Hiện nay, nhiều người tiêu dùng có thói quen tìm mua các mặt hàng như rau, củ, quả tươi, đồ khô, thịt, thủy hải sản… trên hệ thống online. Thực tế, đi kèm với tiện ích, “chợ online” ẩn chứa không ít rủi ro bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đáng lo ngại việc quản lý chất lượng thực phẩm trên chợ “ảo” cũng rất khó khăn.
Chỉ cần ngồi ở nhà lướt Facebook, TikTok cài đặt ứng dụng giao đồ ăn là mọi người có thể lựa chọn đủ loại đồ ăn vặt đặc sản vùng miền, những món ăn “hot” nhất từ các nhà hàng. Với giá cả phong phú, tiện lợi, đồ ăn vặt mua online đang là sự lựa chọn của nhiều người.
Bên cạnh đó, ở các khu dân cư, chung cư “chợ online” nở rộ qua mạng xã hội Facebook, Zalo với sản phẩm đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn, từ các món ăn thường ngày đến đặc sản ở mọi miền đất nước, giá cả từ bình dân đến cao cấp, được chào bán hết sức sôi động.
"Đi chợ online" nở rộ qua các mạng xã hội |
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, nhiều trang mạng xã hội đã đưa ra những hình ảnh quảng cáo bắt mắt, thông tin hấp dẫn, kèm theo đó là những cam kết chắc nịch về độ sạch của sản phẩm như: “Cây nhà lá vườn”, “tự làm”; “Nông sản nhà trồng, không thuốc kích thích, không thuốc bảo vệ thực vật”…
Tiện ích là vậy song không ít người dùng "dở khóc, dở cười" khi mua hàng trên "chợ online". Bởi “tiện thì có tiện” nhưng chất lượng thực phẩm vẫn là dấu hỏi lớn đối với những người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Dung (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Do công việc khá bận rộn nên gia đình tôi chủ yếu chỉ nấu cơm tối, còn buổi trưa, hai con đang được nghỉ hè sẽ tự nấu ăn. Bình thường, tôi sẽ chuẩn bị trước một, hai món mặn để các cháu có thể đun lại ăn trong cả tuần nhưng ăn như vậy khá ngán nên con tôi thường đặt đồ ăn trên mạng”.
Chỉ với 30.000 - 50.000 đồng, hai con chị Dung có thể lựa chọn “mỗi ngày một món ăn”, nếu chán ăn cơm suất thì có thể đổi sang ăn phở, bún chả, cơm tấm Sài Gòn, bún ốc... Tuy nhiên, cũng đã đôi lần chị Dung phải tức tốc bỏ dở công việc để về nhà vì con bị đau bụng do ăn phải thức ăn kém chất lượng mua trên mạng. Chị cũng rất lo lắng khi thấy gần đây hai cháu thường xuyên phải dùng men tiêu hóa do bị tiêu chảy.
Trên các “chợ online”, nhiều sản phẩm được bán trong tình trạng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn sử dụng). Nhiều người dùng dễ dãi, tin tưởng “hàng xóm” và sự tiện lợi của việc giao hàng tận nhà mà bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm. Đại đa số các “shop” bán hàng online có quy mô nhỏ, không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh online đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho cả người bán và người mua. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro khi nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố.
Thêm vào đó là nỗi lo sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng, biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.
Ngoài ra, tình trạng người bán cũng chỉ là mắt xích trung gian, nhập hàng từ các chợ đầu mối hay chợ Đồng Xuân, nhưng bóc mác và nhận tự làm để lấy lòng tin của người mua... cũng đang diễn ra khá phổ biến. Trên thực tế, việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua.
Theo quy định, hộ kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Thực tế cho thấy, các trang mạng cá nhân đăng tin bán thực phẩm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm.
Không chỉ có các cửa hàng thực phẩm mới đăng ký bán trên các ứng dụng giao đồ ăn mà cả quán ăn vỉa hè, quầy hàng rong có thể bán hàng online thông qua hàng loạt các ứng dụng, mạng xã hội… Các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: "Mua thực phẩm online, nếu là những hàng uy tín hoặc nơi quen biết mà mình từng sử dụng sản phẩm thì có thể dùng được. Với những nơi không đảm bảo, bán hàng nhỏ lẻ thì chúng ta nên thận trọng khi mua hàng. Bởi thực phẩm không đảm bảo chất lượng dễ gây ngộ độc. Ngoài ra, với thực phẩm chế biến sẵn, người bán có thể giao cho khách loại hàng ôi thiu".
Nhiều mặt hàng thực phẩm được bán online là những sản phẩm được chế biến tại hộ gia đình và đây cũng có thể là nguồn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Bởi, thực phẩm phải được chế biến, bảo quản đúng quy định thì mới tránh được ngộ độc nhưng nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng... Chưa kể, nguồn thực phẩm đầu vào nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt thì cũng khó có thể nói về chất lượng sản phẩm...
(Còn nữa)
|
Hương Thị - Hồng Mạnh |