eMag azine
15/05/2025 09:00
Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

15/05/2025 09:00

TTTĐ - Với công nghệ thực tế ảo (VR) và 3D, thế hệ trẻ hôm nay được sống lại những năm tháng hào hùng, cùng cha anh ra trận bảo vệ Tổ quốc. Công nghệ giúp người trẻ học, hiểu lịch sử trực quan sinh động hơn và cũng thấm thía sống trách nhiệm hơn.
Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI... lan tỏa truyền thống, tư tưởng của Đảng

TTTĐ - Với công nghệ thực tế ảo (VR) và 3D, thế hệ trẻ hôm nay được sống lại những năm tháng hào hùng, cùng cha anh bảo vệ Tổ quốc. Công nghệ giúp người trẻ học tập, trau dồi kiến thức, hiểu lịch sử của đất nước, của Đảng ta một cách trực quan sinh động hơn và cũng thấm thía sống trách nhiệm hơn.

Công nghệ ảo đưa lý tưởng, lịch sử đến gần người trẻ

Khi chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường số cũng đặt ra những yêu cầu mới khi mà các thế lực thù địch, phản động coi đây như một công cụ để tập trung chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Những thông tin xấu độc, xuyên tạc lịch sử xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và dễ tác động đến giới trẻ. Bởi đây là lực lượng sử dụng mạng xã hội thường xuyên và nhiều nhất.

Giúp người trẻ có bản lĩnh vững vàng, hiểu đúng đắn chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trở thành vấn đề mấu chốt trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước thực tế đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ AI, Big Data, VR/AR để đưa nội dung tư tưởng, lịch sử đến gần giới trẻ.

Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Cung Thanh niên Hà Nội, HUB Network kết hợp cùng YooLife đã ra mắt dự án sử dụng công nghệ 3D và VR360 tái hiện các chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo Ban Tổ chức, dự án nhằm tái hiện lại diễn biến, “kể” những câu chuyện lịch sử… một cách trực quan, sinh động. Trong đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để giúp người dân, nhất là các bạn trẻ “nhìn thấy, cảm nhận thấy” những khoảnh khắc đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Các vị đại biểu và bạn trẻ tại chương trình ra mắt dự án sử dụng công nghệ 3D và VR360 tái hiện các chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Các đại biểu tham quan khu triển lãm công nghệ 3D và VR360 tái hiện các Chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Vì thế, công nghệ thực tế ảo (VR) kết hợp với công nghệ 3D đã được sử dụng, tái hiện chi tiết bốn chiến dịch chính trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 gồm: Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Trường Sa và Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua các sa bàn quân sự 3D.

Bằng công nghệ VR360, người dùng có thể tương tác trực tiếp với hình ảnh bằng cách chọn vị trí, góc nhìn, phóng to, thu nhỏ hay xem thêm các thông tin liên quan ngay trên chính điện thoại của mình. Trải nghiệm này còn cho phép người dùng có cảm giác như đang hiện diện tại địa điểm cụ thể, dù ở bất kỳ nơi đâu.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật viên dự án đã dựng mô hình 3D. Dựa trên những bản đồ chiến dịch được Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam) cung cấp, các bạn trẻ đã vẽ lại từng sa bàn 3D, tái hiện những chiến dịch huyền thoại: Từ giải phóng Tây Nguyên, tiến công Huế - Đà Nẵng, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Người xem có thể khám phá những địa điểm lịch sử quan trọng, chiêm ngưỡng sa bàn ảo các chiến dịch vĩ đại, cảm nhận được khí thế hào hùng như đang sống giữa những ngày tháng lịch sử của dân tộc.

“Với một người chưa từng đến Dinh Độc Lập hoặc ở bên kia bán cầu cũng có thể tận mắt trải nghiệm không gian, cấu trúc của tòa nhà một cách trực quan. Ảo mà như thật giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc sự kiện lịch sử, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước và biết ơn thế hệ cha anh đã hi sinh để có hòa bình hôm nay”, Phương Ly, đại diện YooLife cho biết.

Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

Các đại biểu và bạn trẻ trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tái hiện các Chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngay khi ra mắt, dự án đã được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Trực tiếp trải nghiệm công nghệ này, bạn Hoàng Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 10A2, trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Như được sống lại những phút giây hào hùng của cả dân tộc là cảm nhận đầu tiên khi mình trải ghiệm công nghệ này. Thậm chí, mình như đang được hòa mình vào trận đánh nên hiểu hơn những khó khăn gian khổ, hi sinh cha ông ta đã trải qua”.

