Thành phố Hà Nội từng có rất nhiều nhà máy cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa nhiều năm qua đã khiến nhiều nhà máy phải giải tỏa, di dời. Nhiều chuyên gia cho rằng, với dấu ấn kiến trúc cùng giá trị lịch sử, một số cơ sở công nghiệp còn lại hiện nay có thể được tái thiết, tạo ra những không gian công cộng (KGCC), trong đó có tổ hợp không gian sáng tạo (KGST) vốn đang rất thiếu trong nội đô.
Di sản công nghiệp - Ký ức đô thị Hà Nội mộT thời
Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - đại diện Việt Nam trong Mạng lưới Di sản công nghiệp Châu Á (ANIH), Hà Nội có khoảng hơn 100 cơ sở công nghiệp, trong đó không ít các nhà máy, xí nghiệp mang nhiều dấu ấn và lưu giữ những ký ức lịch sử của dân tộc.
Khi trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô về những cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng cũng khẳng định, sau ngày Hà Nội được giải phóng (10/10/1954), Đảng bộ, chính quyền Thủ đô bắt tay vào sự nghiệp xây dựng, phát triển theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra. Lúc này, toàn dân Hà Nội phấn khởi, hăng hái xây dựng kiến thiết Thủ đô.
Thời kỳ năm 1954 - 1965 là chặng khôi phục lại kinh tế của Hà Nội. Nếu cuối năm 1954, Thủ đô chỉ có một vài công trình của thời kỳ trước như nhà máy như Nhà máy Điện Biên Phủ, Nhà máy Đèn Bờ hồ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thì đến năm 1957-1958, thành phố đã hiện diện hàng loạt nhà máy, xí nghiệp lớn như Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt 8/3, hình thành khu công nghiệp Thượng Đình gồm: Nhà máy Cao su Sao vàng, Nhà máy xà phòng, Nhà máy Phích nước Rạng Đông… tạo nên gam màu nổi trong bức tranh của Hà Nội giai đoạn 1954 - 1965.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhớ lại: “Trong ký ức của tôi, xe điện là đặc trưng của Hà Nội những năm sau giải phóng. Sáng sáng, các tuyến xe điện từ Bờ Hồ nhộn nhịp tỏa đi đến Chợ Mơ, Bưởi, Hà Đông, từ Hàng Than vào nhà thương Cống Vọng (Bệnh viện Bạch Mai bây giờ) tạo nên một không khí làm việc, học tập náo nức, khẩn trương và vô cùng sôi nổi:
Xe điện chạy leng keng như đàn con nít
Xum xuê chợ Bưởi, ríu rít Đồng Xuân
Chào anh công nhân làm ra ánh sáng
Tan ca đêm Yên Phụ ra về” (Tố Hữu).
Theo KTS.TS Trương Ngọc Lân, Phó khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng, trong số các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ của Hà Nội thời kỳ trước, không ít nhà máy, xí nghiệp có thể được coi là những di sản công nghiệp.
“Khi đánh giá về di sản, thông thường, người ta nhìn từ khía cạnh như: Di sản đó từng gắn với danh nhân, với địa điểm xảy ra một sự kiện lịch sử; Công trình đó có kiến trúc, giá trị nghệ thuật, lịch sử, khoa học, địa chất… Tuy nhiên, khái niệm di sản còn được đặt cho những công trình gắn với đặc trưng sinh hoạt hay ký ức đô thị.
Chẳng hạn, ở Hà Nội có những nhà máy từng mang nhiều dấu ấn của lực lượng sản xuất thời kỳ bao cấp. Trong đó có những công nhân làm việc, tan ca tại Nhà máy Điện, Nhà máy nước Yên Phụ. Cuộc sống của họ gắn với một thời Hà Nội thi đua sản xuất, trở thành đầu tàu của cả nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội… Rất tiếc, do quá trình đô thị hóa, một số nhà máy đó đã không còn mà nhường chỗ cho các khu nhà cao tầng” - KTS.TS Trương Ngọc Lân nói.
Bài học từ việc ứng xử với di sản công nghiệp
Tháng 7/2022, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, danh mục 9 cơ sở sản xuất di dời gồm: Cty In Báo Nhân Dân Hà Nội; Cty TNHH MTV In Báo Hànộimới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Cty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long; Cty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.
Việc di dời các cơ sở này nhằm sắp xếp lại theo quy hoạch, góp phần sử dụng hiệu quả, tạo thêm quỹ đất cho các công trình công cộng, bảo đảm hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình di dời các nhà máy cũ trước đây, chúng ta cần làm gì trước 9 nhà máy - những di sản công nghiệp cuối cùng của Thủ đô sắp “biến mất”?
