“Đóng băng” hoàn toàn trong đợt giãn cách xã hội vì COVID-19 bùng phát lần thứ 4, chỉ sau một năm thành phố mở cửa trở lại, ngành Du lịch đã phục hồi “phi mã”. Kỳ vọng sau giấc “ngủ đông”, ngành công nghiệp không khói được đánh thức sẽ vươn mình mạnh mẽ và bứt phá.
Dịch COVID-19 càn quét chỉ gần 6 tháng, nhưng việc xúc tiến thương mại tại TP Hồ Chí Minh gần như tê liệt hoàn toàn, trong đó có ngành Du lịch. Người dân bị “cấm cửa”, ngành Du lịch khủng hoảng toàn diện. Nhiều doanh nghiệp lữ hành thi nhau tuyên bố phá sản.
Rồi thành phố mở cửa dần. Các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vận tải… lại bắt tay khởi động trở lại. Dù gian nan nhưng mọi sự đã khởi đầu cho hành trình chinh phục mới.
Sau thời gian dài giãn cách và hạn chế đi lại, ắt hẳn nhu cầu “xê dịch” của mọi người là vô cùng lớn. Xác định đây là “bàn đạp” quan trọng để đưa du lịch thành phố trở lại thời kỳ “vàng” trước đây, các doanh nghiệp lữ hành quyết nắm bắt tốt cơ hội để “vực dậy” ngành Du lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, ngành Du lịch thành phố đang và sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để lợi thế, tiềm năng của thành phố. Cùng với đó là liên kết với các tỉnh, thành lân cận nhằm tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch phục vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau. “Sự kết hợp này giúp cho các tour du lịch trở nên hấp dẫn, mới mẻ hơn, đồng thời có thể khai thác tối ưu lợi thế của các địa phương”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Thời điểm này, hàng loạt tour du lịch nội thành với những loại hình đa dạng vừa được sinh ra. Giờ đây, mọi người có thể thăm quan TP Hồ Chí Minh bằng đủ mọi hình thức, mọi phương tiện… từ cao cấp đến bình dân.
Đến với TP Hồ Chí Minh, lần đầu du khách có thể trải nghiệm ngắm thành phố từ trên cao bằng máy bay trực thăng. Đây là tour du lịch đặc biệt được nhiều doanh nghiệp du lịch tên tuổi như: TST Tourist, Saigontourist, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour… đưa vào khai thác từ tháng 4 năm nay. Với khoảng 40 - 60 phút bay, hành khách sẽ được ngắm nhìn tận mắt toàn thể sông Sài Gòn, toàn cảnh rừng ngập mặn Cần Giờ, hay Cánh đồng bất tận Long An…
Du thuyền 5 sao trên sông Sài Gòn |
Nếu không muốn lơ lửng trên cao, du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm vi vu sông nước trên du thuyền cao cấp, với chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng. Trên mỗi chuyến thăm quan, du khách sẽ vừa được ngắm cảnh đẹp thơ mộng của thành phố lúc hoàng hôn và về đêm dọc bờ sông Sài Gòn, lại vừa được thưởng thức ẩm thực, âm nhạc… vô cùng đặc sắc.
Nhẹ nhàng hơn nữa, chỉ vài chục nghìn đồng, du khách đã có thể trải nghiệm những loại phương tiện thăm quan đặc biệt khác, ví như tàu buýt trên sông, xe buýt 2 tầng, xe điện, xe cổ vespa… để dạo quanh các điểm đến nổi tiếng của một Sài Gòn phồn hoa.
Cho ai vừa muốn “xê dịch” lại vừa thích vận động, có thể thuê một chiếc xe đạp công cộng TN-GO và tự do khám phá, với giá chỉ bằng 1 cốc cà phê.
Đa dạng các tour du lịch tại TP Hồ Chí Minh
Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp quận Tân Phú cho ra mắt tour “Tân Phú - Đi là nhớ”. Điều này khiến nhiều người bất ngờ khi trước nay, Tân Phú chưa phải là một quận có tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, với những điểm đến trong chương trình “Tân Phú - Đi là nhớ”, du khách trong và ngoài thành phố có thể tìm thấy những điều hấp dẫn mà Tân Phú mang lại.
Ngoài quận Tân Phú đã “mặc áo mới” cho các điểm đến để thu hút du khách, nhiều đơn vị lữ hành đã bắt đầu khai thác những điểm đến mới tại các quận, huyện ở thành phố như Quận 5, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức… Những sản phẩm du lịch này đã góp phần mang lại trải nghiệm hấp dẫn mới lạ cho du khách.
