eMag azine
01/08/2024 00:00
Bài 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

01/08/2024 00:00

TTTĐ - Với mục tiêu xây dựng các sản phẩm kinh tế đêm chất lượng, thu hút du khách và kích thích tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Các quy định về thời gian hoạt động, khu vực triển khai và đãi ngộ dành cho nhân sự tham gia vận hành kinh tế đêm nên được xem xét thấu đáo. Hơn hết, cái bắt tay giữa cơ quan quản lý, các nhà nghệ thuật và đơn vị doanh nghiệp sẽ tạo ra chuỗi liên kết đem lại hiệu quả cao nhất cho các sản phẩm kinh tế sau 18h.

liên kết

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Với mục tiêu xây dựng các sản phẩm kinh tế đêm chất lượng, thu hút du khách và kích thích tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Các quy định về thời gian hoạt động, khu vực triển khai và đãi ngộ dành cho nhân sự tham gia vận hành nên được xem xét thấu đáo. Hơn hết, cái bắt tay giữa cơ quan quản lý, các nhà nghệ thuật và đơn vị doanh nghiệp sẽ tạo ra chuỗi liên kết đem lại hiệu quả cao nhất cho các sản phẩm kinh tế sau 18h.

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Sự phát triển các sản phẩm kinh tế đêm của Hà Nội hầu như đều có đóng góp, hoặc ít hoặc nhiều, từ các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành. Không chỉ đóng vai trò đưa khách tới các hoạt động giải trí, mua sắm, một số công ty lữ hành thậm chí đi xa hơn, bằng cách phối hợp với các di tích, danh thắng hay trung tâm thương mại nhằm hình hành các sản phẩm đêm đặc thù.

Lấy ví dụ như tour đêm “Chữ Tâm, chữ Tài” được triển khai tại Bảo tàng Văn học Việt Nam từ cuối năm 2022. Tham gia tour, du khách ở mọi lứa tuổi được biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của nhiều thế hệ anh hào Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh. Tên gọi của chương trình lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Đánh giá cao tour đêm “Chữ Tâm, chữ Tài”, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định: “Thủ đô Hà Nội luôn tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang giá trị văn hoá, giáo dục. Lãnh đạo sở và các đơn vị lữ hành thường xuyên có sự phối hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch có sự hợp tác, gắn kết giữa văn hoá và sản phẩm. Mong rằng, tour đêm “Chữ Tâm, chữ Tài” của Bảo tàng Văn học sẽ góp phần định hình sản phẩm du lịch Hà Nội trên bản đồ du lịch chung của cả nước”.

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Tour đêm “Chữ Tâm, chữ Tài” của Bảo tàng Văn học là một trong những sản phẩm góp phần định hình sản phẩm du lịch Hà Nội trên bản đồ du lịch chung của cả nước.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam bộc bạch: “Với sứ mệnh của mình, Bảo tàng Văn học là nơi lưu giữ những kỷ vật, tác phẩm, câu chuyện vô cùng đặc biệt, quý giá của nhiều thế hệ nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

Làm thế nào để giá trị văn hóa, văn học đó lan tỏa rộng rãi đến với công chúng đặc biệt hơn cách mà lâu nay những người yêu văn chương vẫn thể hiện là đến ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật và nghe thuyết minh. Chúng tôi rất trăn trở mong mọi người sẽ tiếp cận Bảo tàng Văn học thêm một cách mới.

May mắn, chúng tôi được sự hỗ trợ quý báu của nhiều người yêu văn học, đặc biệt là một số công ty du lịch đã đồng hành để cùng biến những ước mơ biến thành hiện thực. Thông qua tour du lịch mới này, Bảo tàng Văn học Việt Nam mong muốn tiếp cận gần hơn với du khách. Qua đó biến đây thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu văn chương và du khách”.

Không chỉ đối với tour đêm “Chữ Tâm, chữ Tài”, bóng dáng của doanh nghiệp cũng được thấy rõ tại chương trình tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, “Ngọc Sơn đêm huyền bí” hay “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu – Quốc tử giám.

Đạo diễn Lê Quý Dương, người viết kịch bản cho “Ngọc Sơn đêm huyền bí”, cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển những sản phẩm du lịch về đêm.

