Sự vào cuộc tích cực của Quốc hội với những vấn đề “nóng” của đời sống kinh tế - xã hội đất nước đã tạo hiệu ứng lan tỏa. Cùng cả hệ thống chính trị, Hà Nội tích cực vào cuộc để biến những quyết sách thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân Thủ đô.
Ngày 7/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Thành ủy Hà Nội trong giải quyết một vấn đề cấp bách đang đặt ra; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Trước đó, Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh: Dư luận bức xúc, lo lắng trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm… Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU được phổ biến và quán triệt đến từng chi bộ. Chỉ thị 24-CT/TU nêu 6 nhiệm vụ trong công tác cán bộ, trong đó có nội dung nhiệm vụ xác định rõ chế tài kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo tinh thần Chỉ thị.
Cụ thể, thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị TP. Thứ hai, yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.
Thứ ba, rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành của Trung ương và thành phố. Thứ tư, về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ năm, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Thứ sáu, phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; Đưa kết quả thực hiện Chỉ thị này thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương…
Cùng với việc ban hành Chỉ thị này, còn có văn bản Phụ lục kèm theo gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP bao gồm 12 biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật; 9 biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; 4 biểu hiện về trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Qua đó, cung cấp cách nhận biết về biểu hiện vi phạm để cán bộ, công chức “tự soi, tự sửa”, tự rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Là địa phương đầu tiên của TP tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU tới cán bộ chủ chốt của huyện và các xã thị trấn, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, việc nhanh chóng triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU giúp cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện thấy được tính chất quan trọng của việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thay đổi thích ứng với thực tiễn công việc trong tình hình mới.
Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh, Chỉ thị số 24-CT/TU như “liều thuốc kháng sinh” trị bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ va chạm… dẫn đến chất lượng công việc không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của huyện. Căn cứ theo Chỉ thị, huyện sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu; Không chủ động, thiếu sáng tạo, dẫn đến kém hiệu quả trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
“Với tinh thần trên, huyện yêu cầu mỗi lãnh đạo, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn phải xây dựng cho mình một chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chỉ thị theo quy chế hoạt động và chức trách, nhiệm vụ được giao” - ông Lê Trung Kiên chia sẻ.
Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh |
Cho biết về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ thêm, trên cơ sở gợi ý của Thành ủy về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc làm cơ sở để đối chiếu, kiểm điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế từ sớm, từ xa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc, UBND huyện yêu cầu các phòng ban, bộ phận chuyên môn trực thuộc khẩn trương xây dựng kế, hoạch thực hiện Chỉ thị.
Tinh thần chung là nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công việc; Kịp thời khen thưởng, bảo vệ cán bộ công chức, viên chức có sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. UBND huyện đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có nội dung 100% công việc của các phòng ban, UBND xã thị trấn trên địa bàn được giải quyết đúng hạn, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ.
Ngày 30/8/2023, gần 800 cán bộ chủ chốt quận Long Biên đã tham gia hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch của Quận ủy thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU. Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành 2 kế hoạch về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU trong Đảng bộ quận.
Bí thư Quận ủy Long Biên yêu cầu cấp ủy các cấp, tập thể lãnh đạo các đơn vị và nhất là cá nhân mỗi người lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quận phường phải thường xuyên rà soát, đối chiếu việc thực hiện chức trách được giao với gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong theo Chỉ thị.
Quán triệt các nội dung trong Chỉ thị số 24 cũng như Kế hoạch triển khai thực hiện của Quận ủy Tây Hồ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy nhấn mạnh, vừa qua, sau khi tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, quận Tây Hồ đã đạt được những kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Kết quả đạt được là nhờ sự đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung hướng tới giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, ngay sau khi tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã bàn và đề ra nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết những việc hạn chế, tồn đọng, trong đó có giải pháp bằng việc triển khai đảm nhận chỉ đạo giải quyết việc mới, việc khó. Năm ngoái được triển khai đến các đồng chí quận ủy viên, đến nay đã được triển khai đến từng đảng viên thông qua việc thực hiện “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng viên 4 tốt”.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ, Chỉ thị 24 được Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy xác định là “luồng gió” mới trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu, cần phải xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, làm sao để giao đúng người, đúng việc, phát huy hết khả năng và khơi dậy được khát vọng cống hiến của từng cán bộ, đảng viên. Cần phải xem xét lại việc đánh giá cán bộ hằng tháng, mặc dù đã có ba-rem điểm rõ ràng nhưng thực tế cho thấy còn chưa sát với từng cán bộ, có biểu hiện chung chung, nể nang, dĩ hòa vi quý.