blouse trắng xóa nỗi ám ảnh hậu covid-19 |
Kéo dài đến hết tháng 12/2022, hành trình Thầy thuốc trẻ chăm sóc sức khỏe hậu COVID sẽ tiếp cận hàng triệu người dân khắp cả nước, giúp họ xóa đi nỗi lo lắng. Hành trình đang lan tỏa ý nghĩa, giúp tầm soát sớm các biến chứng của hậu COVID-19 |
|
Từng bị nhiễm SARS-CoV-2 hồi tháng 3/2022, khỏi bệnh, anh Đỗ Đình Toàn (Hà Đông, Hà Nội) vẫn gặp nhiều triệu chứng: Hụt hơi, mệt mỏi, hay quên, stress… Anh bày tỏ: “Không chỉ tôi mà còn nhiều bạn bè nữa cũng đang gặp phải vấn đền này và nỗi sợ hậu COVID”. Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán trở lại với công việc được nửa tháng, anh Đỗ Đình Toàn vô tình tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 và trở thành F0. “Chỉ sau tiếp xúc một ngày, gặp phải mưa, về nhà tôi bắt đầu bị đau họng và test COVID-19 thì lên hai vạch. Rồi các triệu chứng: Sốt cao, khó thở, nồng độ oxy trong máu sụt giảm, đau đầu, đau bụng, mất mùi vị lần lượt xuất hiện. Lúc ấy, tôi khá hoang mang, tuy nhiên, cũng thời điểm đó các ca COVID-19 gia tăng “chóng mặt”, vào nhóm F0 của phường, được chia sẻ cách điều trị nên tôi bình tĩnh hơn”, anh nói. Sau một tuần cách ly, uống thuốc đều đặn, tự điều trị, anh Toàn khỏi bệnh. Có điều, các triệu chứng hậu COVID lại thường xuyên xuất hiện với anh. Cho đến bây giờ, anh vẫn dễ bị mệt mỏi, đau xương khớp, hụt hơi, hay quên. |
Người dân được khám sức khỏe hậu COVID-19 |
“Mình có tham khảo tài liệu và thấy người từng bị COVID dễ mắc triệu chứng sương mù não. Đấy được coi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhân COVID-19 kéo dài. Triệu chứng dai dẳng này thường khiến người bị rơi cảm giác mơ hồ, không thể tập trung”, anh Toàn chia sẻ. Từ một người vui vẻ hòa đồng, sau khi nhiễm SARS-CoV-2, Nguyễn Thuỳ Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi tâm tính và lối sống khác thường, tránh né tiếp xúc mọi người xung quanh. Trải qua 3 tháng hậu COVID-19, cô gái trẻ sống trong mệt mỏi, vô cảm, suy diễn bản thân có thể mắc phải các bệnh lây nhiễm… Cả ngày Liên chỉ chăm chăm rửa tay sát khuẩn. Hễ cứ đụng vào thứ gì là cô lại muốn rửa tay, nhìn đồ vật xung quanh đều nghi ngờ mang mầm bệnh COVID-19. Kể cả với những con thú cưng nuôi ở nhà, cô cũng xua đuổi đi vì sợ lây bệnh. Sau thời gian trị liệu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, cuộc sống của Thuỳ Liên mới dần ổn định lại. |
|
Thấu hiểu nỗi lo về sức khỏe hậu COVID-19, những ngày đầu tháng 5/2022, Trung ương Hội LHTN - Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã triển khai Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2022, với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19”. Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: “Hội Thầy thuốc trẻ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ kịp thời lực lượng y tế tuyến đầu và Nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch. Thống kê sơ bộ, Hội đã huy động hơn 130 tỷ hiện vật hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu, tiêu biểu với những mô hình container cung cấp oxy, container xét nghiệm lưu động và khám bệnh. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động gần 20.000 tình nguyện viên cả nước, khám, sàng lọc, tư vấn và chuyến tuyến cho gần 4 triệu lượt người dân. Bộ cẩm nang chăm sóc sức khỏe khi nhiễm COVID-19 của Hội đã được chia sẻ với hơn 10 triệu lượt tải…”. |
Lễ ra quân hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, chăm sóc sức khoẻ hậu COVID-19 năm 2022 tại Huế |
Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2022 tập trung chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho Nhân dân cả nước. Hành trình năm nay sẽ có các hoạt động chính: Khám, chữa bệnh tình nguyện trực tiếp cho người dân, chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19; Khám bệnh, theo dõi sức khỏe qua tổng đài và telehealth, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; Xây dựng chuyên trang, phát hành bộ cẩm nang điện tử cập nhật thường xuyên về chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19. TS Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho hay: “Mục tiêu quan trọng của hành trình là phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu COVID-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe cho người hậu COVID-19. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII. Thông qua chương trình, Đoàn, Hội sẽ thúc đẩy tinh thần tình nguyện, xung kích và đoàn kết của lực lượng thầy thuốc trẻ và thanh niên trong các hoạt động vì sức khỏe cộng đồng, cổ vũ tinh thần sống đẹp, sống có ích trong thanh niên, góp phần tiên phong vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, phục hồi sau đại dịch, vì một Việt Nam khỏe mạnh”. |
|
