![]() |
Ai trong chúng ta cũng thuộc làu câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ” với lời đúc kết rằng chậm mà chắc thì sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua. Nhưng liệu điều đó có đúng hay không trong cái thế giới truyền thông kỹ thuật số sống dựa vào quảng cáo hiện nay, khi mà tốc độ vẫn là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan báo chí? Nhiều tờ báo hiểu rằng họ không thể chạy đua được với mạng xã hội, nhưng họ vẫn sống chết thúc cho tin bài thật nhanh, để rồi không ít lần phải trả giá vì thông tin không chính xác, và sau nhiều lần như thế thì cái giá đánh đổi thậm chí là sự suy giảm niềm tin của độc giả.
Thực ra đã làm báo thì ai cũng muốn thông tin của mình đến với độc giả sớm nhất. “Be the first to know” (người đầu tiên biết tin) không chỉ là câu slogan “thần thánh” một thời của kênh truyền hình tin tức nổi tiếng CNN mà cũng là kim chỉ nam của nhiều cơ quan báo chí khác.
Tuy nhiên, trên thế giới đang nổi lên một khái niệm mới là “báo chí chậm” (slow journalism) với sự xuất hiện của nhiều startup mà khẩu hiệu của họ là “chậm lại, thông minh lên” hay “chúng tôi ưu tiên kiến thức hơn tốc độ.” Những đơn vị xuất bản digital này đặt cược vào hai xu thế lớn hiện nay: 1/ nhu cầu ngày càng tăng nhằm tránh tình trạng được gọi là “sự tiêu dùng nội dung thái quá,” “quá tải thông tin,” và “tin tức quá ồn ào” để quay sang sản xuất loại nội dung “có chừng mực hơn,” “có thể quản lý được,” và “tiêu hóa được”; 2/ nhiều cơ quan báo chí rất giỏi đưa tin tức về chuyện gì vừa xảy ra nhưng lại không thạo lắm khi giải thích các diễn biến có ý nghĩa.
Theo Báo cáo về tình hình báo chí kỹ thuật số năm 2019 của Viện Nghiên cứu Reuters, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng tin tức “cảm thấy kiệt sức với lượng tin tức hiện nay.” Thậm chí có cả một từ viết tắt để nói tới mong muốn ngày càng thịnh hành về việc chấm dứt dòng chảy bất tận những trạng thái trên mạng xã hội hay các tin tức dồn dập: JOMO, viết tắt của “joy of missing out” (niềm vui khi bỏ lỡ).
Xuất phát từ sự thất vọng của công chúng đối với chất lượng của báo chí chính thống, trào lưu báo chí chậm nổi lên vào khoảng năm 2011 với sự ra đời của tạp chí in Delayed Gratification ra mỗi quý tại Anh. Cùng với sự hiện diện của hơn một chục ấn phẩm mới sau đó, có thể nhận thấy sự phát triển của xu hướng tiêu dùng thông tin đòi hỏi một kiểu báo chí không quá chú trọng vào tốc độ.
Câu hỏi giờ đây là: Liệu báo chí chậm có thể là một lựa chọn khác cho độc giả trước sự mệt mỏi về tin tức, hay nó là tình trạng né tránh tin tức? Và liệu các startup về truyền thông có thể tranh thủ sự tỉnh ngộ của người tiêu dùng tin tức để mang lại cho họ thứ nội dung mà họ sẵn sàng trả tiền?
"Chậm lại, thông minh lên"
Theo tác giả Benjamin Bathke trong một bài viết trên trang NiemanLab, một trong những điểm mấu chốt của báo chí chậm là mang lại cho độc giả cơ hội tiêu dùng toàn bộ thông tin trước khi những nội dung khác đổ tới. Đó là lý do tại sao các thành viên của Tortoise Media (Anh) chỉ tiếp nhận 5 bài mỗi ngày trên “dòng tin chậm” (slow newsfeed), như cách gọi của nhà đồng sáng lập kiêm chủ bút Katie Vanneck-Smith. Ra mắt bản beta vào ngày 14/1 năm nay, công ty có trụ sở ở London này mới chính thức hoạt động vào tháng 4.
“[Tortoise] là thuốc giải độc cho dòng news feed bất tận,” bà Vanneck-Smith, cựu chủ tịch Dow Jones, nhấn mạnh. “Chúng tôi cam kết [mang lại cho độc giả của mình] những gì phù hợp cho cuộc sống của họ, những gì họ có thể đọc hết từ đầu đến cuối, đó là chất lượng, là sự thâm trầm sâu sắc mà họ có thể là một phần trong đó.”
