TTTĐ - Trong thực hiện chiến lược cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung, Đảng ta luôn quan tâm, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ phát triển, cống hiến; xác định việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ là yêu cầu thực tế, cần thiết, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có những chính sách đột phá về đào tạo cán bộ trẻ để xây dựng nguồn cán bộ kế cận. Sau khi được bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, những cán bộ này đã phát huy hiệu quả và trở thành những cán bộ nòng cốt của các quận, huyện, Sở, ban, ngành.
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, trong đó nêu rõ, tất cả các cấp ủy Đảng, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy từ 10% trở lên. Điều này khẳng định, Đảng luôn coi trọng vấn đề bồi dưỡng, đào tạo đoàn viên, thanh niên để phát triển nguồn cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị. Chính những tư tưởng, chủ trương đó sẽ tạo ra cơ hội để cho cán bộ trẻ bộc lộ tài năng, khẳng định bản thân.
Tại Hà Nội, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Thành ủy xác định là khâu đột phá của nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng và được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện bài bản, quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng, tiến hành đúng quy định, đã đi vào nền nếp và có chất lượng tốt. Kết quả công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy và bầu Ban Chấp hành của Đại hội các cấp ủy trực thuộc qua các kỳ đại hội đã khẳng định, công tác quy hoạch cán bộ của Thành ủy được chuẩn bị kỹ, chủ động, dân chủ và có chất lượng tốt, đảm bảo đúng số lượng, có cơ cấu hợp lý, đặc biệt là tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tăng cao so với các nhiệm kỳ trước.
Thành phố Hà Nội luôn có những chương trình, kế hoạch cụ thể để đồng hành, hỗ trợ thanh thiếu niên trong việc phát triển bản thân |
Điển hình như tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 84 đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ quận, trong đó tỷ lệ nữ đạt 52%, tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 20%; 23 đồng chí được quy hoạch Ban Thường vụ, trong đó tỷ lệ nữ đạt 35%, cán bộ trẻ đạt 22%. Ðối với cấp phường, Ban Thường vụ Quận ủy đã phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, cụ thể: Quy hoạch cấp ủy đối với 500 đồng chí, trong đó tỷ lệ nữ đạt 55%, tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 40%; Quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với 365 đồng chí, trong đó tỷ lệ nữ đạt 52%, tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 21,6%.
Tại quận Long Biên, Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên đã tập trung chỉ đạo việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đoàn, quy hoạch cán bộ trẻ, mà đối tượng chủ yếu là cán bộ Đoàn. Nhiệm kỳ 2020-2025, đã có 63 lượt cán bộ Đoàn được quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy phường; 24 lượt cán bộ đoàn được quy hoạch chức danh lãnh đạo phường, diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý…Thực tế từ khi thành lập quận đến nay, các đồng chí Thường trực Quận đoàn đều được luân chuyển, kinh qua các vị trí lãnh đạo chủ chốt các phòng, ngành của quận, của phường. Không chỉ Long Biên, thường trực các quận ủy, huyện ủy, thị ủy của Hà Nội luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện chuẩn hóa, rà soát, bổ sung quy hoạch đối tượng là cán bộ Đoàn.
“Làn gió” trẻ hóa cán bộ đã mang đến những gương mặt mới, sức sống mới cho bộ máy Đảng, chính quyền ở Hà Nội. Tinh thần dám làm không ngại khó giúp các cán bộ trẻ được tổ chức tin tưởng trao trọng trách và những nhiệm vụ “thử lửa”. Trong năm 2023, dự án đường vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận được đông đảo Nhân dân quan tâm.
Từ chưa biết đến biết, hiểu, thực hiện và làm một cách tự nguyện, thông suốt việc giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Vành đai 4) của nhiều người dân địa phương nơi dự án chạy qua là một quá trình tuyên truyền, vận động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, trong đó có đông đảo những người cán bộ trẻ ở các cơ quan, tổ chức liên quan cùng tham gia.
