Việc tái thiết những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo (KGST) đã và đang chứng tỏ hiệu quả đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp văn hóa ở nhiều quốc gia. Tại Hà Nội, vấn đề chuyển đổi các nhà máy cũ thành KGST, không gian công cộng hiện còn khá nhiều vướng mắc. Vì vậy, chính quyền Thủ đô cần một tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, từ đó tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay giải quyết bài toán này.
Thấy gì từ “Bài học Zone 9”, X98…? |
Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, đa số các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh tổ hợp sáng tạo đều khẳng định, tính ổn định về mặt bằng không gian ở Hà Nội là một trong những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Có lẽ, trong cộng đồng sáng tạo, hiếm ai không biết đến kiến trúc sư (KTS) Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập các khu vui chơi giải trí Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng) - địa điểm “hot” của giới trẻ Hà thành một thời. Giữa năm 2013, Zone 9 ra đời trên nền Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 khi đơn vị này di dời ra khỏi nội đô theo chủ trương của TP Hà Nội. Từ một nhà máy cũ, không gian này đã được thổi hồn bởi các nghệ sỹ, KTS. Họ đã biến một khu hoang tàn thành nơi đậm chất nghệ thuật, tạo ra địa điểm vui chơi, giải trí cho giới trẻ trong thời điểm Hà Nội thiếu sân chơi lúc đó. Tiếc là sau vài tháng hoạt động, những lùm xùm về an toàn xây dựng đã khiến Zone 9 phá sản, nhất là sau vụ hỏa hoạn làm 6 công nhân thiệt mạng vào ngày 19/11/2013. Không lâu sau đó, tổ hợp giải trí X98 ở Hoàng Cầu cũng lâm vào cảnh “chết yểu”. Sau này, tới Hanoi Creative City do KTS Đoàn Kỳ Thanh sáng lập, một tổ hợp đa dạng các lĩnh vực hoạt động nhưng cũng bộc lộ xung đột với cư dân chung cư xung quanh về không gian chung, tiếng ồn và nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, tổ hợp 60s Thổ Quan, Heritage Space, Ơ kìa Hà Nội… cũng từng gặp vướng mắc về mặt bằng và buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc liên tục phải di chuyển địa điểm. |
Nhìn lại quá trình kinh doanh của Zone 9 và những không gian giải trí, sáng tạo tương tự trên nền nhà máy cũ, KTS Đoàn Kỳ Thanh không phủ nhận lợi ích kinh tế của mô hình này: “Lợi ích ngắn hạn có, dài hạn có” và “Chỉ cần 5 năm là có lãi”. “Giá trị bất động sản được tính bằng lượng traffic (sức hút) nhiều. Khi tạo ra traffic tức là tạo ra tiền. Số lượng đông đảo người đến vốn là ước mơ của những người làm bất động sản. Chưa kể, những nơi này tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp rất nhiều cho người lao động” - KTS Thanh nói. Tuy vậy, KTS Đoàn Kỳ Thanh cũng thừa nhận, thiếu hành lang pháp lý, thiếu cơ chế hỗ trợ của chính quyền khiến những tổ hợp này dù tỏ rõ sức hấp dẫn đối với giới trẻ song đều sớm phải đóng cửa. Phân tích sâu hơn khía cạnh này, theo PGS.TS Phạm Thúy Loan, nguyên Phó Viên trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Đại diện Việt Nam trong Mạng lưới Di sản công nghiệp Châu Á (ANIH) cho rằng, nhìn ở góc độ vĩ mô, những tổ hợp kinh doanh không gian sáng tạo này không thể mãi hoạt đông tự phát mà họ cần “bà đỡ” là chính quyền. “Khi họ không được chính thức hóa, không được đầu tư bài bản về hạ tầng, mặt bằng thì rất khó bền vững. Đầu tư cho hạ tầng phải do Nhà nước, chủ thể quản lý tính đến, để có thể chuyển nhà máy cũ thành không gian công cộng, KGST bền vững”.
