eMag azine
12/09/2024 07:00
Bài 3: Lan tỏa cảm hứng từ những giải pháp sáng tạo

12/09/2024 07:00

TTTĐ - Với sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành cùng tinh thần sáng tạo, chủ động, quyết tâm chính trị cao, TP Hà Nội đang đi đầu trong ứng dụng các mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06, góp phần xây dựng thành phố thông minh, lan tỏa cảm hứng cho các địa phương trên cả nước.

sáng tạo

sang-tao

Với sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành cùng tinh thần sáng tạo, chủ động, quyết tâm chính trị cao, TP Hà Nội đang đi đầu trong ứng dụng các mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06, góp phần xây dựng thành phố thông minh, lan tỏa cảm hứng cho các địa phương trên cả nước.

70 năm sau ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, với tầm nhìn và tư duy mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước, ghi dấu son trên bản đồ Thủ đô các nước trên thế giới. Đặc biệt, thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng số, công nghệ số, hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Hà Nội sẽ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Trong đó phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại.

sang-tao

Việc phổ cập chữ ký số cá nhân sẽ giúp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính qua mạng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí hành chính. Đồng thời, chữ ký số cá nhân còn có thể ứng dụng để thay thế việc xác thực bằng mã OTP trong các giao dịch ngân hàng, tài chính với tính bảo mật cao hơn.

Hiện nay, nhiều người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số đều đã thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống.

Hơn nữa, trong khi chữ ký tay có thể bị bắt chước, thậm chí bị sao chụp giống hệt nhờ công nghệ thì chữ ký số giúp đảm bảo tính chính chủ khi nó được đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số xác thực, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Chị Từ Hồng Yến (sống tại quận ba Đình, Hà Nội) nhận định, ưu điểm lớn nhất khi sử dụng chữ kí số là không phải đến cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính. “Từ khi có chữ kí số, với một vài thủ tục hành chính, tôi có thể khai báo, ký số, gửi qua mạng đến cơ quan chức năng nhanh chóng”, chị Yến nói.

Cùng chung nhận định, anh Nguyễn Văn Minh (quận Long Biên Hà Nội) cho biết: “Trước khi sử dụng chữ ký số, các đối tác sẽ gửi hợp đồng giấy qua cho tôi ký, rồi tôi gửi chuyển phát lại cho họ. Từ khi có chữ ký số, tôi và đối tác chỉ mất chưa đến 5 phút để ký xong một hợp đồng”.

Với nhiều ưu việt, việc sử dụng chữ ký số được đánh giá là giảm thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch điện tử cũng như nền kinh tế số của Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế trong công tác triển khai chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

sang-tao
Hà Nội tăng cường cấp chữ ký số cho người dân tại

Theo đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel, chữ ký số chưa được phủ rộng trong các loại hình giao dịch điện tử. Đối tượng sử dụng chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp, còn chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi. Người dân chưa được tiếp cận và chưa hiểu hết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn ngại khi sử dụng…

Để thúc đẩy phát triển chữ ký số trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số kiến nghị thành phố cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng chữ ký số; các Sở chuyên ngành như y tế, giáo dục, du lịch… xem xét có những quy định phù hợp đối với các đối tượng cần sử dụng chữ ký số nhằm mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ chữ ký số…

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đã đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Hà Nội là một trong những địa phương đã và đang tích cực triển khai cấp chữ kí số miễn phí cho người dân trên địa bàn để việc thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử được nhanh chóng, thuận tiện; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính - Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố Hà Nội, đến nay, hơn 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố. Thành phố cũng đã triển khai cấp gần 50.000 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số, hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, thời gian qua, đơn vị đã triển khai cấp 155 chữ ký số cá nhân (đạt 100%) cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng UBND thành phố, phục vụ xử lý, phát hành văn bản, hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố. Theo đó, kể từ tháng 9/2023, Văn phòng UBND thành phố đã thực hiện xử lý văn bản điện tử toàn trình có gắn chữ ký số cá nhân của người có thẩm quyền là lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố đối với tất cả các văn bản, hồ sơ công việc thuộc thẩm quyền ban hành của Văn phòng trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố.

sang-tao

Trong ngành Giáo dục, 100% trường tiểu học đã trang bị chữ ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; trên 60% giáo viên, nhân viên đã được trang bị chữ ký số cá nhân. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, Sở đang đẩy mạnh cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên nhằm hoàn thành thí điểm học bạ số cấp tiểu học theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở cũng đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp mở rộng triển khai cho các cấp học khác, đồng thời phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thống nhất toàn thành phố.

Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của chữ ký số và sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử. Các doanh nghiệp được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai cấp chữ ký số có trách nhiệm tăng cường bố trí nhân lực tại bộ phận “một cửa” Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn để cung cấp, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, nếu mỗi người dân có một định danh số và một chữ ký số, chúng ta sẽ tiến dần tới một xã hội không giấy tờ. Theo đó, phần lớn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng mà vẫn đảm bảo độ tin cậy tương đương giấy tờ in. Khi các hoạt động kinh tế, xã hội đều được thực hiện qua mạng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các ứng dụng số cũng như đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu số. Đó sẽ là một cuộc cách mạng về chuyển đổi số toàn diện cho tất cả người dân.

sang-tao

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực ngành Tư pháp, ngay từ đầu năm 2024, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã bàn hành các kế hoạch và chủ động triển khai, thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID chỉ với những thao tác đơn giản trong vài phút. Phiếu lý lịch tư pháp điện tử này có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, người dân không mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy.

Đối với các cơ quan Nhà nước sẽ tái sử dụng phiếu lý lịch tư pháp điện tử để áp dụng ngay vào các thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân xuất trình bản giấy, qua đó giảm chi phí và tiết kiệm cho xã hội. Theo ước tính, việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID giúp người dân không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức mà còn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, từ ngày 22/4/2024, Hà Nội đã triển khai thí điểm việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Để thực hiện tốt việc thí điểm, Sở Tư pháp đã ban hành Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; tổ chức tập huấn cho toàn bộ công chức Bộ phận một cửa, công chức Phòng Lý lịch tư pháp và Đoàn Thanh niên Sở về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

sang-tao

Đối với những công dân đến trực tiếp, Sở Tư pháp Hà Nội phân luồng tập trung thực hiện làm các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Ngay từ khu vực cổng, Sở Tư pháp Hà Nội đã đặt biển cùng cán bộ hướng dẫn người dân. Để hướng dẫn người dân trong thời gian đầu triển khai thí điểm, Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã bố trí đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân có nhu cầu thực hiện trên thiết bị di động đồng thời tăng cường nhân sự cho Phòng Lý lịch tư pháp. Ngoài ra, đối với phản ánh vướng mắc trong thanh toán trực tuyến, Sở đã đề xuất tạo mã QR để người dân thuận lợi hơn trong thao tác này.

Đánh giá cao tính ưu việt của việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, anh Trần Văn Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước kia anh mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để xin cấp trực tiếp phiếu lý lịch tư pháp tại bộ phận "Một cửa" của Sở Tư pháp Hà Nội. Bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng internet, anh có thể thực hiện thao tác từ xa và sau ít phút đã hoàn thành xong thủ tục cấp lý lịch tư pháp trên VNeID.

Chị Trần Thị Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID diễn ra rất nhanh chóng, chỉ khoảng 5 phút, vừa đỡ tốn thời gian, lại không cần phải đến trực tiếp Sở Tư pháp để thực hiện. Giờ thành phố lại hỗ trợ thêm cả phí nữa thì quá tuyệt vời, người dân không có lí do gì để không làm thủ tục trực tuyến cả”.

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã bàn hành các kế hoạch và chủ động triển khai, thực hiện. Cụ thể, Sở đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-STP ngày 29/2/2024 về “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở Tư pháp năm 2024”; Kế hoạch số 23/KH-STP ngày 6/3/2024 về thực hiện đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030" trong lĩnh vực Tư pháp năm 2024.

Cùng với đó, Sở đã triển khai thực hiện Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 6/2/2023 của UBND TP Hà Nội về ban hành quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công TP Hà Nội.

sang-tao
Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn công dân thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID

Đáng chú ý, ngày 15/5/2024, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024, Hà Nội hỗ trợ 100% mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người khi công dân thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Trường hợp công dân đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp bản giấy (từ phiếu thứ 3 trở lên) trong một lần yêu cầu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người, tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp (bản giấy).

TP Hà Nội luôn xác định chuyển đổi số ngành Tư pháp là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành.

Việc triển khai này cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và chuyển đổi từng bước các quy trình cấp, ứng dụng phiếu lý lịch tư pháp từ thủ công sang quy trình điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Dự báo trong thời gian tới, số lượng người dân tham gia sử dụng VNeID để xin cấp lý lịch tư pháp sẽ tiếp tục tăng cao.

