|
Các em học sinh lớp học tình thương do Đại uý Nguyễn Đình Thông giảng dạy, đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, là con em của các hộ dân di cư tự do từ Campuchia về. Gương mặt rám nắng, đen nhẻm bởi những nhọc nhằn từ cuộc sống mưu sinh, cũng vì lẽ đó mà con đường đến trường tìm chữ của các em trở nên khó khăn, xa vời… Nối gần khoảng cách của sự khác biệt Do điều kiện hoàn cảnh các em nhỏ ở đây mà lớp học tình thương được tổ chức dạy vào buổi tối từ 18h - 20h hằng ngày, để học sinh có điều kiện được đến lớp. Cứ thế mỗi đêm tiếng ê a tập đọc của các em tại lớp học tình thương lại vang lên. Đối với Đại uý Nguyễn Đình Thông đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao. Anh Nguyễn Đình Thông (sinh năm 1994), công tác tại Đồn biên phòng Tuyên Bình – Bộ Đội Biên phòng tỉnh Long An. Anh là một sĩ quan mang quân hàm xanh. Năm 2018, anh Thông tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được phân công công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An. Sau hai năm công tác tại Đồn Biên phòng Thạnh trị, trên cương vị Đội trưởng Đội Vũ trang, tháng 7/2020, anh được điều động nhận nhiệm vụ mới là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng tại Đồn biên phòng Tuyên Bình. Đồn Biên phòng Tuyên Bình phụ trách xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Đây là một trong những địa bàn có các hộ dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống. Từ năm 2010 đến nay, số lượng người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống ở đây ngày càng nhiều, hoàn cảnh rất khó khăn. |
Đại uý Nguyễn Đình Thông giảng dạy các em nhỏ ở lớp học tình thương |
Nhiều em nhỏ không được đến trường học hành, không biết chữ đã đặt ra sự trăn trở đối với các cấp chính quyền. Bởi thế, đầu năm 2013, được sự đồng ý của cấp trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng, Đồn Biên phòng Tuyên Bình mượn phòng học cũ của trường tiểu học mở lớp học tình thương và cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giảng dạy. Đại uý Nguyễn Đình Thông là cán bộ được giao nhiệm vụ này. Anh Thông quê ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi khi được điều động về đơn vị nhận nhiệm vụ Đội trưởng Vận động quần chúng, ngoài công tác chuyên môn, tôi được cấp ủy, chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách, tham gia giảng dạy lớp học tình thương, tính đến nay cũng đã được 4 năm. Ban đầu đối với tôi đây là một nhiệm vụ rất mới, bởi thực tế khi ấy không có kỹ năng sư phạm. Kiến thức học chuyên ngành ở nhà trường của tôi hoàn toàn khác với nhiệm vụ này. Những ngày đầu tiếp xúc với lớp, với các em học sinh, tôi đã gặp nhiều khó khăn, nhất là giao tiếp. Vì tôi là người miền Trung, giọng nói rất nặng. Mà dạy các em ở miền Tây, nhất là dạy chữ, nếu nói không chuẩn, nói nhanh thì các em không hiểu được, nên tôi phải nói rất chậm để các em có thể hiểu”. |
Thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Đình Thông dạy học trò viết chữ |
Tuy nhiên, với người lính Cụ Hồ thì không ái ngại trước bất cứ nhiệm vụ nào. Đại uý Thông quyết tâm vượt qua khó khăn, sự khác biệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong quá trình phụ trách giảng dạy, anh luôn tự tìm tòi, học hỏi, tìm hiểu về phương pháp dạy học cho học sinh tiểu học. Anh cho biết, may mắn là anh có mẹ là giáo viên tiểu học, nên thường xuyên học hỏi được những kinh nghiệm từ mẹ. Điều gì không hiểu, khó khăn trong giảng dạy, anh Thông đều hỏi và nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ mẹ. Bên cạnh đó, thầy giáo quân hàm xanh cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với trường Tiểu học và THCS xã Tuyên Bình trong học tập, nâng cao kỹ năng sư phạm, giảng dạy và chất lượng nội dung bài giảng, để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Nhờ vậy, chàng quân nhân trẻ cũng đáp ứng được phần nào yêu cầu sư phạm, giảng dạy các em nhỏ. |
