Trong những ngày rong ruổi trên những cung đường quốc lộ, chúng tôi nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ xuất phát từ ý thức con người mà còn do những lỗi từ khâu thiết kế. Nhiều lỗi “ý thức” cũng xuất phát từ việc thiết kế thiếu khoa học, không phù hợp thực tế.
Lỗi dễ thấy nhất là trên những cung đường dài hàng trăm km nhưng không hề có thiết kế điểm dừng đỗ phương tiện, không có điểm dừng nghỉ cho những chuyến xe đường dài, hoặc những sự cố cho các phương tiện đang lưu thông. Toàn bộ những điều đó được xử lý ngay trên lòng đường quốc lộ (QL). Dường như, việc “thiết kế” QL như vậy vì tất cả đã “phó mặc” cho hành lang an toàn đường bộ.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP) quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ của tuyến đường quốc lộ như sau: "Điều 15. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau: 1. Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là: a) 17 mét đối với đường cấp I, cấp II; b) 13 mét đối với đường cấp III; c) 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V; d) 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V. 2. Đối với đường đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt". |
Chiếc xe ba gác chở quá khổ bị sự cố nằm chắn hết phần đường xe máy |
11h ngày 21/2/2023, ngay đoạn đường cong trước khi đến cầu Phước Hòa (Bà Rịa - Vũng Tàu), chiếc xe ba bánh chở gỗ cồng kềnh đang lưu thông thì hư hệ thống bánh trước. Gặp sự cố, người sử dụng phương tiện cho dừng xe ngay trên lòng đường rồi hì hụt lấy đồ nghề tháo bánh trước mang đi sửa. Chiếc xe với hàng cồng kềnh nằm chắn hết phần đường lưu thông của xe hai bánh. Các phương tiện mặc sức lách tránh. Họ thông cảm vì… tài xế gặp sự cố. Việc gặp sự cố trên đường chẳng ai muốn, nhưng lỡ gặp thì chỉ trông vào sự may rủi có phải tại chỗ thông thoáng hay không.
Cũng trong ngày 21/2, khi vừa qua khỏi xã Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP HCM), nhiều phương tiện phải giảm tốc độ đột ngột, để lách tránh đôi chân của một bác tài xe tải. Lý do người này phải chui nửa người vào gầm xe để sửa chữa phương tiện nên chỉ còn lòi 2 cái chân ra mặt đường. Tất cả những tình huống, sự cố bất ngờ sẽ đỡ nguy hiểm hơn nếu như có chỗ dừng đỗ an toàn hoặc có xe “cấp cứu giao thông” kéo xe vào bên trong nào đó.
Được thiết kế với 2 làn đường mỗi bên, không có lề đường chuẩn theo quy định nên lòng đường QL còn bị tận dụng để “gánh” tất cả sinh hoạt như một con đường… làng. Dọc theo tuyến QL1, từ TP Biên Hòa đến huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) sẽ dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu phân làn giao thông mà chỉ nhìn thôi cũng… chóng mặt. Trong 2 làn xe thì một làn dành cho ô tô, một làn hỗn hợp dành cho tất cả các phương tiện còn lại. Theo một chuyên gia, chính vì thiết kế QL nhỏ gọn, năng lực vận tải cao nên làn xe hỗn hợp trở nên hỗn loạn và tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
Chưa hết, mặc dù đường nhỏ, bố trí phân làn giao thông khủng, nhưng có lẽ thấy chưa vận dụng hết năng lực của QL nên các nhà quản lý giao thông tận dụng đưa luôn bến dừng xe vào lòng đường.
Đường nhỏ, xe dừng xe chạy, xe máy hết đường nên liều mạng qua đường xe cơ giới để lưu thông |
Cụ thể, để tiện cho việc vận chuyển hành khách công cộng được tiện lợi, bến dừng đón khách của tuyến xe buýt cũng được bố trí ngay trên làn xe hỗn hợp. Chính sự tận dụng này khiến cho giao thông trên các tuyến QL càng thêm phần nguy hiểm. Không hiểu việc bố trí trên tiện lợi đến mức nào, nhưng nếu các nhà thiết kế QL, quản lý hạ tầng giao thông chứng kiến cảnh xe máy đang di chuyển với tốc độ 50 - 60km/h phải dừng đột ngột hoặc lao qua làn đường ô tô để tránh xe buýt dừng đón trả khách sẽ nghĩ thế nào?
CSGT xử phạt những phương tiện xe máy lấn làn thì đúng luật rồi, nhưng lỗi thiết kế QL, phân làn giao thông thiếu hợp lý ai xử, xử ai?
“Nhiều nút giao thông trên QL có thiết kế không phù hợp dẫn đến nguy hiểm. Nhiều điểm giao lộ tiềm ẩn nguy cơ TNGT giao thông cao xuất phát từ việc thiết kế không phù hợp, như nút giao thông đường 80 - QL51. Để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến tai nạn, chúng tôi phải liên tục kiến nghị thay đổi vị trí những khối bê tông phân làn, vẽ lại vạch sơn, đặt chốt kiểm soát của CSGT… nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao”, Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội Xử lý TNGT thuộc Phòng CSGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.
Giao lộ đường 80 - QL51 trở nên nguy hiểm là do được thiết kế lệch, khi điểm đấu nối vào QL51 của đường 80 không đồng trục với nhau. Chính điều này khiến các phương tiện khi vượt điểm giao cắt trên QL51 sẽ phải di chuyển một đoạn ngược chiều để đến điểm mở của dải phân cách cứng. Do đó, việc di chuyển tại khu vực này từng rất hỗn loạn và nguy hiểm, thường xảy ra TNGT. Chỉ đến khi lực lượng tuần tra của CSGT kiến nghị di dời dải phân cách cứng, mở rộng điểm giao cắt trên tuyến QL51 thì số TNGT tại giao lộ này mới được kéo giảm.
