Nhìn thẳng vào thực tế, tại Hà Nội, căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trong thực thi công vụ gần như đã trở thành “căn bệnh ác tính” tại nhiều địa phương, sở, ban, ngành. Một số “khối u” vỡ ra, để lại hệ luỵ đau lòng. PGS. TS Lê Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hậu quả của bệnh sợ trách nhiệm dẫn đến “3 chữ mất”: Mất cán bộ, mất việc và đáng quan ngại nhất là mất niềm tin. |
Những nỗi đau từ thực tiễn
Thời gian vừa qua, những vụ cháy xảy ra tại Hà Nội đã gây ra những hậu quả, mất mát vô cùng lớn, đau xót. Nhằm hạn chế những vụ hoả hoạn gây thiệt hại về người và của, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2237/UBND-ĐT về xử lý đối với các công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.
Vụ cháy nhà có nhiều căn hộ ở Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người thương vong là bài học đau xót; đồng thời tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về công tác PCCC. |
Một nội dung đáng chú ý tại Công văn số 2237/UBND-ĐT là: UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình cam kết thực hiện việc khắc phục các tồn tại, quá trình khắc phục cần bảo đảm an toàn cho người và công trình lân cận, tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế, từ cấp xã phường tới quận, huyện, đâu đó vẫn còn sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là thoả hiệp với sai phạm.
thỏa hiệp với sai phạm?
Một ví dụ cụ thể: Tại ngõ 177 Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra hoạt động xây dựng không được cấp phép, phần xây dựng trái phép lấn chiếm không gian chung, gây mất an toàn PCCC. Sự việc này đã được người dân gửi văn bản tới UBND phường Đội Cấn từ đầu tháng 7/2023.
Ngày 13/7/2023, cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị quận Ba Đình đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng vi phạm để “làm căn cứ báo cáo lãnh đạo UBND phường có hướng giải quyết”.
Theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản...”.
Về ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính...”.
Tuy nhiên, mãi đến ngày 29/8/2023 (47 ngày, tính cả cuối tuần), UBND phường Đội Cấn chỉ ban hành “Thông báo về việc tháo dỡ công trình lắp dựng không có giấy phép tại địa chỉ số 177 Đội Cấn”.
Thông báo này yêu cầu đối tượng vi phạm tháo dỡ ngay phần hệ thống khung cột vì kèo tại tầng 4 và phần khung thép quây tôn lợp mái tôn tại tầng 5 không có giấy phép xây dựng. Điều đáng nói, thông báo nói trên không xác định rõ thời hạn thực hiện.
Cho đến thời điểm thực hiện bài viết này, phần khung thép tại tầng 5 của công trình vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ. Thậm chí, nó đã được chủ nhà quây tôn và đưa vào sử dụng.
Việc không xử lý dứt điểm vi phạm không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn cho thấy kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong công việc của một số bộ phận tại quận Ba Đình có dấu hiệu buông lỏng, thờ ơ. Điều này rất có thể sẽ xảy ra tiền lệ xấu.
Như đề cập ở phần trên, việc xây dựng tại ngõ 177 Đội Cấn đã được ghi nhận và xác định là trái phép. Bên cạnh việc vi phạm pháp luật về xây dựng, thì còn có nguy cơ hiện hữu về PCCC.
Trong bối cảnh các vụ cháy trong ngõ nhỏ tại Hà Nội đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, mang tới những nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn, thì nguy cơ tại ngõ 177 Đội Cấn đáng lý phải được các cấp uỷ, chính quyền xử lý rốt ráo, triệt để.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng kể từ thời điểm lập biên bản ghi nhận sự việc đến nay, vi phạm xây dựng tại ngõ 177 Đội Cấn vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn lý giải rằng “phường bận nhiều việc” nên chậm trễ xử lý. Đồng thời, vị lãnh đạo phường Đội Cấn cũng cho biết, một phần nguyên nhân là do “nể nang”.
Công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nhưng không được xử lý dứt điểm theo quy định |
Ở cấp quận, huyện, dấu hiệu buông lỏng quản lý trong xây dựng cũng có thể thấy khá rõ ràng. Tại huyện Thạch Thất, nơi mang tiếng là “thủ phủ của chung cư mini” trái phép, tình trạng xây dựng bất chấp các quy định của pháp luật diễn ra công khai khiến người dân bất bình.
