eMag azine
05/05/2023 08:00
Bài 2: Để di sản "sống khỏe"...

05/05/2023 08:00

TTTĐ - Di sản ngày nay đã tạo động lực cho phát triển du lịch, trở thành một bộ phận của ngành công nghiệp văn hóa. Thực tế đã chứng minh, để di sản “sống khỏe” và bền vững cần “đòn bẩy” chính sách, cùng với đó là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của “mỏ vàng” này.
Để di sản "sống khỏe"

Di sản ngày nay đã tạo động lực cho phát triển du lịch, trở thành một bộ phận của ngành công nghiệp văn hóa. Thực tế đã chứng minh, để di sản “sống khỏe” và bền vững, cần “đòn bẩy” chính sách, cùng với đó là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của “mỏ vàng” này.

KHI CHÍNH SÁCH LÀ ĐÒN BẨY...

Việc cân bằng giữa khai thác và bảo tồn di sản là bài toán đặt ra trong quá trình phát triển du lịch ở nhiều địa phương hiện nay. Để có lời giải, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch.

Thực tế triển khai tại các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tận dụng được những lợi thế, tiềm năng về di sản sẵn có của mình để phát triển du lịch bền vững. Trong số đó, câu chuyện quản lý di sản gắn với phát triển du lịch từ Ninh Bình được coi là một hình mẫu cho hướng đi này.

Ninh Bình hiện lưu giữ 1.821 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - quần thể danh thắng Tràng An. Không phải ngẫu nhiên mà tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản 1972 được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO đã nhận định: “Khu di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên”.

Để có được kết quả đó, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trước tiên phải bắt nguồn từ chính sách. Năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch đến 2010. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh,” chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.

Tiếp đó, tỉnh liên tục ban hành những chủ trương kịp thời, chính sách quan trọng nhằm huy động nguồn lực quản lý, bảo tồn, phát huy di sản như: Nghị quyết số 02/NQ/TU ngày 17/8/2016 về bào tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Quyết định 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An; Kết luận số 07/KL-TU ngày 12/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An…

Để di sản "sống khỏe"
Quần thể danh thắng Tràng An - di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Cũng theo ông Mạnh, khi chính sách trở thành “kim chỉ Nam”, ngoài việc ưu tiên phân bổ ngân sách cho các di tích trong quần thể Tràng An, Ninh Bình huy động các nguồn lực xã hội khác tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chủ động “bắt tay” cùng doanh nghiệp, đến nay, Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khai thác các tuyến như: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; Tuyến Thạch Bích - Thung Năng; Khu sinh thái Vườn Chim - Thung Nham; Khu du lịch Hang Múa; Khu du lịch Bái Đính.

CỘNG ĐỒNG LÀ CHỦ THỂ VÀ HƯỞNG LỢI TỪ DI SẢN

Chia sẻ thêm về bí quyết thành công từ khai thác hài hòa giữa lợi ích từ di sản và phát triển du lịch, ông Mạnh cho hay, xác định không “hy sinh” di sản để phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình chú trọng phối hợp với các chuyên gia UNESCO tổ chức các đợt khảo sát, nghiên cứu tại Tràng An để cung cấp thêm các dữ liệu kể cả về công tác quản lý lẫn công tác nghiên cứu khoa học. Đến nay, tỉnh đã có 12 đề tài nghiên cứu độc lập về quần thể Tràng An.

Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2021, Ninh Bình đã tổ chức 31 lớp tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép việc quán triệt các quy định của pháp luật, của tỉnh về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho gần 2.100 cá nhân, tổ chức đang tham gia làm du lịch và dịch vụ không chỉ riêng với vùng lõi, mà còn cả ở các vùng đệm tham gia. Nhờ đó, người dân đã hiểu biết và ứng xử có trách nhiệm hơn với di sản.

Anh Nguyễn Văn Thắng, người dân tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú ở vùng lõi Tràng An, cho biết: “Trước đây, chúng tôi quanh năm chỉ gắn với ruộng đồng, chăn nuôi, canh tác nông nghiệp, thì nay còn trực tiếp tham gia làm các công việc liên quan đến bảo vệ di sản, dịch vụ du lịch, như chèo đò, hướng dẫn viên, làm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bán hàng lưu niệm, làm việc tại các nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi tự hào vừa là chủ nhân của di sản, vừa là cầu nối di sản, hàng ngày được gặp gỡ, giới thiệu và kể cho du khách trong và ngoài nước những câu chuyện mộc mạc về vẻ đẹp, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương mình, về di sản của mình”.

Để di sản "sống khỏe"

Để di sản "sống khỏe"

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố cộng đồng trong việc phát huy hiệu quả di sản Tràng An, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nói: Họ chính là người lưu giữ, trình diễn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán địa phương; Đồng thời tham gia một phần vào quy trình hoạt động du lịch như cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà, làm hướng dẫn viên, dịch vụ vận chuyển, bán hàng lưu niệm… Nhờ đó, đời sống, thu nhập ổn định từ di sản, họ chủ động, tự nguyện bảo vệ di sản như một “tài sản riêng” để thu hút khách du lịch”.

