Do các tuyến quốc lộ còn tồn tại những hạn chế nhất định, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về những điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Tuy nhiên, trên thực tế, ý thức tham gia của người dân mới thật sự là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Buổi chiều giờ tan tầm, đoạn quốc lộ (QL) 1 đi qua khu vực Hố Nai 3 (tỉnh Đồng Nai) trở nên hỗn loạn, rối beng. Mỗi hướng giao thông có 2 làn đường, thế nhưng có đến 6 làn xe tham gia lưu thông. Nói 6 làn xe là do mỗi bên “xuất hiện” thêm 2 làn lưu thông ngược chiều mỗi bên. Gọi là làn xe vì người tham giao thông điều khiển phương tiện đi ngược chiều thành đoàn, không ngại nguy hiểm. Tự nhiên đến mức phương tiện lưu thông đúng luật cũng phải nhường đường cho họ nếu không muốn xảy ra tai nạn. Mọi người đi như luật cho phép!
Ý thức người tham gia giao thông ở đâu khi có cả xe ba gác vô tư chạy ngược chiều |
Ngay trước Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), lòng đường được mở lớn, có đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, gần nửa giờ đứng quan sát, đèn tín hiệu dường như chỉ dành cho những phương tiện xe lớn, còn xe máy vẫn thản nhiên băng qua lại trên QL... bất chấp. Chưa kể, người đi bộ cũng thoải mái băng qua đường khi cần. Đèn tín hiệu giao thông đối với họ như một vật trang trí, không có giá trị.
Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, nhiều giải pháp trọng tâm đã và sẽ triển khai để giảm thiểu TNGT. Theo đó, đơn vị phối hợp với Khu Quản lý đường bộ IV, Sở GTVT, Công an tỉnh và các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ; Kiểm tra công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông của các đơn vị quản lý tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện và các tuyến đường có phương tiện lưu thông phục vụ các dự án điểm trên địa bàn tỉnh; Kiểm tra các nút giao thông có tình hình phức tạp, các công trình đang triển khai thi công trên địa bàn để từ đó chấn chỉnh, đề xuất phương án tổ chức giao thông hợp lý, hạn chế tình trạng mất ATGT; Xử lý nhanh chóng các “điểm đen” TNGT tại các tuyến đường; Thường xuyên theo dõi hệ thống camera giám sát tải trọng, giám sát đường thuỷ và giám sát tại các nút giao thông đường bộ để từ đó kịp thời xử lý các phương tiện vi phạm, gây mất ATGT khu vực. |
Từ ngã 3 Dầu Giây về đến TP Biên Hòa, đoạn đường dài hơn 40km qua nhiều khu dân cư khác nhau, nhưng lại giống nhau về sự bát nháo trong giao thông trên trục QL1. Tại những điểm giao cắt, nhiều người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Họ quay đầu xe, đi ngược chiều… có thể thấy bất kỳ lúc nào. Thậm chí, cả những loại phương tiện bị cấm như xe cải tiến, xe ba bánh chở hàng cồng kềnh cũng thoải mái lưu thông, có khi đi ngược chiều là chuyện thường nhật. Trong suốt nhiều ngày di chuyển trên QL1, QL20 thuộc địa bàn Đồng Nai, chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn mỗi ngày nhưng những lúc ấy chúng tôi không gặp CSGT tuần tra xử lý (?!)
Tuyến QL1 đi qua địa bàn tỉnh Long An cũng không thiếu cảnh đi ngược chiều, nhưng không xô bồ, náo loạn như đoạn QL1 qua Đồng Nai. Nơi đây chỉ tập trung tại những khu vực đông dân cư như Thị trấn Bến Lức. Nếu như một số người dân ven QL1 Đồng Nai đi sai luật một cách thoải mái, thì người dân trên địa bàn Long An lại khá e dè. Chính sự e dè đôi khi cũng là nguyên nhân dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.
Trong lúc đi qua Thị trấn Bến Lức, chúng tôi buộc phải lủi xe vào lề đường vì một phương tiện sợ vi phạm nên khi nhìn thấy lực lượng CSGT tuần tra đã vội vã “quay xe” né tránh.
Sinh viên Trường Cao đẳng Lilama 2 băng qua lộ về nhà sau giờ học. Cách đó vài chục mét là lối đi bộ qua QL51 đã được xây dựng nhưng không được tận dụng |
Tình trạng chạy ngược chiều, không mũ bảo hiểm, thản nhiên băng qua lại trên QL51 từ địa bàn Đồng Nai qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không khác gì so với các tuyến QL khác. Có khác chăng chỉ là số lượng người thiếu ý thức tham gia giao thông nhiều hay ít và việc tuần tra, giám sát của lực lượng CSGT mỗi tỉnh sẽ quyết định phần nào về tình hình giao thông trên địa bàn những nơi đây.
Theo Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tuyến QL51 đoạn đi qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống cấp, hư hỏng và ghi nhận số người tử vong do tai nạn tại đây rất cao. Ban ATGT đã kiến nghị Bộ GTVT có chỉ đạo đến các đơn vị ban ngành lập kế hoạch khảo sát, có phương án sửa chữa lại hạ tầng tuyến đường và phương án đầu tư các nút giao để giảm ùn tắc, tai nạn. Đồng thời có những đánh giá, phân cấp lại hệ thống đường bộ trong khu vực đô thị và cả hệ thống mạng lưới đường bộ theo đúng chức năng, tính chất giao thông, phù hợp với thực tiễn phát triển giao thông gắn với phát triển đô thị, dân cư. |
Có một thực tế dễ thấy trong việc tham gia giao thông trên các tuyến QL, đó là đa số các phương tiện xe ô tô, xe tải nhỏ tham gia chấp hành tương đối nghiêm theo Luật Giao thông đường bộ, còn nhiều loại xe khách từ xe giường nằm, đến những loại xe khách 16 chỗ và các loại xe gắn máy mang biển kiểm soát của địa phương lại là những phương tiện lưu thông “loạn” nhất trên đường.
