Bài 4: Tình người ấm áp nơi xóm trọ
>> Đời sống công nhân: Khéo “co” chưa lo đủ “ấm”
Bài 3: “Đỏ mắt” tìm trường cho con
Sẻ chia với công nhân
Sau những giờ làm việc vất vả tại công ty, ai cũng muốn nhanh chóng trở về phòng trọ nghỉ ngơi, gặp gỡ trò chuyện với những người bạn của mình. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện hàng ngày để vơi bớt đi nỗi nhớ nhà và tạm quên đi những bộn bề, lo toan của cuộc sống. Không chỉ có vậy, ở những xóm trọ nơi công nhân đang thuê ở còn có những người chủ nhà tốt bụng, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ công nhân trong lúc khó khăn, hoạn nạn, thậm chí còn thay gia đình chăm sóc họ những lúc ốm đau và cả khi sinh đẻ. Vì thế, các công nhân không chỉ coi xóm trọ là nơi tá túc qua ngày mà trong sâu thẳm, họ vẫn luôn nghĩ đó là ngôi nhà thứ hai của mình.
Một điều dễ nhận thấy trong thời buổi kinh tế thị trường đó là có không ít lý do để các chủ nhà trọ nâng giá cho thuê phòng. Tuy nhiên, ở thôn Tây Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh lại có một chị chủ nhà trọ sẵn sàng giúp đỡ những công nhân xa nhà đang làm việc tại các công ty trong KCN Bắc Thăng Long. Chị là Nguyễn Thị Hà Quyên. Khi nhắc đến chị Quyên, hầu hết người dân và công nhân đang sinh sống tại đây đều biết. Bởi, chị có "tấm lòng bồ tát", luôn yêu thương, giúp đỡ công nhân như chính những người thân ruột thịt của mình.
Chúng tôi tìm đến xóm trọ của gia đình chị Quyên đúng lúc chị đang phụ giúp một công nhân chăm sóc đứa con nhỏ mới chỉ vài tháng tuổi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp gỡ chị Hà Quyên chính là nụ cười hiền và tấm lòng cởi mở. Nhìn thấy chúng tôi, chị đon đả mời chúng tôi vào nhà. Vừa trò chuyện vừa vỗ về đứa trẻ ngủ trên tay, chị chia sẻ: "Tan ca làm về đến nhà, việc đầu tiên của tôi là đi một vòng quanh khu nhà trọ, xem có ai cần nhờ việc gì thì giúp, sau đó phụ giúp những gia đình công nhân có con nhỏ trông những đứa trẻ. Tôi coi chúng như con của mình vì chúng đáng yêu lắm. Mặc dù mới được vài tháng tuổi nhưng mỗi lần được bác bế là bé cười tít mắt, nô nghịch ác lắm. Tôi luôn mong muốn những gia đình công nhân đang thuê trọ ở nhà mình nhanh chóng ổn định cuộc sống, có đủ tiền mua nhà riêng. Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ đến chuyện đã gắn bó với họ hàng chục năm nay và những đứa trẻ đáng yêu như vậy tôi lại không nỡ rời xa chúng".
Nói về chị chủ nhà tốt bụng, chị Nguyễn Thị Huyền, một công nhân đang thuê trọ tại nhà chị Quyên cho biết: "Chị Quyên cũng làm công nhân trong KCN. Chị hiểu hết những khó khăn, vất vả và từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi người thuê trọ. Vì vậy, chị luôn tìm cách sẻ chia, giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Tôi là một ví dụ. Tôi thuê trọ nhà chị Quyên tính đến nay cũng được gần chục năm. Hai lần tôi trở dạ sinh nở, chị Quyên đều là người đưa tôi đi viện và cơm nước hàng ngày cho tôi trong suốt thời gian nằm viện. Không riêng gì tôi mà hầu hết những người sống ở xóm trọ đều được chị giúp đỡ. Điểm chung của các gia đình công nhân thuê trọ là neo người. Vì vậy, mỗi khi có ai đó nằm viện thì chị Quyên sẽ là người lo toan cơm nước giúp. Lúc đầu chúng tôi còn ngại vì làm phiền đến chị nhưng rồi phiền mãi cũng quen. Bây giờ hễ có việc gì, người đầu tiên chúng tôi gọi luôn là chị Quyên".
Thân thiết như ruột thịt
Rời khu nhà trọ của gia đình chị Hà Quyên,chúng tôi tìm đến khu trọ của gia đình bác Nguyễn Thị Hương tại thôn Nhuế, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là khu nhà trọ sạch sẽ, ngăn nắp và thoáng mát với sân vườn rộng, nhiều cây xanh. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (quê ở Việt Yên, Bắc Giang) có thâm niên gần 9 năm trọ tại đây cho biết: “Trước đây tôi đã phải chuyển chỗ ở nhiều lần. Từ năm 2010 thuê trọ ở đây, tôi không muốn dọn đi đâu nữa. Ở đây không những yên tĩnh, an toàn, chúng tôi còn được gia đình chủ nhà giúp đỡ rất nhiều. Có những hôm vợ chồng tôi phải đi làm sớm, sáng ra bác Hương chủ nhà lại lo cho hai đứa con nhỏ của tôi ăn uống và đưa đi học. Thậm chí, nhiều hôm hai vợ chồng tôi làm ca đêm, con cái cũng nhờ bác Hương trông nom, chăm sóc. Không có bác chủ nhà yêu quý như con cháu trong gia đình, chúng tôi thật không biết phải làm sao, nhất là chuyện đưa đón con cái đi học", anh Hùng xúc động nói.
Không chỉ may mắn gặp được người chủ nhà tốt bụng, những người công nhân sống trong cùng một xóm trọ cũng coi nhau như anh em ruột thịt, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn và cùng nhau chuyện trò, tâm sự những lúc rảnh rỗi.
Anh Nguyễn Tiến Huy, quê ở Vũ Thư, Thái Bình, làm công nhân của một công ty trong KCN Bắc Thăng Long cho biết, những người công nhân lao động đều có điểm chung là sống xa gia đình, mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau. Họ thiếu thốn tình cảm, đời sống vật chất khó khăn nên dễ dàng cảm thông, chia sẻ và gắn bó thân thiết với nhau.
"Nhiều khi tôi bị đau ốm nhưng chưa đến ngày lĩnh lương, tiền tiết kiệm cũng hết nên phải nhờ những người cùng sống trong xóm trọ giúp đỡ. Tất cả đều rất nhiệt tình, không đắn đo suy nghĩ mà giúp hết mình luôn. Đây là hành động chứa đựng tình cảm thân mến giữa những người công nhân thuê trọ với nhau. Qua những việc làm, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, chúng tôi cảm thấy gắn bó với nhau hơn, thân thiết với nhau như anh em ruột thịt", anh Huy chia sẻ.
Vẫn còn vô vàn những khó khăn, bộn bề trong cuộc mưu sinh với gánh nặng cơm áo, gạo, tiền nhưng sự chia sẻ, quan tâm, gắn bó với nhau của những lao động trẻ xa quê thật đáng quý. Tình người ấm áp ấy giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và bồi đắp thêm những tấm lòng hướng thiện.
(Còn nữa)