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, phải đánh giá đúng, trúng để cán bộ tốt tiếp tục phát huy, cán bộ yếu phải nỗ lực vươn lên. Không thể để xảy ra tình trạng trong đánh giá hằng tháng, tập thể đơn vị chưa hoàn thành công việc, tiến độ giải quyết chậm nhưng 100% cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Người lãnh đạo phải đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, lãnh đạo, điều hành với kế hoạch rõ ràng từng tháng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, giải quyết những tồn đọng, bức xúc kéo dài trong nhân dân. Cán bộ, đảng viên khi đã đăng ký việc mới, việc khó phải khắc cốt ghi tâm, đau đáu thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện của đảng viên, thường xuyên rà soát để không bị ùn việc, ngưng trệ; Tiến tới phải xử lý kỷ luật những cán bộ có biểu hiện trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, hiện nay, hằng tuần, Thường trực Quận uỷ lắng nghe UBND quận báo cáo việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Trong tháng 11/2023, phải cơ bản hoàn thành việc xử lý các vi phạm. Tới đây, khi chính quyền quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, khai thác Hồ Tây, điều này đặt ra vấn đề “không còn là câu chuyện làm được đến đâu thì làm”, mà phải làm với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa. Theo đó, Quận ủy sẽ quyết tâm kịp thời thay thế người đứng đầu nếu để địa phương, đơn vị phát triển không đúng tầm với vị thế.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU phải đạt được yêu cầu “siết chặt được kỷ luật, kỷ cương, nâng cao được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức; công việc phải chạy, phải tốt, dân phải được nhờ”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các nội dung của Chỉ thị và nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống đạt hiệu quả, chất lượng; Là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, chỉ thị cần được các cấp, ngành xác định rõ vị trí, tầm quan trọng, phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, đầu tư “trí, lực” và quyết tâm chính trị tương xứng, thể hiện quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo UBND TP Hà Nội, để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, thành phố đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với kế hoạch giải ngân cả năm đạt trên 95%, chỉ đạo các đơn vị có giải pháp để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân từ những ngày đầu năm.
Về kế hoạch đầu tư công năm 2023, đối với kế hoạch Trung ương giao, Thủ tướng Chính phủ đã giao Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho Hà Nội là trên 46.956 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương là trên 4.847tỷ đồng.
Kế hoạch thành phố giao là trên 53.105 tỷ đồng (bao gồm số bổ sung 6.159 tỷ đồng từ nguồn thu sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn và cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp). Trong đó, kế hoạch đầu tư ngân sách cấp thành phố là trên 32.285 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư ngân sách cấp huyện là trên 19.919 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Anh Quân |
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Anh Quân, tỷ lệ giải ngân của thành phố trong các tháng vừa qua đều cao hơn trung bình của cả nước. Đồng thời, lũy kế giải ngân đến ngày 20/9/2023, đạt 50% kế hoạch trung ương giao, cao hơn so với lũy kế giải ngân ngày 30/9/2022 của thành phố, xấp xỉ ước lũy kế giải ngân trung bình của cả nước đến hết tháng 9/2023 (51,3%).
Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thành phố yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất. Trong đó cần xác định rõ tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu, đấu giá của từng vị trí các khu đất, từng quận, huyện, thị xã để báo cáo UBND TP tổ chức buổi làm việc chuyên đề.
Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án. Đối với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt trong điều kiện được Thành ủy phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ và giao làm chủ đầu tư nhiều dự án cấp thành phố. Chỉ đạo các phòng chuyên môn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án để sớm khởi công, đảm bảo đủ thời gian thi công để tích lũy khối lượng thực hiện, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đã giao.
Nêu 4 khó khăn chính đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, Giám đốc Lê Anh Quân cho biết: Hiện có 293 dự án có khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), gồm 99 dự án ngân sách cấp thành phố; 47 dự án ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện và 147 dự án ngân sách cấp huyện.
332 dự án ngân sách cấp huyện cũng đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư do khó khăn về đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất...
Ngoài ra, còn một số dự án có khó khăn về vướng mắc khác như công tác tái định cư, thanh lý tài sản, điều chỉnh dự án... 160 dự án cấp thành phố được phê chủ trương đầu tư, chưa phê dự án, tập trung vào một số lĩnh vực: giao thông (39 dự án); thủy lợi (26 dự án); y tế (17 dự án)…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công là nội dung Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội rất quan tâm. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay. Với kết quả hiện nay, để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương...
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, cứ mỗi 1% không giải ngân được, thành phố phải chuyển nguồn sang năm tiếp theo khoảng 500 tỷ đồng; 10% không giải ngân được, “mất” 5.000 tỷ đồng. Các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa để giải ngân đạt mức cao nhất. Đồng thời lưu ý các địa phương giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán để quyết toán xong các dự án để có cơ sở tiếp tục bố trí vốn đầu tư công cho năm tiếp theo.
Theo lãnh đạo một số đơn vị của Hà Nội, để có được kết quả giải ngân cao, các quận, huyện phải có kế hoạch ngay từ đầu năm, phân công, giao chỉ tiêu theo từng tháng kết hợp với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành... Trong đó phải chú ý nâng cao chất lượng từ khâu lập, duyệt kế hoạch.
Tại Hội nghị Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội giao ban quý III/2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Ủy viên Trung ương Đảng diễn ra ngày 21/9, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, để tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 các cấp, các ngành thành phố thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đảng đoàn HĐND TP Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố; giám sát việc triển khai các dự án, công trình, nhất là các công trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, tiến độ hoàn thành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được HĐND TP thông qua.
Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị của thành phố cần tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được thành phố phân cấp, ủy quyền và thực hiện các dự án đã được giao làm chủ đầu tư. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý của quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các khó khăn về GPMB; xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp để tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ của thành phố và địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến |
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn, lĩnh vực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và hỗ trợ các quận, huyện, thị xã trong việc thúc đẩy giải quyết nhanh hồ sơ dự án đầu tư đang tồn đọng tại các sở, ban, ngành của thành phố.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội.
Theo đó, 2 Đoàn giám sát của HĐND TP sẽ thực hiện giám sát theo hình thức qua báo cáo và giám sát trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị là đối tượng được giám sát. Thời gian tiến hành giám sát trong tháng 10 và tháng 11/2023 (từ ngày 16/10-10/11).
Nội dung giám sát về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội. Thời điểm báo cáo tính từ 1/1/2021 đến ngày 30/9/2023, trong đó tập trung làm rõ kết quả thực hiện: Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp TP; Việc triển khai các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội; Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp huyện.
Việc giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội, trong đó tập trung vào các bước trình lập và điều chỉnh kế hoạch, triển khai kế hoạch, thực quy hiện kế hoạch; Làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trọng quá trình thực hiện; Tổng hợp, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác điều hành thực hiện kế hoạch và thực hiện các mục tiêu phát triển của TP Hà Nội trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, đối tượng giám sát là các Sở, ngành, ban quản lý dự án chuyên ngành của TP; UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, các cá nhân có liên quan của TP. Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đối tượng giám sát báo cáo bằng văn bản theo Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát và gửi về Đoàn giám sát (qua Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP) chậm nhất trước ngày 12/10/2023.
Trong quá trình thực hiện, Đoàn giám sát tổ chức khảo sát thực tế tại một số công trình, dự án. Các cơ quan, đơn vị được giám sát, khảo sát trực tiếp do Đoàn giám sát lựa chọn, báo cáo Thường trực HĐND TP có thông báo cụ thể.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của thành phố, sự chủ động, sáng tạo trong công tác giám sát của HĐND, tin rằng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, "an cư lạc nghiệp", UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…
Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.
Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, TP Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.
Dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp vành đai 3, đường Giải Phóng, gần nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn.
Trước đó, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa, nhưng chưa được thực hiện. Đầu năm 2023, TP Hà Nội đã chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.
Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội, việc chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải trải qua rất nhiều thủ tục, cho nên thời gian dự kiến hoàn thiện chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là vào năm 2025.
Một tin vui khác đến với những người thu nhập thấp sống có nhu cầu cải thiện chỗ ở là mới đây, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP. Hà Nội đang thực hiện rất quyết liệt và sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, TP Hà Nội mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công xây dựng một số khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Cuối tháng 8/2023, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND phê duyệt danh mục cập nhật các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1).
Theo quyết định, UBND TP sẽ cập nhật 122 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với 122 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, các dự án này dự kiến cung cấp khoảng 25.139.755m2 sàn nhà ở, khoảng 91.322 căn (gồm 11.612 căn hộ chung cư; 1.824 căn thấp tầng). Trong đó, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3.540.743m2 sàn và hoàn thành sau năm 2025 là khoảng 18.806.974m2 sàn.
Bên cạnh đó, 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bao gồm: Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh).
Dự án khu nhà ở Minh Đức (phần nhà ở xã hội tại ô đất CT) tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh); Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh (huyện Đông Anh); Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Đức Thượng tại thôn Phú Đa (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); Khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm); Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Tây Tựu tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).
Các dự án này dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 8.114 tỷ đồng; Cung cấp khoảng 485.120m2 sàn nhà ở, tương ứng 5.572 căn hộ.
TP Hà Nội cũng cập nhật 1 dự án đầu tư xây dựng mới và 7 dự án đang rà soát theo chỉ đạo của Thành ủy vào kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 3348/UBND-TH về triển khai thực hiện Nghị quyết số 164/NQ-CP, ngày 14/10/2023 của Chính phủ.
Theo đó, UBND thành phố giao các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, kết quả thực hiện trong 9 tháng; Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023.
Các đơn vị, địa phương triển khai tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công và chỉ tiêu biên chế năm 2024; Rà soát, tính toán chỉ tiêu sử dụng đất bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đưa vào kế hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm phê duyệt trong tháng 10/2023.
Thành phố chỉ đạo các đơn vị tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án bất động sản, nhà ở, nhất là các dự án nhà ở có mức giá phù hợp cho người lao động; Thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
UBND thành phố cũng chỉ đạo tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn; Giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, yêu cầu khôi phục đúng quy hoạch.
Các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số quốc gia; Thường xuyên quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội; Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động, kịp thời ứng phó, kiểm soát và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao; Theo dõi, nắm bắt tình hình và có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động; Chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống…
Sự đổi mới tích cực của Quốc hội đã tạo sức lan tỏa lớn trong cả hệ thống chính trị mang lại nhiều kết quả tốt. Chắc chắn, với quyết tâm của mình, Quốc hội sẽ ngày càng phát triển xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân.
Nội dung: Mai Anh Trình bày: Nguyễn Anh |