Là những người trẻ năng động, hiểu rõ giá trị đường Vành đai 4 mang lại, nhiều thanh niên ở xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) không chỉ tuyên truyền, giúp người dân hiểu mà còn gương mẫu trong việc vận động gia đình di chuyển mồ mả, giải phóng mặt bằng.
Đoàn viên, thanh niên Thủ đô đi tuyên truyền, vận động người dân di dời mồ mả, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Gia đình Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Chi đoàn 2 (xã Hồng Hà) là gia đình đầu tiên thực hiện việc di chuyển mồ mả phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4. Cùng với việc di chuyển mồ mả, gia đình chàng trai trẻ cũng bàn giao lại cho xã diện tích đất nông nghiệp trong trong quy hoạch đường vành đai 4 đi qua.
Tuấn Anh chia sẻ: “Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua cụm 1, 2 và nghĩa trang thôn Bồng Lai (xã Hồng Hà). Gia đình mình vừa có mồ mả các cụ ở nghĩa trang Bồng Lai vừa có đất hoa màu nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Ở nghĩa trang có 10 ngôi mộ, gia đình mình đã di chuyển hết trong năm 2022. Diện tích hoa màu nằm trong quy hoạch cũng được bàn giao cho chính quyền xã”.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhiều người ví von thanh niên giống như “nhà thông thái ChatGPT”, bởi người dân không biết gì thì cứ hỏi họ sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ. Nhất là trong thời đại công nghệ nở rộ này, thanh niên là lực lượng đi đầu áp dụng công nghệ số, rồi tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng.
Nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa”. Các công trình phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch. Qua ứng dụng này có thể cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử của địa phương đến du khách trong và ngoài Thủ đô một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả.
Không ngại “tăng ca” vào buổi tối, ngay trong tháng 3/2023, các bạn thanh niên Đội tình nguyện chuyển đổi số của phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã ra quân hướng dẫn tải app, cài đặt và sử dụng sổ tay đảng viên điện tử tới 100% đảng viên của phường.
Là những người trẻ, bản thân các đảng viên trẻ cũng đã tự mình tìm hiểu sử dụng sổ tay điện tử đảng viên, sau đó, họ chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hướng dẫn các đảng viên cao tuổi, người chưa biết app cài đặt và sử dụng. Với các đảng viên cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, đoàn viên, thanh niên cài đặt cho con cho cháu của họ. Các con, các cháu sẽ là “văn thư tại gia” đưa thông tin của chi bộ, nghị quyết đến với các cô, bác.
Dân cần là có mặt, sẵn sàng hỗ trợ ngày, đêm là phương châm hoạt động của 579 đội hình chuyển đổi số cộng đồng. Với màu áo xanh, họ miệt mài đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, góp phần thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt tiên phong, xung kích thực hiện các nhiệm vụ, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước |
Gần 70 tuổi nên ông Lê Văn Thanh (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin. Ông loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu để kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Tuy nhiên, mọi lo lắng của ông Thanh được giải quyết khi các bạn trẻ trong đội hình “Chuyển đổi số cộng đồng” tới tận nhà hỗ trợ ông cùng các thành viên trong gia đình kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
“Không chỉ hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử, các bạn trẻ còn tuyên truyền, giúp tôi hiểu được lợi ích của việc thực hiện các Đề án của Chính phủ. Với việc kích hoạt định danh cá nhân, người dân có thể thực hiện các giao dịch hay làm thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi mà không cần tới các giấy tờ như trước kia”, ông Thanh cho biết.
Đường vành đai 4 hay chuyển đổi số chỉ là vài trong hàng ngàn ví dụ về những việc làm của người trẻ. Sự nhiệt huyết, quyết đoán, khéo léo và cởi mở của họ góp phần rất lớn trong sự phát triển của địa phương. Cũng từ những va đập, khó khăn, quyết tâm trong công việc, tôi rèn nên lớp cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao có tâm và có tầm phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước.
(Còn nữa)
Anh Vũ - Thành Trung - Thi Mai |
Bài viết liên quan:
Khơi thông các điểm nghẽn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Bài 3: Nhân tài, tuyển đã khó, “dụng” còn khó hơn