|
|
Yếu vốn, thiếu mã định danh |
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn chung đối với các chủ đầu tư KGST là hiện chưa có quy định rõ ràng về loại hình hoạt động của KGST. Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space, tổ chức nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, năm 2015, Heritage Space - Không gian văn hoá mở hướng tới cộng đồng được thành lập. Bằng các hoạt động của mình, Heritage Space đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển sáng tạo văn hoá, nghệ thuật nói riêng và sự nghiệp sáng tạo nói chung tại Việt Nam. Hiện tại, trong một không gian nhỏ tại khu nhà công vụ của Công ty Cổ phần Dược Quân đội trên phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), Heritage Space vẫn là nơi để nhóm nghệ sỹ đến lưu trú, gặp gỡ, nói chuyện, nghiên cứu hoạt động nghệ thuật, phát triển nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi làm việc chung của các nhóm nghệ sỹ. |
Ông Tuấn cho hay, là một tổ chức phi lợi nhuận, ươm mầm cho các tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng Heritage Space hoạt động như một doanh nghiệp xã hội, vì theo quy định hiện tại, KGST vẫn phải có tư cách pháp nhân, phải đóng thuế, trả tiền thuê nhà. Trong khi, đây là mô hình kinh doanh vì cộng đồng thì rất cần một chính sách khác. “Chúng tôi vẫn phải tự xoay sở tài chính, đóng thuế như những doanh nghiệp thương mại khác. Khi hạn chế về không gian cho những sự kiện nghệ thuật với số lượng đông, thường chúng tôi phải liên kết với Complex 01 và một số địa điểm khác trên địa bàn thành phố để thực hiện. Đây rõ ràng là một khó khăn đối với những người muốn đầu tư vào KGST” - ông Tuấn nói. Từng sáng lập và vận hành nhiều KGST khác nhau, KTS Đoàn Kỳ Thanh đặt câu hỏi: “Kinh doanh tổ hợp sáng tạo được coi là loại hình kinh doanh bất động sản hay tổ hợp sáng tạo?”. “Hiện tại, những người kinh doanh trong lĩnh vực này cũng chưa có “mã định danh”. Như tôi làm Hanoi Creative City thì vẫn bị “liệt” vào danh sách các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trên thế giới, đội ngũ kinh doanh tổ hợp sáng tạo được ưu tiên về thuế, thuê đất và cho vay vốn. Cần phải có “mã định danh” cho loại hình kinh doanh này để từ đó có một chính sách cho vay vốn, giao đất, chính sách thuế tốt, chưa kể cũng cần có một cơ chế hợp tác công - tư rõ ràng” - ông Thanh nói. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh đưa ra nhận xét, hầu hết không gian sáng tạo do giới trẻ gây dựng với nguồn kinh phí eo hẹp, cộng với chi phí thuê mặt bằng ở Thủ đô cao, chính sách ưu đãi, bảo hộ dành cho các mô hình mang đặc tính phục vụ lợi ích cộng đồng như KGST còn chưa nhiều, dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của không ít không gian sáng tạo có chu trình rất nhanh.
|
Hành động quyết liệt để hiện thực hóa tầm nhìn |
Có thể thấy, việc tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Điều này thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng của thành phố, hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhìn nhận vấn đề trên trong bối cảnh thiếu mặt bằng cho các KGST giới trẻ “bung sức”, KTS Phạm Trung Hiếu, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để hài hòa lợi ích của cộng đồng và lợi ích kinh tế, chính quyền Thủ đô cần có tầm nhìn rộng về vấn đề này. “Đó là quỹ đất quý giá cuối cùng của Hà Nội dành cho cộng đồng. Sau khi có tầm nhìn rồi thì phải có cơ chế, khung chính sách để hiện thực hóa tầm nhìn: Bao nhiêu phần trăm cho diện tích cây xanh, bao nhiêu phần trăm cho KGST, khu công cộng. Nhà máy này rời đi sẽ thành tổ hợp sáng tạo hay dành để phát triển cảnh quan, cây xanh như thế nào? Trong số các nhà máy cũ đó, hạng mục nào còn giá trị cần giữ lại, hạng mục nào có thể phá bỏ để xây mới thành những công trình phù hợp với đời sống đương đại…” - KTS Phạm Trung Hiếu chia sẻ.