Vanneck-Smith đồng sáng lập Tortoise với James Harding, cựu giám đốc BBC News, và Matthew Barzun, cựu đại sứ Mỹ tại Anh. Trong thời gian gây quỹ kéo dài 1 tháng trên Kickstarter hồi mùa Thu năm ngoái, họ đã huy động được gần 700.000 USD, chưa kể một khoản không được tiết lộ từ nhóm 8 nhà đầu tư tư nhân - đủ để xây dựng “một mô hình báo chí bền vững” trong vòng 3 năm, theo lời Vanneck-Smith.
Với mức phí mỗi năm là 250 bảng Anh (gần 315 USD), các thành viên sẽ nhận được bản tin digital hằng ngày sau bức tường thu phí thông qua ứng dụng mobile Tortoise, email, hoặc chuyên mục dành cho thành viên trên website vào 11 giờ sáng giờ London (6 giờ sáng theo giờ New York), tham gia các cuộc họp về nội dung nhằm tiếp nhận ý kiến của các thành viên với tên gọi “ThinkIns,” và cuốn tạp chí in hằng quý với các “bài chuyên sâu” được gửi cho các thành viên qua bưu điện.
Toàn bộ nội dung tập trung vào 5 lĩnh vực chủ đạo: công nghệ, tài chính, nguồn lực tự nhiên, bản sắc và sự trường thọ. Giống như tuyên ngôn của Tortoise, nhà đồng sáng lập Harding mô tả các chủ đề này là “năm lực lượng thay đổi cuộc sống của chúng ta và thúc đẩy tin tức,” đồng thời cho hay Tortoise sẽ đi sâu vào 5 lực lượng này dựa trên “tác động của chúng đến phẩm giá” và “liệu các nhà lãnh đạo có đang thực thi chức trách của mình một cách hiệu quả hay không.”
Tortoise có 40 nhân viên và hơn 5.000 thành viên sáng lập. Tuy phí thường niên là nguồn thu nhập chính, nhưng theo lời Vanneck-Smith, mô hình kinh doanh của Tortoise sẽ phụ thuộc vào hai nguồn thu bổ sung: nghiên cứu dữ liệu (“Tortoise Intelligence”), và các thỏa thuận hợp tác thương mại với “10 nhãn hiệu gắn liền với mọi sản phẩm và khung nội dung của Tortoise,” ví như các cuộc hội nghị ThinkIns tương tự như hình mẫu TED Talks.
Trụ cột thứ hai trong đặc tính báo chí chậm của Tortoise – bên cạnh việc đối phó với vấn đề “tin tức đã trở nên quá ồn ào” – là việc vượt qua điều mà những người sáng lập gọi là “khoảng trống quyền lực” khi trao cho các thành viên một vị trí ngồi bên bàn theo đúng nghĩa đen trong các sự kiện trực tiếp.
“[ThinkIns] là một hệ thống lắng nghe có tổ chức để nắm bắt những trải nghiệm và quan điểm của các
thành viên nhằm đưa vào quá trình tư duy của chúng tôi và cung cấp đầy đủ thông tin hơn,” Vanneck-Smith nói. Tới nay, Tortoise đã tổ chức khoảng 50 cuộc ThinkIns ở trong và ngoài tòa soạn, với số lượng tham gia từ 35 đến 90 người và bàn đủ các chủ đề từ nhập cư cho đến thuế và năng lượng hạt nhân.
Mặc dù lời cam kết “chậm lại, thông minh lên” là trung tâm kế hoạch định vị giá trị của Tortoise và cũng là sức hấp dẫn lớn nhất khiến nhiều người sẵn sàng trả phí, nhưng theo lời bà Vanneck-Smith, nó chỉ là một mảnh ghép trong cả một chiến lược lâu dài, nhất là để giữ chân độc giả. “Chúng ta có thể tạo ra một mô hình thu phí tuyệt vời hoặc một cơ chế thành viên lấy báo chí chậm làm trung tâm. Nhưng rốt cục, điều khiến độc giả ở lại với chúng ta chính là chất lượng và ảnh hưởng từ các tác phẩm báo chí,” bà nhấn mạnh và dẫn ví dụ về những tờ tuần báo danh tiếng của Anh như The Economist và The Week.
