Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Từng là những khu nhà dột nát, hoang phế nhiều năm nhưng bằng óc sáng tạo, tư duy nhanh nhạy của người trẻ, một số công xưởng, nhà máy cũ ở Hà Nội đã “lột xác” ngoạn mục, trở thành không gian sáng tạo, khu vui chơi công cộng cho công chúng Thủ đô mọi lứa tuổi.

/01

“Cú lột xác” ngoạn mục của xưởng in cũ

Nằm nép mình trong con ngõ nhỏ trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), khu tổ hợp Complex 01 có dáng vẻ xưa cũ, khiêm nhường, đối lập với tấp nập, khói bụi của xe cộ ngoài đường. Dắt xe qua cánh cổng, vào bên trong, bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành và mát mẻ, rất “chill”.

Tâm sự với phóng viên, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Bùi Vũ, Founder Complex 01 nói, trái ngược với nhiều người, anh không thích những không gian ngoài mặt đường bởi khói bụi, xe cộ và ồn ào. Hơn nữa, Hà Nội vốn đã đông đúc và thiếu không gian xanh, yên tĩnh nên khi khảo sát một số nhà máy cũ ở Hà Nội, anh và cộng sự thấy đây là nơi thích hợp cho công chúng mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, Complex 01 không hoàn toàn trầm mặc như vẻ bên ngoài của khu nhà. Trong không gian hơn 4.000m2 này, mọi sinh hoạt, vui chơi, giải trí được diễn ra ở đây theo một cách rất văn minh.

Cuối tuần, nơi đây diễn ra những buổi hòa nhạc miễn phí, triển lãm đặc sắc, những màn biểu diễn nghệ thuật hay những buổi hội thảo mang lại nhiều kiến thức mà ai cũng có thể tham dự. Điển hình là một số hoạt động tiêu biểu như triển lãm “Mơ Concert” của Ru9 - The Sleep Company; Hội thảo “Kịch cho tâm hồn”; Đêm nhạc “Open Mic: Hà Nội qua lăng kính người trẻ” hay tour khám phá nghệ thuật “Art For You”; Triển lãm “Vì một Hà Nội đáng sống”; Ngày hội sáng tạo của RMIT và UNESCO tổ chức; Triển lãm kiến trúc (Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức)…

Tới đây, bạn cũng dễ dàng bắt gặp ở một góc nọ là nhóm bạn trẻ hướng dẫn trẻ em, người già làm đồ thủ công; Ở một góc khác là nhóm học sinh dạy nhau nhảy hip-hop, xen vào đó là những không gian quán café, tiệm bán quần áo nhỏ xinh hay cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ của một vài start-up trẻ. Đâu đó, có cặp vợ chồng cùng 2 đứa con cùng nhau chơi những trò chơi dân gian ở giữa sân… Đặc biệt, thấp thoáng có bóng dáng mấy cô cậu học sinh check in bên cạnh những mảng tường còn nguyên dấu vết còn lại của nhà máy cũ với tấm băng rôn treo khẩu hiệu: “Máy in màu số 2 phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 35.000 tờ in/ca”…

Ông Dương Tùng (Tây Sơn, Đống Đa) cho hay: “Tôi sống ở đây đã hơn 60 năm và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của con phố này. Nhưng nhìn diện mạo của Xưởng in Công đoàn bây giờ, tôi thực sự ngỡ ngàng. Trước đây, nơi này xập xệ, bỏ hoang, không loại trừ cả đối tượng xấu tụ tập nhưng giờ như được “khoác áo mới”. Trong khi phố xá đông đúc, khu vui chơi công cộng đang ít dần đi thì giờ đây chúng tôi đã có thêm không gian chung này bên cạnh Gò Đống Đa. Ai cũng có thể đến đây chơi và xem các hoạt động trình diễn nghệ thuật miễn phí. Mô hình khu tổ hợp: Làm việc - học tập - mua sắm - cà phê - giải trí… này quả thực rất thú vị”.

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

KTS Nguyễn Bùi Vũ

/02

Chiếc “áo mới” mang tên Complex 01

Năm 2019, KTS trẻ Nguyễn Bùi Vũ và cộng sự bắt tay vào dự án cải tạo Xưởng in Công đoàn. Không dễ dàng như anh hình dung ban đầu, Vũ cho biết, đây xưởng in cũ này nằm xen kẹt trong một con ngõ nhỏ. Trước đây, không gian này đã có 3 dự án được lên kế hoạch nhưng không chủ đầu tư nào triển khai vì công ty chỉ cho phép thuê đất 2 năm.

