eMag azine
10/04/2024 08:08
Bài 3: Thực tập nơi đảo xa, đi để học cách trưởng thành

10/04/2024 08:08

TTTĐ - Với nhóm sinh viên tình nguyện ra xã đảo Thạnh An thực tập, chắc chắn khi quay về, trong hành trang của họ không chỉ có chuyên môn, mà kèm theo đó là những câu chuyện sinh động về tình người, một trải nghiệm thú vị và đầy nhân văn khi sinh hoạt trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn… Để từ đó, tất cả trưởng thành hơn.

xã đảo

do-thi

Với nhóm sinh viên tình nguyện ra xã đảo Thạnh An thực tập, chắc chắn khi quay về, trong hành trang của họ không chỉ có chuyên môn, mà kèm theo đó là những câu chuyện sinh động về tình người, một trải nghiệm thú vị và đầy nhân văn khi sinh hoạt trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn… Để từ đó, tất cả trưởng thành hơn.

Ngày 24/2/2024, nhóm 10 sinh viên trường Đại học Sư phạm TP HCM đặt chân đến xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, bắt đầu kỳ thực tập kéo dài 3 tháng. Đây được xem là dấu mốc quan trọng vì lần đầu tiên xã đảo duy nhất của TP HCM tiếp nhận sinh viên ngành Sư phạm đến thực tập.

Họ gồm 7 sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học và 3 sinh viên khoa Giáo dục Mầm non mang trong mình nhiệt huyết xung kích của tuổi trẻ.

do-thi
Những sinh viên mang trong mình nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ
do-thi

Mặc dù là đơn vị hành chính của TP HCM nhưng muốn đến được Thạnh An phải vượt qua khoảng 60km (tính từ trung tâm thành phố) đường bộ, thêm 35 phút đi đò biển. Khởi hành từ 7h sáng, chầm chậm vượt qua đường Rừng Sác để cảm nhận vẻ đẹp và sự thơ mộng của thiên nhiên thì cũng vừa bắt kịp chuyến đò lúc 10h30.

Kết nối giữa xã đảo Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, mỗi ngày chỉ có 5 chuyến đò nên tất cả việc đi lại phải được tính toán thật kỹ, trễ 1 chuyến có thể lỡ việc của một ngày.

do-thi
Hình ảnh thầy trò thân thương dạo chơi, gần gũi trên xã đảo

Chúng tôi gặp nhóm sinh viên thực tập ngay sau giờ lên lớp buổi sáng. Ngược với sự hình dung, mọi người ai cũng tươi tắn, cười nói vui vẻ. “Tụi em ở TP HCM nhưng chưa bao giờ nghĩ là ở thành phố lại có một nơi như thế này, bình yên, thân thiện đến không ngờ”, Cung Thiên Bảo, nam sinh duy nhất trong nhóm sinh viên thực tập hào hứng nói.

Sinh ra và lớn lên tại TP HCM, Bảo cho biết thật ngỡ ngàng khi ra đảo. “Đây là lần đầu tiên em xa nhà, cảm giác nhớ nhà thật nhiều. Bù lại, sự thương yêu của thầy cô, người dân trên đảo giúp em hòa nhập nhanh và cảm thấy ấm lòng”, Bảo chia sẻ và cùng các bạn hào hứng kể: Mọi người nhớ như in chuyến đò ra đảo. Hôm đó sóng lớn, con đò lắc lư chồi, sụp liên tục giữa biển khơi. Nhiều bạn không quen bị say sóng, ngồi lịm trên đò, gương mặt thất thần, xanh lét. Khi đòcập bến, lên tới bờ không ít bạn vẫn lắc lư, phải ngồi lại trên bến một thời gian mới đi đến điểm tập kết.