Nhà đồng sáng lập kiêm chủ bút Katie Vanneck-Smith và giao diện trang tortoisemedia.com
Tất nhiên có những hạn chế đối với cách tiếp cận này, chẳng hạn như số lượng độc giả trả tiền chắc chắn chỉ dừng ở mức độ nhất định, và số lượng bài viết chỉ ở mức tối thiểu. Nhưng bà Vanneck-Smith nói số người đọc các bài viết của Tortoise cao gấp 10 lần số người trả phí vì các độc giả và các biên tập viên chia sẻ đường dẫn. “Việc này cũng giúp tăng số thành viên,” bà nói thêm.
Ưu tiên kiến thức hơn tốc độ
“Tốc độ” xuất bản của báo điện tử Zetland có trụ sở ở Copenhagen còn “rùa” hơn so với tần suất ra hằng ngày của Tortoise. Chỉ hai bài trung bình được gửi đến hộp thư điện tử của các thành viên, vào lúc 5 giờ sáng giờ Đan Mạch mỗi ngày trong tuần, trừ thứ Bảy và Chủ Nhật. Tại Zetland, việc mang lại cho độc giả cơ hội đọc hết nội dung trong ngày được gọi là “tính năng hoàn tất.” Theo cách đó, các thành viên “không cảm thấy sự cấp bách phải truy cập website Zetland để tìm thông tin mới,” nhà đồng sáng lập kiêm tổng biên tập Lea Korsgaard nhấn mạnh.
“Vấn đề lớn nhất đối với những người đến với Zetland là trước đó họ phải chịu cái cảm giác bị bỏ bom dồn dập với đủ loại tin tức và không thể tìm được những nội dung báo chí chuyên sâu đáng để họ dành thời gian đọc,” Korsgaard nói. “Lên news feed thì bạn không thấy điểm dừng, nhưng bạn có thể dừng lại với Zetland, và đó chính là điều tuyệt vời bởi vì bạn có thể thốt lên ‘OK, vậy là xong bài học của ngày hôm nay, giờ thì tôi có thể vui chơi dưới ánh nắng mặt trời, trò chuyện với một người bạn.’”
Tương tự như Tortoise, 35% số người đăng ký trả tiền của Zetland khẳng định rằng “số lượng bài viết vừa phải” là nguyên nhân chính hoặc một trong những nguyên nhân chính để họ chấp nhận móc hầu bao.
Cam kết với các thành viên về việc giúp họ hiểu hơn thế giới xung quanh cũng như hướng đi sắp tới là điểm nhấn cốt lõi của báo chí chậm, và Zetland cũng không phải ngoại lệ: Những bài viết của họ nhằm điều chỉnh “những hiểu biết sai lầm dường như đang lan rộng,” chú trọng đến “những xu hướng chưa được đưa tin đầy đủ hoặc quay trở lại những chủ đề “từng chi phối các mặt báo nhưng nay đã biến mất.”
“Công việc của nhà báo là phân tích và tổng hợp thông tin, chứ không phải là đi từ thông tin A tới thông tin B thật nhanh,” Korsgaard nhấn mạnh. Vì thế, không ngạc nhiên khi khẩu hiệu của Zetland là “Chúng tôi ưu tiên kiến thức hơn tốc độ.”
Với khoản tiền 129 kroner (gần 20 USD) mỗi tháng hoặc 1.288 kroner (gần 200 USD) mỗi năm, các thành viên nhận được khoảng 2 bài chuyên sâu về chính trị, xã hội hoặc văn hóa vào mỗi ngày trong tuần, cùng với một newsletter về những thông tin quan trọng nhất trong ngày cùng một bản tin âm thanh (podcast), tập trung vào câu chuyện nổi bật nhất trong ngày hôm đó.
Tuy chưa có lãi nhưng Zetland đã thu hút được khoảng 10.000 độc giả trả phí, và đã huy động được “khoản tiền triệu đô” chưa được tiết lộ kể từ khi ra mắt vào năm 2012, trong đó có khoản huy động 82.661 USD từ cộng đồng, và theo lời nhà đồng sáng lập kiêm CEO Jakob Moll thì dự kiến sẽ hòa vốn trong năm nay.
Mỗi bài viết còn được xuất bản dưới dạng âm thanh, với một đoạn giới thiệu ngắn của chính tác giả tóm lược nội dung câu chuyện, trước khi đọc toàn bộ bài viết đó.
