Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua, huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên của Hà Nội thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên toàn bộ địa bàn.
Trong năm 2021, tức ngay trước cả khi luật có hiệu lực, việc thí điểm phân loại rác tại 4 xã Liên Hà, Dục Tú, Võng La, Mai Lâm (huyện Đông Anh) với trên 250 hộ dân đã đem lại nhiều lợi ích ngay lập tức.
Tính đến tháng 8/2021, báo cáo của UBND huyện Đông Anh cùng tổ chức Live&Learn chỉ ra lượng rác hữu cơ chiếm đến 57% kết quả phân loại, 11% trong số đó là rác thải tái chế, còn lại là rác thải thuộc các loại khác.
Với đặc thù là huyện ngoại thành, nhiều hộ gia đình vẫn còn sản xuất nông nghiệp, các hộ dân khi tham gia thí điểm phân loại rác đều được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp chế phẩm vi sinh giúp rác hữu cơ phân hủy thành phân sinh học thân thiện với môi trường. Đối với nước rỉ rác, người dân được hướng dẫn sử dụng tận dụng tro bếp trộn với vôi bột và ủ trong đất 30 ngày để tạo phân bón.
Cứ như thế, thùng chứa rác hữu cơ nhà nào cũng đầy rồi tự vơi khiến nhiều người gọi vui đây là “thùng rác Thạch Sanh”. Chỉ tính riêng hai xã Võng La và Mai Lâm, chỉ trong tháng 8/2021 đã có gần 1,6 tấn rác của 21 hộ gia đình được ủ thành phân.
Với rác tái chế, người dân được hướng dẫn phân loại cụ thể và bán cho hệ thống đồng nát, ve chai trong thôn xóm. Các loại rác còn lại được đưa về điểm tập kết để đơn vị vệ sinh môi trường của huyện đưa đi xử lý.
Bà Trịnh Thị Yến, người dân tại xã Liên Hà, sau khi tham gia chương trình chia sẻ: “Cân kiểm hàng ngày mới thấy lượng rác gia đình thải bỏ rất nhiều. Trong 30 ngày kiểm kê, rác hữu cơ của gia đình nhà tôi khoảng 31kg, chiếm 3/4 tổng lượng rác. Rác còn lại là 10,2kg. Như vậy, nếu mang rác hữu cơ ủ thành phân bón, lượng rác của gia đình tôi phải mang đến bãi rác thải giảm rất nhiều”.
Để chương trình tổ chức thành công, UBND huyện đã hợp tác cùng các đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đoàn thể trên thành phố triển khai đồng bộ các phương án phân loại rác thải. Mô hình nhóm nòng cốt, tập hợp những người dân tham gia tích cực chương trình, cũng giúp huyện kịp thời kiểm tra, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc từ các hộ gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tích cực tuyên truyền đến các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện phân loại rác nhằm tạo thói quen tích cực từ trường về nhà cho thế hệ trẻ.
Hiệu quả về cả môi trường và kinh tế từ dự án phân loại rác thải sinh hoạt là thấy rõ. Sau một thời gian, các hộ gia đình tại Đông Anh đã quen với tần suất đổ rác 2-3 lần/tuần thay vì hằng ngày như trước kia. Nhiều nông dân đã tìm được nguồn phân bón chất lượng tốt thay thế các sản phẩm hóa học, vốn độc hại cho môi trường đất.
Đối với công tác quản lý môi trường, huyện đã giảm được 50-70% lượng rác mang đến các khu chôn lấp. Tổng lượng rác phát sinh hàng ngày trong năm 2021 cũng giảm trung bình 12 tấn/ngày so với năm trước.
Theo ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quy trình và cách triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không có sự khác biệt giữa vùng nông thôn và đô thị. Tuy nhiên do có sự khác nhau về điều kiện công nghệ, lối sống, mỗi vùng dân cư sẽ có các lộ trình khác nhau trong việc tổ chức phân loại.
Tại khu vực đô thị, với đặc thù lối sống nhanh và hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, thói quen phân loại rác trong toàn dân cần nhiều thời gian hơn để hình thành; Phương pháp xử lý rác hữu cơ cũng không thể ủ phân như vùng nông thôn. Ở thời điểm hiện tại, bước đầu trong việc triển khai thực hiện quy định mới là truyền thông, khuyến khích hành động nhằm tạo nhận thức mới trong cộng đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình... Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) phối hợp cùng Unilever đã tổ chức nhiều điểm đổi rác lấy quà, kết hợp với hướng dẫn người dân giữ lại các loại rác có thể tái chế. Một số tổ chức như Let’s Do It Hanoi, Keep Hanoi Clean còn tổ chức nhiều buổi tổng vệ sinh, nhặt và phân loại rác tại các điểm nóng về xả rác bừa bãi.