Hạnh phúc khi học trò từng ngày tiến bộ Đối với các em học sinh lớp học tình thương ở đây đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Các em là con của các hộ dân di cư tự do từ Campuchia về, có em sinh ra ở Campuchia, có em được sinh ra ở Việt Nam sau khi cha mẹ trở về và đều có đặc điểm chung là trong gia đình đông con, nghèo khó, không ruộng đất, không nghề nghiệp ổn định. Các em ấy dù tuổi nhỏ nhưng đều phải phụ giúp gia đình. Đứa lớn thì đi làm thuê, làm mướn, đứa nhỏ đi bán vé số, cắt lục bình. Gương mặt các em rám nắng, đen nhẻm bởi những nhọc nhằn từ cuộc sống mưu sinh. Do điều kiện đó, lớp học tình thương phải tổ chức dạy vào buổi tối. Đại uý Thông chia sẻ, quá trình giảng dạy, khó khăn lớn nhất đối với anh chính là làm sao để các em đi học đều, đầy đủ. Vì cuộc sống mưu sinh ban ngày ảnh hưởng rất lớn đến việc đi học. Hơn nữa, nhận thức của cha mẹ các em trong việc cho con cái đi học chưa đầy đủ. Nhiều gia đình coi việc cho con đi học là không cần thiết. |
Người thầy như anh Thông còn thường xuyên liên hệ, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ học sinh để các em có động lực hơn trong việc đi học. Những món quà trao tặng, hỗ trợ nhau càng khiến cho tình cảm thầy trò thêm thắm thiết
Bởi thế, việc vận động các hộ dân vùng biên để các em đi học, cũng như vận động học trò không bỏ học giữa chừng được các chiến sĩ biên phòng thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, những người thầy như anh Thông còn phải thường xuyên liên hệ, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ gia đình học sinh để các em có động lực hơn trong việc đi học. Nhờ sự nỗ lực của Đại uý Thông và đồng chí, đồng đội, công tác vận động các em nhỏ đến trường đều đặn đã đạt được hiệu quả tích cực. Số lượng học sinh tham gia lớp học ngày càng đông, 4 năm qua luôn duy trì 2 lớp học tình thương với 29 học sinh. Trong suốt quá trình giảng dạy, đến nay lớp học tình thương đã đạt được nhiều kết quả, cả về số lượng và chất lượng. Học sinh được dạy theo chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. Các em cơ bản đã biết đọc, biết viết và biết làm toán. Ngoài việc dạy chữ, anh Thông còn thường xuyên dạy cho các em về văn hóa của người Việt Nam; kiến thức, kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, phép cư xử trong gia đình, xã hội, để sau này lớn lên các em sẽ trở thành những thành viên tích cực cho cộng đồng. “Tôi luôn cảm thấy vui, hạnh phúc khi chứng kiến từng bước tiến bộ của học trò. Dù đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng nhận thấy sự thay đổi, cố gắng, nỗ lực vượt khó của các em, tôi rất xúc động. Có thể chỉ là một em biết viết tròn trịa hơn, hay một em đã đọc thông thạo hơn nhưng đối với tôi, cũng như các thầy giáo quân hàm xanh ở đây, đó là những thành quả quý giá. |
Những cống hiến thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng góp sức vào sự "thay da đổi thịt" của mảnh đất vùng biên giới, phên dậu của Tổ quốc |
Tôi chỉ mong sao các em học sinh có thể biết đọc, biết viết, biết những kỹ năng trong cuộc sống, để mai này trở thành những người có ích, thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, hoà nhập với cộng đồng”, Đại uý Nguyễn Đình Thông bày tỏ. Người thầy quân hàm xanh này luôn cho rằng, bản thân chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn người lính biên phòng, các giáo viên đang ngày đêm cống hiến cho ước mơ của trẻ nhỏ vùng khó khăn. Ở miền biên viễn này và vùng biên giới trải dài khắp dải đất hình chữ S còn có rất nhiều cán bộ chiến sĩ, thầy cô giáo vẫn đang ngày đêm âm thầm với hành trình con chữ. Đặc biệt, trong mỗi người thầy, người cô thầm lặng ấy luôn cháy bỏng nhiệt huyết và có một trái tim phi thường.
(Còn nữa) |
Bài viết: Lê Dung Trình bày: Bình Minh |