eMag azine
12/10/2023 09:24
Bài 3: Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ...

12/10/2023 09:24

TTTĐ - Ngay trong chương đầu tiên của pho sử thi huyền thoại “Đẻ đất, đẻ nước”, các bậc tổ tiên của dân tộc Mường đã nói “muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ”. Đem đặt vào vấn đề phát triển du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh tại Hòa Bình, theo ý hiểu nông cạn của người viết, yếu tố con người là chìa khoá then chốt. Những nhân tố nhiệt tâm, năng lực và sáng tạo chắc chắn sẽ mang tới cú bứt phá cho du lịch xứ Mường.

Bếp ăn, chốn ngủ và men say ở lưng trời Tây Bắc

Bài 3: Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ...

Ngay trong chương đầu tiên của pho sử thi huyền thoại “Đẻ đất, đẻ nước”, các bậc tổ tiên của dân tộc Mường đã nói “muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ”. Đem đặt vào vấn đề phát triển du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh tại Hoà Bình, theo ý hiểu nông cạn của người viết, yếu tố con người là chìa khoá then chốt. Những nhân tố nhiệt tâm, năng lực và sáng tạo chắc chắn sẽ mang tới cú bứt phá cho du lịch xứ Mường.

Những pho sử thi sống

Bài 3: "Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ"
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Bình giảng giải về cách đánh chiêng

Trong hành trình trên đất Hoà Bình - cái nôi của dân tộc Mường, người viết đã may mắn gặp nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý tâm huyết, tràn đầy tình yêu với văn hoá của dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mường. Bất chấp tuổi tác, họ ôm khát khao phát huy những giá trị tốt đẹp đó.

Đồng thời, người viết cũng gặp không thiếu những người trẻ chảy trong mình dòng máu tự hào của dân tộc Mường đã và đang nỗ lực để di sản văn hoá tổ tiên thực sự trở thành món quà quý báu.

Nằm ngay tại thành phố Hoà Bình, trên một quả đồi trồng đầy trúc xanh rờn, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường đã mở cửa phục vụ du khách thập phương từ mấy chục năm qua. Nhìn vào hệ thống hiện vật đa dạng, quý hiếm, cũng như sự sắp xếp công phu, bài bản, khó lòng hình dung đây là một bảo tàng tư nhân. Nhưng, sự thật, tất cả đều do một tay nghệ nhân Bùi Thanh Bình (trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) gầy dựng.

Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (tiếng Mường: Te tấc te đác) là tác phẩm dân gian đồ sộ của dân tộc Mường kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời đại rất xa xưa, chứa đựng những quan niệm người Mường cổ về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới. Tháng tháng năm năm trôi qua, sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” vẫn luôn là “kim chỉ nam” trong đời sống, văn hoá của người Mường.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Bôi, người con của dân tộc Mường, nghệ nhân Bùi Thanh Bình đã nung nấu mong muốn được góp sức gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân tộc mình. Đến nay, ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, niềm đam mê cháy bỏng vẫn hối thúc ông già xứ Mường tìm kiếm, sưu tầm và “khoe” với thế giới những hiện vật vô giá của người Mường cổ.

Nghệ nhân Bùi Thanh Bình kể, ông đã có hơn 30 năm công tác trong ngành du lịch. Dù trên cương vị hướng dẫn viên hay sau này là cán bộ quản lý, ông Bình luôn trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường.

Xuất phát từ niềm đam mê và tâm huyết, ông Bình đã không quản vất vả, tốn kém thời gian và tiền bạc để đi đến hầu khắp các vùng Mường, cả những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình để nghiên cứu, sưu tầm.

Ông còn lặn lội tìm đến các tỉnh có người Mường sinh sống như: Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ… để sưu tầm được ngày càng nhiều di vật, cổ vật và nhất là vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa Mường mà như cách nói của ông, đó là “tài sản vô giá” mà ông có được sau những chuyến điền dã.