Zetland, hiện có khoảng 25 nhà báo, cũng xuất bản phiên bản âm thanh của bản tin hằng ngày, tổng hợp các câu chuyện từ các cơ quan báo chí khác, dựa theo yêu cầu của các thành viên. Giống như Tortoise, Zetland cũng tổ chức các sự kiện trực tuyến, với thiết kế trang nhã, không có quảng cáo, cũng không gắn kèm đường link hay thông báo.
Mỗi bài viết trên Zetland được xuất bản dưới dạng âm thanh, với một đoạn giới thiệu ngắn của chính tác giả tóm lược nội dung câu chuyện, trước khi đọc toàn bộ bài viết đó.
Khác với nhà sáng lập Vanneck-Smith của Tortoise, CEO Moll cho rằng nội dung ít ỏi của Zetland là một khó khăn. “Xuất bản quá ít bài đặt chúng tôi vào vị thế khá mong manh, cho dù việc này khiến chúng tôi phải lựa chọn rất kỹ càng xem nên nói về vấn đề gì và nói như thế nào,” Moll nói. “Từng câu chuyện phải đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả và phải có chất lượng rất cao như đúng cam kết của chúng tôi.”
“Có những sự kiện hay câu chuyện quan trọng nhưng chúng tôi không đưa tin, vì chúng tôi thấy rằng phải tập trung vào những việc khác,” ông giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên cũng “sử dụng các nguồn tin khác.” Hơn nữa, thị trường của Zetland nhỏ hơn so với Tortoise: Cả thế giới có chưa đầy 6 triệu người nói tiếng Đan Mạch.
Cố gắng “khớp với một ngày của độc giả”
Không chỉ có các ấn phẩm mới giúp độc giả né tránh sự ồn ào của tin tức. Chẳng hạn hồi năm ngoái, New York Times ra mắt “Your Feed,” cho phép người dùng theo dõi những chủ đề và nhà báo nhất định. “Người dùng cho hay họ bị choáng ngợp với thông tin và muốn có giải pháp cho cái vòng tin tức không ngừng nghỉ,” người phụ trách dự án là Norel Hassan viết.
Trước đó, tờ báo này thử nghiệm dạng tin nhắn nhưng “độc giả nói rằng nó chẳng khác nào đọc email và họ có cảm tưởng như phải lần mò đi qua một danh sách những việc cần làm chứ không phải là tận hưởng những nội dung mà họ quan tâm theo cách thức thật thoải mái.”
“Có một kiểu kinh doanh để khớp với một ngày của độc giả,” đồng nghiệp của Hassan là Kika Gilbert tiết lộ. “Rốt cục thì chúng tôi đi theo mô hình thu phí. Độc giả càng cảm thấy kết nối với chúng tôi và muốn dành nhiều thời gian hơn với chúng tôi, thì càng có nhiều khả năng họ đăng ký dài hạn.” Gilbert và nhóm của cô đã nhiều lần nâng cấp dịch vụ kể từ khi bắt đầu, kể cả việc bổ sung thêm nhiều kênh (hiện là 70). Họ cũng bắt đầu thử nghiệm đẩy thông báo để “độc giả biết khi nào câu chuyện họ quan tâm sẽ được xuất bản,” Gilbert nói.
New York Times, xuất bản khoảng 250 tin bài mỗi ngày, đạt doanh thu 709 triệu USD từ mảng digital trong năm ngoái với 3 triệu người dùng trả phí.
Trong số các sản phẩm báo chí chậm chỉ có phiên bản digital dành cho người dùng trả phí có thể kể
đến Krautreporter của Đức, Republik của Thụy Sỹ, Il Salto của Italy, Long Play của Phần Lan và The Correspondent của Hà Lan.
Đáng chú ý là The Correspondent, được coi là sản phẩm báo chí chậm nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, đã huy động được hơn 2,6 triệu USD năm ngoái từ 46.000 người trong một chiến dịch huy động vốn cộng đồng nhằm “mang thuốc giải độc khỏi cuộc đua tin tức khủng khiếp hàng ngày” tới độc giả nói tiếng Anh với “ít nhất một bài viết mới mỗi ngày.”