“Tuy nhiên, với mong muốn tạo ra một chuỗi không gian cho giới trẻ thỏa sức sáng tạo, khởi nghiệp, tôi đã mạo hiểm đầu tư. Trên nền móng của một nhà máy cũ những năm “cách mạng công nghiệp” (1940-1960), chúng tôi muốn khởi tạo nên một “cuộc cách mạng mới” với Complex 01 - tổ hợp đa chức năng: Làm việc - học tập - mua sắm - cà phê - giải trí… Mô hình này sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các bạn trẻ muốn kết nối, khởi nghiệp và các cửa hàng vừa và nhỏ”. Và thế là dự án bắt đầu” - anh nhớ lại.

Khó khăn nhất vào thời điểm đó, theo anh Vũ, đây là một mô hình mới, chưa có văn bản, luật hướng dẫn. Vậy nên, anh gọi là “mô hình hợp tác” giữa nhóm kiến trúc sư trẻ và Công ty In Công đoàn, đơn vị quản lý khu đất này nhằm mục đích trước tiên là không để khu đất này tiếp tục trong cảnh hoang phế nhiều năm.

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Diện mạo Xưởng in Công đoàn trước khi cải tạo

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Complex 01 sau khi được cải tạo đã trở thành điểm hẹn văn hóa thu hút giới trẻ

KTS Vũ nhấn mạnh, anh đã trải qua một năm lo tự xoay sở lo giấy phép, cải tạo mà hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ của của bất kỳ đơn vị nào (đơn vị cho thuê đất hoặc chính quyền) bởi chủ quản lý đất thì cho rằng đây đơn thuần là hình thức kinh doanh. Với cá nhân nhà đầu tư như nhóm của anh thì phải chấp nhận thử thách bởi chắc chắn sẽ không thu được lợi nhuận ngay từ mô hình này.

Không chỉ vậy, do thiếu kinh nghiệm, quản lý vĩ mô nên anh gặp lúng túng khi vận hành. Gian nan chưa dừng lại với chàng KTS trẻ Bùi Vũ và cộng sự. Hoàn thành cải tạo xong, đi vào hoạt động được một thời gian thì dịch COVID-19 ập đến. Chi phí phát sinh, trong khi mọi hoạt động kinh doanh, vui chơi, giải trí trong Complex 01 cũng bị "đóng băng".

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Tại Complex 01, KTS Nguyễn Bùi Vũ dành 45% diện tích cho không gian công cộng

Khó khăn chồng chất nhưng anh Vũ vẫn tin vào giá trị mà nhóm mang lại cho cộng đồng.

“Trước khi tôi đến thì đây là một nơi hoang hóa và mất vệ sinh, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tủ điện, phòng cháy chữa cháy hoàn toàn không có, các công trình ngầm cũng bị hư hại nặng, các bể nước đều bị lấp. Phần công trình nổi đều bị nứt, thấm dột do để hoang lâu ngày.

Tuy nhiên, nhóm đã cải tạo thành công, hồi sinh không gian từng bị lãng quên, làm cho xưởng in cũ trở nên sống động hơn, bổ sung sân chơi không gian công cộng cho người dân xung quanh. Buổi tối, giờ đây, dân cư ở khu này không còn lo trộm cắp, đối tượng xấu tụ tập. Các bạn trẻ có không gian để thỏa sức sáng tạo, vui chơi. Đó là giá trị bền vững mà Complex 01 mang đến cho mọi người” - KTS Vũ chia sẻ.

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

/03

Chấp nhận “cuộc chơi” và tiếp tục mơ về Complex 02, 03…

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, chàng KTS trẻ Bùi Vũ luôn khẳng định quan điểm, một số nhà máy cũ ở Hà Nội hoàn toàn có thể thể tận dụng để tái thiết thành không gian vui chơi, không gian công cộng rất đặc trưng của thành phố. “Chúng ta từng trải qua thời kỳ miền Bắc bước vào xây dựng CNXH, khi đó, Hà Nội trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển công nghiệp. Những nhà máy, công xưởng còn bây giờ như là một chứng tích của thời kỳ người Thủ đô hăng hái lao động sản xuất, thậm chí, một số nơi còn in dấu cả về lịch sử kiến trúc mới mẻ. Việc cải tạo lại vừa đỡ tốn chi phí xây mới, vừa bảo vệ môi trường, đồng thời còn lưu giữ được giá trị văn hóa rất riêng của thành phố” - anh nói.