Đặc biệt, một số tour đặc sắc phải kể đến như: Sài Gòn di sản trăm năm; Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn; Sài Gòn rong ca chiều thứ 7; Củ Chi - Đất thép thành đồng; Củ Chi - Nông trang xanh; Địa đạo vùng đất thép; Sài Gòn đẹp lắm; Trải nghiệm xe buýt hai tầng - Xuôi dòng Bình Trị Giang; Từ Sài Gòn xưa đến TP Hồ Chí Minh nay; Khám phá lịch sử Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh bằng xe Hop on Hop off; Bình Chánh - Những điều chưa kể; Ngày yêu thương Sài Gòn; TP xanh Thủ Đức…
Vừa qua, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị “Kết nối các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2022” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Với chỉ 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại, doanh nghiệp ngành Du lịch thành phố như giải tỏa được “cơn khát” vốn để phục hồi, tiếp tục phát triển để trở lại vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp hơn 10% vào GRDP của TP Hồ Chí Minh.
Cùng với các gói tín dụng kích cầu, TP Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều chính sách đầu tư xây dựng, làm mới sản phẩm trên cơ sở 366 tài nguyên du lịch đã được công bố với trọng tâm là kế hoạch “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch”; Không còn chỉ tập trung tại những điểm đến nổi tiếng cũ.
Cụ thể, 366 điểm đến hấp dẫn, được đánh giá là có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: Du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa vật thể, du lịch văn hóa phi vật thể và du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn.
Tính đến nay, thành phố cũng đã có 30 chương trình du lịch đưa vào khai thác thu hút sự quan tâm của khách du lịch; Gần 30 sản phẩm đang được khảo sát, hoàn thiện và đưa vào khai thác tại các quận, huyện.
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh khởi động chiến dịch truyền thông “TP Hồ Chí Minh chào đón bạn” |
Cũng cần nhấn mạnh, đối với ngành Du lịch, khách quốc tế luôn là lực lượng có tiềm năng dồi dào và chưa khai thác hết, do đó TP luôn xác định mục tiêu và tìm những giải pháp thu hút.
Gần đây nhất, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chuỗi Sự kiện “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” với nhiều hoạt động như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Khinh khí cầu, Hội chợ Du lịch TP Hồ Chí Minh 2022… như lời chào mừng của thành phố gửi đến du khách khắp nơi ghé thăm TP Hồ Chí Minh, khẳng định rằng thành phố đã sẵn sàng chào đón tất cả sau những nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, ngoài những quốc gia đã và đang khai thác khá tốt, TP Hồ Chí Minh cũng đang đưa ra nhiều giải pháp để thu hút du khách từ các nước “giàu có” như Trung Đông và Ấn Độ. Và mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo thúc đẩy thị trường du lịch Trung Đông và Ấn độ để thu hút du khách các nước đến Việt Nam và ngược lại. Ngoài ra, TP cũng có hàng loạt sự kiện hội thảo, chương trình nhằm đẩy mạnh thu hút loại hình du lịch hội nghị - MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại), du lịch kinh doanh - Bleisure (công tác kết hợp nghỉ dưỡng, giải trí); Du lịch sức khỏe - Wellness Tourism (du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe)…
Trước đó, cũng nhằm thu hút du khách nước ngoài hiệu quả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 (ITE HCMC 2022).
Là doanh nghiệp đón khách quốc tế thường xuyên đến Việt Nam, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3, thị trường nội địa đã chứng kiến sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp ngành Du lịch vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn sau đại dịch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở phía trước khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế nhưng hiện lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng quá thấp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist |
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, nguyên nhân ngành du lịch phát triển chưa theo kỳ vọng là do chưa có chương trình quảng bá đúng tầm, song hành với các hoạt động mở cửa ngành Du lịch Việt Nam. Chưa kể, việc tiếp cận nguồn khách nước ngoài hiện nay vẫn chủ yếu do tự thân doanh nghiệp xoay xở nên độ lan tỏa, hiệu quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực tại TP Hồ Chí Minh đã khôi phục nhanh chóng nhưng một số tỉnh, thành vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. "Sau sự kiện Hội chợ Du lịch quốc TP Hồ Chí Minh, sẽ có một lượng quốc tế lớn đến Việt Nam. Vì vậy, các tỉnh, thành trên cả nước cần tập trung đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng, chất lượng để phục vụ khách quốc tế tốt nhất", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn chưa có nhiều đột phá |
Tương tự, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour cho biết, dù đã mở cửa đón khách từ lâu nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao vì hiện nay chưa phải mùa cao điểm của đón khách quốc tế. Mùa cao điểm của đón khách quốc tế thường rơi vào từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau…
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ sẽ xem lại các vướng mắc trong các chính sách để tháo gỡ cho doanh nghiệp du lịch trở lại thị trường; Giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng để doanh nghiệp du lịch tiếp cận với nguồn lực này; Cùng doanh nghiệp tổ chức tập huấn, đào tạo, ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy...