Cụ thể, sau vụ hoả hoạn gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) hôm 12/9, đường dây nóng của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nhận được rất nhiều cuộc gọi của người dân và các sinh viên đang thuê trọ tại các chung cư mini ở khu vực Hoà Lạc, trên địa bàn huyện Thạch Thất. Các cuộc gọi này phản ánh về việc xuất hiện rất nhiều chung cư mini tại các xã Tân Xã, Bình Yên, Thạch Hoà... có dấu hiệu xây dựng vượt tầng, quá mật độ, chưa đảm bảo quy định PCCC.
Trước đó, ngày 29/11/2022, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đã ký Công văn số 2246/UBND-QLTrTXDĐT về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt tại các xã, thị trấn. Trong đó, công văn nhấn mạnh “kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Song, trái với sự chỉ đạo trên văn bản nói trên, thực tế cho thấy các công trình xây dựng vượt tầng, vượt mật độ, không đảm bảo quy định về PCCC mọc lên như “nấm độc sau cơn mưa rào” tại khu vực các xã nói trên.
Những "tòa chung cư mini" như dưới đây mọc lên như “nấm độc sau cơn mưa rào” ở các huyện ngoại thành Hà Nội. |
Khảo sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô cho thấy, tại các xã Tân Xã, Bình Yên, Thạch Hoà… tồn tại vài chục chung cư mini cao ngất, ngang nhiên dựng nên trước sự giám sát có phần lỏng lẻo của các cấp chính quyền. Những công trình mới xây này có quy mô từ 7 - 9 tầng, vài chục đến hàng trăm phòng cho thuê.
Kết quả là, sau khi phát hiện sự việc này, ngày 13/10, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp các bên liên quan kiểm tra công trình “Chung cư cao cấp My Home" tại xã Tân Xã; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Huyện uỷ Thạch Thất sau đó đã đình chỉ nhiệm vụ 3 vị Chủ tịch UBND xã Tân Xã, Bình Yên và Thạch Hoà.
Những ví dụ về sự chậm trễ, chây ỳ và thiếu hiệu quả trong công tác như trên có thể gặp tại nhiều cơ quan, đơn vị, sở ngành. Thực tế đó đã được Thành uỷ Hà Nội “chỉ mặt, đặt tên” nhằm “kê đơn, bốc thuốc” nhằm điều trị hiệu quả, nhanh chóng, dứt điểm.
mất mát lớn nhất là
"mất niềm tin"
Đối với căn bệnh sợ trách nhiệm, PGS.TS Lê Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có nhìn nhận sâu sắc và cái nhìn thấu triệt.
PGS.TS Lê Văn Cường thẳng thắn nhận định rằng: “Hai năm trở lại đây, nổi lên hiện tượng khái quát gọn lại là bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh. Cá nhân tôi cho rằng căn bệnh này có tính khá phổ biến. Ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực và mọi địa phương”.
Theo PGS.TS Lê Văn Cường, nguyên nhân của bệnh sợ trách nhiệm cũng có tính 2 mặt. Về mặt tích cực, người cán bộ đó vẫn còn liêm sỉ, cho nên khi thực hiện công vụ, trước một sự việc chưa rõ đúng sai thế nào, người ta chần chừ người đó không dám quyết đoán.
Sự chần chừ, không quyết đoán của cán bộ trong thực thi công vụ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan nằm ở chỗ, những quy định của Đảng và pháp luật được nhận định là khá nhiều, dẫn tới hiện tượng chồng chéo. PGS.TS Lê Văn Cường phân tích: “Thành ra, cán bộ bị lạc lối trong một rừng văn bản quy định.
Cái tốt là có quy định, nhưng cái không tốt là quy định nhiều quá, nhiều khi dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, cái sau đá cái trước. Nếu như cán bộ làm theo cái sau, người ta lại lấy cái trước ra làm tiêu chí đánh giá thì cũng làm sai, lại bị kỷ luật”.
Một nguyên nhân khách quan khác là thiếu những quy định về bảo vệ cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách để làm vì cái chung. Sau Đại hội XII, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị). Từ đó, mở đường cho sự đồng bộ hoá về quy định giữa Đảng và Nhà nước, tạo ra đồng bộ liên thông về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Kết quả, ngày 29/9/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo PGS.TS Lê Văn Cường, nguyên nhân sâu xa về mặt chủ quan, gốc rễ của bệnh sợ trách nhiệm nằm ở hiện trạng đạo đức cán bộ xuống cấp. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, điều tôi sợ nhất đối với phẩm chất của từng cán bộ khi thực thi công vụ là bất chấp. Nghĩa là đạo đức xuống cấp. Nó giống như có đại biểu Quốc hội từng nói là "ăn của dân không từ một cái gì", cho nên là bất chấp tất cả, sẵn sàng vi phạm vì lợi ích nhóm.