TẠO THƯƠNG HIỆU CHO DI SẢN

Cũng giống như Ninh Bình, bắt đầu bằng chủ trương để di sản ‘sống’ trong cộng đồng, thành phố Hội An (Quảng Nam) nhiều năm nay đã tồn tại sinh động đúng nghĩa một đô thị cổ. Ở đó, mọi hoạt động đời sống thường nhật của người dân vẫn diễn ra bình thường. Người dân sở hữu di sản, sống cùng và bảo vệ di sản, ngày ngày gắn bó chặt chẽ với không gian văn hóa đô thị cổ này như vốn có từ hàng trăm năm qua.

Hội An trở thành một “thành phố đáng sống”, được tạp chí du lịch nổi tiếng Travel & Leisure của Mỹ bình chọn là thành phố tốt nhất thế giới năm 2022, đứng thứ 20 trong danh sách 25 thành phố được du khách bình chọn nhiều nhất.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Hội An đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Trong đó, các hoạt động lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian được cộng đồng, tộc họ và từng gia đình nuôi dưỡng, duy trì khá tốt ở các di tích. Gần như xuyên suốt quanh năm, Hội An có các lễ hỗi truyền thống, trong đó nổi bật là Tết Nguyên tiêu tại di tích chùa Ông, các hội quán và di tích tín ngưỡng cộng đồng. Tết Nguyên tiêu cũng vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu năm 2023”.

Thêm nữa, cũng theo ông Ngọc, hoạt động dựng cây nêu ngày Tết ở Hội An nhằm phục hồi giá trị di sản văn hóa phi vật thể bị mai một diễn ra suốt 10 năm nay. Đầu tiên, từ mục đích phục hồi, nay sự kiện này diễn ra hàng năm, thu hút 30 đơn vị tham gia gồm nhiều thành phần: Di tích, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An mỗi dịp Tết.

Để di sản "sống khỏe"

Nét độc đáo của Tết Nguyên tiêu ở Hội An thu hút khách du lịch

“Việc phục hồi di sản có nguy cơ mai một được cộng đồng quan tâm mà thành công nhất là nghệ thuật hát bài Chòi. Từ nguy cơ thất truyền, nghệ thuật này giờ đây đã được hồi sinh, đi vào đời sống và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách tại phố cổ Hội An. Bên cạnh đó, cùng với quần thể di sản văn hóa kiến trúc khu phố cổ, Hội An còn có những sản phẩm du lịch đã thành thương hiệu như “Đêm phố cổ’, Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy’’…”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Đô, hướng dẫn viên du lịch Công ty H&T Long Biên cũng bày tỏ vui mừng khi các tour du lịch tới Hội An trở nên cuốn hút khách du lịch hơn nhờ có thêm sản phẩm mới.

Để di sản "sống khỏe"

“Trước đây, nhiều du khách đến Hội An thường đi dạo, hoặc chọn thả đèn hoa đăng xuống sông Hoài với nguyện ước những chiếc đèn kia sẽ mang lại may mắn cho gia đình và người thân của mình. Gần đây, khá nhiều người muốn hòa mình vào không khí Tết Nguyên tiêu của Hội An dịp Tết để cảm nhận được không sự gắn kết của các thế hệ với nhau trong không gian phố Hội từ những sinh hoạt thường ngày của người dân tại đây. Người dân nơi đây đã có góp công rất lớn trong việc bảo tồn di sản văn hóa, họ cũng chính là người biến di sản thành sản phẩm du lịch, khiến Hội An trở nên quyến rũ và trở thành điểm đến tuyệt vời trong mắt khách du lịch”, anh Vũ Đô nói.

Theo thống kê của UBND TP Hội An, lượng khách đến tham quan phố cổ Hội An tăng dần qua từng năm. Nếu năm 2000, Hội An có 192.000 lượt khách đến thì đến năm 2019, con số này là 5.699.960 lượt khách, tạo nguồn ngân sách quan trọng để tái đầu tư cho công tác trùng tu di tích, tổ chức hoạt động, lễ hội. Đặc biệt, trong các điểm tham quan phố cổ, có hơn 1/2 điểm tham quan thuộc sở hữu tư nhân - tập thể là đình, hội quán, nhà cổ, nhà thờ tộc. Các điểm này cũng được trích lại % trên giá vé tham quan để chi cho hoạt động quản lý tại điểm.

Để di sản "sống khỏe"

"Sự vinh danh của UNESCO cho các di sản không phải là lý do để đảm bảo cho di sản “sống” mà điều làm cho di sản “sống” là cả nhà nước và cộng đồng đang nỗ lực bảo tồn di sản. UNESCO vinh danh là để đóng góp cho việc bảo vệ di sản nói chung, để cộng đồng nhận thức và quan tâm hơn đến di sản của mình, đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển.

UNESCO đã có thêm một văn bản quy định 12 nguyên tắc đạo đức nhấn mạnh, cộng đồng được thực hành, sử dụng di sản và cơ quan Nhà nước, công ty du lịch muốn lấy di sản đó để phát triển du lịch thì phải có sự đồng thuận của cộng đồng sở hữu di sản đó và phải chia sẻ lợi ích với họ. Nên nhớ rằng, quan trọng nhất là di sản gắn với cộng đồng, mang lại giá trị cho cộng đồng. Sức sống của nó nằm ở cộng đồng".

(PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội)

(Còn nữa)

Thực hiện: Thanh Thắng

<< Xem bài 1

Xem bài 3 >>

Bài viết liên quan:

Bài 1: "Biến" di sản thành "tài sản" Bài 3: Những người "thắp lửa" cho di sản Việt Bài 4: Chuyên gia hiến kế "khai phá" di sản

Thanh Thắng