Trong bối cảnh giao thông đang trở nên phức tạp, phương tiện cá nhân dẫn đến quá nhiều hệ lụy thì giải pháp dùng phương tiện giao thông công cộng cần đặt lên hàng đầu. Đối với người dân nói chung, giới trẻ nói riêng, việc hình thành thói quen đi xe công cộng trong thành phố rất quan trọng.
70 năm sau ngày giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), diện mạo giao thông Thủ đô đã có nhiều thay đổi nhưng để hướng tới văn minh, hiện đại thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong đó có vấn đề nâng cao ý thức người dân.
Trong thực tế, nhiều người ngại đi phương tiện công cộng vì những lý do không quá quan trọng, hoàn toàn có thể khắc phục và thay đổi được. Thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung cần được khuyến khích và lan tỏa rộng rãi.
Trong những năm gần đây, phương tiện công cộng tại Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, năng lực vận tải của phương tiện công cộng vẫn chưa được khai thác triệt để. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này phải kể đến là tâm lý, thói quen đi lại của người dân chưa thay đổi, nhiều người chưa thấy được lợi ích từ việc đi phương tiện công cộng
Đa số người dân Hà Nội vẫn có thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân, hễ ra khỏi nhà là lên xe, gần như không đi bộ. Lâu dần, thói quen này đã “ăn sâu, bám rễ” vào cách đi lại của đa phần người dân và bởi thế, khi phải đi bộ ra ga, bến của các loại hình phương tiện công cộng, nhiều người cảm thấy ngại.
Bên cạnh đó, đặc thù đường phố ở Hà Nội nhiều ngóc ngách, phố nhỏ ngoằn ngoèo, nhiều loại hình phương tiện công cộng không thể đi vào tận nơi. Để đến được ga, bến phải đi bộ vài trăm mét nên người dân vẫn ưu tiên đi xe máy.
Tại các nước phát triển, ngoài việc đầu tư cho hệ thống phương tiện công cộng hiện đại, đúng giờ của cơ quan chức năng thì người dân cũng tự giác thay đổi thói quen để tiếp cận. Họ sẵn sàng đi bộ đến trạm xe buýt, đường sắt, sắp xếp công việc một cách khoa học để không mấy khi khi bị lỡ chuyến. Đồng thời, đa số người dân coi việc đi bộ tới điểm chờ tàu, xe là một cách luyện tập, rèn luyện sức khỏe, thư giãn.
Đến nay tại sau 9 năm thì mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km. |
Chị Trần Thị Thuý (giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Do phải đi bộ từ nhà ra bến xe buýt một khoảng khá xa, chừng 400 mét nên tôi ngại đi làm bằng xe buýt. Gần 20 năm nay tôi vẫn đi làm bằng xe máy từ huyện Đông Anh sang quận Hoàn Kiếm. Mới đây, tôi đi khám, bác sĩ cho biết một số vấn đề sức khỏe của tôi có nguyên nhân từ việc ít vận động, cần phải tăng cường đi bộ. Do đó, tôi đã chuyển sang sử dụng xe buýt khi đi làm. Tôi thấy, chỉ cần chủ động đi sớm một chút, thời gian di chuyển không nhiều hơn là bao so với khi đi xe máy mà lại có điều kiện rèn luyện sức khỏe”.
Bên cạnh đó, một số ít hành khách ngại đi xe buýt vì có tâm lý sợ bị móc túi hoặc quấy rối. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng này đã giảm mạnh. Ngoài ra, công nhân lái xe và nhân viên bán vé cũng được tập huấn kỹ năng xử lý các tình huống nói trên. Hiện nay, 100% xe buýt được lắp đặt camera an ninh và được trung tâm quản lý theo dõi liên tục nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực trên xe buýt.
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng đòi hỏi sự đồng bộ, quyết tâm từ nhiều phía.
TS. Bùi Thị Thanh Hương, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (bên trái). |
Đối với một người trẻ, việc ra trường, công tác ổn định, có xe riêng như là một dấu hiệu thể hiện sự thành công. Việc lựa chọn di chuyển bằng xe buýt như là cách gián tiếp thể hiện rằng người đó có công việc và điều kiện kinh tế chưa ổn định.
