eMag azine
21/11/2024 14:34
Bài 3: Đưa chiêng Mường vào du lịch, trải nghiệm

21/11/2024 14:34

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội mới đây, chiêng Mường vinh dự được lựa chọn để cất lên âm thanh hoan hỉ đón khách mời. Tương tự như vậy, sự xuất hiện của các đội chiêng Mường càng lúc càng thường xuyên trong các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật. Điều này dường như mở ra cơ hội bảo tồn, phát huy nghệ thuật chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

Mường

Bài 3: Thúc đẩy đưa chiêng Mường vào du lịch, trải nghiệm

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội mới đây, chiêng Mường vinh dự được lựa chọn để cất lên âm thanh hoan hỉ đón khách mời. Tương tự như vậy, sự xuất hiện của các đội chiêng Mường càng lúc càng thường xuyên trong các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật. Điều này dường như mở ra cơ hội bảo tồn, phát huy nghệ thuật chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá

Tại Chương trình diễu hành biểu dương lực lượng chào mừng Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029, màn biểu diễn cồng chiêng của Khối Thanh niên dân tộc thuộc thành phố Hà Nội đã để lại ấn tượng vô cùng độc đáo và đặc sắc.

Khối Thanh niên dân tộc - những đại diện tiêu biểu của các cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô. Một trong những giá trị quý báu của Khối Thanh niên dân tộc chính là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em, góp phần xây dựng một Hà Nội đa dạng, thống nhất, giàu truyền thống và không ngừng phát triển.

Các bạn không chỉ tham gia tích cực vào các hoạt động chung của thanh niên Thủ đô, mà còn là những người giữ gìn, truyền bá nét đẹp văn hóa, phong tục của dân tộc mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Hà Nội.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá
Màn biểu diễn cồng chiêng của Khối Thanh niên dân tộc tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Tham gia đội diễu hành là các bạn rất trẻ, mang theo tinh thần, khát vọng phơi phới của thanh niên thời hiện đại. Háo hức đến ngày hội lớn của thanh niên Thủ đô, các bạn đại diện cho sắc màu văn hóa dân tộc của Hà Nội và cả những ước vọng, thông điệp gửi gắm trong từng tiếng cồng, tiếng chiêng, qua chiếc áo thổ cẩm khoác lên người.

Bạn Bùi Hoàng Ngân học sinh lớp 10 tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất theo đoàn diễu hành đến với Cung Thiếu nhi Hà Nội từ rất sớm. Choáng ngợp về độ hoành tráng của chương trình, được đến với địa điểm mới và đẹp vào bậc nhất Thủ đô, đây là một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ để Hoàng Ngân sẽ học tập, phấn đấu theo gương các anh chị.

Bạn Kiều Thị Linh ở xã Tiến Xuân, Thạch Thất không giấu nổi niềm tự hào và hân hoan trên gương mặt trẻ trung, ngời sáng của mình. Linh cho biết bạn và những người trong đội đã tập luyện cồng chiêng từ nhiều tháng nay và chuẩn bị cho ngày hội lớn này, mỗi người đều nỗ lực, cố gắng, mang đến màn diễu hành ấn tượng, gửi gắm đến Đại hội sắc màu của quê hương mình.

"Ở nhà em bà ngoại rất thích và thường xuyên đánh cồng chiêng. Các bà, các bác, các dì của em cũng lớn lên cùng với nhạc cụ dân tộc này nên tuổi thơ của em được sống trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc truyền thống. Xã Tiến Xuân cũng có những lễ hội, những dịp quan trọng mà nhiều thế hệ cùng tham gia biểu diễn cồng chiêng. Em rất tự hào được tham gia vào biểu diễn ngày hôm nay, để lại dấu ấn về văn hóa dân tộc Mường của mình", Linh bày tỏ.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá
Bạn Kiều Thị Linh (xã Tiến Xuân, Thạch Thất) không giấu nổi niềm tự hào khi được biểu diễn bản sắc của quê hương

Kiều Thị Linh hiện đang học lớp 12 và cô gái có dự định sẽ thi vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài việc chăm chỉ học hành, khi giấc mơ của mình thành hiện thực em cũng mong muốn được giới thiệu đến bạn bè của mình nét văn hóa đặc sắc mình mang đến từ Tiến Xuân.