Vị chuyên gia cao cấp về xây dựng Đảng nói thêm rằng: “Chúng ta thấy rất rõ, nếu đứng trước cùng một sự việc, dù chưa có quy định rõ ràng của pháp luật, người cán bộ đạo đức trong sáng thì sẵn sàng dấn thân, dám quyết, thậm chí dám xé rào. Chúng ta nhớ lại thời kỳ đầu đổi mới, thời điểm bác Võ Văn Kiệt đang giữ vị trí Bí thư Thành uỷ TP HCM. Lúc đó, Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa nhưng nhiêu người dân TP HCM lại không có gạo để ăn - vì ngăn sông cấm chợ, không vận chuyển hàng hoá được.
Trước tình hình đó, Thường vụ Thành uỷ TP HCM họp, đề xuất là đưa người xuống đồng bằng sông Cửu Long để mua gạo. Trong cuộc họp Thường vụ, đồng chí Võ Văn Kiệt nói rõ, đây là “xé rào”, làm sai quy định. Nếu chúng ta làm sai quy định, thì tôi và các đồng chí rất dễ bị kỷ luật. Tuy nhiên, tôi với tư cách là người đứng đầu, tôi sẽ chịu trách nhiệm chung với các đồng chí. Sau đó, Thường vụ Thành uỷ TP HCM giao cho đồng chí Ba Thi làm trưởng đoàn đi thu mua gạo.
“Xé rào” như thế nhưng cái gốc của vấn đề là vì lợi ích chung, chứ không có động cơ vụ lợi. Cho nên, sau này đồng chí Ba Thi mới được tuyên dương là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt mới thành Thủ tướng. Đó là dám chịu trách nhiệm, dám quyết đoán - nhưng quan trọng là vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, thay vì dấn thân vì lợi ích chung, cán bộ đạo đức xuống cấp, suy thoái, tư tưởng chính trị không vững vàng, thì lợi dụng ngay khe hở, cái việc chưa có quy định chặt chẽ rõ ràng để trục lợi ngay cho cái cá nhân, cho nhóm nhỏ của mình.
Hậu quả của căn bệnh sợ trách nhiệm vô cùng lớn. Ví dụ dễ tưởng tượng thì hệ thống Đảng, chính quyền vận hành như một cỗ máy. Trong trường hợp một mắt xích ách tắc, đình trệ thì tất cả các khâu khác đều đình trệ, thậm chí tê liệt. Căn bệnh sợ trách nhiệm dẫn đến 3 chữ “mất”: Đầu tiên là mất việc (hỏng việc), thứ hai là mất người và thứ ba là mất niềm tin.
Đối với điều mất thứ nhất (mất việc, hỏng việc), PGS.TS Lê Văn Cường lấy ví dụ: “Tôi nói đơn giản, ai cũng biết rằng giải ngân vốn đầu tư công để kéo theo cú hích, tạo ra cái sự thông suốt trong phát triển kinh tế - xã hội thì Quốc hội, Chính phủ nói rất nhiều. Đến giờ, rất nhiều địa phương không đạt mục tiêu. Nói nghe có vẻ hơi ngược đời nhưng là có tiền mà không dám tiêu. Đấy là trì trệ, né trách, đùn đẩy trách nhiệm. Từ cái ách tắc đó, kéo đến đội giá, đội vốn, gây lãng phí vô cùng.
Tác hại lớn hơn là tác hại về niềm tin. Chúng ta đang trong thể chế nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền. Mà Đảng không có mục đích, ham muốn gì khác ngoài mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Nếu cứ để tình trạng trì trệ, đùn đẩy né tránh trong đội ngũ cán bộ - bản chất là công bộc của dân - thì sẽ mất niềm tin. Tiền, tài sản có thể thu hồi được. Mất niềm tin là mất tất cả. Đây là hậu quả đáng lo, đáng ngại nhất trong việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Nỗi sợ nữa là mất cán bộ, mất đảng viên. Tôi vẫn nhớ một nội dung trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: ...Chỉ qua một đợt dịch, chúng ta mất 3 Ủy viên trung ương, nhiều tướng lĩnh và hàng trăm người vướng vào lao lý, tù tội. Họ đã có nhiều cống hiến nhưng có những lúc đánh mất mình, có những lúc sa ngã - thế là đánh mất tất cả.
Thực hiện: Vũ Cường |