eMag azine
01/08/2024 11:24
Bài 4: Nỗ lực hướng đến khu vực nông thôn

01/08/2024 11:24

TTTĐ - Hướng tới xây dựng nông thôn giàu mạnh, văn minh, hiện đại, thành phố Hà Nội đã, đang triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp trong chuyển đổi số. Rất nhiều giải pháp đã được thành phố và các quận huyện thực hiện góp phần thay đổi nhận thức người dân.

nông thôn

nong-thon

Hướng tới xây dựng nông thôn giàu mạnh, văn minh, hiện đại, thành phố Hà Nội đã, đang triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp trong chuyển đổi số. Rất nhiều giải pháp đã được thành phố và các quận huyện thực hiện góp phần thay đổi nhận thức người dân…

nong-thon

Có thể khẳng định, để chuyển đổi số trước hết phải có những công dân số. Nói cách khác, người dân phải là trung tâm và chủ động tham gia chuyển đổi số.

Nhận thức rõ rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, các làng nghề trên địa bàn thành phố chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất và đặc biệt là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Anh Vũ Văn Đình (ở thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: "Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản phẩm làng nghề khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và khó tới các tỉnh, thành phố như trước; việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm của địa phương vẫn có khách mua hàng. Từ kết quả đó, các hộ sản xuất trong làng tiếp tục phát triển kênh tiêu thụ này ngày càng bài bản hơn".

nong-thon
Nhiều làng nghề trồng hoa cũng tăng cường chuyển đổi số

Là hợp tác xã đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Từ cuối năm 2017, toàn bộ sản phẩm hoa lan của hợp tác xã bán ra thị trường đều được truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 800.000 cây hoa lan hồ điệp, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Bát Tràng là làng gốm truyền thống có tuổi đời gần 700 năm. Khu làng cổ Bát Tràng rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Nơi đây cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.

Hiện nay, xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Bắt kịp thương mại điện tử (TMĐT), làng nghề Bát Tràng những năm gần đây có đã có những bước tiến xa. Theo nghệ nhân Phùng Văn Hoàn, trước kia khi chưa có sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm của làng Bát Tràng làm ra chỉ có thể để ở nhà. Nhưng hiện nay, cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không quảng bá, không tiếp cận với những kênh thông tin điện tử để đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi.

nong-thon
Nhờ chuyển đổi số, sản phẩm làng nghề Bát Tràng ngày càng “bay” xa

Bởi thế, nhiều hộ kinh doanh tại đây đã tiếp cận và ứng dụng TMĐT nên doanh số bán hàng tăng cao. Anh Trần Dương Quý, một hộ kinh doanh sản phẩm gốm trên các kênh TMĐT cho biết, sau 4 năm kinh doanh online, chỉ tính riêng trên kênh Facebook sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã tiếp cận được 8 triệu người tiêu dùng. TMĐT đưa thương hiệu của Bát Tràng đi xa hơn. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội Facebook.

Nổi tiếng với nghề tạc tượng và chế tác đồ thờ, làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) hội tụ nhiều thợ trẻ tay nghề cao, nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại. Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho hay, trên địa bàn hiện có khoảng 700 hộ làm nghề; mỗi năm, sản phẩm làng nghề Sơn Đồng mang lại nguồn thu hơn 2.850 tỷ đồng. Xã không còn hộ nghèo và đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Với nghề may comple nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Dậu, thôn Chính Vân (xã Vân Từ) chia sẻ, thời gian gần đây, đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình may đo, tạo dựng... được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng.

Đặc biệt, ông Dậu cho biết, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. Hiện, sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

nong-thon

Tuy nhiên, hiện nay quá trình chuyển đổi số chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online. Số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn.

Nguyên nhân cơ bản do đa số hộ sản xuất trong làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất...

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho hay, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu của các làng nghề chưa nhạy bén; việc đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết làng nghề thiếu vốn.

