eMag azine
20/11/2024 07:00
Bài 2: Nguy cơ chiêng Mường dừng tiếng ngân nga

20/11/2024 07:00

Tiếng cồng chiêng được coi là tiếng vọng thiêng liêng từ sâu thẳm cội nguồn dân tộc Mường. Song, theo khảo sát của phóng viên, nhiều khu vực có cộng đồng dân cư Mường lớn ở Hà Nội hiện tại đứng trước nan đề về bảo vệ, giữ gìn truyền thống văn hóa này. Do tác động của các yếu tố khách quan, tiếng chiêng Mường hiện nay không thường xuyên ngân nga trong đời sống của bà con, thay vào đó, tiếng chiêng trở nên lao xao, chợt nổi chợt tắt trong dòng chảy nao nức hiện tại.

chiêng

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường

Tiếng cồng chiêng được coi là tiếng vọng thiêng liêng từ sâu thẳm cội nguồn dân tộc Mường. Song, theo khảo sát của phóng viên, nhiều khu vực có cộng đồng dân cư Mường lớn ở Hà Nội hiện tại đứng trước nan đề về bảo vệ, giữ gìn truyền thống văn hóa này. Do tác động của các yếu tố khách quan, tiếng chiêng Mường hiện nay không thường xuyên ngân nga trong đời sống của bà con, thay vào đó, tiếng chiêng trở nên lao xao, chợt nổi chợt tắt trong dòng chảy nao nức hiện tại.

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường

Vượt qua mấy đoạn dốc dài, người viết đến thôn Gốc Báng (xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), nơi được gọi vui là “ốc đảo” của đồng bào dân tộc Mường, lọt thỏm trong cộng đồng dân cư các dân tộc khác. Xa trung tâm Hà Nội hơn 70km, 187 hộ dân thôn Gốc Báng (98% là người dân tộc Mường) ngày đêm đau đáu với niềm trở trăn là bảo vệ, giữ lửa bản sắc được cha ông đời đời truyền lại.

Không giống như bà con người Mường ở Thạch Thất, Quốc Oai, người Mường ở thôn Gốc Báng “chia tay” tỉnh Hòa Bình từ khá lâu (năm 1991), trở thành một phần của tỉnh Hà Tây trên cơ sở chia tách tỉnh Hà Sơn Bình. Người dân Gốc Báng mang theo hành trang là truyền thuyết về cây Báng khổng lồ bóng che nghiêng nửa xứ Mường để gửi gắm cho con cháu niềm tự hào về nguồn cội.

Năm 2008, người dân Gốc Báng được trở thành công dân Thủ đô. Năm đó, trưởng thôn Quách Đoàn vừa tròn 40 tuổi. Dù nhiều năm lăn lộn buôn bán khắp các tỉnh phía Bắc, cũng là một trong những người ít ỏi ở Gốc Báng có “kinh nghiệm” với cuộc sống hiện đại xô bồ, ông Đoàn cũng không thể dự đoán được những đổi thay nhanh chóng của cộng đồng.

“Chúng tôi sợ là trẻ con trong nhà sắp tới không biết nói tiếng Mường”, ông Đoàn chia sẻ “Các cháu đi học và giao lưu với bạn bè, thích tiếng phổ thông”.

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường
Ông Quách Đoàn, Trưởng thôn Gốc Báng

Người dân Gốc Báng cố gắng lưu giữ tiếng cồng chiêng để níu giữ bản sắc văn hóa Mường. Nhắc đến chiêng Mường, ông Quách Đoàn bỗng dưng hoạt bát hơn hẳn, tiếng nói cũng lưu loát đầy tự hào: “Do địa hình đi lại khó khăn nên từ xa xưa người Mường đã lấy âm thanh làm phương tiện truyền đạt thông tin. Vì thế, mỗi khi tiếng cồng chiêng ngân vang, người Mường dựa vào sắc thái của âm thanh mà biết được những công việc của thôn, bản để tập trung lại. Ví như, tiếng cồng đón giao thừa ngày Tết “pinh, pòng, pinh” rộn ràng, tiết tấu từ thấp đến cao vọng vào vách núi không chỉ tạo không khí rộn ràng, vui tươi, mà còn mang ý nghĩa linh thiêng mời tổ tiên Mường về ăn Tết. Tiếng cồng khai hội tưng bừng như thúc giục mọi người đến tham gia. Tiếng cồng còn là lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng…”.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, việc thay đổi phương thức sản xuất kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân thôn Gốc Báng đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình không còn lưu giữ được bộ cồng chiêng quý; số nghệ nhân có am hiểu về nghệ thuật cồng chiêng tuổi cao, sức yếu, khả năng truyền thụ kiến thức nghệ thuật hạn chế khiến cho văn hóa cồng chiêng tại thôn Gốc Báng đứng trước nguy cơ mai một.

