eMag azine
05/10/2023 07:00
Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

05/10/2023 07:00

TTTĐ - Việc thực hiện chuyển đổi số ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Doanh nghiệp

Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Việc thực hiện chuyển đổi số ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Vì vậy, Hà Nội xác định bên cạnh yếu tố công nghệ, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, toàn diện và thiết thực…

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước, với sự tập trung của nhiều trường đại học lớn, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô với "hạt nhân" là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao của cả nước về công nghệ - kỹ thuật. Có thể nói Hà Nội là nơi tập trung tầng lớp "tinh hoa" trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - thông tin, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội thực hiện chuyển đổi số.

Hà Nội cũng là nôi của đổi mới sáng tạo, nôi của FINTECH, nôi của các hệ sinh thái công nghệ số với rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới sáng tạo với nguồn nhân lực cao. Hà Nội tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, đứng đầu cả nước về tiềm lực thiết kế và triển khai các công nghệ số.

Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên toàn TP Hà Nội

Hà Nội đã sẵn sàng với hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên toàn địa bàn tất cả các quận huyện, giúp cho các doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng truy cập vào các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số.

Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi nêu trên, Hà Nội cũng gặp một số khó khăn trong triển khai Chuyển đổi số đó là: Vốn đầu tư vào các hệ thống nền tảng của công nghệ số còn hạn chế; Hệ thống chính sách, hướng dẫn của bộ chủ quản về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, hoặc chưa phù hợp với một đô thị lớn như Hà Nội; Dân số lớn và địa bàn Hà Nội rộng là một thách thức cho việc triển khai các hệ thống nền tảng làm độ khó, độ phức tạp hệ thống cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Các dự án triển khai chuyển đổi số tại Hà Nội là các dự án lớn cần có phương pháp quản lý dự án khoa học mới đảm bảo thành công.

Nghị quyết 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định “thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động” là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu…

Đồng chí Đinh Tiến Dũng

Để đạt được mục tiêu này, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức… cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự đầu tư xứng tầm cho lĩnh vực này cũng đóng vai trò quan trọng.

Thành ủy Hà Nội xác định, chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Thành ủy yêu cầu các các cấp ủy, người đứng đầu các cấp ủy đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các hiệp hội ngành nghề trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh; Tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.

Người đứng đầu đóng vai trò quyết định

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số thì phải chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định.

Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số”.

Ông Phạm Tuấn Long

Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC) trong đó có chuyển đổi số, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/QU ngày 6/8/2021 về "tiếp tục đẩy mạnh CCHC, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị"; Thành lập Ban chỉ đạo chương trình, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn quận; Đặc biệt đề cao vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành.

UBND quận cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai công tác CCHC, năm 2023, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ của các đơn vị để tổ chức thực hiện. Đồng thời, công tác kiểm tra công vụ, duy trì kỷ luật kỷ cương hành chính các đơn vị cũng được quận triển khai ngay từ đầu năm 2023.

UBND quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung CCHC theo kế hoạch đã đề ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, UBND 18 phường thuộc quận đã chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước; Chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc, đeo thẻ công chức đúng quy định, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả hoạt động.

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian tới, Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nội bộ của UBND quận, phường; Triển khai sử dụng tốt phần mềm quản lý do thành phố cung cấp (Hệ thống quản lý văn bản điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo liên thông; Hệ thống tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị của công dân, tổ chức); Tiếp tục tổ chức thực hiện dự án số hóa tài liệu lưu trữ của UBND quận. Đặc biệt, quận tiếp tục duy trì sử dụng hệ thống ISO điện tử quận để quản lý các quy trình theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc quận…

Ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội
Ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội

Ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội, chia sẻ: “Người đứng đầu và cấp ủy đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện thành công chuyển đổi số của Hà Nội. Người đứng đầu và cấp ủy đảm bảo sự lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả trong suốt quá trình chuyển đổi số, là một quá trình liên tục, lâu dài, không điểm dừng.

Người đứng đầu và cấp ủy là cấp ra chính sách, ra thể chế, hình thành môi trường thân thiện với công nghệ và kinh tế số, bằng cách đưa ra các chính sách và quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số.

Việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp số, doanh nghiệp kỳ lân cho Hà Nội, tạo thêm nhiều nguồn lực tài chính là chức năng của người đứng đầu và cấp ủy; Hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, đồng thời tạo ra cơ hội và sự thúc đẩy để họ có thể tăng cường hoạt động kinh doanh của mình thông qua công nghệ và kinh tế số”.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thế

Ngay từ năm 2021, khi ban hành Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm khi thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường về chuyển đổi số là công tác quan trọng hàng đầu. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng được xác định là hạt nhân nhằm thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 545 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.396 thành viên thuộc 4 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh và Sóc Sơn.

Tổ công nghệ số cộng đồng

Tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), các thành viên trong tổ cơ động đến từng nhà, tiếp cận từng người để hỗ trợ, tư vấn về ý nghĩa, tiện ích của việc sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cao hiểu biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay. Nhờ đó, hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại phường được nâng cao rõ rệt.

