Với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 32 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Việt Nam sở hữu nguồn lực to lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Vậy giải pháp nào để "biến" những di sản đó thành "tài sản"?Trong những năm qua, để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn từ “mỏ vàng’ di sản, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, "biến" thành "tài sản", phát huy giá trị của "sức mạnh mềm", góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Sức hấp dẫn từ lễ hội
|
Theo thống kê, Việt Nam có gần 9.000 lễ hội - một nguồn di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Nhìn từ mùa lễ hội năm nay, sau 3 năm tạm dừng tổ chức do dịch COVID-19, nhu cầu tham quan các điểm du lịch tâm linh, đền, chùa đi cùng các lễ hội như một “chiếc lò xo bị nén” đã bung trở lại. Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Cổ Loa, lễ hội Đền Trần… đã đón hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu du khách tham quan, chiêm bái và thưởng ngoạn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều này cho thấy nhu cầu tâm linh có thực của người dân. “Lễ hội với việc thờ thánh thần và những tín ngưỡng, sinh hoạt truyền thống được tái hiện có thể giúp người ta một chỗ dựa về tinh thần. Bên cạnh đó, người dân với nhu cầu giải trí và giao lưu tình cảm khi được hòa mình vào không khí chung đã tạo nên sức hấp dẫn của những lễ hội truyền thống”, ông Bùi Hoài Sơn nhận định. Đáng nói, những lễ hội này chính là điểm đặc sắc, hấp dẫn trong các tour du lịch, thu hút khách nội địa và quốc tế. “Trong bối cảnh ngày nay, khi du lịch luôn phải lựa chọn những địa điểm, bối cảnh độc đáo để hút khách thì các lễ hội văn hóa bảo tồn được bản sắc truyền thống sẽ đảm bảo yếu tố đặc trưng mang tính duy nhất, giúp người dân tập trung khai thác du lịch của địa phương mình hiệu quả và văn minh. Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển du lịch theo hướng “more local, more international” - tức là càng giữ được nét bản sắc, càng đặc trưng, càng dễ dàng lan tỏa ra thế giới. Năm 2023, du lịch được kỳ vọng là lĩnh vực đột phá của chúng ta. Vì thế, lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể sẽ chính là sản phẩm độc đáo để tiếp thị với khách quốc tế, trở thành nguồn lực tốt để phát triển du lịch”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. |
Lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể sẽ chính là sản phẩm độc đáo để tiếp thị với khách quốc tế, trở thành nguồn lực tốt để phát triển du lịch.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể sẽ chính là sản phẩm độc đáo để tiếp thị với khách quốc tế, trở thành nguồn lực tốt để phát triển du lịch. ----------------------------------------------------------------------------------- PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Khi du khách
"phải lòng" miền di sản
Nhắc tới Bắc Ninh, nhiều du khách hẳn sẽ nhớ đến hội Lim với làn điệu dân ca quan họ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cùa nhân loại. Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như: Rối nước Đồng Ngư; Tranh dân gian Đông Hồ… Nơi đây hàng năm đón tiếp hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm. Điều này lý giải vì sao bà Vũ Phương Ly (ở TP Hồ Chí Minh) từng tham dự hội Lim hồi tháng Giêng vừa qua nhưng khi nghe tin Bắc Ninh lại tổ chức festival “Về miền Quan họ” 2023, lại tức tốc đặt vé ra để tham dự. Bà Phương Ly kể: “Tôi rất yêu quan họ. Bởi vậy, mỗi dịp Bắc Ninh tổ chức sự kiện về văn hóa, tôi đều cố gắng thu xếp công việc để đi xem. Tôi cảm nhận, gần đây, tỉnh Bắc Ninh rất chú trọng khai thác các di sản văn hóa phi vật thể để thu hút du khách, phát triển du lịch. Các lễ hội được tổ chức công phu, ấn tượng vì bảo lưu được bản sắc truyền thống”. Đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Đại sứ Palestine - Ngài Saadi Salama có nhiều ấn tượng tốt đẹp về dài đất hình chữ S. Nhận định về du lịch văn hóa, ông Saadi Salama, cho rằng, Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé nhưng sở hữu nhiều điều mà không phải quốc gia nào cũng có được. “Đặc biệt, trong du lịch - một lĩnh vực quan trọng đang rất được các nhà lãnh đạo quan tâm. Trước đây, ai cũng biết về Việt Nam qua chiến tranh nhưng bây giờ mọi người cũng muốn tìm hiểu về Việt Nam qua sự phát triển về kinh tế - xã hội và qua những khu du lịch tuyệt vời", ông Salama nói. |
Mới đây, trong chuyến tham quan tỉnh Bắc Ninh, ông Saadi Salama cùng gần 150 đại biểu khác đến thăm Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành). Tại đây, khi được nghe giới thiệu nguồn gốc nghề làm tranh dân gian, nguyên liệu, quy trình, kỹ thuật sản xuất tranh Đông Hồ; Được giao lưu với nghệ nhân, trải nghiệm in tranh trên giấy dó, ông đã bày tỏ cảm xúc ấn tượng về vẻ đẹp, giá trị độc đáo, đặc sắc của dòng tranh dân gian này. “Chúng tôi tận mắt thấy được sự sống động, lung linh, kỳ ảo trong thế giới nghệ thuật của tranh Đông Hồ. Cảm ơn những nghệ nhân tài hoa đã mang đến cho bạn bè quốc tế và chúng tôi những trải nghiệm và cảm xúc hết sức thú vị và độc đáo. Chúng tôi cam kết sẽ ủng hộ những đề nghị của Việt Nam để nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của tỉnh Bắc Ninh được UNESCO công nhận”, ông Saadi Salama nói. |
