eMag azine
18/05/2025 15:24
Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng cho thế hệ vươn mình

18/05/2025 15:24

TTTĐ - Trong kỷ nguyên số, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trong đó, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tình yêu nước chân chính là điểm tựa đưa thanh niên trở thành lực lượng xung kích, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí.

tưởng

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng cho thế hệ vươn mình

Trong kỷ nguyên số, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trong đó, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tình yêu nước chân chính là điểm tựa đưa thanh niên trở thành lực lượng xung kích, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí.

Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công về nội dung này.

Phóng viên: "Thưa PGS, tình yêu nước luôn được coi là “điểm tựa” quan trọng trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Theo PGS, điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?"

PGS.TS Trần Thanh Giang: Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Nó là sức mạnh nội sinh, luôn trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Điều này đã được minh chứng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó là điểm kết nối, hiệu triệu trái tim, muôn người như một tạo nên sức mạnh của dân tộc ta.

Ngày nay, tình yêu nước không chỉ thể hiện qua việc xung phong ra trận, mà còn thể hiện qua những hành động cụ thể: Học tập tốt, lao động sáng tạo, sống có trách nhiệm với cộng đồng, dấn thân vào các hoạt động xã hội, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ không thể tách rời việc giáo dục tư tưởng chính trị, gắn liền với tinh thần yêu nước, yêu dân tộc với yêu Đảng, yêu Bác Hồ và yêu chủ nghĩa xã hội.

Trong Di chúc của mình, với niềm tin tuyệt đối vào thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Tiếp tục kế thừa và xây đắp cho điểm tựa ấy, thế hệ trẻ chính là người nối tiếp sự nghiệp cách mạng, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phóng viên: Thưa PGS, trước những thủ đoạn tinh vi nhằm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc khơi dậy tình yêu nước có vai trò ra sao trong việc bảo vệ tư tưởng cho thanh niên?"

PGS.TS Trần Thanh Giang: Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hòng lôi kéo, xúi giục thế hệ trẻ có các hành vi chống đối, bất hợp tác với chính quyền, tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Một số thanh niên có biểu hiện phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào tệ nạn… dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu không kịp thời nhận diện đúng đắn để có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và lên án mạnh mẽ, các hiện tượng biểu hiện tiêu cực này không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của của giới trẻ mà còn đe dọa trực tiếp đến tương lai của đất nước.

Trước tình hình đó, việc khơi gợi tình yêu nước có nghĩa đặc biệt quan trọng để hướng mỗi thanh niên luôn có ý thức về cội nguồn dân tộc luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và đường lối phát triển đất nước, ra sức học tập, rèn luyện, lao động, cống hiến cho sự phát triển đất nước.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang cần sự chung sức, đồng lòng huy động sức mạnh, nguồn lực của toàn dân tộc để thực hiện cho được mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập nước, đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng cho thế hệ vươn mình
PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công

Phóng viên: Giới trẻ hiện nay rất năng động, nhưng cũng rất đề cao cá nhân. Theo PGS, làm thế nào để lý tưởng cách mạng không bị coi là khô khan, lý thuyết mà ngược lại, trở thành động lực truyền cảm hứng?

PGS.TS Trần Thanh Giang: Các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng cần phải sâu sát, thực tiễn, gắn với bối cảnh và nhu cầu hiện tại của thế hệ trẻ. Các hình thức tuyên truyền cần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc điểm thanh niên ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi vùng, miền; đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể, những công việc cụ thể, những việc làm thiết thực, ý nghĩa để thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ đồng thời giúp họ hiểu đúng và ý thức được trách nhiệm của mình.

Thực tiễn đã chứng minh, những mô hình như “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông”, hay các hoạt động tình nguyện mùa hè xanh, xuân tình nguyện… đã thực sự lan tỏa những giá trị tốt đẹp, khơi dậy ý thức công dân và trách nhiệm xã hội trong mỗi đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, sự sáng tạo trong cách truyền tải nội dung lý tưởng cách mạng đang tạo nên sức hút lớn đối với giới trẻ.

Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trẻ đã có ý tưởng sáng tạo kết hợp giữa truyền thống dân tộc với phong cách hiện đại để có những tác phẩm âm nhạc, chương trình sáng tạo có sức lan tỏa trong cộng đồng, kết nối được các bạn trẻ trong việc tôn vinh, lan tỏa và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là minh chứng cho thấy: Khi lý tưởng cách mạng được chuyển tải bằng hình thức gần gũi, dễ tiếp cận thì hoàn toàn có thể trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ.

