eMag azine
09/05/2023 12:20
Bài 5: Thấy gì từ những mô hình khai thác di sản trên thế giới?

09/05/2023 12:20

TTTĐ - Để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng vào hoàn thiện thể chế, pháp lý; Đào tạo nguồn nhân lực trẻ; Thiết kế nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời trao quyền cho cộng đồng địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững từ di sản.
Bài 5: Thấy gì từ những mô hình khai thác di sản trên thế giới?

Để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng vào hoàn thiện thể chế, pháp lý; Đào tạo nguồn nhân lực trẻ; Thiết kế nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời trao quyền cho cộng đồng địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững từ di sản.

Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý

Trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, điều kiện tiên quyết đặt ra là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực, trong đó có nguồn đầu tư công (ngân sách nhà nước) cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa. Ở nhiều quốc gia có ngành du lịch phát triển, đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Tại Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định về các lĩnh vực cần bảo tồn, được chia thành: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa dân gian, tài sản văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng và danh thắng tự nhiên, di sản văn hóa là quần thể kiến trúc.

Từ năm Minh Trị thứ 4 (1871), Thái Chính Cung đã chấp nhận đề nghị của Viện Đại học ban hành Chính sách bảo quản cổ vật. Đây là văn bản đầu tiên mang tính chất hành chính nhà nước, liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Năm 1888, Nhật Bản thành lập Cục Điều tra và Bảo tồn Bảo vật quốc gia lâm thời. Năm 1897, Nhật Bản tiến hành điều tra bảo vật quốc gia trên cả nước, kết quả cho thấy có 215.091 cổ vật bao gồm: Tư liệu cổ, tranh ảnh, điêu khắc, thư pháp, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Năm 1898, Chính phủ tiếp tục ban hành Luật Bảo tồn Di tích chùa chiền cổ.

Năm 1919, Luật Bảo tồn di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên được ban hành. Sau đó vào năm 1929, Luật Bảo tồn bảo vật quốc gia được thực hiện trên khắp Nhật Bản. Đây có thể coi là bộ luật bảo tồn di sản vô cùng quan trọng của Nhật Bản, là cơ sở để hoàn thiện bộ luật hoàn chỉnh vào năm 1950. Năm 1933, Luật Bảo tồn di sản liên quan đến nghệ thuật quan trọng được ban hành.

Những năm gần đây, để nâng cao hình ảnh Nhật Bản, chính phủ quốc gia này đã liên tục sửa đổi Đạo luật Bảo vệ tài sản văn hóa, ban hành Luật Quy hoạch thị trấn lịch sử; Ban hành luật Phát triển các điểm đến du lịch; Gia tăng ngân sách dành cho phát triển văn hóa và du lịch.

Năm 2013, Nhật Bản cũng cấp ngân sách 500 triệu USD cho Quỹ Cool Japan để giúp các công ty Nhật Bản bán sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, thúc đẩy hoạt động văn hóa và du lịch, như lựa chọn một số nhân vật làm đại sứ văn hóa và đại sứ du lịch như Pikachu, Chú mèo Hello Kitty. 2 biểu tượng này đã trở thành đại sứ du lịch thân thiện của Nhật Bản ở Hong Kong, Trung Quốc.

Bài 5: Thấy gì từ những mô hình khai thác di sản trên thế giới?
Với Luật Bảo tồn Di tích chùa chiền cổ, những ngôi chùa cổ ở Nhật Bản thường trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách tham quan

Tại Anh, thông qua chính sách “Cánh tay nối dài”, trong lĩnh vực di sản, Quỹ Di sản Xổ số Quốc gia (National Lottery Heritage Fund) và Quỹ Di sản Lưu niệm quốc gia (National Memorial Heritage National Fund) là hai cơ quan lớn nhất hỗ trợ các dự án liên quan đến di sản ở cấp độ quốc gia và địa phương của Vương quốc Anh.

Quỹ Di sản Xổ số Quốc gia được quản lí bởi Quỹ Di sản Lưu niệm quốc gia, nhận riêng tài trợ từ Chính phủ. Phạm vi công việc của các quỹ này là hỗ trợ tất cả những tổ chức làm việc liên quan đến di sản, bảo gồm các khu di tích lịch sử, công nghiệp và hàng hải, bảo tàng, thư viện và kho lưu trữ, công viên và vườn, cảnh quan và thiên nhiên. Giá trị của các tổ chức này là tập trung vào việc bảo vệ các di sản mà có thể đóng góp vào cuộc sống của người dân.