Do đó, thời gian tới, để chuyển đổi số phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn, các làng nghề Hà Nội nói chung và Phú Xuyên nói riêng cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng hướng dẫn làng nghề ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân kiến thức về thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất trong làng nghề.

Đối với Bát Tràng, hiện làng nghề đang triển khai thực hiện Đề án và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tỷ lệ 1/500, theo đó sẽ có các công trình như: Trung tâm thương mại gốm sứ Bát Tràng, khu bảo tàng gốm sứ, khách sạn ven sông Bắc Hưng Hải... Đây là "cái lõi" phát triển du lịch để qua đó thực hiện công tác bảo tồn cũng như nâng tầm giá trị của nghề gốm sứ truyền thống, đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch quốc tế.

Bà Hà Thị Vinh chia sẻ, thực tế việc triển khai chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi cụ thể cho du lịch làng nghề Bát Tràng. Bên cạnh đó, Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển "du lịch thông minh".

nong-thon
Livestream giới thiệu, bán sản phẩm làng nghề đang được nhiều người dân sử dụng

Đến nay, UBND xã cũng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh; lắp đặt wifi miễn phí...

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, rất cần các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân bắt nhịp với chuyển đổi số. Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, để triển khai hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về chuyển đổi số, thời gian qua, huyện chú trọng khai thác nguồn tri thức, truyền cảm hứng để mọi người cùng vào cuộc tham gia chuyển đổi số. Nhờ đó, khu vực nông thôn của huyện Mê Linh từng bước đổi mới và đang dần văn minh, hiện đại hơn trước.

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đề xuất, thành phố cần tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, nhằm chuyển đổi nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ quản lý và người dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn... Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các phong trào thi đua về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

Cũng về chuyển đổi số, nhà sáng lập Dự án 1 triệu doanh nghiệp số Đỗ Hữu Hưng chia sẻ, muốn chuyển đổi số thành công, các địa phương cần kết nối với đội ngũ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn có thể giải quyết bài toán ly nông không ly hương…

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng và dữ liệu số là rất cần thiết. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, năm 2024, huyện triển khai kế hoạch đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn để phục vụ công tác chuyển đổi số. Huyện đẩy mạnh xã hội hóa phát triển hạ tầng, kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn, nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực.

Trong khi đó, thị xã Sơn Tây cũng tập trung phát triển nền tảng, hệ thống công nghệ số hiện đại, như: Xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh, phần mềm mô phỏng bài thực hành các môn học cấp tiểu học, trung học cơ sở với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 4,6 tỷ đồng; đầu tư 1,5 tỷ đồng để Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã thực hiện dự án “Chỉnh lý, sắp xếp và số hóa tài liệu địa chính, đất đai…

Nói về vai trò của chuyển đổi số ở khu vực nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta đã rất thành công với chương trình xây dựng nông thôn mới, tại sao không nghĩ tới một chương trình chuyển đổi số ở nông thôn quy mô, xứng tầm.

nong-thon

Nông thôn giàu mạnh, văn minh, thông minh kết nối với thành thị không chỉ ở giao thông, mà còn là nền tảng số vô tận. Qua đó, nông thôn không chỉ là chốn bình yên, mà còn là bệ đỡ cho an sinh xã hội, thành tố quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, ngoài Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố còn ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện về phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, một số chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành, nổi bật như: 100 xã, phường, thị trấn đã có hạ tầng cáp quang; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình đạt tỷ lệ 93,15%... Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục hướng dẫn các huyện triển khai những mô hình thôn thông minh, xã thông minh, trong đó tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số.

Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, phổ biến và thực hiện tốt vai trò của chuyển đổi số; các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và thành phố thông minh trên địa bàn, đơn vị quản lý. Thành phố yêu cầu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được thành phố giao, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số, quy trình số; phát triển nền tảng, hệ thống số; hoàn thiện, kết nối liên thông, đồng bộ hệ thống dịch vụ công trực tuyến…

Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện nhiều Đề án, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn như: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".

nong-thon

Tính đến 14 giờ chiều ngày 2/7/2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng theo mức hưởng mới gần 80% tổng số người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân. Việc chi trả bằng tiền mặt cho người hưởng tại các điểm chi trả bắt đầu từ ngày 4/7/2024. Với tinh thần chủ động chuẩn bị sẵn mọi nguồn lực chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng theo mức mới, ngay trong ngày đầu tiên Nghị định số 75 có hiệu lực thi hành (1/7/2024), BHXH thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức hưởng mới một cách chu đáo, bảo đảm đến người hưởng một cách kịp thời, chính xác và an toàn.

Tại kỳ chi trả tháng 7/2024, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội là 593.757 người hưởng với số tiền trên 4.082 tỷ đồng, tăng so với tháng 6/2024 trên 519 tỷ đồng do thực hiện điều chỉnh mức hưởng theo Nghị định số 75 của Chính phủ.

Trong đó, chi qua tài khoản cá nhân ATM là 562.569 người, đạt 94.75% (tăng 274.627 người so với tháng 06/2024) với số tiền trên danh sách chi trả trên 3.879 tỷ đồng. Chi bằng hình thức tiền mặt là 31.188 người với số tiền trên danh sách chi trả trên 203 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau thời gian BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung triển khai Kế hoạch 146/KH-UBND ngày 10/5/2024 về giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ người nhận chi trả qua tài khoản cá nhân trong tháng 6/2024 đạt từ 48.51%, thì trong tháng 7/2024 đã tăng lên 94,75%.

Đồng thời, nhằm đảm bảo sẵn sàng chi trả kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người thụ hưởng trong kỳ chi trả tháng 7/2024, trước đó BHXH thành phố Hà Nội đã tập trung đảm bảo tốt nguồn kinh phí, nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin….

Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến 14 giờ chiều ngày 2/7/2024, BHXH thành phố Hà Nội đã thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng theo mức hưởng mới gần 80% tổng số người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân. Việc chi trả bằng tiền mặt cho người hưởng tại các điểm chi trả bắt đầu từ ngày 4/7/2024.

nong-thon
Nhiều người dân Hà Nội chuyển sang nhận lương hưu qua thẻ

Thành phố cũng đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh nhận thức của người dân khu vực các huyện ngoại thành trong việc chi trả lương hưu, trợ cấp không dùng tiền mặt. Điều này nhằm nâng cao trải nghiệm tiện ích cho người dân, bảo đảm an toàn…

Ông Đặng Văn Cứ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Từ ngày được nhận lương hưu đến nay, đều đặn hằng tháng, tôi đến điểm chi trả lương hưu để nhận tiền hoặc ủy quyền để người nhà lĩnh thay. Kỳ nhận lương gặp thời tiết thuận lợi thì không sao, phải ngày mưa gió, bão bùng rất bất tiện. Vì thế, cá nhân tôi phấn khởi khi thành phố áp dụng hình thức chi trả lương hưu qua tài khoản, nhanh, tiện và an toàn”.

Ông Nguyễn Anh Hoàng (ở quận Ba Đình, Hà Nội) được hưởng lương hưu từ năm 2005. Từ đó ông vẫn đến các điểm chi trả để nhận lương hưu mỗi tháng. Hiện nay, do tuổi cao, ông muốn trở về quê ở huyện Đông Anh (Hà Nội) sinh sống. Sau khi xem xét kỹ các thủ tục, ông đã quyết định chuyển đổi hình thức nhận lương hưu từ nhận tiền mặt sang nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân. Ông Xuân cho biết, ông có thể lĩnh lương hưu ngay khi đến kỳ nhận mà không phải tốn bất cứ chi phí và thời gian đi lại. Ông thấy nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng rất an toàn và tiết kiệm chi phí.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND Huyện ban hành kế hoạch số 208/KH - UBND ngày 22/5/2024 về triển khai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong đó, UBND Huyện giao Bảo hiểm xã hội phối hợp với Công an Huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tập trung rà soát, xác thực thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo đảm chỉ trả đúng người, đúng chế độ, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.