Nhìn lại thời gian qua, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đánh giá, đại dịch COVID-19 đã gây ra quá nhiều những tổn thất đối ngành Du lịch nói chung và du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng. Du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa còn nhiều trở ngại, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng”; 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động; 75% cơ sở lưu trú ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh; Số lượng người lao động trong lĩnh vực du lịch chỉ còn 25%, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm sút, cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn lực cạn kiệt...
Tuy nhiên, cũng theo Sở Du lịch TP, sau khi mở cửa, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh 9 tháng năm 2022 ước đạt 2.110.366 lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021, đạt 60,3% so với kế hoạch năm 2022; Khách du lịch nội địa ước đạt 21.618.916 lượt, tăng 179% so cùng kỳ năm 2021 (9 tháng năm 2021 là 7.750.000 lượt), tăng 8,1% so với kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch 9 tháng năm 2022 ước đạt 92.376 tỷ đồng, tăng 133,7% so với cùng kỳ năm 2021 (9 tháng năm 2021 là 39.523 tỷ đồng), tăng 15,5 % so với kế hoạch năm 2022. Qua đó khẳng định các giải pháp ngành Du lịch thành phố triển khai đạt hiệu quả tích cực, có sự chuyển mình mạnh mẽ sau đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh |
Chia sẻ về định hướng, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng các nhóm sản phẩm đặc trưng, xứng tầm, trong đó trọng tâm 3 tháng cuối năm, ngành Du lịch thành phố đang tập trung triển khai các kế hoạch và chương trình để thu hút khách du lịch quốc tế như: Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn cho phân khúc khách du lịch tại các thị trường tiềm năng; Phát triển sản phẩm du lịch nội đô, chủ trương mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch; Tổ chức chuỗi sự kiện thu hút khách du lịch cuối năm như: Tuần lễ Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2022 từ ngày 8 đến ngày 15/12, gồm chuỗi các hoạt động: Tôn vinh Di tích Cột cờ Thủ Ngữ trở thành một điểm du lịch văn hóa sáng tạo thu hút du khách; Ngày hội Khinh khí cầu, du thuyền và các hoạt động thể thao dưới nước; Giải Marathon Quốc tế TP Hồ Chí Minh Techcombank lần 5 kết hợp Liên hoan Ẩm thực và Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP Hồ Chí Minh Hozo…
Bên cạnh đó, ngành tập trung tổ chức chương trình quảng bá du lịch Việt Nam - TP Hồ Chí Minh tại Singapore (Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia) nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch MICE; Tham dự các hoạt động xúc tiến du lịch do Tổng cục Du lịch và Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tổ chức; Tập trung nghiên cứu khai thác du lịch gắn với kinh tế đêm để tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có của thành phố; Đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về du lịch MICE đến thị trường các nước (Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã ban hành “Chính sách du lịch MICE Thành phố Hồ Chí Minh” hỗ trợ và khuyến thưởng đối với hội nghị doanh nghiệp du lịch MICE)…
“Sở Du lịch cũng có kiến nghị, đề xuất kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh và mở rộng miễn thị thực ngoài 13 quốc gia và chính sách E-visa cho các quốc gia khác", Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (áo dài màu vàng) - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tại Lễ đón khách đến TP trong ngày 1/1/2021 |
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, về lâu dài, để TP Hồ Chí Minh trở thành một điểm đến hấp dẫn, giữ chân được du khách, ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn tại các quận, huyện, thành phố cần đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, cải thiện hơn nữa về vấn đề môi trường ở các điểm đến.
“Đồng thời, thành phố cũng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng phù hợp với thị hiếu của du khách sau đại dịch. Công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, có sức lan tỏa hơn nữa để người dân thành phố, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn những sản phẩm du lịch nội thành của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nói.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: "TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch kinh doanh. Thành phố là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh thành trong nước và quốc tế trên tất cả các phương tiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt". |
Có thể thấy, sau ngày TP Hồ Chí Minh mở cửa, ngành Du lịch TP có sự chuẩn bị và khởi động rất tốt, qua đó đã giúp ngành chuyển mình và bức phá mạnh mẽ.
Bài viết: Bảo Anh Đồ họa: Phạm Mạnh |