Việc giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, cũng như quy trình chế biến phải được tiến hành thường xuyên, tránh hình thức và có phương án xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Lắp camera giám sát hoạt động của bếp ăn bán trú là việc đã được trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) thực hiện từ nhiều năm nay. Không chỉ tiết kiệm nhân lực, sự xuất hiện của camera trong bếp ăn cũng khiến tinh thần trách nhiệm của mỗi nhân viên nhà bếp nâng cao lên thêm một bậc.
Có mặt tại trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) những ngày đầu năm học mới 2023 - 2024, phóng viên ghi nhận không khí dạy và học sôi nổi của thầy và trò nhà trường, đặc biệt là với các em học sinh lớp 1. Dù vừa vào môi trường mới ít ngày nhưng không khó để nhận ra sự hào hứng của các em.
Theo cô Vũ Thị Thu Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A7, học sinh bắt nhịp rất nhanh với nề nếp, nghe lời cô và ngoan ngoãn. Không chỉ vậy, dù thay đổi môi trường nhưng bạn nào cũng thích thú khi tới giờ ăn trưa.
“Cơm ở trường ngon lắm mẹ ạ”; “Con ăn hết sạch suất ăn. Món nào cũng ngon”… là những lời nhận xét non nớt nhưng vô cùng chân thật của các em nhỏ với bố mẹ của mình sau buổi học đầu tiên.
Có 2 con gái đều đang theo học tại trường, một cháu lớp 5 và một cháu năm nay vừa vào lớp 1, anh Nguyễn Chí Hiếu (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) không chỉ đánh giá cao chất lượng dạy và học của nhà trường mà còn yên tâm với bữa ăn bán trú của các con.
Anh chia sẻ: “Cháu bé nhà tôi ở nhà kén ăn, lại gầy nên ban đầu đi học, gia đình cũng có chút lo lắng về dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, sau 2 ngày đi học đầu tiên, nỗi lo dần tan biến khi những thông tin về ăn uống, sinh hoạt của con thường được cô giáo chủ nhiệm chia sẻ lên nhóm lớp với phụ huynh. Nhìn bữa ăn dinh dưỡng, sạch sẽ, chúng tôi rất yên tâm”.
Có chung nhận xét ấy, chị Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ: “Con trai lớn của tôi đang học lớp 4 và giờ đến bạn thứ 2 cũng vừa vào lớp 1. Là phụ huynh lâu năm của trường, tôi rất yên tâm, tin tưởng vào chất lượng bữa ăn trưa. Không sự đánh giá nào khách quan bằng việc các con mình hàng ngày vui vẻ, hạnh phúc khi đến trường, thích thú kể với bố mẹ về bữa trưa ngon hơn mẹ nấu ở nhà.
Đặc biệt, khu vực bếp ăn được lắp đặt camera nên nếu có bất cứ vấn đề gì, việc truy xuất các khâu của quá trình chế biến, tìm nguyên nhân đều rất đơn giản, dễ dàng”.
Năm học 2023 - 2024, trường có hơn 2.000 học sinh trong đó có 591 học sinh lớp 1; có tới 90% học sinh ăn bán trú. Vì vậy, từ tháng 8, nhà trường đã lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm, mời thầu và đánh giá hồ sơ năng lực.
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên cho biết, trong suốt tháng 8, công tác chuẩn bị năm học mới và bữa ăn bán trú cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của ban giám hiệu nhà trường.
Sau quá trình đánh giá, trường lựa chọn Công ty TNHH Thương mại và Chế biến suất ăn Hoa Sữa là đơn vị cung cấp suất ăn. Đơn vị đảm bảo các tiêu chí theo quy định của ngành Giáo dục, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Đội ngũ nhân viên công ty tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm.
Thực hiện mô hình bếp ăn một chiều, nhà trường giám sát chặt chẽ đơn vị cung cấp suất ăn từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, định lượng, chia về lớp cho học sinh. Bếp ăn được giám sát 24/24 giờ qua hệ thống camera.
Nhà trường thành lập 1 tổ công tác gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên, đại diện phụ huynh. Hàng ngày, vào 6 giờ, tổ công tác giám sát việc nhận thực phẩm đầu vào. Bếp ăn có camera để giám sát toàn bộ quá trình chế biến thức ăn. Ban Giám hiệu đi kiểm tra bếp ăn liên tục trong thời gian nấu.
Đúng 10h45 phút, các suất ăn được chia về theo đơn vị lớp. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của nhân viên bếp ăn, thức ăn được chia ra khay để học sinh ăn trưa. Cán bộ, giáo viên chia cơm đều thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang và đi găng tay.
“Không chỉ chú trọng đến việc giám sát thực phẩm từ đầu vào đến khi chia ra từng suất cho học sinh, nhà trường còn cẩn thận ở khâu lên thực đơn để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho các con. Việc lên thực đơn được thực hiện theo tuần, lựa chọn các món ăn theo mùa để đảm bảo tiêu chí thực phẩm luôn tươi ngon nhất”, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, kết quả kiểm tra các bếp ăn tập thể trường học thời gian qua cho thấy, đa số các trường đều chấp hành tốt quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của TP Hà Nội do ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn và ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội làm phó đoàn kiểm tra ATTP tại trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) |
Ông Phong cũng nhấn mạnh, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.
Đặc biệt, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người; chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.
Thực tế cho thấy, dù có sự vào cuộc trách nhiệm của các nhà trường, giám sát chặt chẽ từ phụ huynh cùng công tác giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng, nhưng thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn xảy ra một số vấn đề về chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học. Đơn cử có thể kể đến vụ việc suất ăn bán trú bị phản ánh “lèo tèo” ở trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông hay vụ nhiều học sinh trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) có biểu hiện đi ngoài sau bữa ăn bán trú gây xôn xao dư luận.
Ở thành phố lớn với hơn 2.800 cơ sở giáo dục, hơn 2 triệu học sinh và 1.800 trường học tổ chức ăn bán trú, những sai sót xảy ra là điều khó tránh khỏi. Điều đáng nói, ngay sau một số sự việc hãn hữu ấy đều ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để nhanh chóng làm rõ sự việc, chấn chỉnh những sai phạm và kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục, đặt lợi ích, sức khỏe của học sinh lên hàng đầu.
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh: Việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh được ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hằng năm, ngành đều tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn ở các trường học.
Đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế kiểm tra cho thấy, các nhà trường cơ bản tuân thủ quy định liên quan đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có sự tham gia giám sát của phụ huynh trong các khâu.
Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất công tác tổ chức ăn bán trú tại các trường học. Đồng thời, sự quan tâm của UBND các cấp trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và giải quyết tình trạng bán hàng rong xung quanh trường học là cần thiết để góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.
Bài viết: Ngọc Minh Trình bày: Thanh Huyền |
|