Cụ thể hóa phát động của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội tổ chức hành trình “Thầy thuốc trẻ Thủ đô chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19: Chạm “AI”- Chạm sức khỏe” được tổ chức nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu COVID-19, can thiệp chăm sóc và điều trị, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến các hoạt động chức năng và sức khỏe người dân. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến phát biểu tại lễ phát động hành trình Lễ phát động hành trình được tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, trong hành trình hơn 1 triệu người dân, thanh thiếu nhi Thủ đô sẽ được khám sức khỏe hậu COVID-19 trực tiếp và tư vấn trực tuyến miễn phí từ nay đến hết năm 2022, bằng hình thức tư vấn trực tuyến thông qua ứng dụng AIviCare.Phương thức khám chữa bệnh số hóa hoàn toàn, toàn bộ hồ sơ bệnh án số được lưu trữ mang tính cá nhân, tập trung, và hoàn toàn bảo mật theo chuẩn quốc tế HL7 trên ứng dụng AIviCare. Từ đó, người bệnh có thể tra cứu dễ dàng mọi lúc mọi nơi. Ngay sau lễ phát động, hành trình “Thầy thuốc trẻ Thủ đô chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19: Chạm “AI”- Chạm sức khỏe” được tổ chức thu hút 2.000 người dân đăng ký khám – tư vấn bệnh theo hình thức offline và online qua ứng dụng AIviCare. Đây là hành trình chăm sóc sức khỏe được kéo dài hết năm 2022 với mục tiêu giúp 1 triệu người dân Việt Nam khắc phục được các biến chứng hậu COVID-19 trên: tim mạch, hô hấp, phổi, huyết áp, tâm lý,... |
Sự kiện thứ hai trong hành trình tiếp tục diễn ra tại trường THCS Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) thu hút gần 1.000 người dân và trẻ em đến thăm khám. Cả gia đình bị nhiễm COVID-19 và đã được chữa trị khỏi nhưng anh Lê Văn Trung (Long Biên, Hà Nội) vẫn không khỏi lo lắng. Hai bé con anh có triệu chứng hậu COVID như ho dai dẳng… Vì thế, ngay khi biết thông tin về chương trình chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, anh Trung đã đưa con đến thăm, khám.
|
Người dân được thăm khám bởi các y, bác sĩ đến cơ sở uy tín như: Khám lâm sàng với bác sỹ hô hấp của Bệnh viện Phổi Trung ương. Người dân được chụp XQuang tại chỗ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra cảnh báo, hạn chế ô nhiễm môi trường bằng cách không in phim cứng và trả kết quả tư vấn ngay trên điện thoại qua ứng dụng AIviCare. Bệnh nhân cũng được khám lâm sàng với bác sỹ tim mạch của Viện Tim mạch Việt Nam, kiểm tra nhịp tim và đo điện tâm đồ; Kiểm tra những biến chứng về tâm lý, sức khỏe tâm thần bởi các bác sỹ chuyên gia hàng đầu, đưa ra những định hướng và tư vấn giúp khắc phục tình trạng bệnh. |
Đối với trẻ em được thăm, khám bởi các bác sỹ chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Nhi Trung ương; Khám sức khỏe tổng quát và chuyên sâu bởi các bác sỹ đến từ 14 bệnh viện khác nhau trên địa bàn thành phố. Anh Lương Đình Trung, Khoa Cơ xương khớp, bệnh viên Đa khoa Đức Giang cho biết: “Việc người dân được khám, tư vấn để chữa trị kịp thời sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, hành trình “Thầy thuốc trẻ Thủ đô chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 tổ chức tại nhiều địa điểm đồng nghĩa với việc nhiều người dân được tiếp cận với lực lượng y tế để có sự tư vấn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Với tinh thần tình nguyện cao nhất chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ mọi người”. |
|
Sự nhiệt thành của những Blouse trắng như anh Trung đã tạo sự an tâm cho rất nhiều người dân không may mắc các chứng hậu COVID-19 cũng như người thân trong gia đình họ. Sau khi hoàn thành việc thăm khám, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Phượng (quận Long Biên, Hà Nội) nở nụ cười tươi ra về. Chị Phượng cho biết, là chương trình tình nguyện nhưng mẹ chị được thăm khám bởi đội ngũ y, bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn và rất nhiệt tình. “Không chỉ y, bác sĩ các tình nguyện viên áo xanh cũng tích cực hỗ trợ mẹ con mình. Mẹ mình đã già không thể tự đi lại mà phải ngồi xe lăn. Đến đây, mẹ tôi không chỉ được khám bệnh miễn phí và còn nhận được sự quan tâm, động viên. Cảm ơn các y, bác si trẻ. Cảm ơn chương trình thực sự ý nghĩa với dân”, chị Phượng chia sẻ. |
Người dân đến khám sức khỏe hậu COVID-19 không chỉ nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành của y, bác sĩ mà cả thanh niên tình nguyện |
Giống như chị Phượng , anh Mạnh Hưởng, người dân ở phường Thượng Thanh (Long Biên) cũng cảm thấy ui, an tâm hơn rất nhiều. Suốt thời gian qua, vợ chồng anh luôn lo lắng khi hai đứa con nhỏ sau COVID-19 sức khỏe không ổn định, hay bị ho. “Tôi yên tâm hơn khi các bác sĩ cho biết vì di chứng hậu COVID-19 ở thể nhẹ, không phải vào bệnh viện điều trị. Gia đình mình chỉ cần giúp cháu vệ sinh họng và uống thuốc theo đúng đơn bác sỹ là nữa sẽ khỏi”, anh Hưởng chia sẻ. Anh Hưởng cho biết thêm, nhiều người dân không may gặp biến chứng hậu COVID-19 nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến các bệnh viện thăm khám ngay. Những biến chứng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. “Thật may mắn có những chương trình tình nguyện như này. Rất nhiều người dân hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế để thăm, khám sức khỏe. Đó là niềm vui rất lớn mà các y bác sĩ tổ chức Đoàn, Hội đã mang lại”, anh Hưởng chia sẻ. |