Từ những kỳ họp bất thường, hàng loạt quyết sách của Quốc hội, trong đó có quyết định mang tính lịch sử góp phần tạo nên bức tranh kinh tế - xã hội với nhiều điểm sáng, tạo sức bật mới, triển vọng mới cho đất nước.
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, đánh giá cao. Trong đó, điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội |
Đây là nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Nhìn lại thời điểm năm 2021, khi ấy, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở giữa giai đoạn cam go, đất nước đứng trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Kinh tế quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến thời điểm đó; Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5 - 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra là khoảng 6%.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới.
Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đã cùng các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học đã chủ động bàn nhiều về nội dung này. Nhờ những quá trình trao đổi nhiều vòng, làm việc không kể ngày đêm, trách nhiệm và quyết liệt, các cơ quan của Quốc hội đã cùng Chính phủ hoàn thiện, thống nhất đề xuất về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế trình Quốc hội ngay những ngày đầu năm 2022.
Ngay sau đó, Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất và thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ đã mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng Bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng. Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với luật trong thời gian Quốc hội không họp để kịp thời đồng hành cùng Chính phủ.
Việc kịp thời ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với những chính sách vượt ngoài khung khổ, chưa từng có tiền lệ, Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần đồng hành quyết liệt, sát sao cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra. Từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về triển khai thực hiện Nghị quyết 43 và 17 văn bản quy phạm pháp luật khác tạo khung pháp lý tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành Y tế, nên đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp.
Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến việc bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đầy đủ, thuyết phục.
Việc Quốc hội thông qua luật góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; Phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam, đã được đưa vào sử dụng năm 2022 |
Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung lớn, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và được xây dựng lần đầu theo quy định của Luật Quy hoạch, nên đã được Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thảo luận. Hồ sơ tài liệu được chuẩn bị công phu với khối lượng thông tin phong phú, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống quy hoạch…
Sau khi xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Đặc biệt, Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới; Xử lý được tình trạng tồn đọng trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay.
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm quyền, lợi ích của cơ sở khám chữa bệnh, của người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19; Bảo đảm cơ sở pháp lý để tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới, Quốc hội đã cho phép các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1 đến 31/12/2023.
Một nội dung quan trọng khác được Quốc hội bàn thảo, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ hai là về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; Điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Về công tác nhân sự, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với hai đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức |
Kỳ họp bất thường lần thứ hai mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch 2023, tiếp đến kỳ họp bất thường lần thứ 3 được tổ chức trong ngày sát Tết Nguyên đán nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả đạt được rất quan trọng.
"Việc tiến hành bầu Chủ tịch nước đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội" - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, hồ sơ tài liệu trình Quốc hội được chuẩn bị chất lượng; Các thông tin liên quan đến nhân sự được chuẩn bị rõ ràng, cung cấp kịp thời, tạo thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đảm nhận vị trí quan trọng của đất nước.
Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước đã tiến hành việc tuyên thệ theo đúng quy định của Hiến pháp trong không khí trang trọng, nghiêm túc. Sau tuyên thệ, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu nhậm chức với thông điệp khẳng định trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, không ngừng chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của cử tri và Nhân dân; Kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Mặc dù thời gian kỳ họp ngắn, công tác chuẩn bị gấp nhưng nội dung của kỳ họp vẫn được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng. Công tác phục vụ về mọi mặt cho kỳ họp cũng được triển khai tích cực, bảo đảm chu đáo, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.
"Thành công của kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan hữu quan; Sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; Sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri và Nhân dân cả nước; Sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí" - Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện quy trình phục vụ việc tổ chức các kỳ họp bất thường để bảo đảm việc thông tin kịp thời, tránh gây bị động cho các cơ quan tham mưu, phục vụ kỳ họp…
Phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Với việc tổ chức thành công kỳ họp, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình |
Đánh giá về công tác nhân sự, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, cử tri tin tưởng và kỳ vọng Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại.
Cùng với đó, cử tri cũng tin tưởng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
“Cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đánh giá cao việc kiên quyết xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương”, ông Bình cho biết.
(Còn nữa)
Bài viết: Lam Dương - Hạnh Nguyên Đồ họa: Phạm Mạnh |
|