Xe buýt vẫn đang tồn tại một số vấn đề như cũ kỹ, mùi khó chịu, thường phanh gấp, vượt ẩu, bị móc túi, quấy rối… Thái độ của một số tài xế và tiếp viên khi phục vụ khách còn thô lỗ, cộc cằn... Xe buýt vẫn còn tình trạng trễ chuyến, ra vào bến nhiều làm kéo dài thời gian di chuyển. Hơn nữa, việc di chuyển từ trạm vào điểm cần đến có khi mất một khoảng cách xa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chất lượng xe buýt đang ngày được chú trọng, cải thiện và nâng cao. Một số tuyến dành riêng cho xe buýt nhanh hay tuyến xe buýt điện của Vinbus cũng đang góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.
Phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng rất phổ biến và đa dạng với nhiều nước trên thế giới. Hệ thống giao thông công cộng luôn được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết được tình trạng nan giải của đô thị tắc đường cục bộ.
Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, nhất là ở những nước phát triển khi họ đã thành công trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đối với học sinh, sinh viên, cần giáo dục các em hiểu rằng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng là một cách bảo vệ, giữ gìn môi trường. Tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lớn khác, các cấp chính quyền cũng đang nỗ lực đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt.
Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương nhấn mạnh, để có thể hạn chế lượng phương tiện cá nhân trên đường phố, hướng tới giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường thì việc xây dựng thói quen sử dụng các phương tiện công cộng cho người dân, đặc biệt là trẻ em là vô cùng quan trọng. Hiện nay, phần lớn trẻ em được cha mẹ đưa tới trường bằng xe cá nhân, cùng với đó, các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Cũng theo Tiến sĩ Hương, việc hình thành thói quen cho trẻ em, học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn là “lộ trình” để hướng tới việc linh hoạt chuyển đổi khi Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác đang có kế hoạch “cấm xe máy vào nội đô”. Theo đó, từ năm 2022, Sở GTVT Hà Nội bắt đầu lên phương án và lập đề án phân vùng hoạt động hạn chế xe máy vào nội đô để phù hợp với hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng.
“Đây là một trong những nội dung có trong đề án phát triển đô thị, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt. Đáng chú ý là bởi xe máy đang là công cụ giao thông phổ biến trong mỗi gia đình. Hầu như nhà nào cũng đang có một chiếc xe máy để phục vụ việc đi lại. Việc hướng tới hạn chế và dừng xử dụng xe máy không phải lần đầu đề cập tới. Trước đó Hà Nội đã nhiều lần bàn tới việc cấm xe máy vào nội đô vào năm 2017 - 2019. Hiện nay Hà Nội có khoảng 9 triệu xe máy lưu thông. Bên cạnh những lợi ích mang lại thì xe máy cũng có nhiều bất lợi khi sử dụng về an toàn giao thông và môi trường”, bà Hương phân tích.
LỢI ÍCH TỪ VIỆC TRẺ EM SỬ DỤNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay cứ 4 phút, trên tất cả các cung đường trên toàn thế giới có một trẻ em qua đời vì tai nạn giao thông… Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Qua các nghiên cứu, số trẻ em thương vong do tai nạn giao thông trong 10 năm trở lại đây không hề giảm mà có dấu hiệu gia tăng. 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em là do các em trực tiếp gây ra khi tham gia giao thông. Theo nhiều chuyên gia, việc trẻ em làm quen sớm với giao thông công cộng đặc biệt là xe buýt là hết sức quan trọng. Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra khi tự điều khiển phương tiện khi chưa trang bị tốt luật giao thông hay được phụ huynh chở trên xe cá nhân di chuyển trên những con đường đông đúc thì việc sử dụng giao thông công cộng rõ ràng an toàn hơn rất nhiều. Việc trẻ em sử dụng giao thông công cộng như xe buýt cũng mang lại nhiều lợi ích, như: giảm thời gian đi lại của phụ huynh qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và giảm ùn tắc giao thông. Chúng ta thấy rằng mỗi dịp nghỉ lễ khi mà nhu cầu đi lại giảm khoảng 10% thì lập tức đường thông thoáng, không còn ách tắc. Đặc biệt, lợi ích của việc đi xe buýt mang lại cho trẻ em đó là nâng cao sự độc lập của học sinh. Chẳng hạn chúng ta có thể thấy những học sinh Nhật Bản hoặc Phần Lan tự đi bộ hay đi xe buýt thì điều này giúp góp phần rất tốt định hình tính cách độc lập của trẻ em… |
Nhiều người quan niệm rằng, ai là “vua thời gian” thì mới lựa chọn đi xe buýt. Trên thực tế ở các nước phát triển, đi lại bằng phương tiện công cộng nhiều khi còn nhanh hơn so với khi dùng xe cá nhân bởi xe công cộng có tuyến đường riêng, lại rất đúng giờ.