Bài 3: "Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ"
Nghệ thuật cồng chiêng là di sản quý của dân tộc Mường

Ngoài tài sản vật chất là các hiện vật được trưng bày lớp lang tại Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, giá trị mà nghệ nhân Bùi Thanh Bình gìn giữ còn là văn hoá tinh thần. Ông được biết đến như “người thầy” giảng dạy nghệ thuật đánh cồng cho bà con đồng bào Mường khắp các tỉnh, thành.

Với ước mơ thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, nghệ nhân Bùi Thanh Bình đã miệt mài hướng dẫn người dân cách sử dụng cồng chiêng, đánh được các bài chiêng, học hát dân ca Mường.

Ông vận động những chàng trai, cô gái các thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hoá được mã hoá trong chuỗi âm thanh trầm bổng.

Cứ như thế, văn hoá Mường đã được những người như nghệ nhân Bùi Thanh Bình lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.

Trong văn hoá của người Mường, không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng chiêng ngân lên ngày đầu năm mới để khởi đầu một năm ấm no, trâu bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, yên vui.

Tiếng chiêng ngày hội như chào mời, thúc giục du khách xa gần; tiếng hát thiết tha: “Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi / Mãi còn đây nền văn hoá quê mình/ Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương / Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng / Hội đông mắt cũng no nhìn bạn ơi / Lại xem cô gái quê mình đánh chiêng / Lưng xanh váy lĩnh áo choàng / Trái đào dây bạc vòng trằm roong reng / Roong reng là roong reng”...

Bài 3: "Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ"
Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng (Ảnh: Báo Hoà Bình)

Một nhà nghiên cứu khác cũng được vinh danh trong nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hoá Mường là ông Bùi Huy Vọng - người con của Mường Vang (xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình). Khác với cách lan toả của nghệ nhân Bùi Thanh Bình, nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng lại tiếp cận với cộng đồng theo hình thức mới mẻ, “công nghệ” hơn. Ông chọn con đường mạng xã hội.

Đáng mừng là, dù ngót nghét 60 tuổi, ông Vọng lại thành thạo nhiều kỹ năng như: Quay chụp video, sử dụng mạng xã hội như Youtube, Facebook. Hiện tại, ông đang sở hữu hai kênh trên Youtube với hàng chục video về âm nhạc của người Mường, mỗi video thường có vài chục nghìn người xem.

Nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng cho rằng, những “tài nguyên sống” là các nghệ nhân đang ngày một già đi, lớp kế cận chưa thực sự mặn mà với âm nhạc; những nét văn hoá Mường nên cần phải lưu lại ngay những tài sản văn hoá này bằng nhiều hình thức.

Ông Vọng cũng cho biết, bảo tồn văn hoá trong thời hội nhập, con người cũng phải cập nhật những công nghệ mới; bởi đó là phương pháp quảng bá, truyền thông hiệu quả để thu hút đông đảo công chúng hơn. Đó cũng là sự trăn trở của ông trong hành trình nghiên cứu của mình.

Bài 3: "Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ"
Vẻ đẹp đa sắc màu của trang phục đồng bào Mông

Hiện tại, nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng đã xuất bản gần 20 đầu sách được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông sở hữu gia tài đồ sộ giải thưởng: Năm 2016 được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải A cho công trình “Nghệ thuật diễn xướng mo Mường”; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải B cho công trình “Tục thờ cây si của người Mường”; Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tặng giải C cho công trình “Nghề dệt cổ truyền của người Mường”.

Ngoài 2 tên tuổi nêu trên, cũng không thể không nhắc tới nhà văn, nhà thơ Lê Va (Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hoà Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình) - người ngày đêm đau đáu với chuyện Mo Mường, hay nghệ nhân Bùi Văn Minh - người dành nhiều tâm huyết truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho các bạn trẻ.

Họ đều xứng đáng được coi là những “pho sử thi sống” góp phần to lớn nghiên cứu, bảo vệ văn hoá Mường dành cho các thế hệ tiếp theo. Đồng thời, họ cũng đặt vào tay các nhà quản lý và thế hệ trẻ trách nhiệm nhằm phát huy “đặc sản văn hoá” trở thành “nam châm” thu hút khách du lịch đến với xứ Mường Hoà Bình.