Từ đợt cao điểm giữa tháng 5/2024, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tích cực vào cuộc thực hiện đợt tuyên truyền cao điểm vận động người dân đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với rà soát, xác minh, đồng bộ dữ liệu thông tin người hưởng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Thanh Trì đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM) để phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn.

Trong đó, Bảo hiểm Xã hội huyện tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chuyển đổi hình thức nhận tiền mặt sang nhận qua thẻ ATM theo kế hoạch tuyên truyền, vận động người nhận các chế độ trợ cấp BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu phát triển người hưởng chế độ qua tài khoản cá nhân.

nong-thon

Với phương thức nhận qua ATM hằng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Ngoài ra, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng nhiều tiện ích, không cần phải đi xa, tốn kém thời gian tại các điểm chi trả lương hưu.

Việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản thẻ ATM đã mang lại nhiều tiện ích và đang được ngành BHXH tích cực đẩy mạnh, đạt những hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực đem tới sự thuận tiện, hài lòng cho người tham gia.

Với những giải pháp phù hợp, BHXH huyện Thanh Trì không chỉ đạt mục tiêu mở rộng phương thức chi trả hiện đại mà còn góp phần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Có mặt tại Nhà văn hoá tổ dân phố số 1 xã Ngọc Hồi, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) cho biết: "Sau khi nhận được thông báo của UBND xã Ngọc Hồi về thủ tục đăng ký mở tài khoản ngân hàng miễn phí, tôi đã được lực lượng chức năng tại đây hướng dẫn rất đầy đủ về cách thức sử dụng, quản lý tiền lương hưu hàng tháng qua thẻ ATM.

Tôi cũng nhận thấy việc nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân có rất nhiều tiện lợi, thuận tiện, nhanh chóng hơn so với việc phải đến các điểm để nhận lương hưu bằng tiền mặt như trước đây".

Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi; góp phần vào quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, đảm bảo chi trả đúng người hưởng, nhanh chóng và kịp thời.

Xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 323/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của thành phố Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06.

Theo đo, Thủ tướng chỉ đạo: Với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hoá - khoa học - giáo dục của cả nước, thành phố phải phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng dưới đây.

Thứ nhất, Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo thẩm quyền các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa theo thẩm quyền ít nhất 50% số quy định, TTHC và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.

Thứ hai, xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm thực hiện từ tháng 9/2024 đến ngày 30/11/2025.

Thứ ba, đẩy mạnh tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm chất lượng, hiệu quả và vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ cở dữ liệu của Hà Nội bảo đảm hoạt động ổn định, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành phục vụ chia sẻ, khai thác thông tin dữ liệu trực tuyến giải quyết TTHC, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Bảo đảm đồng bộ 100% hồ sơ giải quyết TTHC với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tối thiểu 80%. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%.

Thứ tư, triển khai hiệu quả việc lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn, phấn đấu 100% người dân được cấp Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phấn đấu 100% giáo viên, nhân viên được cấp chữ ký số cá nhân.

Thứ năm, đẩy mạnh làm giàu thông tin, cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên nền tảng VNeID, cấp tài khoản định danh cấp độ 2 cho 100% dân số Hà Nội.

Thứ sáu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, phí và lệ phí trên địa bàn; thực hiện quyết liệt các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Thứ bảy, phát triển hạ tầng số, nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các công cụ chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo..., gắn với bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thứ tám, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về các kết quả, ứng dụng của Đề án 06 theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Mai Anh - Nguyễn Anh

Bài viết liên quan:

“Chìa khoá” xây dựng Hà Nội trở thành “thành phố đáng sống”
Bài 2: iHanoi – Giải pháp mang tư duy và tầm nhìn đột phá
Bài 3: Lan tỏa cảm hứng từ những giải pháp sáng tạo
nong-thon

Nguyễn Anh