eMag azine
06/11/2023 08:00
Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

06/11/2023 08:00

TTTĐ - Tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc đã diễn ra từ lâu, nhưng thời gian gần đây càng trở nên nổi cộm, trở thành chủ đề “nóng” với những tranh luận “nảy lửa” tại diễn đàn Quốc hội.

trách nhiệm

Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Lời tòa soạn: Tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc đã diễn ra từ lâu, nhưng thời gian gần đây càng trở nên nổi cộm, trở thành chủ đề “nóng” với những tranh luận “nảy lửa” tại diễn đàn Quốc hội. Ðể ngăn chặn, khắc phục được tâm lý sợ làm sai, sợ bị xử lý trách nhiệm làm cản trở động lực phát triển đất nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì công phá “tảng đá” mang tên trách nhiệm bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau.

Tại Hà Nội, với sự quyết liệt của người đứng đầu thành phố đã lan tỏa được nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm những việc khó, mang lại hiệu quả công việc cao. Đó cũng chính là chất xúc tác tích cực để thực hiện khát vọng xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Bài 1: Thực trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Lâu nay, tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, trì trệ, thiếu sáng tạo, thậm chí là vi phạm kỷ luật, pháp luật đã trở thành vấn đề nóng của dư luận xã hội. Làm thế nào để khắc chế “vi rút” trì trệ, thúc đẩy cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã trở thành vấn đề được người dân rất quan tâm

Bài 1: Thực trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ các cấp là lực lượng rường cột quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, dù ở bất cứ thời kỳ nào, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cũng luôn được khẳng định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là công việc hệ trọng của Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, cùng với việc đấu tranh, xử lý những cán bộ suy thoái, biến chất, lợi dụng chức quyền để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta cũng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, né tránh, không dám nghĩ, không dám nói, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không dám đột phá, không dám đổi mới sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Chính bởi vậy, “nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏa ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”…

Bài 1: Thực trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Cùng với “Trí - Tín - Nhân - Liêm”, một đức tính quan trọng khác mà người cán bộ tốt cần phải có theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “Dũng”. Với Bác: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.

Bài 1: Thực trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu thảo luận tại tổ trong chương trình kỳ họp thức 6, Quốc hội diễn ra ngày 24/10

Hiện nay, tình trạng cán bộ sợ sai, làm việc cầm chừng, không “có gan phụ trách, có gan làm việc” đang là vấn đề vô cùng đáng báo động. Chưa bao giờ tinh thần làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức lại được Quốc hội quan tâm nhiều như kỳ họp này. Sáng 24/10 vừa qua, phát biểu thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Song, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn nhiều; nguyên nhân khiến tình trạng làm việc không hiệu quả là do cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm...

Thực tế trong mỗi tổ chức, cá nhân luôn tồn tại sức ỳ có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển. Đó có thể là thói quen từ chủ nghĩa kinh nghiệm ăn sâu; là căn bệnh xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân; là lề lối, phương pháp, tác phong công tác hình thức, thiếu khoa học, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng trong quá trình phát triển, những biểu hiện tư duy nhiệm kỳ và tư tưởng đã khiến cho một số cán bộ, đảng viên có tư tưởng “nhất ngồi lỳ, nhì đồng ý” hơn là nêu cao nguyên tắc tập trung dân chủ và tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình khiến cho tinh thần sáng tạo, dấn thân bị giảm sút. Biểu hiện rõ nhất, là chỉ vì lợi ích của cá nhân mà nhắm mắt làm ngơ trước những việc làm không mang lại hiệu quả thiết thực, không làm lợi cho dân, cho nước. Quyền lực, cám dỗ từ lợi ích, công việc đã trở thành đích đến, lấn át tinh thần cống hiến, hy sinh, khiến một số cán bộ, đảng viên né tránh, sợ trách nhiệm.

Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. "Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!".

Bài 1: Thực trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Từ đó, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Bài 1: Thực trạng sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận và tranh luận cho rằng, làm sao phải bắt cho “đúng bệnh” thì mới giải quyết triệt để được tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm. Cán bộ các cấp phải "dám nghĩ, dám làm", tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo", thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất trong khuôn khổ của pháp luật.

Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, cần có liệu pháp đủ mạnh để sốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né trách, sợ trách nhiệm, sợ sai... để không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: "Trong điều kiện hiện nay, rất cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung"...

Quan điểm rõ ràng của Đảng ta là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Qua nhiều giai đoạn khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, không ít cán bộ, đảng viên đã mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng “vượt rào”, “xé rào”. Thậm chí, nhận thức và hành động của những cán bộ này đã tác động, làm thay đổi tư duy, nhận thức của Đảng về con đường xây dựng và phát triển đất nước.

Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho Nhân dân ta.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc là một trong những người cán bộ lãnh đạo như thế. Ông là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966 - 1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ. Cũng chính thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định ấy là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân. Hình ảnh người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy - Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Đó là tấm gương dám dấn thân vì cái chung, xuất phát từ trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo trước cuộc sống của người dân.

Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Bên cạnh Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, còn nhiều tấm gương những người cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo, quyết đoán trong từng quyết sách và để lại dấu ấn tiêu biểu như: Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”, xóa bỏ tem phiếu; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”...

Đặc biệt, chúng ta sẽ không thể không nhắc tới những quyết định “xé rào, bung ra” của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt và sau này trên cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết định táo bạo trong đó có việc làm đường dây 500KV…; hay như của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm "Kế hoạch 3 phần"; của bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của TP Hồ Chí Minh từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980...

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đối mặt với vô vàn những thách thức từ cả tình hình trong nước lẫn những tác động bởi tình hình thế giới, thì hơn bao giờ hết chúng ta rất cần những quyết định đột phá, cần tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ nhất là những người đứng đầu.

(Còn nữa)

Bài viết: Nguyễn Thu Phương

Bài viết liên quan:

Bài 2: Nhận diện, quyết tâm "trị bệnh" kịp thời Bài 3: Những mũi tên công phá tảng băng trì trệ Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của những cán bộ có trách nhiệm Bài 5: Tìm "vắc xin" cho "bệnh" sợ trách nhiệm
Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ

Xem bài 2 »

Nguyễn Thị Thu Phương