“Không thể để mất tiếng chiêng Mường”, ông Đoàn tự nói với mình, rồi thuyết phục những người dân trong thôn. Các cao niên trong thôn nghe ra, cùng nắm tay gây dựng lại đội cồng chiêng. Họ sưu tầm, gom nhặt những chiếc chiêng còn sót lại. Đồng thời, họ cố gắng dạy cho người khác, đặc biệt là lớp trẻ, bằng những gì còn trong trí nhớ.

Ban đầu, đội cồng chiêng thôn Gốc Báng chỉ chưa đầy mười thành viên, những người còn lại trong thôn đều bận rộn mưu sinh. Gần chục người ấy tụ họp mỗi tuần 2 lần, cùng nhau đánh chiêng “ping pong, ping pong”. Tiếng chiêng trầm trầm mời gọi người dân trong thôn. Dần dà, tựa như có sức hút vô hình, người dân tập luyện ngày càng đông, càng hăng say.

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường
Do tác động của các yếu tố khách quan, tiếng chiêng Mường hiện nay không thường xuyên ngân nga trong đời sống của bà con, thay vào đó, tiếng chiêng trở nên lao xao, chợt nổi chợt tắt trong dòng chảy nao nức hiện tại

Chính quyền cũng quan tâm đến đội cồng chiêng thôn Gốc Báng. Huyện Mỹ Đức dành cho thôn Gốc Báng bộ cồng chiêng đầy đủ 12 chiếc, cả chiêng khầm, chiêng bồng, chiêng lắp, chiêng lóng... Hơn nữa, huyện cũng mời các nhà nghiên cứu văn hóa Mường đến Gốc Báng để dạy cho người dân cách đánh chiêng, các bài chiêng.

Ông Quách Đoàn phấn khởi giải thích: Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của người Mường chú trọng cách luyến láy, có âm sắc độc đáo mang tính biểu cảm, sự chuẩn xác, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng chiêng. Cấu tạo cồng chiêng của người Mường là có núm ở giữa và được đánh bằng dùi. Cách chơi cũng khác, cồng của người Mường có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng, người chơi là phụ nữ, mặc trang phục truyền thống gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng nhiều họa tiết…

Đến nay, đội chiêng thôn Gốc Báng đã có 24 thành viên. Người nhiều tuổi nhất là cô Quách Thị Son (SN 1975), làm ruộng. Ít tuổi nhất là em Bùi Thị Nhạn, 22 tuổi, là giáo viên mầm non. Họ duy trì tập luyện hàng tuần một cách chăm chỉ, trách nhiệm. Họ đánh được bài “bông trắng bông vàng”, bài “Đi đường”, hay “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Đánh chiêng chưa hay, chưa nhuần nhị nhưng cũng là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi.

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường

Như đã đề cập, chiêng Mường ở Thủ đô là nghệ thuật độc nhất vô nhị, không chỉ có giá trị về âm nhạc mà còn đậm màu văn hóa, tâm linh. Đặc sắc là thế nhưng có một thời gian dài cồng chiêng ít được biểu diễn, thậm chí vắng bóng trong đời sống người dân ở Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất.

Trước kia, hầu như gia đình Mường nào cũng có một chiếc cồng chiêng, nhiều nhất là một bộ 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sau này do chiến tranh, cuộc sống khó khăn, có người phải bán cồng chiêng đi hoặc lâu không sử dụng khiến cồng chiêng bị biến âm hoặc vỡ.

Nếu như trước đây, nhà nhà đều có chiêng thì nay cả xã mới giữ được một bộ. Thậm chí, có xã còn không giữ được, mà phải nhờ đến chính quyền huyện hỗ trợ. Chiêng mất có thể đúc lại, nhưng, nghệ nhân mất đi là tổn thất khó bù đắp. Theo thống kê, giờ đây số người ở xã miền núi Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai biết đánh chiêng giai điệu rất ít, chủ yếu là ở lứa tuổi trung niên, người già. Một số bản nhạc chiêng cổ cũng bị mai một, bị lãng quên hoặc phát triển làm biến dạng âm nhạc đặc sắc quý giá của dân tộc Mường.

Huyện Ba Vì nhận ra vấn đề nói trên từ sớm. Bí thư Huyện ủy Dương Cao Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đã bản sắc dân tộc"; Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Những năm qua, nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì đã có nhiều cố gắng gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có việc khơi dậy và phát huy giá trị của văn hỏa cồng chiêng và trở thành nét đẹp không thể thiếu trong các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn của huyện Ba Vì.

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường

Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo Phòng Văn hóa Dân tộc huyện xây dựng Đề án số 05/ ĐA-UBND huyện ngày 30/11/2012 về “Bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2012- 2015 và những năm tiếp theo”. Trong đó, chú trọng việc xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng tại 7 xã miền núi của huyện.