Xác định là lực lượng xung kích đi đầu, hỗ trợ chính quyền và người dân trong các nội dung chuyển đổi số, tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Những hoạt động này góp phần nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Hiểu những lợi ích của ứng dụng VNeID mang lại nhưng bà Phạm Hương Giang (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) loay hoay không biết cách cài đặt, sử dụng ứng dụng như thế nào. May mắn bà được đoàn viên, thanh niên trong đội hình chuyển đổi số cộng đồng đến tận nơi hướng dẫn.

“Các bạn thanh niên hướng dẫn rất nhiệt tình, dễ hiểu. Tôi có đi làm thủ tục hành chính sẽ không còn lo lắng mang theo nhiều loại giấy tờ”, bà Giang hào hứng cho biết.

Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Trước đó, Quận đoàn Hoàng Mai đã chỉ đạo cơ sở thành lập tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng dân cư để hướng dẫn Nhân dân làm căn cước công dân gắn chip, kích hoạt mã định danh điện tử cá nhân. Nòng cốt là cán bộ, đoàn viên, thanh niên các phường và lực lượng công an. Họ trực tiếp đảm nhận các phần việc như: Hướng dẫn người dân cài ứng dụng định danh quốc gia (VneID); Nhập các thông tin cần thiết của công dân vào hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia…

Cùng với Hoàng Mai, tại quận Long Biên, đội hình hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng cũng làm việc hiệu quả. Với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà các bạn trẻ đã hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng định danh quốc gia. Đặc biệt, tại buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ đầu tiên của năm 2023, hơn 300 đoàn viên, thanh niên tại các cơ sở Đoàn đã tham gia hỗ trợ cài đặt, đăng ký thành công “Sổ tay đảng viên điện tử” cho đảng viên tại các chi bộ trên địa bàn quận.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã phân công đoàn viên đến tận nhà hỗ trợ cài đặt, đăng ký "Sổ tay đảng viên điện tử" cho các đảng viên vì lý do sức khỏe không dự sinh hoạt chi bộ được. Từ hoạt động này đã đóng góp vào thành tích chung của quận là gần 6.000 đảng viên đã đăng ký thành công “Sổ tay đảng viên điện tử”.

Theo đại diện Thành đoàn Hà Nội, Thủ đô là địa phương được giao làm điểm thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, Đoàn Thanh niên thành phố được giao là lực lượng xung kích đi đầu, hỗ trợ chính quyền và người dân trong các nội dung chuyển đổi số.

Xác định vai trò, trách nhiệm của mình, Thành đoàn Hà Nội đã giao Đoàn Thanh niên Công an thành phố là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện, phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp thành lập 579 đội hình chuyển đổi số cộng đồng, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Đăng ký định danh điện tử, cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử; Hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký, cài đặt mã QR.

Đặc biệt, xác định chủ đề Tháng Thanh niên năm 2023: “Tuổi trẻ Thủ đô tiên phong chuyển đổi số”, tổ chuyển đổi số cộng đồng hoạt động tích cực, được đánh giá là lực lượng nòng cốt góp phần đưa các địa phương cán đích về các chỉ tiêu chuyển đổi số.

Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Nhiều con số ấn tượng được xác lập: Vận động được hơn 9.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ cài đặt 64.992 lượt hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID và dịch vụ công (trong đó hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử mức 1: 14.948 lượt, mức 2: 25.465 lượt, hỗ trợ tiếp nhận 29.619 hồ sơ. Trong đó: 11.692 hồ sơ cấp, định danh điện tử, hỗ trợ tiếp nhận 4.700 hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công), đăng tải 193 đầu tài liệu hệ thống hóa lên kho dữ liệu Google drive, đăng tải hơn 500 bài tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hộ

6163 đoàn viên, thanh niên tham gia các đội hình tình nguyện; Hỗ trợ cài đặt tại các trường học, khu dân cư, điểm sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ các đảng viên lớn tuổi cài đặt Sổ tay Đảng viên điện tử. Tại các địa phương tiến hành thí điển như Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, tỉ lệ đảng viên cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử đạt từ 99-100%. Các địa phương khác phấn đấu hoàn thành trong tháng 4/2023.

Cần giải pháp tổng thể

Để đạt các mục tiêu năm 2025 thời gian không còn nhiều, Hà Nội cần tập trung nguồn lực (nhân lực, tài lực) cao độ để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TU và Quyết định 4098/QĐ-UBND.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh, tỷ lệ chi cho chuyển đổi số nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm so với mức trung bình của thế giới vào khoảng 2% - 3% (một số nước như Singapore, tỷ lệ này có thể lên đến 4%-5%). Do đó, để thực hiện thành công các mục đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU và Quyết định 4098/QĐ-UBND thì việc xây dựng phương án cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội cần được nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt theo từng lộ trình cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chuyển đổi số của Thủ đô.

Trong đó, Hà Nội cần nghiên cứu các phương án điều hòa, kết hợp giữa nguồn kinh phí từ Trung ương (theo các đề án, dự án chuyển đổi số của các bộ, ngành mà Thủ đô là đơn vị được thụ hưởng) với nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách Thủ đô; Thí điểm thực hiện các dự án/nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo hình thức PPP.