10 THÀNH PHỐ CÓ GIAO THÔNG CÔNG CỘNG TỐT NHẤT Nhìn chung, phương tiện giao thông công cộng hợp lý có thể đóng vai trò quan trọng đối với trải nghiệm đi lại của một người trong thành phố. Tạp chí Time Out đã khảo sát hơn 20.000 cư dân tại hơn 50 thành phố trên khắp thế giới để tìm ra những nơi có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất. Các thành phố được xướng danh trong bảng xếp hạng có ít nhất 80% người dân được khảo sát đồng ý rằng họ dễ dàng đi quanh thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Danh sách này không bao gồm các mạng lưới giao thông công cộng mang tính biểu tượng như những chuyến phà xuyên lục địa ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tàu điện cổ tích của Lisbon (Bồ Đào Nha), Melbourne (Australia) và Manchester (Anh) hay Skytrain tại Bangkok (Thái Lan). Dưới đây là top 10 thành phố có hệ thống phương tiện giao thông công cộng tốt nhất thế giới: 1. Berlin (Đức): Đứng đầu danh sách những thành phố tốt nhất thế giới về giao thông công cộng là thủ đô nước Đức. Tạp chí Time Out cho biết 97% người dân Berlin ca ngợi mạng lưới giao thông của thành phố. Họ cảm thấy tin cậy, an toàn và thoải mái khi sử dụng. Berlin là thành phố có giao thông công cộng tốt nhất thế giới theo khảo sát của Time Out. 2. Praha (CH Czech): Về nhì trong bảng xếp hạng là Praha, một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Praha có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Từ dữ liệu của cuộc khảo sát, 96% người dân địa phương ở Praha cho biết thành phố của họ rất dễ đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. 3. Tokyo (Nhật Bản): Phương tiện giao thông công cộng của Tokyo không chỉ thuận tiện cho người dân địa phương mà còn ngày càng dễ sử dụng đối với những người không nói tiếng Nhật. 94% cư dân thành phố nói rằng họ dễ dàng di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Tokyo cũng được đánh giá rất cao. 4. Copenhagen (Đan Mạch): Copenhagen tự hào về hệ thống xe lửa, xe buýt và xe buýt đường thủy đáng tin cậy. 93% người dân địa phương cho biết việc đi lại rất thuận tiện. 5. Stockholm (Thụy Điển): Phương tiện giao thông công cộng chính ở Stockholm bao gồm tàu điện ngầm, xe điện, xe buýt và phà, đã gây ấn tượng tốt với 93% người dân địa phương. 6. Singapore (Singapore): Rất dễ tiếp cận và tiên tiến là ưu điểm của hệ thống giao thông tại Singapore. Theo 92% người dân địa phương, việc đi lại ở thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng thực sự thuận tiện. Đại diện Đông Nam Á - Singapore - cũng lọt vào bảng xếp hạng này. 7. Hong Kong (Trung Quốc): Hiệu quả, sạch sẽ và thoải mái, hệ thống giao thông công cộng của Hong Kong được 92% người dân địa phương khen ngợi. 8. Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc): Đài Bắc có 92% người dân địa phương đánh giá tích cực về mạng lưới giao thông công cộng và được cho là "một trong những thành phố dễ đi lại nhất ở châu Á". 9. Thượng Hải (Trung Quốc): Tạp chí Time Out cho biết: "Người dân Thượng Hải chắc chắn hài lòng. 91 người được hỏi trong cuộc khảo sát của chúng tôi cho biết việc đi lại trong thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng rất đơn giản". 10. Amsterdam (Hà Lan): Hệ thống giao thông công cộng của Amsterdam bao gồm mạng lưới xe lửa, xe điện, phà và xe buýt hoạt động rất hiệu quả và được 91% người dân địa phương khen ngợi. |
Ở Việt Nam hiện nay, hành khách phương tiện công cộng chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người ở khu vực ngoại thành; chưa có nhiều hành khách làm việc tại cơ quan, văn phòng hay khu vực nội thành.
