TTTĐ - Người trẻ phát huy được tính tiên phong, xung kích của mình trong phát triển công nghiệp văn hoá, cũng như các lĩnh vực bởi bên cạnh luôn có sự đồng hành của lãnh đạo, chính quyền các cấp, các đơn vị. Nhìn nhận vai trò, trách nhiệm trong ứng dụng văn hoá số, họ đã khẳng định tính sáng tạo của lớp trẻ, đang cùng chính quyền, các cấp, ngành, đơn vị “đánh thức” những vùng đất dường như chưa được khai thác hết tiềm năng, góp phần tạo đà, tăng tốc cho sự phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô và đất nước. “Tận dụng” sức trẻChị Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, xác định mục tiêu phát huy giá trị các di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm. Công tác thuyết minh, giới thiệu di sản đã được chuẩn hóa, cũng như áp dụng công nghệ mới tiên tiến, có sự kết hợp âm thanh, phim, ảnh, những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua màn hình. Các sự kiện, chương trình gắn với giá trị văn hóa phi vật thể cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức, tăng tính tương tác giúp người xem được thực hành, trải nghiệm cùng các sự kiện, hiện vật, bổ sung thông tin và thu hút được một lượng lớn học sinh, du khách đến tham gia, tạo sân chơi bổ ích và hấp dẫn cho thiếu nhi, góp phần quảng bá khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Với sự giúp sức của các bạn trẻ, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di sản: Ứng dụng phần mềm/Apps thuyết minh tự động trên điện thoại, quản lý di sản bằng ứng dụng GIS, tái hiện công trình kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long, trưng bày tham quan 360 độ, website trungbayonline.hoangthanhthanglong.com, diễn giải di sản… “Những sản phẩm của cán bộ trẻ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đều thể hiện sự tâm huyết say mê với nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Họ là những người năng động, sáng tạo, nhạy bén, thích ứng nhanh, chủ động trong việc tìm hiểu công nghệ. Họ hiểu công nghệ là phương tiện để thực hiện mục tiêu, là giải pháp hỗ trợ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về di sản, quản lý di sản, đưa ra các hình thức bảo tồn di sản, đặc biệt là truyền thông, quảng bá và phát huy các giá trị di sản, tạo dựng sự kết nối, tương tác, đưa hình ảnh của di sản đến với công chúng một cách thường xuyên, gần gũi nhất. Những người trẻ đang cùng phát huy các giá trị di sản văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đã những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ là nhân tố đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long, đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới”, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nhận định. |
Tour đêm tại Hoàng Thành Thăng Long |
“Trợ lý thông minh” cho khách tham quan Chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và trả phí 50.000 đồng sử dụng ứng dụng iMuseum VFA, du khách có thể tự do khám phá các tác phẩm trên hệ thống trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. iMuseum VFA là ứng dụng đa phương tiện gồm âm thanh, văn bản, hình ảnh chất lượng cao, trợ giúp du khách tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ứng dụng này được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon. Chỉ mua vé ngay tại cổng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó tải app iMuseum VFA, du khách có thể dễ dàng biết được chính xác Bảo tàng đang lưu giữ các tác phẩm quý báu nào. Từ đây, người trải nghiệm sẽ có sự lựa chọn chính xác hướng tới tác phẩm mình muốn chiêm ngắm. Du khách trải nghiệm ứng dụng iMuseum VFA Các tác phẩm được đánh số thứ tự để người xem dễ dàng định vị được tác phẩm đó trưng bày ở khu vực nào, phòng nào, tầng nào của bảo tàng. Sau mỗi lần mua vé, người dùng được trải nghiệm ứng dụng trong 8 giờ. Hiện tại, iMuseum đang hỗ trợ 8 ngôn ngữ gồm Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Ý; trong tương lai gần sẽ bổ sung thêm tiếng Đức và tiếng Nga. Ứng dụng iMuseum VFA là kết quả của dự án xã hội hóa giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS). Xuất phát từ yêu cầu cải thiện chất lượng tham quan, ứng dụng đã nắm bắt được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng. Chia sẻ về quá trình hoàn thiện “bữa ăn tinh thần 8 tiếng” này, chị Cai Thái Hoàng Uyên – Quản lý dự án iMuseum VFA, thuộc Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) cho biết nhóm thực hiện dự án iMuseum VFA đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian cũng như công sức và cả chi phí lớn hơn hình dung ban đầu để tạo ra một ứng dụng phục vụ du khách tham quan bảo tàng trực tiếp và trực tuyến. Trước đó, nhóm đã tìm hiểu và học hỏi những ứng dụng thuyết minh của nhiều bảo tàng trên thế giới, trong đó có những bảo tàng lớn và nổi tiếng như The Met Museum của Mỹ, Lourve Museum của Pháp, Rijks Museum của Hà Lan, Bảo tàng quốc gia Singapore, v.v.. Áp dụng chuyển đổi số giúp gây ấn tượng và thu