eMag azine
28/06/2023 07:00
Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

28/06/2023 07:00

TTTĐ - Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa đang được TP Hà Nội quan tâm hơn. Theo đó, thành phố ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch; Xây dựng cung thiếu nhi, cung văn hóa thể thao và tu bổ, tôn tạo một số di tích quốc gia quan trọng.
Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa đang được TP Hà Nội quan tâm hơn. Theo đó, thành phố ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch; xây dựng cung thiếu nhi, cung văn hóa thể thao và tu bổ, tôn tạo một số di tích quốc gia quan trọng.

Vốn đầu tư tăng 30%

Năm 2017, thành phố phê duyệt danh mục dự án công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; Kêu gọi đầu tư và danh mục các vườn hoa, sân chơi công cộng giao quận, huyện, thị xã đầu tư bằng ngân sách quận huyện; Kêu gọi đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân để thực hiện đầu tư. Trong đó, xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư gồm 28 công viên, vườn hoa, khu vui chơi thể dục thể thao kêu gọi đầu tư với diện tích trên 700 ha; 606 vườn hoa, sân chơi công cộng quy mô nhỏ, tổng diện tích 356 ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.110 tỷ đồng và giao UBND quận, huyện, thị xã đầu tư.

Đối với triển khai thực hiện đầu tư công viên, thành phố đang triển khai đầu tư, kêu gọi đầu tư 42 công viên, tổng diện tích khoảng 2.922 ha. Theo nguồn vốn có 1 công viên đầu tư bằng nguồn ngân sách (Công viên Nhân Chính, quận Thanh Xuân); 41 công viên theo hình thức xã hội hóa. Còn theo hình thức hoạt động của công viên có 1 công viên hình thức chuyên đề (Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy), 41 công viên theo hình thức công viên công cộng.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo
Công viên Nhân Chính (Quận Thanh Xuân và Cầu Giấy – Hà Nội)

Đến nay, về kết quả thực hiện, đã hoàn thành 1 công viên (Công viên Nhân Chính), diện tích 13,32 ha; đang triển khai đầu tư 2 công viên, diện tích 112,24 ha: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy và công viên hồ điều hòa thuộc khu đô thị Tây Nam Hà Nội.

Ngoài ra, thành phố đã giao nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 công viên, diện tích 55,1 ha: Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công viên Đống Đa. Cơ quan chức năng đang xem xét giao nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 5 công viên, diện tích 63,5 ha: Khu Công viên cây xanh, hồ điều hòa tiếp giáp đường Lê Văn Lương kéo dài; Khu đất công viên cây xanh thuộc ô quy hoạch GS3-5 theo Quy hoạch phân khu GS (Phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm), Khu cây xanh, hồ điều hòa phường Cổ Nhuế, Khu Công viên thể dục thể thao thành phố phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Ngoài các dự án đang triển khai, số công viên chưa triển khai là 32 công viên, diện tích khoảng 2.678 ha.

Đối với tình hình thực hiện đầu tư các vườn hoa, sân chơi công cộng, sau khi các quận, huyện thị xã kiểm tra, rà soát, bổ sung, số vườn hoa, sân chơi công cộng thực hiện đầu tư là 721 dự án với diện tích khoảng 368 ha, tổng chi phí thực hiện khoảng 3.273 tỷ đồng.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Thành phố đang triển khai thực hiện đầu tư 52 vườn hoa, sân chơi với tổng chi phí thực hiện khoảng 462 tỷ đồng, trong đó ngân sách khoảng 454 tỷ đồng, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khoảng 8,6 tỷ đồng; Chưa thực hiện 484 vườn hoa, sân chơi công cộng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các quận huyện thực hiện tốt là: Đống Đa, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Các quận huyện triển khai chậm cơ bản các huyện ngoại thành.

