Bài 3: Ươm những mầm xanh
Hành trình “ươm mầm” xanh của cô giáo trẻ Thủ lĩnh Đoàn trẻ tuổi ươm mầm xanh tình nguyện |
Niềm tự hào của đất nước
Chúng ta đã có những bài học, kinh nghiệm rất lớn mà thế hệ đi trước để lại. Trong sự nghiệp bồi dưỡng đảng viên, chọn ra những “hạt giống vàng” thì công lao, tầm nhìn, sự sáng suốt vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để lại những bài học quý báu cho chúng ta học tập. Người đã sớm nhìn ra những phẩm chất của người trẻ ưu tú để gửi gắm tương lai dân tộc.
Điển hình là đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Lãnh tụ Hồ Chí Minh và có những cống hiến to lớn cho Đảng, dân tộc và sự nghiệp cách mạng Đông Dương. Theo các tài liệu, từ năm 1925, khi còn rất trẻ, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Trần Phú gặp Nguyễn Ái Quốc và sau đó được kết nạp vào hàng ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi được kết nạp vào Cộng sản Đoàn.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu Trung ương, Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với hai đảng viên trẻ trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Sau đó, đồng chí Trần Phú về nước hoạt động một thời gian và quay trở lại Quảng Châu vào tháng 1/1927, làm việc tại cơ quan của Tổng bộ Thanh niên và lại được gặp Người. Nguyễn Ái Quốc cử Trần Phú sang học tại trường Đại học Phương Đông, nơi đào tạo cán bộ cho Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Trần Phú học tại đây từ tháng 1/1927 đến 11/1929 và được nghiên cứu “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa", đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng thuộc địa.
Đến năm 1930, đồng chí Trần Phú đã chính thức được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Năm 1931, bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng đồng chí càng thể hiện bản lĩnh sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng và ra đi khi tuổi còn rất trẻ.
Giác ngộ và hoạt động cách mạng từ khi mới 18, đôi mươi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là tấm gương lớn cho sự chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của mình. Đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhắc tới cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ nhưng chưa thấy ai có ý thức vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”.
Theo các tài liệu, sáng 28/8/1941, biết kẻ thù sẽ đem mình và một số đồng chí đi xử bắn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nói to, tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn địch hung bạo đâm lưỡi lê vào ngực đồng chí. Các đồng chí chung quanh thét lên phản đối, tiếng hô căm phẫn trút lên đầu quân thù. Chúng sợ hãi vội đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí ra trường bắn. Trước họng súng của địch, các đồng chí đã giật tung giải bịt mắt, ngẩng cao đầu hô lớn:
“Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống nhưng khí phách anh hùng của nữ đảng viên cộng sản mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân ta. Tấm lòng kiên trinh của đồng chí thể hiện qua bài thơ khắc lên tường ở bót Catinat trong những ngày bị giam giữ tại đây:
"Vững chí bền gan ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng lắm chông gai”.
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, còn rất nhiều những tấm gương đảng viên trẻ, chiến sĩ được kết nạp Đảng tại chiến trường… tiếp bước truyền thống anh hùng, là niềm tự hào của cả dân tộc. Họ đã sát cánh bên nhau, dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chiến đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày nay, đất nước đang bước vào công cuộc công nghiệp hóa mạnh mẽ, chúng ta rất cần những “hạt giống đỏ” tiếp tục được khơi gợi lý tưởng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng để tiên phong trên lĩnh vực của mình; Cống hiến trí tuệ và sức lực trẻ trung, đầy sáng tạo nhiều hơn nữa vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, vì đất nước phồn vinh, hùng cường.
Hướng về ánh mặt trời
Có thể ví, Đảng như ánh mặt trời không chỉ soi đường chỉ lối mà còn tắm đẫm những mầm xanh bằng dưỡng chất của lý luận, của niềm tin và ý chí vươn lên. Thỏa thuê dưới ánh sáng ấy, "cây non" sẽ hướng về ánh mặt trời với sức bung tỏa mạnh mẽ.
Một chương trình giáo dục ngoại khóa dành cho học sinh trường THPT Yên Hòa. Từ những chương trình như thế, nhà trường phát hiện ra những nhân tố điển hình, tiêu biểu để bồi dưỡng... |
Nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phận thanh niên ngày nay sống nhạt nhòa, không có mục đích, ước mơ rõ ràng. Đó là bởi các tổ chức đoàn thể chưa vươn tay tới họ, đưa họ vào “từ trường” mạnh mẽ của mình, cuốn họ sống sôi động với các hoạt động vì cộng đồng. Chăm lo bồi dưỡng cho từng cá nhân chính là chú ý đến lợi ích cho toàn xã hội.
Những lợi ích khi bồi dưỡng đảng viên từ lúc trẻ tuổi là có lý tưởng, sống theo lý tưởng, hạn chế được những sa ngã; Có ý chí phấn đấu, cống hiến cho đất nước, tránh tình trạng thanh niên sống không mục đích, nhạt nhòa…
Theo các chuyên gia, những thuận lợi mà đảng viên trẻ được hưởng khi ngồi trên ghế nhà trường đó là tuổi còn trẻ, ham học hỏi, sẵn sàng đón nhận những điều tốt nhất, phù hợp nhất với bản thân. Tuổi trẻ được sự rèn giũa bảo ban sát sao của thầy cô, có nền tảng là đoàn viên thanh niên, được gia đình khuyến khích, động viên, chưa phải lo "cơm áo gạo tiền", tâm hồn trong sáng, chưa biết vụ lợi. Ngay từ trên ghế nhà trường, các em đã nỗ lực, có ý thức phấn đấu, rèn luyện liên tục thì sẽ đạt được những mục tiêu cao hơn trong cuộc sống.
Chính vì những lý do ấy, chăm lo bồi dưỡng, kết nạp những thế hệ đảng viên trẻ không chỉ để đủ chỉ tiêu, số lượng mà còn là việc cần thiết, ý nghĩa để phát triển lớp công dân ưu tú kế cận. Những mầm xanh đó sẽ tạo nên sự vững mạnh cho Đảng, tạo nên những nhân tố đỏ với động lực đóng góp, cống hiến cho đất nước ngày càng giàu mạnh.
(Còn nữa)