Từ việc triển khai hiệu quả chương trình “kết nghĩa”, khoảng cách trong giáo dục giữa các quận nội thành với các huyện ngoại thành từng bước được rút ngắn. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên…
Năm 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát xếp lớp đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho 3.649 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; Đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. |
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, thời điểm mới hợp nhất, ngành GD&ĐT thành phố gặp không ít khó khăn trong công tác cán bộ: Tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ trên chuẩn còn thấp (mầm non: 13,5%, tiểu học: 76,7%, THCS: 49%, THPT: 8,4%). Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không đồng đều giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, đặc biệt là khu vực mới hợp nhất về Hà Nội.
Tuy nhiên, trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, quản lý giáo viên của Hà Nội, đặc biệt là các huyện ngoại thành đã tăng cả “chất” và “lượng”. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý tốt. Hiện, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005. 92% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, 91,7% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học; 94,5% cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở và 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường đối mới phương pháp dạy học thông qua bồi dưỡng và dự giờ, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, ngành học, tổ chức và tham gia coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia tại hội đồng thi các tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT |
Để nâng cao chất lượng giáo dục từ gốc, Hà Nội dành nguồn kinh phí lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Cơ bản có thể kể đến, cuối năm 2022, UBND TP Hà Nội quyết định dùng 16 tỷ đồng để bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông đến năm 2025 thông qua đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông ở Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Cũng đến năm 2025, đề án bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Cũng cuối năm 2022, UBND TP Hà Nội giao Sở GD&ĐT tổ chức 10 lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài theo chương trình “Bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ cao xuống thấp”.
Nội dung của các lớp này là bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy (gồm 4 chuyên đề bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng công nghệ trong giảng dạy các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói). Các học viên đã có 14 ngày bồi dưỡng tại trường Đại học Western Sydney, Úc.
Xác định tài sản quý nhất của giáo dục Thủ đô là đội ngũ hơn 138 nghìn giáo viên, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn quan tâm đến công tác cán bộ; Làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; Bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác.
Chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục Thủ đô đã thông báo tuyển dụng 45 sinh viên xuất sắc làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục Hà Nội. Công tác tuyển dụng được thực hiện theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật…
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, để kéo gần khoảng cách giáo dục các huyện ngoại thành và các quận nội thành, tháng 12/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 trong toàn ngành. Phong trào nhằm vận động các nhà trường, nhà giáo ở nơi thuận lợi hỗ trợ các trường, nhà giáo và học sinh ở địa bàn còn khó khăn để qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.
Hưởng ứng phong trào, trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã kết nghĩa với trường THCS Võng Xuyên B (huyện Phúc Thọ). Hai nhà trường xây dựng các hoạt động cụ thể cho chuỗi giao lưu kết nối trong năm học 2022 - 2023 và tầm nhìn của những năm học tiếp theo với tiêu chí trao đi là hạnh phúc.
Để lan tỏa những phương pháp hay, cách làm sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, hai nhà trường đã tổ chức nhiều buổi giao lưu chia sẻ với các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 10, bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi.
Là giáo viên tâm huyết với nghề, cô Đoàn Thị Thanh Tâm - tổ trưởng tổ Khoa học Xã hội, trường THCS Võng Xuyên B cho rằng, với các trường ở khu vực ngoại thành, việc tiếp cận những điều mới, hiện đại sẽ khó khăn hơn so với các trường ở khu vực nội thành. Do đó, những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với trường bạn trong thời gian qua mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Sau những buổi giao lưu trực tiếp, cô Tâm đã có thể tự tin vận dụng nhiều trong việc nâng cao chất lượng dạy học đối với học sinh cuối cấp.
"Ở môn Văn, nhờ những chia sẻ của các thầy cô trường THCS Cầu Giấy, tôi có thể vận dụng phương pháp mới, giúp các em học sinh viết câu chủ đề dễ dàng, nắm bắt kiến thức cơ bản để vận dụng viết đoạn văn" - cô Tâm chia sẻ và bày tỏ hy vọng, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp các giáo viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng những phương pháp hay nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Tham gia hưởng ứng phong trào, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhanh chóng xây dựng kế hoạch kết nối với các đơn vị bạn là quận Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, đây là các đơn vị thuộc quận lõi của thành phố có chất lượng giáo dục khá cao nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các trường và học sinh ở địa bàn Ba Vì còn khó khăn.
Các đơn vị đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu... cùng nhau triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tổ chức các chuyên đề xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên đầu tư cho những trường học còn khó khăn.
Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì |
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết: “Cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường của huyện Ba Vì đã đến làm việc với các trường THCS Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Tại đây, các thầy cô giáo đã chia sẻ, giao lưu, học tập kinh nghiệm mô hình mới, giải pháp hiệu quả trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các nhà trường.
Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên đã tập trung trao đổi kinh nghiệm việc nâng cao chất lượng giáo dục trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ ra vấn đề khó, còn vướng để cùng tìm ra giải pháp trên tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, từ đó rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giáo dục, đem lại những điều tốt nhất cho học sinh”.
Từ sự ham học hỏi, chia sẻ, trao đổi, lắng nghe, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết, địa phương đã đạt những thành tựu nhất định trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục... Nếu năm học 2020 - 2021 chất lượng giáo dục của huyện xếp thứ 17/30 quận, huyện, thị xã thì đến năm học 2021 - 2022, huyện đã tăng 4 bậc, đứng ở vị trí 13/30 quận, huyện, thị xã.
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong kỳ thi học sinh giỏi học sinh lớp 9 cấp thành phố năm học 2021 - 2022, học sinh của huyện đạt 67 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 12 giải Nhì, 21 giải Ba và 33 giải Khuyến khích, xếp thứ 13/30 quận huyện trên toàn thành phố. Năm học 2022 - 2023, học sinh đạt 45 giải, trong đó có 7 giải Nhì, 11 giải Ba, 27 giải Khuyến khích.
Tuy đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục nhưng chất lượng giáo dục đại trà của huyện so với mặt bằng chung của Thủ đô còn thấp, nhất là so với những quận nội thành. Từ thực tiễn đó, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì mong muốn chương trình kết nghĩa giữa các đơn vị sẽ giúp công tác GD&ĐT của huyện ngày càng phát triển thông qua các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, thiết bị, đồ dùng dạy học của các Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
(còn nữa)
Bài viết: Ngọc Minh Đồ họa: Phạm Mạnh |
|