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đầu tư cho phát triển văn hóa giai đoạn này được thành phố quan tâm hơn, vốn đầu tư tăng 30% so với nhiệm kỳ trước và phân bổ vốn kế hoạch tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Điểm còn tồn tại là mặc dù vốn đầu tư có tăng so với giai đoạn trước nhưng so với khối lượng di tích lịch sử di sản văn hóa hiện có của Thủ đô thì vốn đầu tư cho văn hóa là chưa tương xứng, hiện Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; Hiệu quả sử dụng chưa cao, thiếu những thiết chế văn hóa xứng tầm Thủ đô mang tầm cỡ khu vực làm nơi tổ chức hội nghị, sự kiện lớn của khu vực và quốc tế. Kết quả xã hội hóa đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hiện nay nhìn chung còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đã đặt ra mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp chính: Phát triển, phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Theo đó, thành phố đã định hướng đầu tư cho cơ sở vật chất, đáp ứng nguồn lực cho công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025. Về định hướng đầu tư lĩnh vực văn hóa thể thao sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch, cụ thể ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (các khu du lịch trọng điểm: Cổ Loa, Hoàng Thành, Ba Vì, Sóc Sơn và Mỹ Đức); Xây dựng cung thiếu nhi, cung văn hóa thể thao thanh niên và nâng cấp nhà hát nghệ thuật xiếc, tạp kỹ, tu bổ tôn tạo một số di tích Quốc gia quan trọng.

Đối với lĩnh vực văn hóa cấp thành phố, tổng kế hoạch vốn trên 7.636 tỷ đồng cho 57 dự án; Về huy động vốn xã hội hóa, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thực hiện đầu tư khoảng 25 công viên.

Một góc yên bình trong công viên Yên Sở Thay vì về quê và đi chơi xa, gia đình anh Long lựa chọn công viên Yên Sở bởi công viên này có vị trí khá gần trung tâm

Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đã được giao chủ đầu tư; Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các dự án đã được giao nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết; Tiếp tục rà soát, công bố kêu gọi các công viên chưa có nhà đầu tư đề xuất; Triển khai đầu tư các vườn hoa, sân chơi công cộng tạo nơi sinh hoạt cho Nhân dân; Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, tập trung ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại.

Thành phố tập trung nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích tiêu biểu của thành phố theo hướng bền vững; Gắn với phát triển du lịch để phát huy các giá trị di tích. Trước mắt ưu tiên đầu tư các di tích tiêu biểu như: Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Thành Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm; Xem xét đẩy nhanh triển khai Đề án ứng dụng công nghệ số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số hệ thống di tích vật thể và phi vật thể phục vụ công tác quản lý, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Cần chiến lược xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo

Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO có 246 thành phố, trong đó khu vực Đông Nam Á có khoảng 10 thành phố. Hà Nội là thành viên của mạng lưới vào tháng 10/2019, là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và đang là thành phố duy nhất của Việt Nam tham gia mạng lưới này.

TS. Nguyễn Văn Hoạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
TS. Nguyễn Văn Hoạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Đóng góp ý kiến về giải pháp để phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Hoạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu ý kiến, đến nay, sau hơn 2 năm tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo) của UNESCO, TP Hà Nội đang từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới nhằm xây dựng Thành phố sáng tạo.

Trong đó, tiêu biểu là Thành ủy Hà Nội xem xét, thông qua Nghị quyết về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, Thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.

Trong 7 lĩnh vực được xác định để UNESCO xét ghi danh trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo, gồm: Thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc, Hà Nội chọn Thiết kế - một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Để trong tiềm thức của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, để Hà Nội được nhìn nhận là Thành phố sáng tạo, có vị thế cạnh tranh thì cần xây dựng thương hiệu cho Hà Nội. Thành phố cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu là đồng thời phát triển hai mảng thành tố cấu thành nên thương hiệu, gồm các giá trị hữu hình - nhận diện thương hiệu và các giá trị vô hình - hình ảnh thương hiệu.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Đối với một thương hiệu Thành phố sáng tạo, nhận diện thương hiệu không chỉ là một logo, mà nó được biểu hiện ở những công trình kiến trúc và văn hóa, các không gian công cộng, ở những hoạt động sáng tạo, ở những sản phẩm ta có thể dễ dàng trải nghiệm, dễ dàng hưởng thụ, dễ dàng tham gia xây dựng và phát triển. Nó cũng hiện diện trong các di sản mang tính văn hóa, thiết kế sáng tạo, bề dày lịch sử của thành phố.