Đặc biệt, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội cần lưu ý vấn đề cho Thủ đô có chính sách riêng về huy động nguồn lực tài chính, phấn đấu mức chi cho Chuyển đổi số Hà Nội đạt 2% từ ngân sách.

Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Để chuyển đổi số thành công cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đặc biệt các lãnh đạo cao nhất của UBND thành phố. Mặc dù đã có Nghị quyết và Chương trình Chuyển đổi số được phê duyệt nhưng trong việc triển khai rất dễ bị sa lầy, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân; Cần tập trung trước mặt vào các dự án có thể mang lại nguồn thu tăng thêm cho ngân sách Thủ đô, trong đó bài học rất đáng quan tâm là đầu tư vào Hệ thống Dữ liệu mở. Đưa các phương pháp khoa học vào quản lý triển khai.

Chuyển đổi số rất cần lãnh đạo chỉ đạo sát sao và có tầm nhìn, cơ chế mở đường, dám nghĩ, dám làm, tránh trì trệ, tránh đùn đẩy trách nhiệm của cấp thi hành; Lãnh đạo tập trung quan tâm vào kết quả đầu ra, quản lý công việc theo KPI; Thực hiện chuyển đổi mới số là quá trình liên tục và không có điểm dừng, cần liên tục đánh giá và cập nhật các công nghệ mới, đồng thời đào tạo nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo; Cần kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn lực và kinh nghiệm chung tay, chung sức với Thủ đô, vì Thủ đô của cả nước.

Chúng ta cũng biết là Chính phủ Singapore đã đầu tư và tạo dựng chỗ đứng trên bốn mũi nhọn: Trí thông minh nhân tạo (AI), An ninh mạng, Thực tế ảo và Internet vạn vật. Chính phủ đảo quốc sư tử đã tiến hành chiến dịch "AI Singapore", đầu tư 150 triệu đô la Mỹ để phát triển và ứng dụng trí thông minh nhân tạo trên cả nước.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã ban hành chiến lược phát triển thành phố thông minh trên cơ sở 6 "trụ cột" chính gồm: Kinh tế thông minh (Smart Economy); Di chuyển thông minh (Smart Mobility); Môi trường và năng lượng thông minh (Smart Energy & Environment); Quản trị thông minh (Smart Governance); Con người thông minh (Smart People) và cuộc sống thông minh (Smart Living).

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng là một trong những thành phố tiên tiến và thành công trong việc chuyển đổi số. Seoul đã đầu tư mạnh vào việc cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ công qua mạng. Điều này giúp cho người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Seoul cũng áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain và Internet of Things (IoT) để cải thiện độ tin cậy và tính tiện lợi của các dịch vụ công.

Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương đồng trong khu vực, một số điểm Hà Nội cần lưu ý trong quá trình thực hiện chuyển đổi số như cần xây dựng một bản kế hoạch chi tiết của Hà Nội để làm cơ sở triển khai thực hiện chuyển đổi số (Hà Nội Digital Government Blueprint), kế hoạch được điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với điều kiện thực tế hàng năm. Cơ quan/đơn vị quản trị Bản Kế hoạch này là Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Giao tiếp điện tử của thành phố, địa phương, các ngành và mạng xã hội, thành phố khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp... Định kỳ hai năm một lần, thành phố tổ chức triển lãm quốc tế về công nghệ số để giới thiệu, xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối mạng lưới các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ số đến từ các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức; Các hoạt động hội thảo chuyên đề, kinh tế số, đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng mô hình doanh nghiệp mẫu về chuyển đổi số cũng được Thành phố tăng cường triển khai. Riêng với doanh nghiệp nhỏ và mới, thành phố hỗ trợ toàn phần tổng chi phí của một khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Người dân có thể dễ dàng thanh toán một bó rau hoặc một túi hoa quả chỉ bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại
Người dân có thể dễ dàng thanh toán một bó rau hoặc một túi hoa quả chỉ bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại

Ở cấp cơ sở, mỗi quận, huyện, thị xã đều lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số làm cơ sở nhân rộng ở địa phương.

Thành phố cũng cần xác định rõ thành phần "cốt lõi" trọng tâm cần thực hiện chuyển đổi số trước trong mỗi lĩnh vực (kinh tế số, chính phủ số, xã hội số) để nghiên cứu, đầu tư thực hiện một số dự án/nhiệm vụ. Các dự án/nhiệm vụ này đóng vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ lĩnh vực được đầu tư.

Tin tưởng rằng với quyết tâm trên Đảng, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô chắc chắn sẽ hoàn thành được các mục tiêu về chuyển đổi số, xây dựng thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; Trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Bài viết: Mai Anh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động Bài 2: Vận dụng sáng tạo trong công tác Đảng Bài 3: Đánh giá cán bộ bằng phần mềm tạo những chuyển biến tích cực, toàn diện Bài 4: Dần hình thành một nền hành chính không giấy tờ
Bài 5: Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

« Xem bài 4

Mai Anh