Lấy ví dụ khi cải tạo xưởng in thành Complex 01, KTS Vũ cho biết, anh đã tận dụng được toàn bộ khung nhà cũ, tối đa hóa chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, những nhà cũ này có không gian chung khá rộng nên anh chú trọng dành 45% diện tích trên tổng số 4.000m2 cho không gian công cộng để có thể tổ chức nhiều sự kiện cùng một lúc.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ những mô hình tổ hợp trước như Zone 9, X98 trước đây, ở Complex 01, mọi hoạt động vui chơi đóng cửa đều đóng cửa trước 11h để đảm bảo yên tĩnh cho cư dân xung quanh. Kết cấu, hạ tầng, quy định phải tôn trọng luật pháp. Hệ thống thoát hiểm từ cầu thang bộ, trạm điện, phòng cháy chữa cháy được anh chú trọng trước tiên bởi anh và cộng sự xác định chiến lược phát triển mô hình này lâu dài. Ngoài ra, tại Complex 01, không chỉ chủ gian hàng kinh doanh tại đây được mua bảo hiểm khi có sự cố mà kể cả người dân đến chơi cũng được mua bảo hiểm.

“Bất cứ trẻ con, người lớn đến đây vui chơi, chẳng may bị ngã, hay các sự cố cháy nổ, tai nạn… đều được đơn vị bảo hiểm và Complex 01 sẵn sàng chi trả. Tôi cho rằng, những đối với những công trình công cộng, điều này là vô cùng cần thiết” - Founder Bùi Vũ khẳng định.

Bài 4. Chàng kiến trúc sư và hành trình “khoác áo mới” cho xưởng in cũ

Trải qua hơn 4 năm đau đáu và “đổ tiền” vào dự án Complex 01, chàng KTS trẻ Bùi Vũ vẫn nhận được không ít lời nghi ngại về khả năng thành công của mô hình tổ hợp vui chơi, giải trí, học tâp, sáng tạo Complex 01. Nhiều người bảo anh “ngông”, “điên” vì thời hạn thuê đất của Công ty In Công đoàn thì không xác định, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Khi được hỏi “Đến nay, Complex 01 đã có lãi chưa? Rủi ro vậy, sao anh không dừng lại?”, chàng KTS trẻ trả lời: “Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa hòa vốn nhưng anh em vẫn động viên nhau “thắt lưng buộc bụng” để tiếp tục nuôi dưỡng Complex 01. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua dịch COVID -19 thì không có lý do gì để dừng lại.

Thành phố Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO nên rất cần những không gian sáng tạo như thế này cho các bạn trẻ. Vì giá trị trao lại cho cộng đồng nên trước mắt, chúng tôi “tạm” coi đây là “cuộc chơi” hơn là kinh doanh. Nếu thành công, chúng tôi chứng tỏ được giá trị hướng đến vì cộng đồng là đúng đắn. Còn nếu thất bại, có nghĩa là mô hình này cần thêm thời gian để chứng minh”.

“Hiện không ít nhà đầu tư trong và nước ngoài sẵn sàng hợp tác để phát triển thêm những không gian sáng tạo như Complex 01. Tôi tin, chúng tôi hoàn toàn có thể làm Complex 02, 03 nếu chúng tôi được chính quyền thành phố tin tưởng, trao cơ hội để cải tạo những nhà máy cũ phù hợp với mục tiêu biến chúng thành không gian công cộng như mô hình hiện tại hoặc thậm chí với quy mô lớn hơn” - KTS Nguyễn Bùi Vũ bày tỏ mong muốn.

Bài viết: Thái Sơn

Ảnh: Đức Minh - Anh Đức

Đồ họa: Thanh Thắng

<< Xem bài 3

Xem bài 5 >>

Bài viết liên quan:

Bài 1: Bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội Bài 2: Tiềm năng từ các nhà máy cũ ở Hà Nội Bài 3: "Ký ức đô thị" Hà Nội xứng đáng được bảo tồn Bài 5: Gỡ "nút thắt" từ chính sách