Để làm được điều đó, Linh cho biết sẽ chăm chỉ luyện tập, học tập các bí quyết, kinh nghiệm và kiến thức từ các nghệ nhân cồng chiêng lâu năm ở quê hương cũng như bà ngoại, những người thân của mình để gìn giữ, phát huy, lan tỏa hơn nữa di sản văn hóa độc đáo, đóng góp cho những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc của Thủ đô.

Vấn đề tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ cũng là niềm đau đáu của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, người dạy chiêng cho con em Mường tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất). Ở tuổi thất thập, bà chưa bao giờ dứt trở trăn làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hoá dân gian ngày càng rơi rụng?

Câu hỏi ấy cũng là nỗi băn khoăn của người Tiến Xuân. Do đó, một trong những hướng đi của chính quyền địa phương là đưa văn hoá cồng chiêng vào trường học để phổ cập cho các thế hệ học sinh.

Nghệ nhân Bích Thìn (xã Tiến Xuân) chia sẻ rằng, bà đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá

Không chỉ dạy cách đánh chiêng, bà Thìn còn giải thích cho các em về văn hoá cồng chiêng, về dàn chiêng 12 cái có kích cỡ và âm sắc khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu như chiêng của người Mường huyện Thạch Thất có quai để xách khi biểu diễn thì người Tây Nguyên thường treo bộ chiêng trên giá chiêng. Nếu như chiêng của đồng bào Tây Nguyên không có núm thì ngược lại, núm chiêng Mường là vị trí trung tâm để dùi gỗ tiếp xúc với chiêng, ngân lên những âm thanh trầm hùng đầy biến ảo.

“Các em học sinh ban đầu nghe tiếng chiêng chưa tròn, động tác đánh chiêng còn gượng, nhưng đều đam mê tìm hiểu nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình. Rồi mai đây, không ai khác, chính các em sẽ biểu diễn những bài chiêng quý, sẽ truyền lại cách đánh chiêng cho các thế hệ sau, để ngân lên mãi điệu hồn Mường…”, nghệ nhân Bích Thìn ước ao.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá

Tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), CLB nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc Ba Vì đã đi vào hoạt động từ năm 2022. Người sáng lập CLB độc đáo này là nhạc sỹ Xuân Vinh, người đàn ông dân tộc Mường đã lớn lên trong những điệu chiêng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm các giai điệu âm nhạc xứ Mường, gần 4 năm trước, nhạc sỹ Xuân Vinh chính thức sáng lập CLB văn hóa Mường xã Vân Hòa. Thời điểm đó, CLB chỉ có gần 20 thành viên, hầu hết là người trung niên và cao tuổi. Họ bền bỉ tập luyện, biểu diễn tại địa phương, sau đó, xuất hiện tại các sự kiện cấp huyện.

Sự đam mê đối với nghệ thuật truyền thống của nhạc sỹ Xuân Vinh và những thành viên trong CLB văn hóa Mường xã Vân Hòa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo huyện Ba Vì.

“Đồng chí Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh rất tâm huyết với phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc Mường. Chính đồng chí Thanh đã đề nghị chúng tôi chuyển đổi mô hình từ cấp xã trở thành cấp huyện, từ đó, CLB nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc Ba Vì ra đời”, nhạc sỹ Xuân Vinh chia sẻ.

Thực tế, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và của Huyện ủy Ba Vì, cùng với sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các xã miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì, các giá trị văn hóa truyền thống luôn được các cấp, các ngành của huyện thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện khôi phục, gìn giữ và phát triển; trong đó, có văn hóa cồng chiêng đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt của huyện Ba Vì.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh trăn trở: Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm cho không gian văn hóa, không gian sinh tồn của một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi bị thu hẹp. Đặc biệt, sự giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh, mạnh khiến cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng có nguy cơ bị mai một.