Quỹ Di sản Xổ số Quốc gia giúp tiếp cận được rất nhiều đối tượng tại Vương quốc Anh vì Quỹ tài trợ cho một chuỗi các dự án di sản vô cùng đa dạng. Hơn một phần ba kinh phí của Quỹ được dành cho việc bảo tồn các tòa nhà, và hơn một phần năm được đầu tư vào đất và đa dạng sinh học.

Trong bốn thập kỷ qua, Quỹ Di sản Lưu niệm Quốc gia đã lưu giữ hơn 1.200 vật thể và địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Vương quốc Anh, chẳng hạn như tàu chiến của vua Henry VIII, Mary Rose, Wentworth, Woodhouse, ngôi nhà đồng quê lớn nhất nước Anh và Flying Scotsman…

Bài 5: Thấy gì từ những mô hình khai thác di sản trên thế giới?

Quỹ Di sản Lưu niệm Quốc gia đã góp phần lưu giữ đoàn xe lửa hơi nước Flying Scotsman 100 năm tuổi ở Anh

Chú trọng đào tạo nhân lực trẻ

Tại Thái Lan, với tuổi đời hơn 2.000 năm, massage truyền thống Thái Lan (Nuad Thai) được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2019.

Để phương pháp trị liệu cổ truyền này không mai một, năm 1955, Bộ Giáo dục Thái Lan chính thức phê chuẩn Trường Chetawan trực thuộc ngôi chùa Wat Pho, chuyên đào tạo thực hành masage và y học cổ truyền Thái Lan. Tại đây có những kỹ thuật viên và giảng viên đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn nuôi dưỡng đam mê truyền dạy Nuad Thai cho thế hệ trẻ, điển hình như bà Sompit Pitasindha.

Đến nay, Trường Chetawan đã đào tạo ra hàng nghìn kỹ thuật viên massage bản địa cùng các học viên đến từ hàng trăm quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, massage Thái giờ đây trở thành trụ cột chính của ngành du lịch Thái Lan. Hàng chục nghìn lao động đã có việc làm trong lĩnh vực này, trong số đó rất nhiều người khuyết tật.

Năm 2019, doanh thu du lịch Thái Lan chiếm 62 tỷ USD, trong khi kinh doanh spa và massage kiếm được khoảng 900 triệu USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm đầy hứa hẹn là 8%. Viện Sức khỏe Toàn cầu đã ước tính, Thái Lan là điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe của hơn 12,5 triệu khách mỗi năm.

Khách du lịch đến Thái Lan thường thích trải nghiệm massage. Một giờ massage giãn lưng có thể chỉ tốn 5 USD (120.000 đồng). Ở các spa cao cấp thì khoảng 100 USD/giờ. Hiện tại, có hơn 8.600 cơ sở spa và massage trên khắp Thái Lan. Chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra chính sách thúc đẩy Thái Lan trở thành Thủ đô Spa của Châu Á.

Không chỉ tăng cường quảng bá cho khách du lịch, chính phủ Thái Lan rất chú trọng đưa massage Thái vào các sự kiện mang tính quốc tế. Điển hình như tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Thái Lan năm 2022, Nuad Thai cũng được đưa vào trung tâm báo chí phục vụ hàng nghìn phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp tại hội nghị.

Bài 5: Thấy gì từ những mô hình khai thác di sản trên thế giới?

Huy động cộng đồng vào cuộc

Tại Mexico, ẩm thực với lịch sử 10.000 năm đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2010.

Theo nhà báo Elena Fernández, “di sản văn hóa phi vật thể ẩm thực Mexico, ẩm thực vùng và địa phương đã trở thành một trong những điểm thu hút mạnh mẽ nhất đối với du lịch trong và ngoài nước”. Ngành ẩm thực Mexico tạo 1,7 triệu việc làm trực tiếp và 3,8 triệu việc làm gián tiếp, cũng như đem lại lợi ích kinh tế cho hàng nghìn gia đình Mexico; Đóng góp cho nền kinh tế Mexico 10 tỷ mỗi năm.

Để phát huy thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể này, chính phủ Mexico đã công nhận nhiều điểm đến ẩm thực như: bang Oaxaca, Puebla hoặc Yucatan, Nayarit, Colima, Chiapas và Thành phố Mexico… đồng thời, đưa ra một loạt "tuyến ẩm thực" như tuyến đường “Nghìn hương vị” ở Tlaxcala, Puebla và Oaxaca; Chương trình “Con đường của Don Vasco” với sự tham gia của 15 đô thị và 40 làng...