Ông phân tích: “Bắt tay xây dựng sản phẩm liên quan đến du lịch, đặc biệt là du lịch ban đêm, chúng ta phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các mảnh ghép. Chúng tôi là nghệ sỹ, chỉ biết cố gắng xây dựng sản phẩm nghệ thuật tốt nhất, hay nhất nhằm chạm vào cảm xúc của khán giả. Nhưng để sản phẩm tốt đẹp ấy đến với công chúng, cụ thể là khách du lịch, chúng ta sẽ trông chờ vào sự điều phối của Sở Du lịch, các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành. Như thế, chúng ta ghép các mảnh ghép lại với nhau, tạo ra chuỗi liên kết, qua đó nâng tầm sản phẩm du lịch, đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị kinh tế về đêm”.

Phần 1: Đánh thức thành phố ngủ sớm

Phố đêm là đặc sản thu hút khách du lịch của quận Hoàn Kiếm.

Trao đổi với bà Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Du lịch Bền vững VIETNAM S.T.I.D, mới vỡ ra rằng doanh nghiệp này tham gia tổ chức nhiều sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội, trong đó có thể kể tới: “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” hay “Chữ Tâm, chữ Tài”.

Bà Hoàng Anh chia sẻ, khi bắt tay thực hiện các sản phẩm du lịch đêm, công ty tranh thủ sự ủng hộ của Sở Du lịch Hà Nội và các di tích – điểm đến, sau đó, đào sâu nghiên cứu để đưa ý tưởng về sự khác biệt trong mỗi chương trình.

“Trên quan điểm của doanh nghiệp, chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm có giá trị, bản sắc riêng. Để làm được điều đó, chúng tôi kết hợp với các nhà văn hoá, chuyên gia lịch sử, nghệ thuật nhằm tận dụng tri thức và năng lực sáng tạo của họ. Từ đó, nâng tầm giá trị của điểm đến.

Hơn nữa, chúng tôi cũng nghiên cứu nhằm cân bằng, hài hoà giữa cung cấp dịch vụ cho du khách và đảm bảo giá trị văn hoá. Làm thế nào để du khách sau khi trải nghiệm sản phẩm du lịch đêm, họ sẽ kể cho người thân, bạn bè. Qua đó, thu hút thêm khách hàng cho các tour đêm”, bà Hoàng Anh cho hay.

Trong khi đó, CEO Nguyễn Tiến Đạt của Công ty AZA Travel đặt vấn đề về phương thức bắt tay giữa doanh nghiệp, đơn vị quản lý và các điểm đến. Đáng chú ý, ông Đạt nhấn mạnh về chia sẻ lợi ích kinh tế từ các hoạt động du lịch, mua sắm, trải nghiệm về đêm.

“Trong chuỗi liên kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các điểm đến, chúng ta phải đặt ra bài toán chia sẻ với nhau. Đầu tiên, cần phải nhấn mạnh sự hỗ trợ từ phía các ban, sở, ngành của thành phố Hà Nội. Sự thay đổi trong quy hoạch, chính sách, cơ chế để “cởi trói” cho các sản phẩm kinh tế đêm. Làm sao để phát triển kinh tế đêm nhưng không gây ra các mặt trái, ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Bên cạnh đó, câu chuyện chia sẻ giữa doanh nghiệp, đơn vị lưu trú, dịch vụ với điểm đến cũng cần ưu tiên giải quyết. Từ đó, hình thành hệ thống vững chắc, làm “xương sống” cho phát triển các hoạt động kinh tế về đêm”, ông Đạt chia sẻ.

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, việc các sản phẩm du lịch đêm đã được ra mắt và nhận được sự đón nhận của công chúng nhờ giá trị của sản phẩm cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc kết nối thị trường, tiếp cận khách hàng.

Cũng nói về vấn đề này, với kinh nghiệm 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đạo diễn Lê Quý Dương đề xuất một số phương thức nhằm hài hoà lợi ích giữa các đơn vị trong chuỗi liên kết.

Cụ thể, vị đạo diễn này cho rằng, trong trường hợp các doanh nghiệp tham gia, đầu tư, hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch, việc phân chia lợi ích có thể bằng quyền lợi đối với sản phẩm.