Trên cơ sở các nội dung của Đề án, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, chính quyền các xã miền núi phổ biến nội dung mục đích và ý nghĩa của Đề án. Từ năm 2012 đến nay, UBND huyện đã ban hành 9 Kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Công tác tuyên truyền vận động triển khai thực hiện Đề án được các phòng ban, đơn vị, UBND các xã miền núi tích cực đẩy mạnh thực hiện. Việc bố trí, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn được quan tâm, các giá trị văn hóa được khôi phục, phát huy; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Kết quả, năm 2020, UBND huyện Ba Vì đã mua 3 bộ cồng chiêng chuẩn tặng cho các câu lạc bộ cồng chiêng ở các xã: Khánh Thượng, Ba Trại và Tản Lĩnh; nâng tổng số thôn có bộ cồng chiêng trong toàn huyện lên 24/76 thôn có người Mường sinh sống tập trung. Bên cạnh hỗ trợ các bộ cồng chiêng chuẩn, huyện cũng mở các lớp dạy kiến thức cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã.

Hiện nay, 100% các xã miền núi của huyện Ba Vì đã thành lập đội bảo tồn cồng chiêng, tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại các thôn trên địa bàn xã; số đội bảo tồn cồng chiêng Mường và chuông, chiêng của dân tộc Dao là 56 đội.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, đóng góp của Nhân dân Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng cồng chiêng trên địa bàn 7 xã miền núi của Ba Vì là 53 bộ/76 thôn, tăng 26 bộ so với năm 2011 (trong đó, số bộ được đầu tư bảo tồn là 24 bộ, còn lại 29 bộ do Nhân dân tự trang bị).

Đáng chú ý, huyện Ba Vì thường xuyên tạo điều kiện để các chương trình biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Mường được tổ chức thường xuyên tại các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của thành phố Hà Nọi và của huyện.

“Với các đội cồng chiêng được thành lập và hoạt động tích cực, hiệu quả tại 7 xã miền núi trên địa bàn huyện, cồng chiêng đã thật sự hồi sinh trên đất Ba Vì và tiếp tục gặt hái thành công qua những cuộc liên hoan nghệ thuật, giao lưu văn hóa trên toàn quốc. Qua đó, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương”, ông Dương Cao Thanh vui mừng cho biết.

Đối với người Mường tại huyện Thạch Thất, những nỗ lực bảo vệ nghệ thuật diễn tấu chiêng Mường cũng đang được quan tâm sâu sắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Văn hóa truyền thống của dân tộc Mường có bản sắc riêng, rất độc đáo, chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý truyền thống, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường.

Bài 2: Lao xao tiếng chiêng Mường

Những năm vừa qua, việc bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thạch Thất đã được thực hiện tích cực, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và nhiệt tình tham gia của đồng bào dân tộc Mường tại 3 xã miền núi. Các hủ tục đã được xóa bỏ, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng núi được nâng lên.

Huyện Thạch Thất cũng sát sao chỉ đạo UBND các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường. Nhận thức, tinh thần đoàn kết, tính tự tôn dân tộc trong Nhân dân được nâng cao, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tích cực tham gia hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường, đẩy mạnh việc trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng...

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn - Chủ nhiệm CLB chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) chia sẻ: Từ năm 2008, mỗi thôn của xã Tiến Xuân đều đã thành lập đội chiêng của mình, với tổng số 84 thành viên. Ngoài việc các đội tự góp tiền mua sắm bộ chiêng để biểu diễn, huyện Thạch Thất cũng trang bị 17 bộ chiêng cho các thôn của xã Tiến Xuân và mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn đánh chiêng cho thành viên của các đội. Riêng trang phục dân tộc Mường sử dụng khi biểu diễn, gồm váy, áo, khăn, kiềng cổ, vòng tay, xà tích, đều do các thành viên trong đội chiêng của thôn, CLB của xã tự bỏ tiền (khoảng 1 - 3 triệu đồng) để trang bị cho bản thân.

“Việc thành lập các CLB, đội chiêng Mường nhằm mục tiêu duy trì thường xuyên các hoạt động biểu diễn tập thể, truyền tải nghệ thuật biểu diễn chiêng tới thế hệ sau. Như vậy thì nghệ thuật biểu diễn chiêng Mường sẽ không bị quên lãng”, bà Bùi Thị Bích Thìn xúc động tâm sự.

Bài viết: Trung Đức - Vũ Cường

Loại bài viết “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Mường ở Hà Nội”:

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

Bài 3: Thúc đẩy đưa chiêng Mường vào du lịch, trải nghiệm

Trung Đức Vũ Cường