Di chuyển trên QL nhưng nhiều phương tiện xe 2 bánh rất “vô tư” kiểu nhàn nhã hóng mát và lấn ra tới phần đường lưu thông của xe ô tô. Còn xe khách liên tỉnh thì lúc ra lúc vào đón trả khách, thậm chí dừng xe lấn hết phần đường xe máy để chờ khách cũng diễn ra mọi lúc.
Một lãnh đạo huyện Trảng Bom cho biết, theo quy định, việc tuần tra kiểm soát giao thông trên QL thuộc Phòng CSGT tỉnh, còn các huyện có tuyến QL đi qua không tham gia việc này. Do vậy, địa phương không thể xử lý các trường hợp vi phạm giao thông trên QL.
Tìm hiểu thực trạng này với Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, nhưng tiếc là lãnh đạo nơi đây đã từ chối trao đổi, cung cấp thông tin. Lý do được đơn vị này đưa ra là chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tuyến quốc lộ” không liên quan đến Công an tỉnh mà chỉ liên quan đến Ban An toàn giao thông (?!)
Người dân liều lĩnh đi xe máy ngược chiều cả một đoạn đường dài |
Trong khi đó, ghi nhận tại một điểm giao cắt QL thuộc địa bàn huyện Trảng Bom, một chiếc xe ba bánh “độ” lại thùng khá dài chở đầy hàng cồng kềnh ngang nhiên chạy ngược chiều để băng qua điểm giao cắt. Cũng như thế, có một thực tế, người dân di chuyển ngược chiều trên QL1A đoạn đi qua Đồng Nai bình thản như không có chuyện gì. Họ bình thản vì không có CSGT tuần tra trên đường. Thậm chí những phương tiện cấm lưu thông như xe máy cày cải tiến cũng thoải mái chạy băng băng trên QL.
Câu chuyện thông thoáng lề đường hiện cũng đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảnh xô bồ, bất an trên các QL. Những tấm bảng hiệu lớn kèm theo cảnh buôn bán ven đường làm giảm tầm quan sát khiến việc lưu thông của phương tiện xe máy trở nên nguy hiểm.
Một vụ tai nạn trên QL1 qua huyện Trảng Bom |
Ông Vương Đình Hiếu, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom cho biết, về cấp độ địa phương chỉ quản lý bảo đảm tình trạng không được lấn chiếm, buôn bán trên lề đường. “Kế hoạch làm sạch lề đường, đảm bảo ATGT được UBND huyện xây dựng và triển khai mỗi năm, các UBND xã và lực lượng trật tự đô thị vẫn thường xuyên thực hiện công tác này”, ông Hiếu cho biết.
Cũng theo ông Hiếu, trong năm 2022, các xã thuộc huyện Trảng Bom đã thực hiện phạt hành chính nhiều trường hợp, song thực trạng bày biện bảng quảng cáo, buôn bán vẫn cứ tấp nập sát theo trục QL. “Thấy lực lượng kiểm tra đến thì họ lùi vào, đi qua thì lại đẩy ra. Thật sự ý thức người dân chưa có. Nếu cắm chốt dọc theo tuyến QL thì cũng không phải giải pháp. Giờ chỉ trông vào ý thức hoặc có những biện pháp chế tài thật mạnh mới chấn chỉnh được thực trạng này”, ông Hiếu nói.
Mang câu chuyện kinh doanh bên lề đường trao đổi với ông Trần Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thống Nhất, ông cho biết, chủ trương của huyện là yêu cầu các xã phải tăng cường kiểm soát việc lấn chiếm lòng lề đường ven QL làm nơi mua bán. “Lãnh đạo huyện chủ trương rõ, xã nào làm không được thì Chủ tịch xã nên nghỉ việc.
Chính sự kiên quyết của lãnh đạo nên tình trạng mua bán ven QL đã giảm hẳn, tất cả phải lùi vào 3m từ mép đường. Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng nhiều bảng hiệu bám sát mép đường do tâm lý sợ bảng hiệu quán trước che khuất bảng hiệu sau. UBND các xã phạt nhiều nhưng người dân thay đổi cách ứng phó, cứ thấy lực lượng chức năng làm việc thì họ đẩy vào, không có thì đẩy ra. Câu chuyện ý thức người dân vẫn chưa giải quyết được”, ông Tuấn nói.
Theo Ban ATGT tỉnh Long An, công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và cần sự giúp sức, đồng hành từ nhiều đơn vị chuyên trách. Hiện một số lãnh đạo, đơn vị và chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở chưa đủ mạnh, chủ quan, buông lỏng… từ đó dẫn đến tai nạn giao thông có xu hướng tăng. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông chưa sát với thực tế và chưa đến được đối tượng chính cần tuyên truyền. Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại một số địa phương chưa nghiêm, hiện tượng phương tiện vi phạm luật giao thông vẫn còn nhiều. Công tác tăng cường lực lượng giao thông trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực thôn, liên ấp, liên xã chưa cao. Công tác giải toả vỉa hè, chợ tự phát, hành lang an toàn đường bộ chưa triệt để, vẫn để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường. Đặc biệt, công tác xử lý nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông chưa được triển khai quyết liệt. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. |
Bài viết: Minh Tường Đồ họa: Phạm Mạnh |
|