“Đối với các đơn vị lưu trú hay công ty lữ hành, khách của họ có thể được mua vé vào cửa, mua sản phẩm với giá ưu đãi. Thậm chí, một vài phần đặc biệt của chương trình chỉ dành cho khách hàng từ các đơn vị đồng hành”, đạo diễn Lê Quý Dương, người vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới (IFCPC/ITI), nêu ý tưởng.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, các sản phẩm du lịch đã được ra mắt và nhận được sự đón nhận của công chúng. Nguyên nhân một phần do giá trị của sản phẩm, phần khách nhờ vào nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc kết nối thị trường, tiếp cận khách hàng.

“Thành phố tiếp tục chủ trương tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất, từ quy hoạch đến chính sách thu hút đầu tư, đối với các đơn vị doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm các không gian văn hoá, sản phẩm du lịch từ sự đồng hành của các doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trong đó, một nội dung quan trọng là: “Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế”.

Cụ thể hoá yêu cầu nói trên, nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã và đang triển khai các mô hình kinh tế đêm. Thời gian tới, phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình), hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), phố ẩm thực đêm Nguyễn Văn Tuyết, mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (Quốc Oai), điểm Văn hóa ẩm thực Vân Đình tại Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) cũng dự kiến ra mắt.

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Thời gian tới sẽ có thêm nhiều mô hình kinh tế đêm được ra mắt tại Thủ đô.

Trong khu vực nội thành sẽ đưa Chợ đấu mối hoa đêm lớn nhất miền Bắc tại Quảng An quận Tây Hồ; Điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm phục vụ khách du lịch và phát triển kinh tế đêm Hà Nội tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm trở thành điểm đến dành cho du khách.

Trước sự nở rộ của các mô hình kinh tế đêm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một số quận của Hà Nội đã có những sự thay đổi để khai thác tiềm năng của kinh tế đêm, tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục để có thể tận dụng và phát huy tốt hơn nữa trong tương lai.

Nhất là công tác quy hoạch, do thiếu quy hoạch nên nhiều cơ sở kinh doanh ban đêm hiện đều gần sát các khu dân cư, ảnh hưởng đến sinh hoạt của Nhân dân. Một số nơi phát triển chưa hợp lý, nên chưa tạo được sức hút đối với du khách. Thiếu sự quy hoạch đồng bộ và rõ ràng nên các phố đi bộ thiếu chương trình văn hóa nghệ thuật, có tình trạng mua bán hàng rong chèo kéo, chặt chém du khách, tình trạng xả rác bừa bãi đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường...

Với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, PGS. TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, thành viên Tổ tư vấn quy hoạch quốc gia cho rằng, rất cần thiết các giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm.

Phần 3: Trông chờ giải pháp đột phá từ “liên kết chuỗi”

Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, bao gồm các quy định về giấy phép hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm, tiêu chuẩn và thời gian hoạt động…

Theo đó, đối với Hà Nội, PGS.TS Phạm Trung Lương đề xuất thành phố có giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, nhận thức và vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai, phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội theo hướng lành mạnh, tích cực với các hoạt động kinh tế ban đêm thông qua tăng cường truyền thông chính sách.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, bao gồm các quy định về giấy phép hoạt động, sản phẩm ưu tiên, tiêu chuẩn và thời gian hoạt động…

“Xây dựng khung pháp lý cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế đêm. Quan trọng hơn là xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển”, PGS. TS Phạm Trung Lương bày tỏ.

Lời kết: Các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí ban đêm là công cụ thu hút khách du lịch hiệu quả tại nhiều quốc gia. Mô hình này không những thúc đẩy phát triển du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương mà xét trên góc độ văn hóa, kinh tế ban đêm có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa bản địa của địa phương, vùng miền. Mặt khác, các hoạt động vui chơi, giải trí ban đêm tạo ra không gian cơ bản để tăng cường giao tiếp xã hội và phát triển ý thức bản thân, đặc biệt cho giới trẻ.

Sau quá trình tìm hiểu, ghi nhận thực tế, phỏng vấn các chuyên gia, nhóm tác giả hy vọng bài viết có giá trị nhất định trong ý tưởng đề xuất một số giải pháp, cụ thể là về quy hoạch, chính sách, định hướng phát triển sản phẩm du lịch và chuỗi liên kết giữa các thành phần tham gia vào kinh tế đêm của Thủ đô Hà Nội.

Bài viết: Vũ Cường

Trình bày: Thành Trung

Thành Trung Vũ Cường