Để hiệu quả triển khai cao hơn nữa, thời gian tới, thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia sử dụng VNeID để xin cấp lý lịch tư pháp; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bởi như lời Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, chuyển đổi số là quá trình liên tục không có điểm dừng mà trước hết bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên và quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi số mới có hiệu quả cao.

sang-tao

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thành phố Hà Nội triển khai thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ tìm kiếm và thanh toán giá trông giữ xe nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt từ ngày 15/4/2024.

Hoạt động này góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh; tạo thói quen không sử dụng tiền mặt khi thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe của người dân trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác thu giá dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời; Đảm bảo an ninh, trật tự, đô thị ngăn nắp, xã hội văn minh.

Để triển khai thực hiện mô hình này, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ tìm kiếm và thanh toán giá trông giữ xe nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt từ ngày 15/4/2024 tại 7 vị trí do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đang khai thác.

Cụ thể gồm: Bãi đỗ xe Trần Quang Khải (bãi kín, cho phương tiện ô tô), điểm trông xe ô tô tạm thời dưới lòng đường trên các phố Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ (tại 2 vị trí), Nguyễn Thượng Hiền và điểm trông xe máy tạm thời trên hè phố Phủ Doãn.

sang-tao
Người dân Hà Nội đã có thẻ điện tử trên ứng dụng điện thoại thay thế

Theo ý kiến của nhiều người dân khi sử dụng dịch vụ này, việc thí điểm công nghệ thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ đem đến sự thuận lợi, minh bạch về giá khi trừ trực tiếp tiền trên hệ thống, đồng thời có cảnh báo gửi về ứng dụng.

Ngoài ra, thời gian ra vào của phương tiện cũng được hệ thống lưu giữ và thông báo chính xác đến chủ xe. Khi ứng dụng công nghệ này, chủ xe cũng đỡ phải sử dụng đến tiền mặt hoặc khi nhân viên trả lại tiền lẻ mất rất nhiều thời gian.

Đối với các đơn vị trông giữ xe máy trên phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đồng loạt triển khai thí điểm thanh toán không tiền mặt trong sáng 15/4. Do xe máy thu theo lượt vé gửi ngày hoặc đêm, nhân viên trông giữ sẽ đưa một mã QR để khách gửi thanh toán trực tiếp lúc gửi xe để khi lấy xe sẽ chỉ cần đưa hóa đơn, sẽ giảm ùn tắc tại lối ra.

Sau thời gian triển khai thí điểm, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã có tổng kết, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện. Thành phố chỉ gia hạn giấy phép đã cấp và cấp mới giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông giữ xe cho các tổ chức, cá nhân có triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt.

Có thể thấy rằng, trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt, một việc dễ có thể làm ngay, đến liền tay ngay 3 lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đó là: “Minh bạch – Thuận tiện - Văn minh hiện đại”.

Việc triển khai mô hình trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt được ví như một mũi tên trúng 3 đích. Đối với người dân, khi triển khai mô hình này đều đồng thuận, nhất trí cao bởi sẽ hạn chế được tiêu cực, thu đúng giá, công khai minh bạch, dịch vụ chất lượng tốt, thuận tiện ra vào “không dừng”, dễ tìm kiếm đặt chỗ, giảm chi phí thời gian. Về phía chính quyền, mô hình này góp phần chống thất thu về thuế. Còn đối với doanh nghiệp, khi triển khai mô hình này sẽ kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hương, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông minh quản lý, điều hành thu phí tại các bãi đỗ xe nhằm góp phần xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thành phố thông minh. Dự án sẽ là mô hình để thành phố, Sở Giao thông vận tải, các quận, huyện nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ đối với hoạt động trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố.

Cũng theo bà Hương, về công nghệ thu phí, đối với bãi đỗ xe (khuôn viên kín), sử dụng công nghệ RFID (công nghệ hiện đang sử dụng trong thu phí tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí) và công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) nhận dạng biển số độ chính xác cao để kiểm soát phương tiện vào ra các điểm đỗ xe.

sang-tao
Hà Nội triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt

Đối với điểm đỗ lòng đường, sử dụng thiết bị đọc thẻ cầm tay, công nghệ sử dụng RFID - nhận diện thẻ Etag định danh gắn trên phương tiện và công nghệ nhận dạng biển số từ ảnh chụp phương tiện.