Ngoài ra, trải nghiệm sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Cùng với các không gian sáng tạo, Hà Nội cần nhiều hoạt động sáng tạo, gồm các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, triển lãm; Các buổi đọc sách, chiếu phim, nghiên cứu, tọa đàm, chia sẻ ý tưởng thiết kế sáng tạo.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo
Đoàn nghi lễ Bộ Công an thực hiện chương trình biểu diễn và diễu hành ở khu vực phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội).

Hiện nay, số lượng hoạt động này ở Hà Nội không ít song cũng chưa nhiều và chưa đủ lan tỏa trong đời sống của người dân, càng khó thu hút người ngoại tỉnh và khách quốc tế. Mặt khác, các không gian công cộng dành cho trình diễn và triển lãm sáng tạo, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng là những trải nghiệm cần có để nhận diện sức sống văn hóa ở một Thành phố sáng tạo.

Ngoài ra, Hà Nội chọn thiết kế là định hướng phát triển, thì những người sống và yêu Hà Nội, khách đến đây phải được trải nghiệm chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay thủ công mỹ nghệ...

Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội chính là tìm cho nó giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.

Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Việc Hà Nội lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo là một giải pháp tối ưu nhằm tạo ra bước đột phá, xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, sáng, xanh, sạch, đẹp và đáng sống. Ngoài việc thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, danh hiệu Thành phố sáng tạo còn có vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành kinh đô sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo
Du khách có thể trải nghiệm xe buýt 2 tầng tại khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ngoài ra, khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các thành phố thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu. Danh hiệu Thành phố sáng tạo chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO.

Thành phố cũng cần phải thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội; Cần định vị Hà Nội như trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu, trung tâm sáng tạo và bản sắc hài hòa, hội nhập.

Việc tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tràn đầy năng lượng, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô

Hà Nội cần khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô của Nhân dân Hà Nội và cả nước; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế với nền tảng là văn hóa; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô; phát triển văn hóa, xây dựng nền công nghiệp văn hóa Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô; hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Hà Nội cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển, trong đó cần quan tâm kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa có trình độ chuyên môn cao

Chúng ta cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; Tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố của các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh.

Thành phố cần triển khai quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao; Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực...

Ngoài ra, Hà Nội cần phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa; Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương, phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch văn hóa; Xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, đặc biệt là triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã được Thành phố tập trung nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Công tác mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao văn hóa cũng cần quan tâm; Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế; Chủ động kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các thành phố có kinh nghiệm, các quốc gia uy tín trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Đặc biệt, tầm nhìn và thương hiệu của một "Thành phố sáng tạo" sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển kinh tế - xã hội...

Nơi hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo

Kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến nay, Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển; Thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.

Những năm gần đây, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại những kết quả tích cực đối với lĩnh vực văn hóa. Chủ trương xã hội hóa đã trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Bên cạnh việc duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành "vườn ươm" cho sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Đông đảo các dự án trẻ, hướng tới đa dạng các mảng màu văn hóa Thủ đô với cách tiếp cận độc đáo là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng ấy.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, không gian sáng tạo Complex 01 giống một khoảng lặng hiếm hoi, được chắt chiu, tách bạch khỏi những ồn ào, ngột ngạt của đô thị. Nơi đây, ngay từ khi thành hình đã là điểm hẹn của đông đảo người trẻ nhờ tổ hợp triển lãm, âm nhạc, hội chợ đa dạng và hấp dẫn được tổ chức định kỳ.

Không chỉ mở ra "sân chơi" cho cộng đồng sáng tạo, Complex 01 còn tạo ấn tượng ở việc thu hút chính người dân địa phương vào các hoạt động nghệ thuật phục vụ cộng đồng, biến nơi đây thành một điểm đến độc đáo, đầy ý nghĩa.