Chi cho biết thêm, thế hệ trẻ ngày nay sinh ra trong hòa bình, không biết đến khói lửa chiến tranh. Một số bạn trẻ dễ ngủ quên trên chiến thắng, thờ ơ với lịch. Chính những sản phẩm sáng tạo như này sẽ giúp giới trẻ học, ghi nhớ lịch sử tốt hơn.

Bạn Nguyễn Minh Châu, đoàn viên quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng cho rằng, để lịch sử không còn khô khan, không xa rời thực tại, điều cần thiết là phải để công nghệ và xúc cảm con người đồng hành. Những nét vẽ 3D, những thước phim VR360 không chỉ tái hiện cảnh quan, mà còn tái hiện khí chất và tinh thần của những thời khắc đã qua. Người trẻ xem sẽ hiểu lịch sử, biết trân trọng quá khứ, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội.

Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

Học sinh, thanh niên tham quan triển lãm sản phẩm

Hiểu lịch sử thêm yêu quê hương, đất nước

Số hóa các di tích lịch sử diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, Đoàn Thanh niên thành phố đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia, từ đó đưa ra giải pháp thiết lập hệ thống bản đồ số dữ liệu các “địa chỉ đỏ” và hệ sinh thái trao đổi thông tin, kiến thức lịch sử cho đoàn viên, thanh niên. Các điểm di tích được triển khai dưới dạng thực tế ảo 360 độ và có mẫu thực thuyết minh, giới thiệu với tính năng ưu việt.

Hệ thống bản đồ số thể hiện sự phân bố các điểm di tích ở Hà Nội, có chức năng tìm kiếm cũng như lọc theo quận, huyện. Các địa điểm di tích được đính trên bản đồ tại tọa độ chính xác của địa điểm đó. Người tham quan bấm vào điểm trên bản đồ để tham quan di tích tương ứng.

Ở giao diện tham quan một di tích có nút quay về màn hình bản đồ tổng. Chức năng chatbot AI (sử dụng chat GPT) hỗ trợ trao đổi, hỏi đáp thông tin về các di tích, cung cấp mọi thông tin đã được xác minh một cách thuận tiện và nhanh chóng đến với khách tham quan.

Công trình còn tích hợp chức năng cá nhân hóa gương mặt thông qua AI, đồng thời giúp người sử dụng tham gia vào không gian ảo để cùng tương tác, trao đổi thông tin và làm các thao tác như: Chụp ảnh selfie trong không gian ảo, trò chuyện, hỏi đáp, nhìn thấy hình 3D của người dùng di chuyển trong không gian ảo... mang đến những trải nghiệm thú vị. Đến nay, các cơ sở Đoàn trên toàn địa bàn thành phố đã triển khai số hóa được 150 “địa chỉ đỏ”.

Thanh niên xã Tam Hưng giới thiệu về hệ thống địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp (thuộc chùa Bối Khê) đến các em học sinh

Thanh niên xã Tam Hưng giới thiệu về hệ thống địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp (thuộc chùa Bối Khê) đến các em học sinh

Tự hào về di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Bối Khê, trong đó có hầm địa đạo từ kháng chiến chống Pháp, những người trẻ ở xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) đã dầy công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về di tích, rồi số hóa để thuận tiện lan tỏa đến cộng đồng.

Theo Bí thư Đoàn xã Tam Hưng Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất ở vùng Bắc bộ. Chùa có niên đại trên 600 năm, nổi tiếng với những bức chạm gỗ tuyệt đẹp cùng nhiều hiện vật phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa ở các thời kỳ khác nhau. Ngôi chùa cũng có giá trị cao trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và nghiên cứu triết học. Không những vậy, đây còn là ngôi chùa duy nhất có hệ thống địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp tồn tại đến nay.

Tuy nhiên, khi hỏi tới những thông tin sự hình thành, giới thiệu về di tích chùa Bối Khê hoặc hầm địa đạo thì không phải người dân nào cũng hiểu rõ tường tận về di tích này, đặc biệt là lớp trẻ.

