|
TTTĐ - Khởi động Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa được khống chế, kinh tế từng bước được phục hồi là hướng đi đúng và trúng, kỳ vọng đem lại luồng sinh khí mới giúp Hà Nội tăng tốc. |
Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, kinh tế Thủ đô chịu ảnh hưởng nặng nề. Các chuỗi cung ứng giảm sút, nhịp độ tăng trưởng chậm lại và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công, thất nghiệp... Đặc biệt, làn sóng thứ tư của dịch từ tháng 7/2021 kéo dài, nhất là trong quý III/2021 thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong bối cảnh ấy Hà Nội đã nỗ lực, thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hiệu quả. Thành phố đã bám sát chỉ đạo Trung ương, vào cuộc ngay từ ngày đầu năm, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực và quan trọng là theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. |
Quý I/2022, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét khi các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều dấu hiệu tích cực như: Tăng trưởng 5,83% (cả nước ở mức 5,03%) đúng với khung kịch bản tăng trưởng của thành phố. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 9,1% - cao hơn cùng kỳ (6,8%); Có 6.250 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 95 nghìn tỷ đồng; 4.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 2%). Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động; Hỗ trợ hơn 2,31 triệu đối tượng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo nghị quyết của Chính phủ với kinh phí hơn 2.353 tỷ đồng. Dù vậy, vực dậy từ “cơn bạo bệnh”, Hà Nội cần thêm nhiều “liều thuốc bổ” để phục hồi và bứt phá. Trong bối cảnh đó, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới giúp Hà Nội tăng tốc trên nhiều lĩnh vực: Giao thông, đô thị, du lịch, nông nghiệp... |
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đặc thù của Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại, có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô. Sở dĩ Vành đai 4 có vai trò to lớn như vậy bởi Hà Nội nằm trong cấu trúc Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô mở rộng đến 9 tỉnh, TP khác bao gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Đây là một trong những vùng trọng điểm kinh tế - xã hội, chính trị của cả nước. |
Hà Nội còn là hạt nhân vùng Đồng bằng sông Hồng, là đô thị đặc biệt, có cả khu vực nông thôn với khu vực hành lang xanh chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%). Nhìn nhận trên thực tế, Hà Nội vẫn chưa thể phát huy hết vai trò, tiềm năng, thế mạnh tương xứng với vai trò và vị thế trên. Đặc biệt, khi hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông của Vùng Thủ đô. Thành phố và cả Vùng Thủ đô đang lệ thuộc quá nhiều vào Vành đai 3. Sự kết nối từ hạt nhân trung tâm đi các địa phương lân cận, cũng như hướng quá cảnh Thủ đô đều bị chi phối bởi tuyến đường vốn đã quá tải này. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt, tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Từ thực tế đó, dự án đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khu vực vành đai. |
Thành phố Hà Nội và cả Vùng Thủ đô đang lệ thuộc quá nhiều vào Vành đai 3, gây quá tải |
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, địa phương, là chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh. Đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là bước đi tất yếu để tăng cường năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, Hà Nội và Vùng Thủ đô đang lệ thuộc quá nhiều vào Vành đai 3. Sự kết nối từ hạt nhân trung tâm đi các địa phương lân cận, cũng như hướng quá cảnh Thủ đô đều bị chi phối bởi tuyến đường vốn đã quá tải này. Nếu không sớm có Vành đai 4, Vùng Thủ đô có thể sẽ bị kéo lùi sự phát triển do quy mô kinh tế - xã hội vượt quá tầm vóc hệ thống giao thông.
