eMag azine
24/11/2023 07:00
Bài 2: Tuyên chiến với “căn bệnh sợ trách nhiệm”

24/11/2023 07:00

Cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là vấn đề bức xúc trong thời gian gần đây, gây nên những hệ lụy nghiêm trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quốc Hội

Quoc-hoi

Cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là vấn đề bức xúc trong thời gian gần đây, gây nên những hệ lụy nghiêm trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quoc-hoi

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả” và “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thời gian gần đây, câu chuyện “cán bộ sợ trách nhiệm” được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn; Được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo. Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm: Cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; Cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác.

Quoc-hoi
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đồng chí chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”. Đây là thực trạng tác động tiêu cực đến sự vận hành của hệ thống cơ quan, tổ chức và trong thực thi công vụ. Nó làm cho công việc bị chậm chễ, ách tắc; Nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ; Nhiều công trình bị triển khai chậm tiến độ; Nhiều nguồn vốn đầu tư công không được giải ngân đúng kế hoạch; Nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời…

Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị sợ trách nhiệm sẽ làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền thiếu niềm tin, thiếu năng nổ, thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến; Bởi họ có tham mưu, đề xuất, hiến kế những ý tưởng, cách làm mới, sáng tạo, đột phá cũng không được người lãnh đạo, quản lý của mình ghi nhận, ra quyết định triển khai trên thực tế.

Rộng hơn, cán bộ sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Làm cản trở sự phát triển của đất nước; Làm sa sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước... Đây là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của cán bộ ở những cấp độ khác nhau đều hết sức nguy hại, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan làm cho một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm. Nguyên nhân khách quan chủ yếu đến từ những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, khi mà ở đó, của cải, vật chất, tiền bạc được đề cao, là lợi ích tối thượng của các chủ thể kinh tế; Lối sống thực dụng, vị kỉ, thờ ơ, vô cảm có điều kiện tồn tại và lây lan.

Cán bộ sống và làm việc trong môi trường đó khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực về mặt tâm lý, tư tưởng, lối sống, và kéo theo là sự tính toán lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, biểu hiện trên hai góc độ: Cá nhân và tổ chức.

Quoc-hoi
Quoc-hoi Quoc-hoi

Đối với cá nhân, sợ trách nhiệm chủ yếu là do cán bộ thiếu bản lĩnh, hoặc thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, hoặc thiếu năng lực, hoặc sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ thiếu bản lĩnh thì không dám làm, vì sợ làm sai sẽ ảnh hưởng đến chức vụ công tác của mình, thế nên chọn cách làm máy móc những gì cấp trên chỉ đạo, không cần đột phá, đổi mới, sáng tạo. Cũng vì lý do này, cán bộ không dám chịu trách nhiệm, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Vì thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức mà cán bộ dễ nảy sinh thái độ thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề khó khăn, bức xúc của tập thể, của xã hội, của nhân dân; Từ đó, dẫn đến tình trạng phó thác, ỷ lại cho tổ chức, cho cấp trên, thiếu đôn đốc, kiểm tra, không sâu sát cơ sở, xa rời quần chúng.

Khi cán bộ hội tụ đầy đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nhưng lại thiếu năng lực, hay nói cách khác năng lực không đáp ứng với yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao, thì cũng dễ dẫn đến sợ trách nhiệm. Nguyên nhân là do, thiếu năng lực nên trước mỗi công việc, nhất là việc khó, việc mới, cán bộ không biết quyết định thế nào cho đúng, cho hiệu quả, làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, chất vấn. Vì vậy, cán bộ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, nơi khác để… “an toàn”.

Một nguyên nhân chủ yếu nữa làm cho cán bộ sợ trách nhiệm chính là chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên “sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” tưởng chừng chỉ là cách nói trào phúng nhưng lại trở thành phương châm sống và làm việc của không ít cán bộ, nhất là những cán bộ chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân.

Đối với tổ chức, để cán bộ sợ trách nhiệm là do tổ chức làm chưa tốt công tác cán bộ và chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, cũng như trong bảo vệ, kiểm tra, giám sát, phê bình và xử lý cán bộ sai phạm.

Làm tốt các khâu, các bước trong công tác cán bộ sẽ làm cho đội ngũ cán bộ của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cán bộ ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng và mong muốn của Nhân dân.

Quoc-hoi

Không phải bây giờ mới xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ biểu hiện của người mắc bệnh “sợ trách nhiệm” đó là: “Họ muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.

Biểu hiện của bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên cũng được thể hiện trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tác phẩm tuyển chọn nhiều bài viết tiêu biểu của người đứng đầu Đảng ta hiện nay, trong đó có bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên tạp chí Cộng sản, số 11/1973 với bút danh Người xây dựng. Tác giả bài viết nêu rõ: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ”.

Quoc-hoi

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động… Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể... Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.