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng cho thế hệ vươn mình
PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công trong buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Đoàn Học viện Hành chính và Quản trị công

Phóng viên: Trong thời đại công nghệ số, PGS có khuyến nghị gì về việc sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa tình yêu nước đúng hướng và chống lại luận điệu sai trái, phản động?

PGS.TS Trần Thanh Giang: Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Mạng xã hội là công cụ kết nối mạnh mẽ, song cũng là nơi lan truyền nhanh chóng các thông tin sai lệch, độc hại.

Các bạn trẻ cần chủ động nâng cao “sức đề kháng” tư tưởng, tích lũy tri thức, năng lực số. Không chỉ là người dùng thông minh, thanh niên cần trở thành “chiến sĩ tuyên truyền” tích cực trên “mặt trận” không gian mạng. Những bài viết đúng đắn, bình luận sắc sảo, chia sẻ tích cực… nếu được nhân rộng, sẽ góp phần tạo nên dòng chảy thông tin chính thống, góp phần đẩy lùi các luận điệu sai trái, phản động.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn – Hội cũng cần đẩy mạnh việc tổ chức các chiến dịch truyền thông số, sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, định hướng nhận thức cho đoàn viên, thanh niên. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, big data, phân tích hành vi người dùng mạng xã hội để thiết kế nội dung phù hợp với giới trẻ sẽ giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cảnh báo cho cộng đồng về các trang cung cấp thông tin xấu, độc, giả mạo; phát hiện kịp thời các nguy cơ xâm hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng cho thế hệ vươn mình
Các hoạt động trao đổi, nghiên cứu thực tế được Học viện tổ chức nhằm hỗ trợ các cán bộ, đoàn viên, thanh niên giao lưu kinh nghiệm, bổ sung, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng

Phóng viên: Thưa PGS, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong thanh niên, theo PGS, cần đổi mới những gì trong công tác giáo dục tư tưởng – chính trị tại nhà trường, cũng như trong sinh hoạt Đoàn – Hội?

PGS có thể đề xuất một số giải pháp cấp thiết nhằm “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” thông qua việc khơi dậy lòng yêu nước và nâng cao bản lĩnh chính trị cho giới trẻ?"

PGS.TS Trần Thanh Giang: Sứ mệnh của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là sự đóng góp công sức, trí tuệ, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ sự đúng đắn và không ngừng nghiên cứu, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

Để thanh niên hoàn thành sứ mệnh của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Bài 4: Giữ vững nền tảng tư tưởng cho thế hệ vươn mình
Lễ phát động cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V, năm 2025 của Học viện Hành chính và Quản trị công phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Trước hết, từ đội ngũ cán bộ đoàn phải thực sự sâu sát thực tiễn và có tri thức thực sự để hiểu đúng, hiểu rõ và kiên định với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ đoàn phải thực sự là tấm gương tiêu biểu về năng lực, phẩm chất, nhân cách để xứng đáng là người thủ lĩnh đoàn.

Thứ hai, trong các hoạt động phong trào, tổ chức Đoàn - Hội cần đi vào thực chất, tránh hình thức, sáo rỗng. Để làm được điều này, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh hạt nhân đoàn kết chính trị; bám sát vào chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị, địa bàn để tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp tổ chức các chương trình phù hợp với thanh niên, với giới trẻ.

Thứ ba, trên cơ sở các hoạt động phong trào, tổ chức Đoàn - Hội các cấp cần bám sát với xu hướng phát triển truyền thông của xã hội, thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phù hợp với tâm lý, nhận thức của xã hội, đặc biệt là thanh niên, sinh viên.

Thứ tư, cần huy động đội ngũ trí thức trẻ và những người có tầm ảnh hưởng xã hội cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông để thông qua đó tuyên truyền sâu rộng trong thế hệ trẻ ­­­những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS!

Thực hiện: Lê Trang

Loạt bài viết "Thanh niên chung tay giữ vững ngọn cờ tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên mới":

Bài 1: Nối dài mạch nguồn tư tưởng của Đảng theo cách riêng của giới trẻ

Bài 2: Tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước các luận điệu xuyên tạc

Bài 3: Giáo dục lòng yêu nước tới thế hệ trẻ thông qua những sản phẩm thủ công

Lê Trang