Theo lời các bạn trẻ, cảm nhận đầu tiên là người dân ở đây thân thiện đến không ngờ, không khí thì trong lành đến tuyệt. Diện tích đảo nhỏ (tổng toàn đảo khoảng 131km2), người dân sống quây quần. Thông tin có nhóm sinh viên đến thực tập sớm lan nhanh trong cộng đồng. Do đó khi các thành viên di chuyển đến đâu cũng được người dân ưu ái quan tâm, hỏi thăm, gần gũi…

“Có một điều gây ấn tượng nhất là học sinh ở đây rất lễ phép. Chỉ cần thấy tụi em ở bất kỳ đâu là các em khoanh tay chào thầy, chào cô. Các em chào nhiều đến mức tụi em cảm thấy ngại luôn. Các bạn trong nhóm kháo nhau, ở đây cứ 10m là nhận một câu chào.

do-thi
Những buổi lên lớp

Tuần đầu tiên về thực tập, tụi em chưa quen nhiều với người dân và môi trường ở đây. Các em nhỏ tìm đến, lúc thì cái bánh, khi cái kẹo mời thầy cô, rồi dẫn tụi em đi thăm, khám phá, chỉ cho những cảnh đẹp của cả hòn đảo. Sự hồn nhiên, thân thiện, lễ phép của các em khiến tụi em có được cảm giác thật yêu thương và ấm áp khi xa nhà”, bạn Nguyễn Ngọc Diễm Tuyền hào hứng kể.

Theo các bạn trẻ, sự trải nghiệm của kỳ thực tập thật khác xa với những gì mà họ đã hình dung trước chuyến đi. Cả nhóm sinh viên được bố trí lưu trú ngay trong khuôn viên nhà trường để thuận tiện cho sinh hoạt và công việc thực tập.

“Ở đây cũng buồn vì không có điểm vui chơi giải trí như nội thành, nhưng thầy cô thương tụi em lắm, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Trong những giờ lên lớp, thầy cô chỉ cho từng cách thức truyền đạt kiến thức cho các em, hướng dẫn, nhận xét từng chút về công tác giảng dạy để tụi em dễ dàng học hỏi”, bạn Dụng Thị Ánh Nguyệt, sinh viên trong nhóm kể.

do-thi
do-thi do-thi
Những lúc các em cần, các nhà giáo tương lai luôn kèm cặp chỉ bảo Ngoài học, các sinh viên thực tập đã cùng sinh hoạt, vui chơi ngoài giờ với các em

Để trở thành sinh viên thực tập ở xã đảo Thạnh An, các bạn đã phải trải qua vòng kiểm tra khá gắt gao từ nhà trường. 19 hồ sơ đăng ký, có 10 người được chọn. Được chọn rồi lại phải quay sang “đối đầu” với vòng “điều tra” từ phụ huynh. Hết “Tại sao lại chọn đi xa vậy”, đến “Đảo xa xôi, heo hút vậy làm sao mà di chuyển”, “Tại sao không chọn mấy trường trong nội thành thực tập cho khỏe”… Không ít bạn bị gia đình ngăn cản ra mặt.

Gia đình đã vậy, bạn bè xung quanh cũng “hù” không tiếc lời, vẽ ra hàng loạt khó khăn nghe muốn “thối chí”. “Nhiều bạn nói ra đây không có nước sạch, đảo xa nên bệnh cũng khó mà chăm chữa, ngoài đảo buồn lắm chẳng có gì để giải trí… vô vàn lời kể khổ được gieo vào đầu. Nghe để biết vậy thôi chứ em quyết định đi thực tập ở đây rồi nên không thay đổi.

Trước khi chọn đi Thạnh An, em đã được một trường nhận vào thực tập, nhưng nghĩ lại tuổi còn trẻ, muốn được trải nghiệm ở những nơi mà người ta nói khốn khó để hiểu thêm, biết thêm nhiều thứ khác. Mà ra đây rồi thấy khác hẳn với những điều mình đã nghe. Em nghĩ không chỉ có lựa chọn đúng mà em đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ của mình”, Ánh Nguyệt bộc bạch.

do-thi
Những tác phẩm do các em thực hiện

Còn với Cung Thiên Bảo: “Mang tiếng là người ở TP HCM nhưng thật sự còn quá nhiều điều mình chưa biết về nơi mình đang sống. Tuổi trẻ nên học cách cống hiến, nếu cứ chọn những nơi gần nhà, dễ làm thì sẽ chẳng có cơ hội tiếp thu, trải nghiệm, hiểu thêm về môi trường sống tại nhiều nơi khác”.