“Chúng mình nhận thấy rằng có lẽ nào người dân đã dần lãng quên di sản này. Với mong muốn bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa, lịch sử, đồng thời tiên phong chuyển đổi số, Ban Chấp hành Đoàn xã quyết định thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ quét mã QR cung cấp thông tin về di tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Bối Khê tạo thuận lợi cho du khách tham quan, tìm hiểu”, Bí thư Đoàn xã Tam Hưng Nguyễn Thị Quỳnh Thư chia sẻ.

Các bạn trẻ quyết tâm tạo ra một nội dung cụ thể, chi tiết về di tích bằng cách sưu tầm những cuốn sách, tranh ảnh liên quan tới di tích. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, từ việc sưu tầm hình ảnh, nhiều đầu sách, đi gặp gỡ trao đổi nhiều chiều, nhiều người am hiểu về di tích để lấy thông tin.

Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

Mô hình của Đoàn Thanh niên xã Tam Hưng góp phần giáo dục truyền thống cho các em học sinh

Có những nội dung các bạn trẻ mất nhiều thời gian như việc tìm lại những bức ảnh trắng đen về ngôi chùa, hầm địa đạo trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Nội dung thông tin về di tích phải chuẩn từng câu chữ, gọt giũa kỹ lưỡng mà không làm thay đổi nội dung giá trị lịch sử.

Với niềm đam mê, am hiểu công nghệ và mong muốn cống hiến công sức đóng góp một phần nhỏ cho quê hương, đoàn viên, thanh niên trong xã không ngại khó, vất vả để thực hiện thành công mô hình này. Họ đến nhà từng cụ cao niên trong thôn nghe và ghi chép lại. Bên canh đó, những thông tin về di tích qua việc sưu tầm đều được xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo xã để có căn cứ chính xác. Do đó nội dung thông tin về di tích lịch sử được đảm bảo tính chính xác.

Khai thác trí tuệ nhân tạo tuyên truyền đường lối của Đảng

Thanh niên trong xã cũng cập nhật phần mềm như canva, tạo mã QR code generator, QR code-Gen… ứng dụng công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm trên các nền tảng xã hội, lựa chọn chắt lọc các mô hình thành công khác để làm phong phú mô hình.“Giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, quét mã QR là người dân, du khách có được đầy đủ thông tin về di tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Bối Khê”, Bí thư Đoàn xã Tam Hưng Nguyễn Thị Quỳnh Thư cho biết.

Mô hình hoàn thành không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương mà còn giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi. Đoàn xã đã phối hợp cùng các nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt truyền thống cho học sinh tại tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Bối Khê. Điều thú vị, các em học sinh không chỉ tham quan mà còn được các anh chị đoàn viên thanh niên thuyết minh giới thiệu về từng chi tiết trong di tích, nhất là địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp.

“Các em không chỉ hào hứng tham quan, trải nghiệm mà còn bày tỏ niềm tự hào khi quê hương có di tích đặc biệt như vậy. Chúng mình tin từ niềm tự hào đó các em sẽ có ý thức học tập, lao động, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, Quỳnh Thư tâm sự.

Cùng với ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại các "địa chỉ đỏ", hiện nay, Đoàn Thanh niên các cấp, các địa phương, đơn vị còn sử dụng chatbox, app có thể cung cấp thông tin về chính sách, quy định và các vấn đề xã hội mới và các sự kiện quan trọng của đất nước; phổ biến tài liệu học tập, nghiên cứu công tác Đảng và chuyên môn; tư vấn, trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc; tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

Các công cụ tìm kiếm bằng trí tuệ nhân tạo để thiết kế bài giảng, bài kiểm tra đánh giá tự động; phân tích dữ liệu học tập nhằm đánh giá hiệu quả đào tạo đội ngũ đảng viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Đồng thời xây dựng các khóa học trực tuyến giúp đảng viên, quần chúng có thể học tập mọi lúc, mọi nơi với số lượng học viên nhiều hơn so với các lớp học trực tiếp góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực giảng dạy.

Thực tế cho thấy, việc khai thác trí tuệ nhân tạo an toàn, hiệu quả góp phần xây dựng, tuyên truyền, lan tỏa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; từ đó tạo niềm tin cho Nhân dân, thúc đẩy hành động để đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng.

Bài 2: Công nghệ VR, 3D, AI lan tỏa hình ảnh Đảng

Tác giả: Nguyễn Dũng - Lê Dung

(Còn nữa)

Bài viết liên quan:

Bài 1: Sáng kiến của người trẻ khơi nguồn từ niềm tin vững chắc

Lê Dung Nguyễn Dũng