Project Syndicate là là một tổ chức truyền thông quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Séc, ra đời giữa thập niên 1990, chuyên xuất bản và cung cấp các bình luận và phân tích về nhiều chủ đề toàn cầu quan trọng. Tham gia viết bài cho họ là những cây viết lừng danh, từ các chính trị gia nổi tiếng trên thế giới như các đương kim và cựu nguyên thủ quốc gia hay nhà lãnh đạo các tổ chức Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những nhà khoa học đoạt giải Nobel hoặc các nhà nghiên cứu danh tiếng.
Project Syndicate cung cấp nội dung cho các cơ quan báo chí lớn tại nhiều quốc gia, đồng thời đăng tải trên trang web của mình và thu phí người dùng. Tổ chức này xuất bản các cuốn dự báo tình hình thế giới rất uy tín (đã được TTXVN mua bản quyền dịch sang tiếng Việt trong năm 2017, 2018), cũng như các ấn phẩm riêng về tăng trưởng bền vững, công nghệ và sáng tạo. Đương nhiên, đây là những nội dung rất kén người đọc.
Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN bắt đầu thử nghiệm báo chí chậm vào giữa năm 2016 với những sản phẩm mega story đầu tiên. Hiệu quả dễ nhận thấy nhất của những nội dung chất lượng cao và được trình bày đẹp đẽ là độc giả dành nhiều thời gian cho những bài viết đó.
Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN bắt đầu thử nghiệm báo chí chậm vào giữa năm 2016 với những sản phẩm mega story đầu tiên.
Nếu thời gian trung bình dành cho các bài viết trên trang VietnamPlus chỉ là dưới 2 phút, thậm chí với nhiều tin tức chỉ tính bằng vài chục giây, thì thời gian độc giả “tiêu tốn” cho các bài mega story dao động trong khoảng 5-7 phút, thậm chí có những nội dung đạt tới 12 phút.
Thời gian đọc (time on site) đang ngày càng trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của một website, chứ không chỉ dựa trên lượng truy cập như trước đây.
Tháng 6/2018, sau 6 năm thử nghiệm, VietnamPlus chính thức dựng tường thu phí và là đơn vị báo chí đầu tiên ở Việt Nam đi theo xu hướng này. Mô hình freemium của VietnamPlus kết hợp giữa nội dung miễn phí với nội dung chuyên sâu thu phí, vừa cung cấp thông tin thời sự cập nhật liên tục cho độc giả, vừa tạo một khu vực nội dung chất lượng cao cho những người quan tâm đến báo chí chậm.
Cách tiếp cận “ít hơn nhưng ý nghĩa hơn” của báo chí chậm rõ ràng là một xu hướng, nhưng nó cũng là một phần của phong trào với quy mô lớn hơn khuyến khích sử dụng thời gian một cách hiệu quả, không chỉ phê phán cuộc đua tranh của báo chí nhằm giành giật sự chú ý của độc giả cũng như thói nghiện mạng xã hội, mà nó còn khuyến khích “giải độc nội dung digital” và các biện pháp khác để bảo vệ trí óc của con người.
Ngay cả các ông lớn công nghệ cũng bắt đầu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này khi đưa ra những tính năng “lành mạnh kỹ thuật số” chẳng hạn như Screen Time của Apple.
Do ngày càng nhiều người nhận thức được và bày tỏ lo ngại về những hậu quả tiêu cực của công nghệ cũng như việc tiêu dùng mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ và cả với xã hội, số người sẵn sàng trả tiền cho các sản phẩm báo chí chậm càng có khả năng tăng lên.
Liệu chậm và chắc có thể thắng cuộc đua?
“Hiện đang có cơ hội [đối với báo chí] để tạo ra những sản phẩm thực sự giúp cho mọi người, và khiến họ trả tiền cho các sản phẩm đó,” Max Stossel, một nhà hoạt động, nhà làm phim kiêm nhà thơ Mỹ nói.
“Khi bạn không có tính năng cuộn trên website để đọc hết tin này đến tin khác và không cố gắng thu hút thêm sự chú ý, bạn sẽ giải phóng mọi người và giảm sức ép đối với độc giả khi họ bước vào môi trường của mình. Nó giống kiểu như ‘OK, đây là lý do tôi đến với báo. Giờ xong bài này rồi, tôi sẽ đọc bài tiếp theo.’”