Theo chia sẻ của ông Hiếu, bản thân ông và cộng sự cũng đang thực hiện dự án chuyển đổi công năng của Nhà máy Phích nước Rạng Đông, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Nhà máy Bia Hà Nội. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được cải tạo thành tổ hợp gồm 3 công năng chính: Bảo tàng đường sắt, không gian sáng tạo và công viên cây xanh dựa trên hồ nước sẵn có hiện tại. Còn đối với Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nhóm thực hiện đồ án tính toán phân khu những vùng bị cháy, cải tạo đất nhằm bảo vệ nguồn nước, môi trường; Phần còn lại có thể biến thành khu tổ hợp công nghệ sinh học để định hướng cho Hà Nội về vấn đề môi trường. Đối với Nhà máy Bia Hà Nội, nhóm hướng tới mục tiêu thành không gian ẩm thực giữa Âu - Á, qua đó, công chúng có thể đến tìm hiểu văn hóa ẩm thực của Châu Âu và Việt Nam. Trao đổi thêm với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, KTS Phạm Trung Hiếu nói: “Với 3 nhà máy này, diện tích, quy mô khá lớn nên cần phải tính đến việc bỏ hạng mục không cần thiết hoặc giữ phần còn giá trị, để từ đó phát triển các không gian công cộng, trong đó có KGST. Tất cả những việc chúng tôi đang làm chính là gợi ra một hướng đi để giải quyết bài toán về không gian xanh cho người dân Thủ đô”.
|
Khẳng định tầm nhìn và khung pháp lý là vô cùng quan trọng, PGS.TS Phạm Thúy Loan cho biết, trên thế giới, có rất nhiều mô hình di sản công nghiệp được Nhà nước đầu tư, thậm chí bù lỗ khi xác định đó là công trình thuộc hạ tầng văn hóa xã hội dành cho cộng đồng.
“Cần phải xác định chắc chắn quỹ đất dành ra sau khi di dời các nhà máy cũ là để phát triển không gian công cộng. Bước tiếp theo vô cùng đơn giản vì người làm sáng tạo ở Hà Nội rất nhiều, đội ngũ kiến trúc sư ở Hà Nội rất giỏi, họ chỉ cần có hành lang pháp lý ổn định về chính sách thuê đất, ưu đãi vốn vay, thuế… Nhà nước quản lý, đơn vị chủ quản sở hữu nhà máy, doanh nghiệp vận hành, chủ thể sáng tạo đó được hưởng lợi ra sao… Tùy vào kịch bản ứng xử với di sản công nghiệp mà mô hình vận hành khác nhau nhưng tựu chung là cần cơ chế, chính sách rõ ràng và hành động quyết liệt của chính quyền thành phố” - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nêu giải pháp. |
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Thành phố sẽ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững KGST thành hệ sinh thái sáng tạo… Ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội trở thành thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”. Để định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đến năm 2025, mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố Sáng tạo", "Thành phố vì hòa bình"... phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP cho Thủ đô. Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển CNVH, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực CNVH cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; Phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống... Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các KGST thành hệ sinh thái sáng tạo; Khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo… Một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là: Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; Triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Năm 2023, thành phố Hà Nội quyết liệt triển khai việc thực hiện đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa; Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố đã đề xuất Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng về quản trị tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa. Hà Nội mong muốn có chính sách để phát triển các loại quỹ về văn hóa của cả công và của cả tư và cũng sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và CNVH nói riêng, trên cơ sở đó là tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước. Sự nở rộ các KGST ở Hà Nội thời gian qua với hoạt động phong phú, đa dạng cho thấy nhu cầu kết nối của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Đối với việc di dời các nhà máy cũ ra khỏi nội đô, Hà Nội sẽ xem xét, đánh giá và có kế hoạch phù hợp để đảm bảo môi trường và dành quỹ đất cho không gian chung, trên tinh thần khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển ngành CNVH Thủ đô, từng bước thực hiện cam kết với UNESCO là đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của khu vực và thế giới. |
Bài: Thái Sơn
|