tiện mỗi khi vận chuyển rác lên.

Nhìn lại những lần phát sinh sự cố về rác thải có thể nhận thấy, dù các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp "nóng" để tháo gỡ, như: Phân luồng rác thải về các khu xử lý khác; có các biện pháp thu gom nhỏ lẻ và xử lý tạm thời như rắc vôi bột, quây khu, ép, bọc kín rác trong khi chờ xe đến vận chuyển... Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần như vậy lượng rác thải tồn đọng rất lớn. Điều đó cho thấy, vấn đề xử lý rác thải khi sự cố xảy ra chưa bài bản, còn bị động, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Sớm tháo nút thắt

Để hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường đến người dân, nhiều năm qua chính quyền các cấp vẫn luôn nỗ lực giải phóng mặt bằng quanh khu xử lý chất thải Nam Sơn, di dân ra khỏi bán kính 500m tính từ tường rào của bãi rác. Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giải thích: "Bãi rác phải cách dân tối thiểu 500m nhưng do nhiều lý do, khoảng cách trên ngày càng tiến dần đến khu dân cư. Cần phải khẳng định khoảng cách trên chỉ là tương đối, người dân vẫn bị ảnh hưởng từ bãi rác. Tuy chỉ giúp giảm thiểu tác động nhưng việc di dời là thiết yếu".

Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Trên thực tế, quá trình di dời diễn ra rất phức tạp. Anh Nguyễn Đình Trọng là một trong những người đầu tiên của xóm 18, thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn ra khu tái định cư. Chất lại đống gạch thừa bên ngôi nhà đang xây, anh Trọng kể: "Nhà anh hồi trước rộng hơn nghìn mét vuông. Khi ra đây, hai bố con mỗi người theo sổ đỏ đất thổ cư thì cũng chỉ được 60m2. Tuy diện tích nhà nhỏ lại nhưng được cái an tâm, không còn phải lo sợ về ô nhiễm từ rác thải nữa, sức khỏe cũng được cải thiện rất nhiều".

Người dân ở đây cho biết, mức tiền bồi thường cho mỗi 1 mét vuông đất thổ cư là 866.000 đồng; Giá đền bù của phần diện tích liền kề cho trồng trọt, chăn nuôi bằng một nửa giá đất ở. Ngoài ra, họ còn được nhận phí tài sản để tháo dỡ công trình nhà ở cũ với nhiều hạn mức khác nhau tùy hộ.

Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Cách căn nhà đang xây của anh Trọng chừng 100m là khu đất của ông Trần Hoàng Yến. Ông Yến là hộ được di dời sau nên móng nhà bây giờ mới bắt đầu đào.

Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Ông Vũ Thế Lực, nguyên Bí thư chi bộ xóm 20 giải thích: "Giai đoạn 1999 - 2001, thành phố đã có chủ trương di dời dân khỏi vùng ảnh hưởng 500m. Khi đó có 2 hình thức: Một là ở lại và nhận tiền chịu ảnh hưởng môi trường trong 20 năm; Hai là nhận tiền hỗ trợ phá dỡ công trình và di chuyển đi nơi khác".

Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác

Những gì xảy ra ở Nam Sơn cho thấy xung quanh câu chuyện về rác không chỉ có môi trường; Đó còn là vấn đề kinh tế, an sinh xã hội cho người dân từ năm này qua năm khác. Chất thải sinh hoạt từ nội đô chỉ có thể tăng lên, mở rộng bãi rác là điều phải thực hiện. Nỗi lo từ rác thải luôn là trăn trở của chính quyền và người dân Thủ đô thời gian gần đây. Mỗi lần xảy ra sự cố ở các khu xử lý rác, nhiều khu vực trong khu dân cư, thậm chí là ngay lòng đường phố trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ.

Rác thải tồn đọng không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống do phát sinh các loại khí độc hại. “Sống chung” với rác thải sinh hoạt đô thị dễ mắc các loại bệnh về đường hô hấp, có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe con người...

(Còn nữa)

Nội dung: Phạm Mạnh, Hà Thu, Minh Quân, Hằng Hoàng

Đồ họa: Hằng Hoàng, Đỗ Lý, Minh Quân

Bài viết liên quan:

Bài 2: Muôn vẻ rác ở nội đô: kẻ vứt, người nhặt Bài 3: Nhiều điểm sáng trong công cuộc "giải cứu" rác thải Bài 4: Trở ngại lớn để truyền thông bền vững về phân loại rác thải tại nguồn Bài 5: Phân loại rác thải góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn

Phạm Mạnh