Đặt ra vấn đề này, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh, chúng ta từng chứng kiến, trước đây, hầu hết các nhà máy cũ nếu di dời thì đều được chuyển đổi thành các khu đô thị mới với mật độ cao, các chung cư thương mại cao tầng. Ví dụ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội thành Royal City, Nhà máy Dệt 8/3 thành Times City, Nhà máy cơ khí 120 ở 609 Trương Định thành Nam Đô Complex, Nhà máy Bánh kẹo Tràng An thành Tràng An Complex.
Hướng gợi mở cho KGCC, KGST |
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Thúy Loan, trong số những nhà máy trong diện phải di dời, một số cơ sở hoàn toàn đủ điều kiện là di sản công nghiệp, phù hợp để giữ lại một phần hoặc nguyên trạng để bảo tồn và tái thiết thành KGCC, KGST. Ví như, Nhà máy Bia Hà Nội được xây dựng từ năm 1890, đến nay đã có lịch sử 132 năm; Nhà máy Phích nước Rạng Đông, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng từng là biểu tượng về sản xuất công nghiệp của Thủ đô và đất nước thời kỳ xây dựng XHCN… Bởi lẽ, những di sản công nghiệp này có đặc điểm đa dạng về vị trí, quy mô đất đai, loại hình doanh nghiệp, tình trạng sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất, nhà xưởng, cũng như các giá trị về kiến trúc và lịch sử; Có quỹ không gian còn nguyên vẹn giá trị, phù hợp để tái thiết.
“Xu hướng tái thiết các di sản công nghiệp thành KGST, KGCC rất phổ biến trên thế giới. Bởi việc này sẽ đạt được một lúc nhiều mục đích: Lưu giữ ký ức đô thị của các di sản công nghiệp; Tạo ra hạ tầng cho nền kinh tế sáng tạo; Tăng thêm không gian công cộng, không gian văn hóa cho cư dân đô thị vốn đang bị áp lực về đô thị hóa và thiếu cây xanh” - PGS.TS Phạm Thúy Loan nói.
Hơn thế, KGST cần sự đa dạng, linh hoạt và có quy mô để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng văn nghệ sĩ, nhà khởi nghiệp, các nhóm trong giới sáng tạo. KGST cũng cần thu hút được mọi đối tượng công chúng, tạo ra điểm gặp gỡ cung - cầu của thị trường. Trong khi đó, các nhà máy, công xưởng cũ lại có lợi thế và đáp ứng tốt tiêu chí này. Sở dĩ như vậy là vì những nơi đó thường là một quần thể rộng lớn với công trình và có không gian trống, có thể được ngăn, chia, phân vùng một cách linh hoạt, tiện lợi, hoặc có thể sử dụng chung như một không gian lớn trong nhà, rất phù hợp cho các sự kiện thu hút đông người như triển lãm, biểu diễn, trình diễn...
“Ngoài ra, thuộc tính của KGST là cần kích thích trí tưởng tượng, tạo không khí sáng tạo, đáp ứng nhu cầu về tạo dấu ấn cá nhân mới mẻ của chủ thể sáng tạo. Những không gian có đặc tính văn hoá, chứa yếu tố lịch sử, di sản, tạo “cảm thức nơi chốn” sẽ đặc biệt phù hợp cho những người làm sáng tạo.
Có thể thấy, các nhà máy cũ có thể thích ứng với nhiều kịch bản khai thác sử dụng khác nhau mà các toà nhà văn phòng cao tầng khó có thể đáp ứng được. Tôi cho rằng, tái thiết các di sản công nghiệp là hướng gợi mở rất lý tưởng cho những tổ hợp không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp… đa chức năng vốn đang vô cùng thiếu ở Hà Nội” - nữ chuyên gia này nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về hướng đi này, KTS Phạm Trung Hiếu, Giảng viên bộ môn Lý luận - Bảo tồn di sản kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: “Việc di dời 9 nhà máy có thể mở ra một quỹ đất rất lớn cho thành phố. Điều này không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn các nhà máy đó mà tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Phần vỏ của nhiều nhà máy ngoài giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… còn có giá trị về không gian, cần được tận dụng công năng sao cho có ích. Đó chính là “biến” chúng thành KGST, KGCC, không gian văn hóa nghệ thuật... Đây là cơ hội để đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, văn hóa, đô thị, đưa Hà Nội chuyển mình và trở thành một thành phố sáng tạo, năng động”.
Thực hiện: Thái Sơn |