Gần đây, khi quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất có hiệu lực, đầu ra cho các loại rác thải có thể tái chế, tái sử dụng ngày càng rộng mở, nhất là tại khu vực đô thị có tiêu thụ lớn. Theo đó, EPR quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến giai đoạn sau sử dụng nhằm thu gom được ở giai đoạn cuối của vòng đời sản phẩm để có thể phân loại trước khi xử lý, mà chủ yếu là tái chế.
Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, Liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 các doanh nghiệp thành viên sẽ thu hồi và tái chế toàn bộ bao bì từ các sản phẩm bán ra. Tập đoàn TH là một trong những thành viên tiên phong trong hoạt động này. Trong thời gian từ ngày 23/4 - 5/6 năm nay, đơn vị này đang tổ chức hoạt động đổi vỏ hộp sữa lấy quà tặng là những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Sau khi thu gom, các sản phẩm này sẽ được tái chế thành các sản phẩm thân thiện với môi trường như tấm lợp sinh học, sổ tay, giấy gói quà...
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Điều phối Phát triển Bền vững, Tập đoàn TH, cho biết: “Khi đến đổi quà, mọi khách hàng đều được nhân viên của TH giải thích và hướng dẫn phân loại rác thải. Quà tặng của chúng tôi đóng vai trò khuyến khích người dân sống xanh hơn. Với TH, việc thu gom các sản phẩm đã sản xuất là trách nhiệm. Ngoài mục tiêu đạt lợi nhuận trong kinh doanh, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra thêm thời gian, công sức để góp phần bảo vệ môi trường bởi đây là một trong các giá trị cốt lõi của tập đoàn”.
Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt của Hà Nội ước tính tăng 5%/năm. Đến 2030, Thủ đô dự kiến phải xử lý 9.000 tấn rác/ngày đêm.
Dù quy định phân loại rác sinh hoạt từ nguồn được kỳ vọng giảm áp lực chôn lấp tại các khu xử lý chất thải song luật mới chỉ dành thời gian từ nay đến năm 2024 để các địa phương tính toán xây dựng lộ trình triển khai, chưa cưỡng chế thực hiện ngay lập tức. Do đó, đầu tư nâng cao khả năng xử lý rác thải đầu cuối vẫn là vấn đề cấp bách.
Đầu năm nay, dự án nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đã đi vào hoạt động. Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng công nghệ này vào quy trình xử lý chất thải sinh hoạt. Ông Đỗ Tiến Đoàn (Vụ Quản lý chất thải) nhận định: “Đốt rác phát điện giúp giảm thể tích chất thải và không gây tốn quỹ đất so với chôn lấp. Phương pháp chôn lấp còn một hạn chế khác là gây ô nhiễm môi trường nước và mùi hôi thông qua lượng nước rỉ rác. Ngoài ra, mô hình nhà máy điện rác còn có lợi về kinh tế khi giúp tận dụng một nguồn nguyên liệu khổng lồ, tạo ra lượng điện sinh khối lớn”.
Nhà máy Thiên Ý bắt đầu vận hành thử nghiệm vào tháng 1, đến tháng 3, toàn bộ các lò đốt đã đi vào hoạt động, giúp nhà máy xử lý được khoảng 5.000 tấn rác mỗi ngày, tương đương khoảng 70% lượng rác đổ về bãi Nam Sơn.
Thiên Ý chỉ là một trong 4 dự án điện rác được Hà Nội xây dựng nằm trong Quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mới đây, nhà máy Sepharin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) đã được khởi công. Ngoài các dự án điện rác, Quy hoạch của Hà Nội còn nêu rõ đến giữa thế kỷ này, Thủ đô sẽ có 17 khu xử lý chất thải với năng lý 25.380 tấn rác/ngày đêm.
“Ngoài các cách làm phổ biến như đốt rác phát điện, chôn lấp còn có một số phương pháp xử lý khác có thể áp dụng như dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ các loại rác thải hữu cơ; Hay khí hóa rác hữu cơ trong môi trường yếm khí để tạo các loại khí đốt phát điện. Ngoài ra, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đang chào hàng công nghệ plasma vô cùng tân tiến”, ông Dỗ Tiến Đoàn (Vụ Quản lý chất thải) gợi ý.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cần thiết nhằm đáp ứng lượng rác thải đang tăng lên nhanh chóng của thủ đô. Tuy nhiên, chúng ta cần phải khẳng định, việc xử lý rác là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng gì các khu xử lý chất thải. Chính vì vậy, mỗi người, dù ít hay nhiều, đều cần tham gia thực hiện phần việc đó, bắt đầu từ bước hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn.
(Còn nữa)
Nội dung: Phạm Mạnh, Hà Thu, Minh Quân, Hằng Hoàng Đồ họa: Hằng Hoàng, Đỗ Lý, Minh Quân |