Stossel, hiện đang làm việc tại Trung tâm Công nghệ Nhân văn ở Thung lũng Silicon – là động lực của phong trào “sử dụng thời gian hiệu quả” – khẳng định rằng những sản phẩm báo chí như Zetland với mô hình kinh doanh thu phí và quan tâm đến thời gian của độc giả không chỉ tốt cho sự mạnh khỏe về tinh thần của người đọc mà còn có lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh cũng muốn tăng lượng thành viên thu phí cũng như những cơ quan báo chí quá phụ thuộc vào nội dung gây sốc và doanh thu quảng cáo để tồn tại.
Liệu với quan điểm đó, Tortoise, Zetland và các sản phẩm báo chí chậm vừa ra đời khác có nhảy lên được con tàu trong cuộc đua với những tờ báo không vội vàng nhưng cũng phát triển ổn định không? Tất nhiên, nó còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi cơ quan báo chí trong việc thu hút và giữ chân đủ số thành viên trả tiền bằng cách tạo ra sự khác biệt và cung cấp chất lượng xứng với số tiền mà độc giả chi ra.
Nhưng đánh giá kỹ hơn sẽ thấy những điểm chung hiệu quả đối với Tortoise, Zetland và những đơn vị cung cấp nội dung báo chí chậm: a) đầu ra nội dung “quản lý được”, b) báo chí chất lượng cao và có ý nghĩa, giúp cho độc giả hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, c) lôi kéo sự tha gia của các thành viên theo cách nào đó, nhất là trong khâu sản xuất nội dung, d) tập trung phục vụ độc giả trả phí và chất lượng báo chí, và e) tìm kiếm tài chính từ cộng đồng, chủ yếu nhằm xây dựng một cơ sở thành viên trung thành với mong muốn có một vai trò tích cực.
Thực tế thì người dùng vẫn bị hút vào những nội dung tức thời mang bản chất gây nghiện trên mạng xã hội. (Nguồn: BetaNews)
Một câu hỏi quan trọng khác là liệu người dùng có chống cự lại được cái gọi là FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) xui khiến tất cả lao lên mạng xã hội mỗi giờ mỗi phút, và kiên định trả phí đọc báo chí chậm trong thời gian dài hay không. Ai cũng nói rằng họ chán ngấy với luồng thông tin dồn dập, lại quá nhiều thông tin tiêu cực vô bổ, muốn thoát ra khỏi tình trạng đó, nhưng thực tế thì họ vẫn bị hút vào những nội dung tức thời mang bản chất gây nghiện.
Tại Việt Nam, nhiều người dùng phê phán những nội dung câu khách gây sốc, hời hợt, thiếu chính xác hoặc thậm chí thông tin sai, nhưng rõ ràng có một thực tế đáng buồn không thể bác bỏ là những nội dung như thế vẫn có rất nhiều người theo dõi. Một bài viết chuyên sâu mang nhiều thông tin và kiến thức hữu ích có thể chỉ có vài ngàn người đọc nhưng một cái tin vô thưởng vô phạt, một tấm hình hay video clip tổng hợp những chuyện giật gân lá cải hoàn toàn có thể có hàng trăm ngàn lượt xem.
Một vấn đề nan giải nữa là câu chuyện thanh toán. Liệu mô hình trả phí của báo chí chậm có vượt qua nổi suy nghĩ của số đông người dùng không chấp nhận mất tiền cho bất kỳ nội dung nào trên mạng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đơn cử như ở Anh, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Reuters, chỉ có 3% người dùng trả phí đọc tin trong năm 2016 (mức trung bình của các quốc gia hiện là 11%). Sự trung thành của độc giả sẽ là một thách thức không nhỏ. Kể cả các thương hiệu báo chí lớn cũng không dễ thu hút độc giả trả tiền.
Đương nhiên, cũng có những mô hình cực kỳ thành công, như Financial Times hay Wall Street Journal thu phí ngay từ đầu, đặc biệt là New York Times với 3,6 triệu người trả phí online và đạt tổng doanh thu tới 1 tỷ USD từ người dùng trong năm 2018 – một minh chứng rằng thu phí từ người dùng mới là cách thức hoạt động bền vững.
Báo chí chậm chưa phải là một cuộc cách mạng, và chưa thể nắm vai trò chi phối trong tương lai gần, nhưng nó mang lại thêm một sự lựa cho những độc giả muốn quản lý những gì họ muốn đọc, muốn tiếp cận những nội dung có ý nghĩa, chứa đựng nhiều kiến thức, giúp họ không bị cuốn vào cơn lốc của thông tin mà trong đó có đầy những thông tin giả mạo, sai lệch.
Theo Vietnamplus
15.07.2019