Cần tăng cường tuyên truyền, răn đe phòng ngừa tội phạm buôn bán, tàng trữ pháo nổ
Liên tục bắt giữ đối tượng mua, bán pháo nổ
Khoảng 2 giờ sáng ngày 13/1/2021, tại Km 135 Quốc lộ 1 Lạng Sơn – Hà Nội, địa phận phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô Innova BKS: 12A-01089 do Nguyễn Quang Huy, (SN 1991, ở Phổ Yên, Thái Nguyên) điều khiển. Đi cùng xe còn có Nguyễn Văn Dũng (SN 1997, ở huyện Ba Vì, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có 7 thùng hàng, bên trong có chứa 108 bệ pháo hoa nổ loại giàn 36 và 6 bệ pháo hoa nổ loại giàn 100. Tổng trọng lượng khoảng gần 200kg. Huy và Dũng khai nhận mua số pháo hoa trên tại Lạng Sơn để mang về Hà Nội tiêu thụ.
Hai đối tượng vận chuyển pháo hoa nổ bị tạm giữ cùng tang vật |
Tiếp đó khoảng 11 giờ cùng ngày, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Đông Anh phát hiện đối tượng Dương Ngọc Trọng (SN 1994, trú tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) điều khiển xe ô tô chứa hơn 9kg pháo trong cốp xe.
Qua điều tra, Trọng khai nhận số pháo gồm 9,1kg do anh ta mua của một người không quen biết qua mạng Facebook với giá 750.000 đồng/hộp và đang trên đường vận chuyển về nhà để đến Tết Nguyên đán Tân Sửu sử dụng.
Trước đó, ngày 20/12/2020, Công an huyện Đông Anh cũng đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ buôn bán và tàng trữ hàng cấm liên quan đến pháo. Cơ quan Công an đã lập hồ sơ xử lý Đoàn Ngọc Thịnh (SN 1998) trú tại xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, Thái Bình vận chuyển 8,1kg pháo và Đỗ Tiến Chính (SN 1994) trú tại Tâm Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tàng trữ 8,2kg pháo.
Tiếp đến, ngày 23/12/2020, cơ quan Công an đã bắt giữ và khám xét khẩn cấp đối tượng Trịnh Văn Tuấn (SN 1960) ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thu giữ 40 hộp pháo dàn; 420 quả pháo “ông sư”, 2 bánh pháo có khối lượng 96kg.
Hiện các vụ việc trên đang được cơ quan công an củng cố hồ sơ, đề nghị xác lập án điểm để xét xử các đối tượng với mục đích tuyên truyền, răn đe và phòng ngừa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Công an huyện Đông Anh bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, tàng trữ pháo nổ |
Không chỉ có các đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ bị bắt giữ, mới đây một số người tự chế pháo nổ dẫn tới tai nạn, phải nhập viện điều trị. Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong các ngày 5 và 8/1/2021, Bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ, trong số này có 2 em 15 tuổi. Cả ba trường hợp đều đang chế tạo pháo thì phát nổ khiến các nạn nhân dập nát, cụt tay, chân, đa chấn thương.
Sử dụng pháo thế nào cho đúng với quy định?
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những quy định của pháp luật trong việc sử dụng pháo… Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, ngày 27/11/2020 Chính phủ ban hành tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Theo quy định mới, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV về việc sử dụng pháo hoa thế nào cho đúng với quy định của pháp luật |
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung nhiều hành vi mới bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo như: Thứ nhất, nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Thứ hai, nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ tư, nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức… Nghị định này có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Vìvậy người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn.
Pháo hoa người dân được phép sử dụng, theo quy định (tại điểm b, khoản 1, Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ-CP) là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm người dân sử dụng.
Nếu người dân sử dụng pháo hoa nổ thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi dân sự thì mới được sử dụng pháo hoa. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo như sau: Về tội danh: Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “buôn lậu”; Người nào có hành vi mua bán trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “buôn bán hàng cấm”.
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định tại Điều 191 về Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Theo đó: tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Pháo nổ từ 40kg đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Pháo nổ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tổ công tác Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phát hiện, bắt giữ đối tượng Lý Minh Giang vận chuyển hàng trăm hộp pháo nổ vào tối 17/1/2021 |
Trả lời câu hỏi của PV về việc một số em chưa đủ 18 tuổi mua bán, tàng trữ, tự chế pháo nổ, sẽ bị xử lý thế nào? Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, việc xử lý hành chính các cháu ở độ tuổi chưa thành niên thì Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính...".
Bộ luật hình sự hiện hành quy định tại Điều 12, Tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định trong một số điều của Bộ luật này. Do đó nếu các cháu từ đủ 16 tuổi trở lên có các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì cũng sẽ bị xử lý.
“Do ở độ tuổi này các cháu chưa đủ hiểu biết các kiến thức về pháp luật, chưa hiểu được hậu quả của hành vi sản xuất, tàng trữ pháo nổ hay pháo hoa nổ là gây nguy hại cho xã hội do đó chúng ta cần phải có các biện pháp tuyên truyền tích cực”, luật sư Diệp Năng Bình nói.