Lo lắng cho con, nhiều phụ huynh còn thuê hẳn xe đi đến tận nơi các em đang thực tập để tìm hiểu kỹ hơn. Để rồi sau khi tìm đến, họ vui vẻ ra về vì hiểu rằng con mình đang có một môi trường thực tập, trải nghiệm, học hỏi không thể tốt hơn được.

do-thi
Ngoài giờ dạy, các sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội

Cha ông ta nói học phải đi đôi với hành. Hành ở đây không chỉ là đưa kiến thức, chuyên môn, tay nghề vào thực tế. Với những sinh viên chuẩn bị ra trường, hành trang vào đời không chỉ là kiến thức sách vở mà họ còn cần được trang bị những kiến thức thực tế cuộc sống, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong công việc; học cách thấy, lắng nghe, thấu hiểu và tương tác với mọi người xung quanh...

Thầy Nguyễn Thanh Trí, Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Thạnh An, nhận xét: “Các em nhiệt huyết, năng động và chịu khó học hỏi. Tất cả những hoạt động xã hội, phong trào địa phương các em không bỏ lỡ buổi nào. Mới đây, tại lễ cúng Đình trên đảo, các em tham gia gian hàng thức ăn, rồi hoạt động phong trào ca múa hát… không những tham gia nhiệt tình mà còn tìm hiểu cả những phong tục tập quán của người dân địa phương. Trong công tác chuyên môn, các em lắng nghe chỉ dẫn kỹ và áp dụng những điều được học rất nhanh. Với các nhân tôi, các em tham gia kỳ thực tập với tinh thần trách nhiệm, học hỏi cao...”.

Với nhóm sinh viên tình nguyện ra xã đảo Thạnh An thực tập, chắc chắn khi quay về, trong hành trang của họ không chỉ có chuyên môn, mà kèm theo đó là những câu chuyện sinh động về tình người, một trải nghiệm thú vị và đầy nhân văn khi sinh hoạt trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn… Để từ đó, tất cả trưởng thành hơn. Sự lễ phép của học sinh nơi nhóm thực tập, sự yêu mến, gần gũi từ người dân sống giữa biển khơi sẽ là dấu ấn đẹp và là hành trang sống động trên con đường trở thành nhà giáo.

do-thi
Thầy cô đánh giá các em nhiệt huyết, năng động và chịu khó học hỏi…

Phát biểu tại buổi lễ đưa 10 sinh viên ra đảo Thạnh An thực tập, Phó Bí thư Thành đoàn TP HCM Trần Thu Hà cho biết, thời gian qua, Thành đoàn TP HCM đã có nhiều hoạt động nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, giữ gìn an ninh chính trị, nâng cao ý thức chủ quyền biên giới, biển, đảo; đặc biệt là các hoạt động phát huy chuyên môn của sinh viên để hỗ trợ xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Hoạt động đưa sinh viên trường Đại học Sư phạm TP HCM ra thực tập tại xã đảo Thạnh An là một hoạt động đặc biệt ý nghĩa, không chỉ tạo điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên, mà còn phát huy vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện gắn với chuyên môn, qua đó kết nối, tạo nguồn giáo viên trẻ tăng cường cho các trường tại xã đảo duy nhất của TP HCM.

Phó Bí thư Thành đoàn đánh giá khoảng thời gian thực tập trên đảo sẽ thực sự ý nghĩa trong chính quãng đời sinh viên của các bạn, không chỉ là một kỳ thực tập mà còn là một học kỳ trải nghiệm để mỗi bạn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm đóng góp công sức trẻ, giảng dạy cho học sinh, giúp đỡ cho người dân xã đảo khó khăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ an ninh của Tổ quốc…

Nội dung: Minh Tường - Nguyên Anh

Trình bày: Nguyễn Anh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Biến những điều không thể thành có thể
Bài 2: Họ đã vác tù và thế nào?
do-thi