Theo một số chuyên gia giao thông, phương tiện công cộng phát triển chưa được như kỳ vọng và tình trạng ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để có nguyên nhân từ việc phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh. Tại các thành phố lớn, cơ quan chức năng chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu để phát triển cân bằng giữa phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân. Sự mất cân bằng đó khiến tình trạng ùn tắc giao thông không thể "hạ nhiệt" và phương tiện công cộng bị ảnh hưởng nhiều hơn do tắc đường dẫn đến việc chậm giờ.
Vinbus chiếm được cảm tình của người dân bởi dịch vụ tốt và thân thiện với môi trường. |
Để thay đổi thói quen giao thông của người dân, các cơ quan chức năng có thể đưa những khẩu hiệu, câu chuyện người thật, việc thật về những cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội đã và đang sử dụng phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại hằng ngày, góp phần hình thành những giá trị mới trong xã hội. Đồng thời, nhà trường và gia đình cũng nên tăng cường giáo dục để học sinh làm quen với khái niệm giao thông xanh, hiểu rõ sự tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp nên xem xét đưa nội dung hỗ trợ tiền vé tháng phương tiện công cộng vào hoạt động phúc lợi của đơn vị, động viên người lao động sử dụng xe buýt đi làm thay cho xe cá nhân. Chúng ta cần tháo gỡ tâm lý ngại sử dụng phương tiện công cộng để hướng tới một xã hội có hệ thống giao thông công cộng phát triển, hiện đại, văn minh, từ đó tác động tích cực lên rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường và tránh lãng phí thời gian do tắc đường.
Việc mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cũng là một cách tháo bỏ tâm lý e ngại. Ví dụ, việc đi xe đạp công cộng cũng mang tới nhiều niềm vui, sự mới mẻ…
Dọc các con phố lớn tại Hà Nội, không khó để chúng ta bắt gặp những trạm xe đạp điện hai bên đường. Tính đến nay, đã có gần 80 trạm xe được phân bố rải rác khắp thành phố với hơn 1.000 xe điện, xe đạp điện cho thuê. Chỉ riêng dọc đường Võ Chí Công, đã có đến ba trạm xe được xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Chính vì sự tiện lợi này nên ngay từ khi ra mắt, nhu cầu sử dụng xe đạp công cộng tăng đáng kể.
Xe đạp công cộng mang lại nhiều sự tiện ích và thú vị. |
Chị Hoàng Thu Hà (nhân viên văn phòng ở Hà Nội) chia sẻ, từ khi có dịch vụ xe đạp công cộng, chị đã có nhiều thay đổi trong thói quen sinh hoạt, cụ thể là sử dụng xe đạp nhiều hơn để di chuyển. “Trước đây, tôi thường ngủ dậy muộn và hay trễ làm. Từ khi có dịch vụ xe đạp công cộng, tôi đã cố gắng dậy sớm đạp xe đến công ty. Việc này giúp tôi có nhiều thời gian hơn vào buổi sáng, giảm căng thẳng vì khi đạp xe. Tôi có thời gian hơn đi nghỉ ngơi, sáng tạo trong công việc mà không bị cảnh kẹt xe làm gián đoạn”, chị Hà nói.
Có thể thấy, để tháo gỡ tâm lý ngại sử dụng phương tiện công cộng thì cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng nhằm truyền tải thông điệp về văn hóa giao thông, bảo vệ môi trường, lợi ích từ hệ thống giao thông công cộng… Điều này giúp người dân dần thay đổi thói quen, vượt qua tâm lý e ngại để được thụ hưởng những tiện ích mà vận tải hành khách công cộng mang lại.
(Còn nữa)
|
Nhật Trường |