Đặc biệt, ông Saadi Salama bày tỏ vinh dự khi từng được tham dự một số lễ hội tại Việt Nam: “Tôi đặc biệt ấn tượng với hội Lim tại Bắc Ninh vào ngày 13 tháng Giêng. Tôi rất hâm mộ dân ca quan họ Bắc Ninh. Khi đến tham dự lễ hội, tôi được thưởng thức rất nhiều làn điệu quan họ. Tôi cho rằng, việc công nhận hát quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới là quyết định đúng đắn của tổ chức UNESCO. Tôi cũng hy vọng, các liền anh liền chị quan họ sẽ giữ mãi những làn điệu quý báu này cho thế hệ mai sau”.
|
Những con số "biết nói"
Có thể nói, du lịch từ di sản đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương sở hữu di sản. Số liệu thống kê của các địa phương thời gian qua cho thấy, các di sản thế giới sau khi được công nhận đều tăng nhanh số lượng du khách và năm sau tăng nhiều hơn năm trước. Theo Tổng cục Du lịch, hơn 70% du khách nước ngoài mỗi khi đặt chân đến Việt Nam đã dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, khám phá những “vỉa quặng lấp lánh” chứa đựng trong mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt. Đơn cử, tại Ninh Bình, hơn 8 năm từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, ngành Du lịch địa phương này đã có nhiều bứt phá. Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình cho thấy, phát triển du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; Tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân. Quần thể danh thắng Tràng An thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh), đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch toàn tỉnh đạt 3.600 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2015. Đặc biệt, trong quý I/2023, tổng lượt khách du lịch đến Ninh Bình ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt, khách quốc tế gần 126 nghìn lượt. Doanh thu ước đạt hơn 2.487 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. . |
Ngoài Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế được coi là “tấm gương sáng” khi có chiến lược bảo tồn, phát huy di sản hiệu quả. Địa phương này sở hữu hai di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Đó là quần thể di tích cố đô, nhã nhạc cung đình Huế. Từ khi được UNESCO ghi danh đến nay, các di sản này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra điểm đến hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Theo thạc sĩ Nguyễn Phúc Lưu, trường Đại học Kinh tế quốc dân: Khi mới được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, quần thể di tích cố đô Huế chỉ đạt vài chục nghìn lượt khách du lịch. Đến nay, nơi này đã thu hút hàng triệu khách tham quan, du lịch mỗi năm. Tổng thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 - 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; Tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp. |
Đánh giá về nguồn lực di sản của địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận: “Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương. Kinh tế dịch vụ chiếm từ 51 - 53% GDP, trong đó dịch vụ, du lịch từ di sản chiếm tỷ trọng chính. Doanh thu toàn xã hội từ du lịch, dịch vụ dựa trên khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng cao”. Tại Quảng Ninh, vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994 nhờ giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo. Năm 2000, vịnh Hạ Long lần thứ 2 được ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới bởi giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo. Năm 2011, vượt qua 261 kỳ quan nổi tiếng trên toàn thế giới, vịnh Hạ Long được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Năm 2019, ước tính lượng khách đến vịnh Hạ Long đạt 4,4 triệu lượt, trong đó có gần 2,9 triệu lượt khách quốc tế; Thu phí đạt hơn 1.294 tỷ đồng... Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, khách quốc tế đến Quảng Ninh trong quý I/2023 đạt 283 nghìn lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 8.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2022. Ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính, chiếm tỷ trọng hơn 30% trong GRDP của tỉnh. Rõ ràng, những con số tăng trưởng trên là minh chứng cho sự khai thác, phát huy giá trị rất hiệu quả từ di sản để phục vụ du lịch, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. |
|
Việt Nam có một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; Hơn 41 nghìn di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; Gần 9.000 nghìn lễ hội. 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú đã hòa quyện thành một dân tộc Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử quý báu - yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hiền hậu, mến khách, đoàn kết, cần cù, chăm chỉ, linh hoạt, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương đất nước. |
(Còn nữa)
Thực hiện: Thanh Thắng |
|