Xe gắn thẻ Etag nên tài khoản có tiền do đã liên thông thẻ ETC, Epass với ngân hàng. Ô tô ra, vào điểm đỗ sẽ thanh toán tự động trừ tiền ngay. Khi ô tô chưa có thẻ Etag hoặc là xe máy, nhân viên trông giữ xe sẽ đưa mã QR ảo động do hệ thống máy tính tự tạo và khách hàng sẽ thanh toán thông qua mã QR này.

Giai đoạn đầu, các đơn vị cung cấp các giải pháp trông giữ xe thông minh miễn phí chi phí thiết bị và vận hành. Sau đó, sẽ đánh giá lại để có thể là có phương án đầu tư thích hợp. Thời gian thí điểm là 6 tháng (từ ngày 15/4 đến 15/10/2024 sau đó sẽ báo cáo đề xuất thành phố nhân rộng.

Với những tính năng hiện đại, công nghệ này đem đến những tiện ích giúp chủ phương tiện thanh toán nhanh, thuận tiện qua tài khoản giao thông (tài khoản VETC, ePass) hoặc tài khoản ngân hàng qua quẹt thẻ, mã QR. Việc thanh toán này cũng giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác, phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu giá trái quy định, thu tiền không xuất chứng từ và hạn chế dùng tiền mặt.

Thay vì sử dụng vé cứng thông thường để đi xe buýt, hiện nay người dân Hà Nội đã có thẻ điện tử trên ứng dụng điện thoại thay thế. Thẻ điện tử giúp hành khách giảm bớt phiền hà, rủi ro, đồng thời tiết kiệm chi phí phát hành thẻ vật lý.

Thẻ vé xe buýt “ảo” trên điện thoại thực chất là một ứng dụng có tên “Thẻ vé giao thông Hà Nội”. Đây là ứng dụng được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội triển khai cho toàn hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn TP.

Sau khi đăng ký theo các bước hướng dẫn, thẻ điện tử “ảo” sẽ hiển thị đầy đủ hình ảnh, thông tin cá nhân, mã thẻ, thời hạn sử dụng… trên ứng dụng. Hành khách chỉ cần mang theo thiết bị di động có cài đặt ứng dụng, khi mở ra sẽ như một chiếc thẻ vật lý thông thường. Người dùng có thể đăng ký sử dụng và quản lý nhiều thẻ vé tháng cùng một lúc trên ứng dụng.

Từ đầu tháng 4 đến nay, khi thẻ vé xe buýt điện tử được đưa vào sử dụng, đông đảo hành khách đã bày tỏ sự thích thú, hưởng ứng mạnh mẽ nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Bạn Nguyễn Hà Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy việc thay đổi này rất tốt, tiện lợi. Có vé xe điện tử trên điện thoại, tôi sẽ không bị quên mang thẻ vật lý mỗi khi đi xe buýt. Việc không phải xếp hàng mua vé cũng giúp tôi tiết kiệm không ít thời gian”.

Việc hình thành vé xe buýt điện tử không chỉ tiện lợi, nhanh gọn cho người sử dụng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế lượng rác thải từ thẻ vé vật lý được phát hành. Không chỉ vậy, sử dụng vé điện tử còn giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách Nhà nước mà vẫn nâng cao được chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Thẻ vé điện tử là xu thế chung của cả nền kinh tế cũng như hệ thống vận tải công cộng. Thời đại 4.0 sẽ tạo nên các công dân số, sử dụng tiện ích số, dần thay thế những thủ tục rườm rà, phức tạp như vé xe buýt giấy hiện nay”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng, dù mới bắt đầu đưa thẻ vé “ảo” vào áp dụng nhưng các đơn vị quản lý, vận hành xe buýt đã có sự chuẩn bị rất tốt, người dân, hành khách không gặp khó khăn gì khi sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Minh Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) nói: “Hiệu quả của thẻ vé điện tử thấy rõ ngay rồi. Tôi mong cả tàu điện, xe buýt đều được áp dụng, liên thông đi lại giữa các loại hình chỉ cần một ứng dụng, một vé như thế này thôi là tốt nhất”.

(Còn nữa)

Minh Quang - Nguyễn Anh

Bài viết liên quan:

“Chìa khoá” xây dựng Hà Nội trở thành “thành phố đáng sống”
Bài 2: iHanoi – Giải pháp mang tư duy và tầm nhìn đột phá
Bài 4: Nỗ lực hướng đến khu vực nông thôn
sang-tao

Nguyễn Anh