Chính những không gian này là nguồn cảm hứng sáng tạo không giới hạn cho cộng đồng, góp sức vào công cuộc định hình bản sắc đô thị, tạo sức hấp dẫn, truyền cảm hứng sáng tạo và chia sẻ cho đô thị.

Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo
Lễ hội Thiết kế sáng tạo tại phố đi bộ Hồ Gươm đã phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực.

Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm trước năm 2016, mấy ai nghĩ nơi đây sẽ trở thành không gian vui chơi, giải trí đậm sắc màu, với vô vàn hoạt động trải nghiệm văn hóa. Tuy nhiên, Lễ hội thiết kế sáng tạo và rất nhiều những hoạt động, sự kiện trở về trước đã cho thấy những khía cạnh mới mẻ, không kém phần hấp dẫn tại không gian di sản này.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, Lễ hội thiết kế sáng tạo đã lan tỏa tới nhiều bảo tàng, di tích, không gian sáng tạo, điểm đến giao lưu văn hóa… trên địa bàn thành phố, qua đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong mỗi người.

Hay như phố bích họa Phùng Hưng làm sống dậy cả một khu vực vốn bị "bỏ quên" trong sự nhếch nhác; không gian nghệ thuật Phúc Tân xóa rác thải và cả sự tùy tiện trong sinh hoạt lưu cữu lâu đời tại đoạn bờ vở sông Hồng này... là những minh chứng thuyết phục cho sự thay đổi diệu kỳ từ văn hóa sáng tạo.

Tái tạo đô thị từ những không gian sáng tạo

Tái tạo đô thị từ những không gian sáng tạo không chỉ mở hướng phát triển đô thị gắn với giá trị văn hóa mà còn tạo động lực mới thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển… Hiện tại, đa phần không gian sáng tạo của Hà Nội vẫn ở quy mô nhỏ, hình thành từ tâm huyết của các nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ..., hoặc mới dừng lại ở những ý tưởng, đề án trong một phạm vi không gian nhất định… Nhiều rào cản đang cản trở việc phát triển không gian công cộng, không gian sáng tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không gian sáng tạo có khả năng tái tạo đô thị, là giải pháp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa. Việc xây dựng đô thị sáng tạo là xây dựng một thành phố đáng sống với các không gian phong phú, ở đó liên tục có sự đổi mới, sáng tạo - điều mà bất kỳ thành phố nào cũng muốn hướng đến để nâng cao chất lượng đời sống con người.

Có nhiều loại hình không gian sáng tạo trong một đô thị, song chủ yếu vẫn là các không gian mở dành cho cộng đồng. Những năm gần đây, Hà Nội đã xúc tiến nhiều hoạt động thúc đẩy việc hình thành các không gian sáng tạo trong lòng đô thị và là nơi tập trung nhiều nhất với 115 "điểm đến" và hàng loạt đề án cho tương lai.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, tại Hà Nội hiện vẫn còn nhiều nhà máy trong diện chuyển đổi, di dời. Đây là không gian đặc biệt và mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích nếu có cách thức sáng tạo, chuyển đổi phù hợp.

Có thể thấy, trong tiến trình lịch sử của mỗi đô thị, sáng tạo sẽ là một hành trình không ngừng nghỉ để bồi đắp bản sắc và tạo nên những giá trị mới. Không gian sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một đô thị và chỉ khi có được những không gian sáng tạo mới có thể kích thích, lan tỏa được ý tưởng sáng tạo.

Định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" bằng 6 quan điểm

Để trở thành một trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo", Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm.

Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng;

Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến;

Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần "đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững";

Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô;

Thứ năm, đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển;

Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

(Còn nữa)

Bài viết: Mai Anh

Đồ họa: Phạm Mạnh

<< Xem bài 3

Xem bài 5 >>

Bài viết liên quan:

Bài 1: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị Bài 2: Tầm nhìn chiến lược, năng động, đột phá Bài 3: Bảo tồn và khai thác hiệu quả kinh tế của di sản Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số
Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo

Phạm Mạnh