Không chỉ điểm giao cắt, việc để hàng loạt đường dân sinh đổ vào QL cũng không được các nhà thiết kế tính toán. Tại vị trí đường dân sinh thuộc Khu phố 4, phường An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai là một ví dụ. Tuyến đường có độ dốc cao so với mặt đường QL và đổ ngược chiều giao thông trên QL. Nên khi xe từ đây đổ vào QL vì độ dốc lớn, lái xe phải bẻ cua gắt để thuận chiều giao thông, do đó chỉ cần sơ sẩy, chủ quan trong tích tắc là dẫn đến tình huống nguy hiểm.
Giới tài xế xe ô tô sợ nhất khi lưu thông trên tuyến QL là những làn đường rẽ trái tại các giao lộ. Đường được thiết kế 2 làn xe chạy thẳng, nhưng sau khi được mở rộng, tại các giao lộ xuất hiện thêm đèn tín hiệu rẽ trái, vậy là làn đường ngoài cùng biến thành làn rẽ trái. Tại những giao lộ không có đèn giao thông thì mặc nhiên làn ngoài cùng cũng thành làn rẽ trái. Không ít tài xế ngán ngẩm: “Đang lưu thông với tốc độ cho phép 80km/h tôi phải thắng “cắm đầu” vì xe phía trước sáng đèn thắng, nhìn lên mới thấy đèn rẽ trái. Vậy là mình phải bật đèn xin chuyển qua làn đi thẳng trong khi các phương tiện đi với vận tốc lớn, cảm giác lúc đó thật căng thẳng, toát mồ hôi... Nếu đã tổ chức đèn rẽ trái thì phải thiết kế làn riêng chứ đi chung rồi phân định bằng đèn như hiện nay thì quá nguy hiểm…”, anh Phạm Anh Dũng, ngụ TP HCM, ngao ngán nói.
Việc thiếu đường song hành cho các khu dân cư ven QL cũng đẩy người dân và các phương tiện tham gia giao thông vào nguy hiểm. “Con đường này là người dân tự đổ bê tông để những người lưu thông ngược chiều không phải đi xuống lòng đường nguy hiểm. Nếu phải băng ngang qua lại trên QL còn nguy hiểm hơn”, chị Thúy, chủ tiệm tạp hóa ven đường QL1, thuộc TP Long Khánh, cho biết.
Con đường ở đây thực chất chỉ là lối đi trên lề, ngang khoảng 1m, dài khoảng 200m. Chứng kiến công nhân hàng ngày di chuyển ngược chiều trên QL1 để đến chỗ làm rất nguy hiểm nên người dân gom góp nhau đổ bê tông, tạo lối đi trên để giúp công nhân an toàn hơn.
Đoạn song hành hiếm hoi, nhưng bị bít đầu tại KDC Núi Tung |
Với thiết kế hiện nay, tất cả đường dân sinh đều đổ thẳng vào QL, không có điểm mở thoáng hoặc đường dẫn kết nối đã tạo ra những tình huống nguy hiểm. Dọc theo tuyến QL1A đi qua Đồng Nai, chỉ có 2 đoạn đường song hành nội bộ hiếm hoi, một đoạn ngay khu trung tâm huyện Trảng Bom và một đoạn tại khu dân cư (KDC) Núi Tung, thuộc địa bàn TP Long Khánh. Trong đó, đoạn KDC Núi Tung đúng là lưu thông nội bộ do bị bít một đầu ra. Việc thiếu vắng đường dẫn từ khu dân sinh vào QL là một trong những lỗi thiết kế mà người dân cho rằng rất bất tiện và nguy hiểm. “Các con đường KDC đều kết nối trực tiếp vào QL, chúng tôi cũng cảm thấy nguy hiểm nhưng còn đường nào đâu mà đi. Đi ngược chiều ai cũng thấy sai và nguy hiểm, nhưng so với việc băng qua lại trên QL còn nguy hiểm hơn. Chính điều đó khiến người dân thà chọn đi ngược chiều”, chị Dung, kinh doanh quán nước ven QL1, gần Bệnh viện đa khoa Thống Nhất - Đồng Nai, cho biết.
Cũng cùng ý kiến với chị Dung, nhưng theo anh Tuấn, tài xế xe ôm khu vực huyện Trảng Bom: “Nếu có đường song hành thì người dân ven QL không phải ra QL. Cần có những giao lộ nhất định để qua lại trên QL nhưng phải có đèn tín hiệu… thì sẽ an toàn hơn nhiều”, anh Tuấn góp ý.
Ý thức biến QL như đường làng quê |
Đường nhỏ, xe đông cùng lưu thông trên một phần đường, nhưng tốc độ của mỗi loại xe được quy định khác nhau, cộng thêm bến xe đón trả khách ven đường… gom hết những điều đó vào một thời điểm thì bất cứ ai cũng hình dung ra được mức độ đánh đố và nguy hiểm cỡ nào. Chỉ tiếc là những nhà thiết kế QL, quản lý… lại không hình dung ra hoặc “không chịu” giải quyết nên trên mọi ngả đường QL, bất cứ chỗ nào cũng có nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao.
Bài viết: Minh Tường Đồ họa: Phạm Mạnh |
|