eMag azine
08/11/2023 16:52
"Biệt thự phế liệu" của họa sĩ "khùng" - nơi rác thải tái sinh

08/11/2023 16:52

TTTĐ - Bên trong "xưởng tái sinh" tại TP Hội An (Quảng Nam), những thứ cũ kỹ, bỏ đi như: Nhựa, lưới, gỗ, thép... được họa sĩ Nguyễn Quốc Dân "thổi hồn" trao cho hình hài mới, tái chế thành vật dụng hàng ngày và các tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa ý thức giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Họa sĩ

Họa sĩ tái sinh rác thải

Bên trong "xưởng tái sinh" tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), những thứ cũ kỹ, bỏ đi như: Nhựa, lưới, gỗ, thép...được họa sĩ Nguyễn Quốc Dân "thổi hồn" trao cho hình hài mới; tái chế thành vật dụng hàng ngày và các tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa ý thức giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn Quốc Dân (sinh năm 1984) là họa sĩ, sinh ra và lớn lên ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, thực hành nghệ thuật nhiều năm, từng có 4 triển lãm cá nhân. Anh được người dân thành phố Hội An yêu mến đặt cho biệt danh "Dân khùng", "Dân đồ vá" bởi phong cách nghệ thuật "lạ" của mình.

Họa sĩ tái sinh rác thải

Ngay từ nhỏ, gia đình nghèo khó, sống trong trại mồ côi, anh Dân đi nhặt phế liệu từ khi lên 3 tuổi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì vậy, anh đã đã gắn bó quen thuộc với những thứ đồ cũ kỹ bỏ đi của người khác ở các bãi rác lớn ở Hội An hay dọc các bãi biển.

Năm 2020, anh mở "xưởng tái sinh" tại thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An - nơi anh thêm vòng đời mới cho những thứ tưởng chừng bỏ đi. “Xưởng tái sinh” của anh Dân chỉ là một ngôi nhà cũ được làm từ những tấm tôn tự chế, trên mảnh đất rộng khoảng 1.000m2 anh vẫn thường gọi nơi đây là “xưởng tái sinh” hay biệt thự phế liệu.

Từ TP Hồ Chí Minh trở về Hội An, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân muốn tạo ra một không gian nghệ thuật đủ “điên” để có thể giữ chân anh, người nghệ sĩ thích đi lang thang và có thể sáng tác ngẫu hứng ở bất cứ đâu.

Họa sĩ tái sinh rác thải

Vốn có tình cảm đặc biệt với những đồ vật cũ kỹ mang nhiều kỷ niệm, anh xây dựng một ngôi nhà gọi là “xưởng tái sinh”, được làm từ rác thải, phế liệu để có thể tập trung sáng tác nghệ thuật tái sinh, với mong muốn biến các vật liệu cũ thành tác phẩm nghệ thuật và lan tỏa tinh thần tái sinh đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Ý tưởng về không gian sáng tác và triển lãm nghệ thuật độc đáo này đã hoài thai từ năm 2019 và vẫn tiếp tục được bồi đắp thêm từng ngày cho đến hiện tại. Với anh Dân, “rất khó để nói rằng bao lâu thì xưởng sẽ hoàn thiện vì để ‘tái sinh’ đủ đầy theo ý mình thì cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”.

Họa sĩ tái sinh rác thải
Xường tái sinh, với diện tích rộng khoảng 200m2, mọi ngóc ngách đều là những tác phẩm sắp đặt.

Trong không gian nhà xưởng, xung quanh bao bọc bằng những miếng tôn cũ kỹ, chính giữa là một giếng trời, hầu như những đồ nội, ngoại thất đều được tạo thành từ những tác phẩm tái chế, đồ phế liệu như một lời khẳng định về tầm quan trọng của đồ cũ, không phải đã qua sử dụng là sẽ bỏ đi mà còn có thể tận dụng thành đồ sinh hoạt hàng ngày.

Tới bãi phế liệu, đứng khoanh tay nhìn quanh một vòng, anh Dân có thể biết mình cần những “nguyên liệu” gì tiến hành tái chế rác thải. Vì tôi sáng tác với những vật dụng bỏ đi như rác thải, phế liệu, nên việc thực hiện chỉ mỗi mình tôi. Tôi như người “điên” lang thang khắp nơi và nơi nào có rác thải, tôi lại tìm tới, nhất là những bãi biển xinh đẹp dọc miền Trung: Hội An, Duy Hải, Tam Kỳ... và sắp tới sẽ là Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định…

"Gia công một tác phẩm rất dễ, vì mình chỉ vẽ đường, thợ sẽ cắt theo đường chỉ đó. Điều khó nhất chính là ý tưởng. Từ một chiếc thau nhôm hay bồn inox, đồ nhựa bỏ đi, mình biến nó thành tác phẩm gì, việc này mất rất nhiều thời gian", anh Dân bộc bạch.