Còn chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, Vành đai 4 cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho Vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của Vùng Thủ đô. Với Vành đai 4, không chỉ hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô được hoàn thiện, xuyên suốt, kết nối đến cả 10 địa phương, mà đó còn là bàn đạp tiếp cận đến các khu vực kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh, nhằm vươn tầm ra châu lục và thế giới. Đường Vành đai 4 sẽ mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô; Phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sau nhiều lần rà soát, quy hoạch đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới và bảo đảm hiệu quả đầu tư. Dự án được xác định có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, thuộc địa bàn 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài Vành đai 4 đi trên cao; Còn khoảng 39,13km (Hà Nội 10,53km, Hưng Yên 8,4km, Bắc Ninh 20,2km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Dự án cũng được thiết kế với 8 nút giao gồm: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; Cao tốc Nội Bài - Hạ Long; Hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa phần lớn cao tốc đi trên cao sẽ tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường giao thông; Bảo đảm liên kết đô thị hai bên tuyến đường (trong trường hợp cao tốc đi bằng sẽ chia cắt hai bên tuyến đường); Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất khu vực tuyến đường đi qua. |
Vành đai 4 vùng Thủ đô sau khi hoàn thành sẽ kết nối trung tâm kinh tế, vùng động lực kinh tế lớn nhất của cả nước. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực Vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía Bắc. Vì vậy, không chỉ có Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới. |
Đường Vành đai 4 sẽ mở rộng không gian phát triển |
Việc thiết lập vành đai cuối cùng này rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng. Đối với Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam Thủ đô. Đồng thời, phía Nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là Cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Dự án Vành đai 4 cũng mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội. Sau 14 năm hợp nhất hành chính Thủ đô, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép TP điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn. Dự án cũng tạo sức hút để giãn mật độ cư dân trong trung tâm đô thị, từ đó phát triển chuỗi đô thị vệ tinh bao gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên cùng việc kết nối chuỗi đô thị thành phố Hà Nội với những khu vực đô thị, công nghiệp thuộc Vùng Thủ đô. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội. Ngay khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm một cách hoàn chỉnh cũng như chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4. GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tuyến đường sẽ tạo thành trục đô thị hóa nhanh, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa. Nhà nước có thêm nguồn thu từ đất đai, kinh doanh. Bên cạnh thiết lập đô thị mới, đây cũng là địa bàn để phát triển các khu công nghiệp, bởi sự hình thành và phát triển của lĩnh vực này cũng dựa vào hạ tầng giao thông. Thêm đường vành đai cũng đồng nghĩa có thể xuất hiện hàng chục khu công nghiệp mới, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác. Hơn nữa, đô thị hoá, công nghiệp hoá phát triển đến đâu thì hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động phi nông nghiệp phát triển đến đó và mang lại khả năng sinh lợi kinh tế. Đó cũng là cơ sở để nhà nước thu được thuế, nuôi dưỡng nguồn thu nên chắc chắn việc triển khai tuyến đường Vành đai 4 sẽ mang lại nhiều hơn nữa nguồn thu cho ngân sách Thủ đô. |
Với Vành đai 4, không chỉ hệ thống đường bộ của Vùng Thủ đô được hoàn thiện, xuyên suốt, kết nối đến cả 10 địa phương phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, mà đó còn là bàn đạp tiếp cận đến các khu vực kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh, giúp mở rộng không gian phát triển, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới cực kỳ tiềm năng.
Theo Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, tuyến đường giúp giao thương trong nội bộ Vùng Thủ đô trở nên dễ dàng hơn, tăng cường năng lực kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, kéo gần khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng, khu vực ven biển. "Có hạt nhân kinh tế sẽ quy tụ được cư dân, tạo nên các đô thị lớn mạnh dần thay thế nông thôn, mang đến sự phồn thịnh cho mỗi địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước", bà Phương nhìn nhận. Còn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Vành đai 4 sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội vào loại tốt nhất cả nước, bởi nó còn thúc đẩy cả sự phát triển của cả các tỉnh, TP lân cận, không trực tiếp có Vành đai 4 đi qua khi kết nối vào. Điều quan trọng hơn là sẽ đánh thức được tiềm năng về đất đai, con người, trao cơ hội phát triển cho tất cả địa phương, góp phần hình thành một chuỗi đô thị bền vững trong hạt nhân trung tâm của Vùng kinh tế Bắc bộ. |
Vành đai 4- Vùng Thủ đô sau khi hoàn thành sẽ kết nối trung tâm kinh tế vùng động lực kinh tế lớn nhất của cả nước |
Dự án đường Vành đai 4 được thực hiện vào đúng thời điểm Chính phủ tăng cường đầu tư thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, điều này càng có ý nghĩa với Hà Nội cũng như các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nỗ lực của thành phố Hà Nội và các địa phương liên quan cũng như sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, có thể khẳng định, hiện đã là thời điểm chín muồi để tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. (Còn nữa) |
|