Trước tình trạng vi-rút "sợ trách nhiệm” lây lan trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có dấu hiệu lây lan trên diện rộng, nguy cơ gây cản trở sự phát triển. Phát biểu chỉ đạo tại các cuộc họp quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền đi thông điệp: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Tại Phiên họp thứ tư, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải điên ra đầu năm 2023, trước thực trạng tiến độ tổng thể nhiều dự án còn chậm, nhiều mốc tiến độ chưa hoàn thành, có dự án thiếu tinh thần trách nhiệm của các cán bộ liên quan khiến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phát sinh khối lượng, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cương quyết: Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Quoc-hoi

Tháng 5/2023, Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Phân tích "một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm", đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, có hai nhóm: một là, nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là, nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, hoàn toàn có thể khắc phục được ngay. Trong bất cứ thời điểm nào, bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được không và nhận diện được thì xử lý thế nào? Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, giải pháp cấp thiết cần làm ngay là ưu tiên thay thế cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, ngoài Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là vì các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện. Những bất cập này đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh thẳng thắn ngay trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 29/5 vừa qua…

Quoc-hoi
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh)

Do đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, đặc biệt là văn bản dưới luật, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó có thể triển khai thực hiện được ngay.

Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) cho rằng vấn đề đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu là đúng nhưng “không chỉ như vậy”. Nếu trong thực thi công vụ để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình mà có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta còn nỗ lực để năng động, sáng tạo, tìm đến cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ.

Quoc-hoi
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh)

Thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành hoặc pháp luật của Nhà nước.

Do vậy, theo đại biểu những người thấy làm sai quy định, sai luật dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là điếc không sợ súng hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật. Cũng vì vậy, đại biểu cho rằng việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi. Bởi lẽ, bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật và khi ấy lại cần có việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và cứ theo bậc thang thì có thể phải lên đến Quốc hội, vì vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.

Vì thế việc cấp dưới hỏi xin ý kiến cấp trên, chờ chỉ đạo cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng nên lại chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến rồi mới làm trở thành phổ biến.

Theo đại biểu, về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14, Hội nghị Trung ương 6 đã có Nghị quyết 28, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong Nghị quyết 75 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 và Công điện 280 đã giao cho Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện dự thảo Nghị định báo cáo Chính phủ trong tháng 6.

Việc định hướng và chỉ đạo là rất rõ ràng, nhưng sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy vướng rất nhiều quy định của pháp luật nên đang tham mưu báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có Nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sau đó Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Nghị định. Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp của chúng ta không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.

“Có không ít những vấn đề khi đưa ra bàn, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan liên quan đều có lý lẽ của mình và dường như đều đúng và đáng tiếc là trong không ít trường hợp khi hầu hết các cá nhân, các cơ quan, đơn vị liên quan đều đúng, đều cố gắng thực hiện tốt nhất, đúng nhất theo chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của mình thì có những việc nóng hổi của dân, của nước bị đóng băng” – đại biểu khẳng định.

Quoc-hoi
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum)

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) nhìn nhận, hiện tượng né tránh trách nhiệm này có từ lâu rồi, không phải bây giờ mới có. Vấn đề ở chỗ dường như gần đây có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn.

Nguyên nhân, theo đại biểu, một bộ phận do năng lực, trình độ hạn chế cho nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế nên làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Mà không dám làm như vậy thì né tránh hoặc đùn đẩy.

Theo đại biểu, vấn đề đặt là là làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này. Theo Báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021 thì có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ có nói rằng việc đánh giá cán bộ chúng ta là chưa thật sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc, đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Về giải pháp, theo đại biểu, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ thì cũng cần phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền. Bởi vì, việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa khắc phục.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nhấn mạnh: Bây giờ bắt thế nào cho đúng bệnh? Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Trong khi nếu như càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn như thực tế vẫn còn rất thấp.

Quoc-hoi
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam)

Cùng với đó, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, nhiều nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Như vậy, trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt nhưng nhiều nơi vẫn chậm. Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, cán bộ không chịu tham mưu cũng không xử lý được.

Theo đại biểu chính là trách nhiệm của người đứng đầu. “Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Bây giờ ta tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho đứng sang một bên khi không làm được việc, việc này tôi cho mới là điểm chính” – đại biểu nói.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, trong đó có 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật, đề ra nhiều giải pháp để đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc triển khai các luật và nghị quyết còn không ít tồn tại và hạn chế. Một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Đặc biệt, có 6 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày mùng 1/1/2024 và mùng 1/7/2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai, trong khi đây là nội dung rất quan trọng, cần thiết để dự kiến các công việc phải làm, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết ngay từ thời điểm có hiệu lực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân của thực trạng trên là do vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ sau Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 24/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, hệ thống pháp luật có những vướng mắc, chồng chéo, chưa hợp lý nhưng phần nhiều là do tổ chức thực hiện. Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ được giao đã được nhận diện.

Quoc-hoi

(Còn nữa)

Nội dung: Mai Anh

Trình bày: Nguyễn Anh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Giải quyết những vấn đề “nóng” Từ nghị trường đến đời sống
Bài 3: Tháo gỡ “điểm nghẽn” đầu tư công”
Quoc-hoi

Nguyễn Anh