Bài 3: Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ
Vẻ đẹp đắm say của Hoà Bình

Sức trẻ trên mảnh đất cổ

Nói tới “sức trẻ”, tại xóm Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), có cô gái Bùi Thị Hồng Hoa.

Chỉ mới 17 tuổi, cô gái nhỏ bé này đã nhuần nhuyễn các điệu múa của dân tộc mình – từ đó cô góp mặt trong đội văn nghệ, thường xuyên trình diễn, quảng bá văn hoá tới du khách.

“Em muốn học để trở thành cô giáo dạy múa, để đem điệu múa Mường tới khắp nơi trong cả nước”, Hồng Hoa bẽn lẽn bày tỏ.

Tại huyện Mai Châu, người viết đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Hoàng Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.

Vị cán bộ sinh năm 1985 này vốn xuất thân từ hoạt động đoàn, do đó, nhiệt huyết và đam mê dường như là điều rất dễ thấy.

Bằng chất giọng trầm mạnh mẽ, đồng chí Hoàng Đức Minh nhận định: “Đối với huyện Mai Châu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ”.

Được biết, hiện tại, huyện Mai Châu đang tiến hành 5 nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021 – 2030.

Trong đó, huyện chú trọng đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Hoặc hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn xóm, bản và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ.

Huyện Mai Châu cũng định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền và từng dân tộc.

Bên cạnh đó, huyện Mai Châu cũng tiếp tục tăng cường các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa. Có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bài 3: "Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ"
Đồng chí Hoàng Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu là cán bộ trẻ, tâm huyết với bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số

Những nhân tố nói trên đã và đang bày ra hi vọng về một tương lai sáng cho nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số tại Hoà Bình.

Nói về giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, TS. Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao yếu tố con người.

Ông Nguyễn Huy Phòng phân tích, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong lĩnh vực phát triển văn hóa cũng vậy, cán bộ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Huy Phòng, hiện nay, nguồn cán bộ văn hóa được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, am hiểu lĩnh vực văn hóa, có kinh nghiệm thực tế còn mỏng, chưa đáp ứng tốt những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Trong khi đó, việc cung ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa gặp nhiều khó khăn do khâu tuyển sinh đầu vào của các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật khó khăn do người học kém mặn mà với ngành văn hóa. Chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, cơ cấu về số lượng biên chế cho văn hóa còn có sự chênh lệch so với cán bộ thuộc các lĩnh vực khác.

Vì thế, để khai thác, phát huy tốt nguồn lực văn hóa, việc rà soát, tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở cần được tiến hành với những chính sách đặc thù nhằm bổ sung lực lượng, tránh tình trạng thiếu hụt, bố trí không đúng cán bộ vào làm việc trong ngành văn hóa.

Những bông hoa của núi
Những bông hoa của núi rừng Hòa Bình

Theo TS. Nguyễn Huy Phòng, để đánh thức tiềm năng văn hóa, vai trò của người làm chính sách và đội ngũ cán bộ quản lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, các địa phương cần có chính sách khuyến khích, phát triển tài năng, nhất là các tài năng trẻ, có triển vọng trong hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Đồng thời, các địa phường cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận trong hoạt động sáng tạo, trình diễn và quảng bá văn học, nghệ thuật; trong bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một.

"Có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động sự tham gia thực hành, truyền dạy văn hóa của các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú; Đảm bảo tốt quyền, nghĩa vụ của nghệ nhân Nhân dân; Tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng với những cống hiến của họ", TS Nguyễn Huy Phòng chia sẻ.

Bài 3: "Muốn ăn cơm phải tìm giống gieo mạ"
Bài 1: Đặc sản văn hóa thành “nam châm” hút khách Bài 1: Đặc sản văn hóa thành “nam châm” hút khách
Bài 2: Bảo vệ văn hóa truyền thống trong dòng chảy hòa nhập Bài 2: Bảo vệ văn hóa truyền thống trong dòng chảy hòa nhập

Bài: Phạm Việt Khoa

Phạm Việt Khoa