eMag azine
04/10/2023 07:00
Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ

04/10/2023 07:00

TTTĐ - Từ thú vui mua sắm đến các giao dịch ngân hàng, từ thi cử học hành đến các dịch vụ công thiết yếu, người dân Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến.

Hành chính

Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ

Từ thú vui mua sắm đến các giao dịch ngân hàng, từ thi cử học hành đến các dịch vụ công thiết yếu, người dân Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến. Có thể nói, chuyển đổi số dần dà trở nên quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, len lỏi vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không nhận ra, vì nó đã quá đỗi thường tình...

Hiệu quả thấy rõ

Còn nhớ, trong quãng thời gian cao điểm chống dịch COVID-19, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, công cụ tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đã hóa giải mối lo xin học cho con của các bậc cha mẹ. 26 triệu dữ liệu của giáo viên và học sinh được đồng bộ hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo ứng dụng dữ liệu dân cư vào căn cước công dân gắn chíp theo chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, làm nền tảng cho các hoạt động tiếp theo. Học sinh cuối cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chuẩn bị chuyển bậc, đều được phát mã số tuyển sinh (kèm mật khẩu).

Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ

Với mã số này, ngồi ở nhà chống dịch, học sinh Hà Nội ung dung đăng ký vào các trường theo đúng tuyến cư trú của mình trên trang web: tsdaucap.hanoi.gov.vn mà không gặp trở ngại gì. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, hình thức đăng ký trực tuyến thu hút 93,1% thí sinh tham gia, tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng chi phí mua hồ sơ, in ảnh. Hàng triệu thí sinh thay vì dán ảnh thủ công, đã được xác thực qua căn cước công dân gắn chíp và toàn quyền chỉnh sửa, đính chính sai sót trong hồ sơ (nếu có) ngay trên hệ thống.

Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố
Lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố

Tính đến đầu năm 2023, đã có 21/25 dịch vụ công liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân theo quy định tại Đề án 06 được đưa lên môi trường điện tử (Hà Nội là 25/25 dịch vụ, trong đó có 9/25 dịch vụ công được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến hoàn toàn, không có khâu tiếp nhận hồ sơ trực tiếp). Vì thiết yếu, nên đông đảo người dân tích cực hưởng ứng mà điển hình là: cấp hộ chiếu: 62%; làm con dấu mới: 90,8%; thông báo lưu trú: 98,3%... (Hà Nội: có hơn 300.000 hồ sơ thông báo lưu trú và hơn 110.000 hồ sơ đăng ký thường trú trực tuyến).

Riêng ngành Công an hoàn tất trọn 227/227 dịch vụ công trực tuyến, nhiều trong số đó gắn liền với lợi ích sát sườn của mỗi cá nhân như: đăng ký xe, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho một số ngành nghề kinh doanh theo quy định... Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó thường trực tổ công tác triển khai Đề án 06, việc người dân háo hức sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tác động làm: “Thay đổi tư duy đồng hành trong phối hợp của các bộ, ngành giải quyết phục vụ người dân, doanh nghiệp; Đồng thời giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, góp phần giảm “tham nhũng vặt”...

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích. Năm nhóm tiện ích theo Đề án 06 của Chính phủ gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp…

Thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố. Với việc sớm đưa vào vận hành các Hệ thống thông tin dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ; Đồng thời, tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoạt động của chính quyền thành phố công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; Với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Ứng dụng quản lý cuộc họp

Đối với ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố, trong thời gian thí điểm, Văn phòng UBND thành phố đã gửi 409 giấy mời họp thông qua ứng dụng, giúp tiết kiệm được 150 triệu đồng/tháng so với việc gửi tin nhắn theo phương thức truyền thống; Tổ chức cập nhật hơn 812 tài liệu, văn bản điện tử thay cho việc in ấn, sao chụp tài liệu giấy, giúp tiết kiệm trên 300 triệu đồng/tháng...