Họa sĩ tái sinh rác thải

Lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên và chất liệu sáng tác cũng rất "thiên nhiên", những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân không chỉ thu hút được sự quan tâm của người dân Hội An mà đông đảo du khách quốc tế thích thú với những tác phẩm có một không hai này.

Xưởng tái sinh của anh Dân đón nhiều người yêu nghệ thuật đến xem và thưởng thức tác phẩm được tái chế từ phế liệu. Trong đó, nhiều người đến vì tò mò, lại có người đến vì yêu mến những tác phẩm này.

Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải
Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải

Là một nghệ sĩ độc lập theo đuổi dòng tranh “Phi lập thể”, được biết trong nhiều năm, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đã gây dấu ấn với các triển lãm cá nhân như: Phi lập thể (2011), Phi lập thể đa sắc (2012), Phi lập thể phấn (2014), Phi lập thể chân dung (2016). Qua những buổi triển lãm với những tác phẩm để lại tiếng vang lớn trong làng mỹ thuật Việt, anh đến gần hơn với hành trình lan tỏa hành động giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Xưởng tái sinh đã trở thành địa điểm “không thể bỏ qua” của du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến TP Hội An. Xưởng dựng hoàn toàn bằng tôn phế liệu nhưng thiết kế đặc biệt thu hút. Hệ thống cửa tròn độc đáo tạo hình mặt trăng - mặt trời, mọi đồ dùng nội ngoại thất ở đây đều được tận dụng chế tác từ phế liệu bỏ đi.

Họa sĩ tái sinh rác thải
Ở đây như là nơi “an trú” của phế liệu chờ tái sinh và là nơi các tín đồ yêu phế liệu tái sinh ở khắp nơi tìm về

“Từ những thứ bỏ đi hay bị coi thường trong đời sống, anh Dân đã tái sinh chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Không chỉ tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống hàng ngày mà họa sĩ Dân còn truyền đi thông điệp về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái chế rác thải nhiều hơn nữa.

Về mặt môi trường, việc thu gom, tái chế hoặc chuyển đổi các vật liệu này sang các dạng khác có vòng đời dài hơn sẽ giảm thiểu sự tồn tại của các vật liệu này trong môi trường sống; giảm được tác động tiêu cực của các vật liệu này lên môi trường, các loài động thực vật và hệ sinh thái” anh Antoine Aimé (du khách nước Pháp) chia sẻ.

Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải
Họa sĩ tái sinh rác thải
Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải Họa sĩ tái sinh rác thải

Các tác phẩm nghệ thuật ở đây lại được hình thành từ chính những phế liệu bỏ đi. Những chiếc thùng phuy rỗng được sơn lại, cắt tỉa nghệ thuật thành chiếc lồng đèn khổng lồ hay chiếc “ghế thiên thần” độc đáo. Ma-nơ-canh không đầu được tuốt sơn, đội chiếc nón có một không hai khéo léo cắt xẻ từ chiếc mâm nhôm, nắp xoong bỏ đi.

Những mặt nạ bằng gỗ hay chiếc máy tuốt lúa hư hỏng được anh Dân “hô biến” tạo hình thành tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, nhà vệ sinh bằng bồn nước inox phế liệu khiến nhiều vị khách không khỏi ngỡ ngàng.

Theo anh Dân, việc tái tạo những thứ dường như bỏ đi không chỉ tránh lãng phí, mà còn lan tỏa đến mọi người về giá trị của phế liệu. Thành phố Hội An là điểm đến của nhiều du khách nên anh muốn góp phần lan tỏa, mang đến cho khách trong nước và quốc tế điểm nhấn nổi bật từ các sản phẩm tái chế của mình.

“Cái hay ở đây là sự hy vọng lan tỏa đến với cộng đồng quốc tế không những ngay tại vùng đất Hội An mà trên cả nước. Tôi mong muốn có những bảo tàng tái sinh phế liệu. Đó không chỉ là nơi hội tụ, nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật mà còn kết nối, lan tỏa thông điệp nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế phế liệu”, anh Nguyễn Quốc Dân trải lòng.

Nội dung: Đoàn Minh - Út Vũ

Trình bày: Phạm Mạnh

Họa sĩ tái sinh rác thải

Phạm Mạnh