Bên cạnh đó, nhận thức về việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số miền núi của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi chưa sâu sắc, đầy đủ; chưa xác định được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Đội ngũ nghệ nhân truyền nghề tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu truyền những kiến thức văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa dân tộc trên địa bàn vùng miền núi còn gặp nhiều khó khăn; nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế.

Phong trào văn hóa, văn nghệ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện phát triển chưa đồng bộ cả về số lượng và chất lượng. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn. Công tác tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi gắn với hoạt động phát triển du lịch hiệu quả chưa cao.

Là người trực tiếp tham gia tổ chức, biểu diễn chiêng Mường, nhạc sỹ Xuân Vinh hiểu rõ khó khăn nói trên. Ông chia sẻ thực thà: “Tập luyện đánh chiêng ở CLB hiện giờ là chưa ra kinh tế. Thỉnh thoảng, CLB được mời biểu diễn ở sự kiện nào đó, thì người ta hỗ trợ một vài triệu gọi là son phấn. Chứ không có thu nhập ổn định. Chị em tham gia vào CLB đều đang ở tuổi lao động, nói thẳng ra thì mỗi ngày làm thuê cũng kiếm được 300 - 500 nghìn đồng. Vì thế, thứ níu kéo họ đến với CLB bây giờ chỉ là đam mê và trách nhiệm”.

Nhạc sỹ Xuân Vinh ôm ấp ý tưởng tổ chức các tiết mục biểu diễn chiêng Mường gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Ông suy tính: Xã Vân Hòa nói riêng và huyện Ba Vì nói chung hiện giờ là điểm đến của đông đảo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Nếu một phần khách đó được kết nối đến với các sân khấu biểu diễn văn hóa Mường, thì đó sẽ tạo ra nguồn thu để chị em theo đuổi đam mê, đồng thời, cũng là cách hiệu quả nhằm quảng bá văn hóa dân tộc.

Các chuyên gia văn hóa cũng có suy nghĩ tương tự. Theo đó, nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa bản sắc dân tộc, trở thành nét đẹp quý báu trong các giá trị truyền thống chiêng Mường; các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tìm kiếm những giải pháp cụ thể, thiết thực.

Cụ thể, cần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa văn hóa của dân tộc thiểu số miền núi; trong đó, có văn hóa cồng chiêng. Các hình thức tuyên truyền càng lúc càng đa dạng, không chỉ thông qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình với việc trang bị tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi; chú trọng hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ những người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản ở vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi tham gia tích cực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số miền núi.

Quan trọng hơn, các tổ chức chính trị xã hội cần tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số miền núi kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với tiếp thu những giá trị tiến bộ trong văn hóa của các dân tộc khác. Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, song phải gắn kết với mở rộng giao lưu với các dân tộc khác.

Bài 3: Ngân nga điệu chiêng Mường trong bản hoà tấu công nghiệp văn hoá
Các đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi tham gia tích cực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số miền núi

Trong đó, các địa phương nên tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số miền núi. Định hướng và vận động cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi gắn việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.

Một vấn đề thiết thực là thường xuyên quan tâm hỗ trợ kinh phí về các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số miền núi của các cấp, các ngành, tuyên truyền vận động đồng bào tự ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình; có cơ chế khuyến khích các cá nhân, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; trong đó, quan tâm phát triển các đội cồng chiêng cả về số lượng và chất lượng; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá về văn hóa cồng chiêng huyện Ba Vì; đầu tư kinh phí, kêu gọi thu hút các nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác để khôi phục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi.

Cuối cùng, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyện tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm, tăng cường các hoạt động giao lưu trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số miền núi để áp dụng những cách làm, mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc trên địa bàn các xã miền núi. Gắn kết sự phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện nhằm xây dựng huyện Ba Vì mạnh về kinh tế xã hội nhưng cũng cần giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc góp phần tô điểm thêm những nét văn hóa phong phú, đa dạng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng.

Bài viết: Trung Đức - Vũ Cường

Loại bài viết “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Mường ở Hà Nội”:

Bài 1: Thủ đô vang tiếng chiêng Mường

Bài 2: Nguy cơ chiêng Mường dừng tiếng ngân nga

Trung Đức Vũ Cường