Với kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng zalo từ ngày 10/2, Văn phòng UBND thành phố đã phối hợp với nhà cung cấp ứng dụng zalo đưa kênh tiếp nhận tới hơn 7 triệu tài khoản zalo của người dân Thủ đô để biết và khai thác sử dụng. Thực hiện góp ý về thủ tục hành chính qua ứng dụng zalo, chị Mai Thị Thành (quận ba Đình) đánh giá, đây là bước tiến lớn trong cải cách hành chính. Các góp ý, phản ánh, kiến nghị được thực hiện nhanh, gọn, tiện lợi, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet là có thể thực hiện dễ dàng.

Vào cuộc tích cực

Một ứng dụng thông minh khác cũng được UBND quận Ba Đình áp dụng để người dân phản ánh thông tin đó là Ba Đình Smart. Các chức năng chính của ứng dụng Ba Đình Smart gồm: Giúp người dân phản ánh trực tiếp các vấn đề trong đô thị đến chính quyền xử lý; Xem camera giao thông an ninh quanh khu vực; tìm kiếm các hạ tầng dịch vụ trên bản đồ số; Tìm kiếm các số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khi cần thiết; Tiếp nhận các thông báo, cảnh báo quan trọng từ chính quyền đến người dân địa phương. Ứng dụng nhằm giúp các cán bộ cơ sở và người dân tích cực tham gia cùng các cấp chính quyền góp phần xây dựng quận Ba Đình sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh - hiện đại.

Ba Đình Smart

Tầm 10 giờ, bộ phận một cửa UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có phần vắng vẻ, yên tĩnh hơn giờ cao điểm đầu buổi sáng. Tranh thủ ghé qua phường lấy xác nhận sơ yếu lý lịch, công dân Lê Thị Bích Ngọc (sinh năm 1992) chỉ mất chưa đầy 10 phút để được hoàn tất yêu cầu của mình. Ký vào bản tự khai lý lịch trước sự chứng kiến của bộ phận một cửa, trình căn cước công dân để xác minh, rồi công chức tư pháp ký chứng thực, đóng dấu...

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên khảo sát tại bộ phận Một cửa, UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên khảo sát tại bộ phận Một cửa, UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)

Lê Thị Bích Ngọc tỏ ra thoải mái vì không gặp phiền toái gì. Vui vẻ bấm máy đánh giá công chức viên chức được đặt ngay tại quầy tiếp dân, Ngọc tiết lộ thêm rằng: Cô đã thực hiện nhiều dịch vụ bằng hình thức trực tuyến, điển hình là xin cấp hộ chiếu..., đều nhanh như... “một nốt nhạc”. Nguyễn Thị Bích Thuận, cán bộ tư pháp phường Trung Văn chia sẻ: “Thủ tục xác nhận lý lịch công dân đã đơn giản hóa đi rất nhiều. Bây giờ mọi người có thể đến bất cứ UBND phường, xã nào, chỉ cần xuất trình căn cước công dân, rồi ký vào bản tự khai ngay tại chỗ là được chấp nhận, mà không cần phải về đúng nơi đăng ký thường trú”.

Vừa hoàn thành thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận Một cửa của quận Hoàn Kiếm, anh Ngô Anh Dũng trú tại phường Phan Chu Trinh bày tỏ sự hài lòng khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn anh thực hiện các thủ tục tận tình, chu đáo.

"Là chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến nay được 13 năm, tôi thấy hiện nay công tác giải quyết TTHC đã được đơn giản hóa rất nhiều. Đặc biệt, vấn đề số hóa đã được quận chú trọng, giảm thiểu thời gian, vì đối với doanh nghiệp ít có thời gian để xử lý, nhất là những giấy tờ công chứng nay đã hạn chế gần như tối đa. Ngay khi vừa đến bộ phận Một cửa của quận, tôi đã được đón tiếp, hướng dẫn tận tình, chu đáo; Thời gian làm thủ tục cũng rất nhanh, lấy được kết quả ngay không phải chờ đợi lâu", anh Ngô Anh Dũng bày tỏ.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Tất Thắng, Trưởng Bộ phận Một cửa của UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian qua, UBND quận, đã tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của cải cách hành chính (CCHC) theo kế hoạch đề ra. Từ ngày 1/7/2021, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quận Hoàn Kiếm đã đặt mục tiêu người dân sẽ được cung cấp những dịch vụ tốt hơn, môi trường sống an toàn, thân thiện hơn. Hằng năm, UBND quận chỉ đạo các đơn vị đăng ký, thực hiện các sáng kiến CCHC.

Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ

Đáng chú ý, từ năm 2022, UBND 18 phường và các phòng chuyên môn thuộc quận đã đăng ký thực hiện 15 sáng kiến tập trung trong lĩnh vực cải cách TTHC; Đưa ra giải pháp nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. UBND quận đăng ký, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện 2 mô hình sáng kiến "các TTHC không chờ" tại UBND 18 phường và "Số hóa, xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết TTHC và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận Hoàn Kiếm".

Đặc biệt, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện sáng kiến CCHC thí điểm "5 thủ tục hành chính không chờ" (TTHC không giấy hẹn, thực hiện ngay) của UBND phường Hàng Bài, bao gồm: Chứng thực chữ ký; Chứng thực bản sao từ bản chính (điều kiện với số lượng bản sao tối đa 10 bản, mỗi bản tối đa 20 trang); Cấp bản sao trích lục hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn); Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử sẽ được trả kết quả tại chỗ.

Sau thời gian thí điểm, UBND quận ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề CCHC "Các thủ tục hành chính không chờ" tại UBND 18 phường trên địa bàn quận từ ngày 4/5/2022 đạt hiệu quả tích cực.

Tiếp tục nỗ lực

Thành phố Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng Đề án về thành phố thông minh.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng thành phố thông minh có nghĩa là tích hợp công nghệ số để xây dựng thành phố đáng sống. Các giải pháp công nghệ phải gắn kết hợp với các giải pháp công trình và giải pháp quản lý mới có thể phát huy tối đa hiệu quả.

Mô hình thành phố thông minh Hà Nội lấy người dân làm trung tâm, vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể xây dựng thành phố thông minh. Mô hình 6 trụ cột gồm 5 cấu phần: Hạ tầng kinh tế xã hội thông minh; Hạ tầng kỹ thuật thành phố thông minh; Hạ tầng thông tin thành phố thông minh; Xây dựng thông minh; Cộng đồng cư dân thông minh.

Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ

Trong đó, có các nội dung đáng chú ý như, xây dựng nền tảng kết nối-HanoiSmart và hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC). IOC cung cấp thông tin mọi lúc mọi nơi (có phiên bản mobile) cho các cấp quản lý, bảo đảm việc ra các quyết định dựa trên dữ liệu. IOC gồm hệ thống báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của tình hình từ các cấp chính quyền cơ sở, từ các sở, ngành. Hệ thống này gồm các chức năng đôn đốc báo cáo, đảm bảo dữ liệu định lượng được thu thập và tổng hợp, phân tích theo thời gian thực.

Sau 9 tháng năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 18,9 triệu lượt du khách, tăng 36,5% so cùng kỳ năm 2022

HanoiSmart như một mạng xã hội định danh giúp kết nối các chủ thể trong thành phố với nhau và với các chủ thể bên ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, khách hàng…). Đồng thời, HanoiSmart còn là một nền tảng ứng dụng giúp cho việc phát triển các ứng dụng thành phố thông minh liên quan đến người dân. Theo đó, mỗi người dân sẽ có duy nhất một tài khoản chính danh trên mạng HanoiSmart và sử dụng tài khoản này để tiếp cận với tất cả dịch vụ của thành phố và để trao đổi giao dịch với nhau.

Trong năm 2023, thành phố đưa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính toàn trình mới vào hoạt động. Cùng với đó, thành phố hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu mới của Thủ đô theo mô hình điện toán đám mây.

Các nội dung khác như hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; công tác số hóa di tích lịch sử văn hóa; Hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng được tăng tốc để sớm hoàn thành.

Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, thành phố đổi mới, sáng tạo rất cần sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của các cấp, ngành thành phố. Với tư cách là chủ trì tham mưu trong lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ làm hết sức mình cùng phối hợp với các đơn vị tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

(Còn nữa)

Bài viết: Mai Anh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động Bài 2: Vận dụng sáng tạo trong công tác Đảng Bài 3: Đánh giá cán bộ bằng phần mềm tạo những chuyển biến tích cực, toàn diện Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ

« Xem bài 3

>Xem bài 5 »

Mai Anh