hút khách du lịch hơn so với cách truyền thống “Chúng tôi đã phải xây rồi đập rồi xây tới hơn 160 phiên bản khác nhau, rồi đúc rút, tích hợp mới ra được phiên bản khai trương sáng 22/4. Mà đương nhiên phiên bản này cũng sẽ được hoàn thiện không ngừng, cứ vài tuần lại có một cải tiến gì đó được cập nhật và việc cải tiến sẽ không bao giờ dừng lại.”, chị Uyên cho hay Khẳng định tính ưu việt của iMuseum, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói đây là một sản phẩm thông minh, vượt trội với nhiều những tính năng có thể giúp cho khách tham quan không chỉ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới có thể trải nghiệm. Họ được xem các tác giả, tác phẩm và được nghe các câu chuyện xung quanh tác giả, tác phẩm đó.” Việc triển khai ứng dụng iMuseum VFA nói riêng cùng việc áp dụng công nghệ vào việc hỗ trợ du khách tham quan đã tạo những điểm nhấn mới, từ đây các bảo tàng có động lực chuyển mình, biến “nguy” thành “cơ”, bắt kịp với xu hướng trên thế giới, tạo ra những trải nghiệm mới, thú vị và tiện lợi cho du khách. |
Khơi nguồn sáng tạoTheo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Phát triển công nghiệp văn hóa là một hướng đi trúng và đúng của Hà Nội, phù hợp với xu hướng phát triển trong nước cũng như trên thế giới. Nhận thức về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội đã được Thành ủy quan tâm, trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp. Thành ủy luôn cập nhật quan điểm chỉ đạo của Trung ương, bám sát đặc thù của Hà Nội về phát triển văn hóa. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội xác định xây dựng 2 nghị quyết chuyên đề toàn khóa, trong đó, có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, điều đó cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Văn Phong, với yêu cầu Hà Nội phải trở thành 1 trong 3 trung tâm của Việt Nam về công nghiệp văn hóa, thành phố sẽ tập trung phát triển một số ngành có thế mạnh nhất chứ không dàn trải, trong đó có 6 nhóm ngành, gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phầm mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ. Dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng xác định mục tiêu chung: Tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu... Trước thời cơ và thách thức đó, người trẻ càng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Bởi lợi thế của người trẻ là sự sáng tạo, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ thông tin. |
Trong tham luận tại hội thảo Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng của tuổi trẻ” do Trung ương Đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện chúng ta có khá nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hoá. Đầu tiên chính là nhận thức của chúng ta về các ngành công nghiệp văn hoá chưa đầy đủ. Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tạo ra sự đột phá trong tư duy về quản lý văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó có người trẻ và nên bắt đầu từ nhà trường, ngay từ nhỏ, để hình thành những công dân sáng tạo, những khách hàng tương lai của thị trường công nghiệp văn hóa. Theo TS. Tạ Thị Bích Ngọc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, công chúng hiện tại rất ưa thích cái mới, ủng hộ sáng tạo và ứng dụng công nghệ, sẵn sàng trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ chứa đựng các yếu tố văn hóa. |
Chuyển đổi số trong văn hóa giúp ngành du lịch có thêm nhiều định hướng phát triển Điển hình như di tích Nhà tù Hỏa Lò với hệ thống thuyết minh tự động, không gian trưng bày online, tham quan trực tuyến trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts và đặc biệt là “tour đêm” trải nghiệm tái hiện qua nhiều hoạt cảnh kết hợp với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng đánh thức mọi cung bậc cảm xúc của du khách đã tạo ra sức hút rất mạnh mẽ và trở thành một sản phẩm du lịch rất hấp dẫn ở Hà Nội. Thanh niên là những người đang mang trong mình khát vọng vươn lên khẳng định bản thân, tràn đầy quyết tâm, sẵn sàng học hỏi và không ngại thích nghi để hướng tới thành công. Thanh niên hiện nay rất giàu ý tưởng, sẵn sàng chia sẻ với tinh thần cởi mở và trên nền tảng được thụ hưởng một nền giáo dục trân trọng văn hóa truyền thống. Vì vậy, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa sẽ giúp phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa. Để làm được điều này cần những giải pháp căn cơ và đồng bộ như: Có các cơ chế, chính sách linh hoạt đối với hoạt động khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật định liên quan tới công tác quản lý (kiểm duyệt, thẩm định tác phẩm, quyền sở hữu trí tuệ...), hỗ trợ (ưu đãi về thuế, vốn, mặt bằng...) và tài trợ (các quỹ, tổ chức bảo trợ nghệ thuật, hiến tặng…) để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ văn hóa… Từ những hoạt động này sẽ khơi nguồn sáng tạo từ người trẻ, cùng Thủ đô và cả nước phát triển công nghiệp văn hóa như mục tiêu đã đề ra. |