Gần đây, tại bang Michoacán, chương trình “Đầu bếp truyền thống của Michoacán”, với nhiều sự kiện về ẩm thực được tổ chức thường xuyên nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn về nền ẩm thực phong phú và đa dạng của bang Michoacán. Du khách sẽ được tìm hiểu về hoạt động nông nghiệp, nghi lễ, kiến thức lịch sử, kỹ thuật nấu nướng, phong tục và cách ứng xử của cộng đồng tổ tiên của người dân bản địa.

Bang Michoacán cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển khách sạn và nhà hàng có hướng đi bền vững. Sáng kiến chương trình câu lạc bộ chất lượng: “Kho báu của Michoacán” là một điển hình. Chương trình này có sự tham gia của các chủ khách sạn, nhà hàng nằm trong các khu vực có di sản văn hóa; Mục đích quản lý và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn chất lượng đã đề ra.

Bài 5: Thấy gì từ những mô hình khai thác di sản trên thế giới?
Văn hóa ẩm thực Mexico được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2010

Tại Tecomatlán, bang Puebla, hội chợ ẩm thực cũng thường xuyên được tổ chức. Thị trấn trưởng Araceli Carrión chia sẻ về hội chợ ẩm thực Tecomatlán 2023 hồi tháng 3 vừa qua: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là bảo lưu được giá trị ẩm thực truyền thống của địa phương từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có nhiều người cao tuổi tham gia cuộc thi, tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ đang học cách chế biến những món ăn này không thua kém các vị tiền bối. Điều này nghĩa là chúng tôi đang lưu giữ được nét đặc sắc của các món ăn truyền thống".

Theo ông Sara Yolanda Reyes Hernández, thành viên Ủy ban Hội chợ Tecomatlán, đó chính là nỗ lực của từng người dân, từng cửa hàng cung cấp thực phẩm, khách sạn và chính quyền trong việc giữ lại nét văn hóa ẩm thực đa dạng, giàu bản sắc của Mexico.

kinh nghiệm nào cho việt nam?

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, nhìn từ các nước trên thế giới, có thể thấy, tầm quan trọng của chính phủ trong việc hoàn thiện Luật Di sản, ban hành chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình dẫn dắt phù hợp để định vị hướng đi đúng đắn trong bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch.

“Chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa. Thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến, lựa chọn nhân vật, biểu tượng trở thành đại sứ văn hóa và đại sứ du lịch nhằm đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới” - TS Nguyễn Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, độc đáo và đa dạng dựa trên các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm thú vị.

Đặc biệt, chúng ta phải phát huy vai trò của cộng đồng. Mỗi người dân đều phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc khôi phục, bảo vệ di sản, phát triển du lịch. Trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn hiện nay.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

Cần bàn tay, khối óc của người trẻ

Thời gian qua, các cấp Đoàn, Hội, Đội đã tổ chức nhiều hoạt động để bạn trẻ tham gia bảo tồn di sản văn hóa, thông qua hoạt động tu sửa, tôn tạo, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương, chỉnh trang khuôn viên, tượng đài các anh hùng liệt sĩ, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Để tăng cường tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử trên không gian mạng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng bản đồ số các di tích lịch sử của Đoàn và thanh niên; Nhiều cấp bộ Đoàn cũng đang số hóa di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn.

Những mô hình hiệu quả như; Dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong các liên đội và cấp THPT; CLB Văn hóa trẻ, Tôi yêu Hà Nội hay các cá nhân như Phạm Thị Thủy Tiên, người kể chuyện lịch sử qua từng nét vẽ, YouTuber Quang Linh Vlog lan tỏa văn hóa Việt tại Châu Phi… đang chứng tỏ vai trò của bạn trẻ Việt Nam trong vấn đề lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Vì thế, bảo tồn, phát huy giá trị di sản để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa rất cần bàn tay, khối óc của người trẻ.

Thực hiện: Thanh Thắng

<< Xem bài 4

Bài viết liên quan:

Bài 1: "Biến" di sản thành "tài sản" Bài 2: Để di sản "sống khỏe"... Bài 3: Những người "thắp lửa" cho di sản văn hóa Bài 4: Chuyên gia hiến kế "khai phá" di sản

Thanh Thắng